Tuần 16 - Ngày 24/11/2024
|
|
|
|
Thông tin định kỳ
|
|
|
Lịch sử Kiến trúc
Văn Miếu Bắc Ninh, Việt Nam |
22/03/2020 |
Thông tin chung:
Công trình: Văn Miếu Bắc Ninh
Địa điểm: Phường Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh (21°10′29″B 106°4′8″Đ)
Quy mô: Diện tích đất 10000m2
Năm hình thành: Thế kỷ 15
Giá trị:
Truyền thống khoa cử
Chế độ khoa cử phong kiến Việt Nam đã trải qua 845 năm, bắt đầu từ năm 1075 triều Lý đến năm 1919 triều Nguyễn với 188 khoa thi và 2971 vị đỗ Đại khoa (Trạng nguyên, Thám hoa, Bảng nhã, Tiến sĩ và Phó bảng). Riêng vùng Bắc Ninh - Kinh Bắc gần 700 vị, theo địa giới hành chính hiện nay thì tỉnh Bắc Ninh có khoảng gần 400 vị.
Làng nào có từ 10 người trở lên đỗ Đại khoa qua các kỳ thi của Nhà nước phong kiến được gọi là Làng khoa bảng. Trên vùng châu thổ Bắc bộ có 23 làng khoa bảng, trong đó:
Thành phố Hà Nội có 7 làng: làng Đông Ngạc, Từ Liêm (20 người); làng Tả Thanh Oai, Thanh Trì (12 người); Hạ Yên Quyết, Từ Liêm (11 người); Nguyệt Áng, Thanh Trì (11 người); Phú Thị, Gia Lâm (10 người); Thượng Yên Quyết, Từ Liêm (10 người); Chi Nê, Chương Mỹ (10 người);
Tỉnh Bắc Ninh có 6 làng: Kim Đôi, Kim Chân, Bắc Ninh (21 người); Tam Sơn, Từ Sơn (17 người); Nội Duệ, Tiên Du (13 người); Hương Mạc, Từ Sơn (11 người); Vĩnh Kiều, Từ Sơn (10 người); Vọng Nguyệt, Tam Giang, Yên Phong (10 người);
Tỉnh Hưng Yên có 3 làng: Xuân Cầu, Nghĩa Trụ, Văn Giang (11 người); Lạc Đạo, Văn Lâm (11 người); Thổ Hoàng, Ân Thi (10 người);
Tỉnh Hải Dương có 2 làng: Mộ Trạch, Bình Giang (34 người); Nhân Lý, Nam Sách (11 người);
Tỉnh Thanh Hóa có 2 làng: Cổ Đôi, Nông Cống (11 người); Nguyệt Viên, Hoằng Quang, Hoằng Hóa (11 người);
Tỉnh Vĩnh Phúc 1 làng: Quan Tử, Sơn Đông, Lập Thạch (12 người);
Tỉnh Bắc Giang có 1 làng: Yên Ninh, Việt Yên (10 người);
Tỉnh Hà Tĩnh có 1 làng: Đông Thái, Tủng Ảnh, Đức Thọ (10 người).
Tỉnh Bắc Ninh tuy đứng ở vị trí thứ hai về số làng với 6 làng, song lại có Làng khoa bảng Tam Sơn đứng đầu trong tất cả các Làng khoa bảng với 2 vị đỗ Trạng nguyên, được dân gian khen ngợi: “Tam Sơn là đất ba gò, Của trời vô tận một kho nhân tài”.
Bắc Ninh có nhiều vị thi đỗ Trạng nguyên, trong đó nổi tiếng là:
Lê Văn Thịnh (1050 - 1096), người làng Bảo Tháp, huyện Gia Bình, đỗ Trạng nguyên năm 1075. Trạng nguyên đầu tiên của Việt Nam;
Lý Đạo Tái (1254-1334), người thôn Vạn Ty, xã Thái Bảo, huyện Gia Bình, Bắc Ninh, đỗ trạng nguyên năm 1274. Sau một thời gian làm quan, ông cáo quan về quê và tu hành, lấy pháp hiệu là Huyền Quang, trở thành vị tổ thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm;
Nguyễn Đăng Đạo (1651–1719), người thôn Hoài Thượng, xã Liên Bão, huyện Tiên Du, đỗ Trạng nguyên năm 1683, còn gọi là Trạng Bịu. Ông làm quan tới chức Tể tướng, được phong là Lưỡng quốc Trạng nguyên.
Văn Miếu Bắc Ninh
Văn Miếu Bắc Ninh nằm tại vùng Thị Cầu thuộc tổng Đỗ Xá, huyện Võ Giàng, phủ Từ Sơn, xứ Kinh Bắc (bao gồm Bắc Ninh, Bắc Giang và một số xã sau này nhập về huyện Gia Lâm, Đông Anh thuộc Hà Nội và Văn Lâm, Văn Giang thuộc Hưng Yên), ngày nay là phường Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.
Văn Miếu Bắc Ninh là một trong số ít văn miếu xưa còn tồn tại trong cả nước (Văn Miếu-Quốc tử giám, Hà Nội; Văn Miếu Xích Đằng, Hưng Yên; Văn Miếu Mao Điền, Hải Dương; Văn Miếu Bắc Ninh; Văn Thánh Miếu Huế; Văn Miếu Vĩnh Long…).
Văn Miếu Quốc tử giám Hà Nội ghi danh các vị đại khoa thời Hậu Lê - Mạc, Văn Miếu Huế ghi danh các vị đại khoa thời Nguyễn, còn Văn Miếu Bắc Ninh ghi khắc tên tuổi, khoa danh của 677 vị tiến sĩ từ thời Lý - Trần xuất thân từ Kinh Bắc.
Văn Miếu Bắc Ninh được khởi công xây dựng vào thời Hậu Lê, thế kỷ 15, tại núi Châu Sơn, Thị Cầu, phía Đông Bắc thành Bắc Ninh, nay thuộc địa bàn phường Thị Cầu, thành phố Bắc Ninh.
Năm 1802, sau khi lên ngôi, vua Gia Long (Nguyễn Ánh, hoàng đế sáng lập nhà Nguyễn, trị vì từ năm 1802- 1820) đã cho tu bổ lại Văn Miếu.
Năm 1838, Văn Miếu dù được tu sửa lại, song dần trở nên hoang phế.
Năm 1893, Văn Miếu được chuyển về núi Phúc Đức, trung tâm của thành Bắc Ninh, nay thuộc phường Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh. Phúc Sơn là ngọn núi mọc lên giữa vùng đất bằng phẳng, có địa thế phong thủy tốt, lại gần trung tâm nên thuận tiện cho việc cúng lễ và khuyến khích sự giao lưu học hỏi.
Việc di dời Văn Miếu gắn với công tích lớn của quan Đốc học tỉnh Bắc Ninh là Đỗ Trọng Vỹ, người xã Đại Mão, huyện Thuận Thành, trong việc vận động các vị văn thân, chức sắc, nhân dân địa phương góp tiền, góp sức.
Năm 1928, Văn Miếu được tu sửa.
Văn Miếu Bắc Ninh rộng 10000m2, nằm trên đỉnh núi Phúc Đức, có bố cục quay về hướng Nam, gồm: Nghi môn, Sân, Chính điện và các công trình phụ trợ khác. Xung quanh là khu dân cư bám theo sườn núi tạo thành những vệt vòng tròn bao quanh Văn Miếu.
Văn Miếu Bắc Ninh nằm trên núi Phúc Đứng, bao xung quanh là các dãy nhà dân
Phối cảnh tổng thế Văn Miếu Bắc Ninh
Nghi môn
Nghi môn (Tam quan) Văn Miếu Bắc Ninh nằm dưới chân núi Phúc Đức, được xây dựng đơn giản. Khối cổng chính giữa có mái 2 tầng, 8 mái. Hai bên khối cổng chính có hai trụ biểu, đỉnh trụ trang trí con nghê chầu, thân trụ phía trên trang trí các ô lồng đèn, giữa là ô trang trí câu đối, đế thắt dạng cổ bồng. Giữa khối cổng chính và trụ biểu là cổng phụ.
Nghi môn Văn Miếu Bắc Ninh
Sân Văn miếu
Sau Nghi môn là một bậc thang rộng dẫn đến sân Văn Miếu nằm trên đỉnh núi.
Sân lát gạch. Phía trước sân là một tấm bia đá, kích thước gần 10m2 mang tên "Bắc Ninh tỉnh trùng tu Văn Miếu bi ký" khắc vào năm 1928. Bia có hình dáng như một bức bình phong, chạm khắc chữ và hoa văn hai mặt. Nội dung bia ngoài việc ca ngợi Đạo Nho còn nói về quá trình và các đóng góp cho việc trùng tu, tôn tạo Văn Miếu.
Hai bên sân được giới hạn bởi hai dãy Tả vu, Hữu vu.
Tả vu và Hữu vu là tòa nhà 3 gian, tường hồi bít đốc, 2 mái. Cột hàng hiên và trụ biểu nhô ra tại tường hồi đều có các ô trang trí câu đối. Xưa kia, đây là nơi các quan để cỗ kiệu, sửa soạn mũ áo trước khi vào lễ Khổng Tử. Ngày nay, đây là nơi ghi tên tuổi những sĩ tử đỗ dưới học vị Tiến sỹ của đất Kinh Bắc.
Phối cảnh tổng thể khu vực Chính điện, Văn Miếu Bắc Ninh
Tấm bia "Bắc Ninh tỉnh trùng tu Văn Miếu bi ký" tại trục chính sân Văn Miếu Bắc Ninh
Tòa Tả vu và Hữu vu hai bên sân và phía trước tòa Tiền đường, Văn Miếu Bắc Ninh
Chính điện
Chính điện hay Nội tự có kiến trúc kiểu ”chữ công” hay chữ H, gồm Tiền đường, Thiêu hương và Hậu điện.
Tiền đường đường gồm 5 gian, 2 chái, 4 mái.
Trong Tiền đường đường có ban thờ và 2 tấm bia đá có tên “Trùng tu Bắc Ninh bi đình ký” dựng năm 1912, vào thời Nguyễn, có nội dung miêu tả lại các hoạt động của Văn Miếu; đóng góp của cá nhân, cộng đồng trong việc quyên góp ruộng, để từ đây có tiền tu sửa và tổ chức các nghi lễ tế tự.
Thiêu hương 1 gian, nối liền Tiền đường và Hậu điện.
Hậu điện gồm 3 gian, 2 chái, 4 mái.
Toàn bộ công trình xây dựng bằng gỗ lim, cấu trúc theo kiểu chồng rường, giá chiêng, được chạm khắc hoa văn mây lá cách điệu, các đề tài Tứ linh, Tứ quí... mang phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê - Nguyễn.
Tại tòa Hậu điện, gian giữa đặt tượng thờ Khổng Tử. Hai bên là ban thờ Tứ Phối (4 học trò nổi tiếng của Khổng Tử: Nhan Hồi, Tăng Sâm, Tử Tư và Mạnh Tử) cùng 12 bậc hiền triết khác.
Hai bên tòa Hậu điện là tòa Bi đình và nhà Hội đồng trị sự và Tạo soạn.
Bên trong tòa Bi đình có 12 tấm bia đá “Kim bảng lưu phương”, dựng năm 1889 ghi danh 677 vị đỗ đại khoa của xứ Kinh Bắc, từ khoa thi đầu tiên năm 1075 đến khoa thi cuối cùng năm 1919. Bia có kích thước lòng bia 110cm x70cm, được đặt trên lưng rùa đá. Trán bia cong và được trang trí lưỡng long chầu mặt trời.
Tòa Tiền đường, Văn Miếu Bắc Ninh
Ban thờ bên trong tòa Tiền đường, Văn Miếu Bắc Ninh
Ban thờ Đức Khổng Tử bên trong tòa Hậu điện, Văn Miếu Bắc Ninh
Nhà Bia (Bi đình) đặt hai bên tòa Hậu điện, Văn Miếu Bắc Ninh
Bên trong nhà Bia, Văn Miếu Bắc Ninh
Hình dáng một tấm bia bên trong nhà Bia, Văn Miếu Bắc Ninh
Lễ hội Văn Miếu Bắc Ninh diễn ra vào Rằm tháng giêng hàng năm.
Văn miếu Bắc Ninh là một trong những di tích ghi danh các vị đỗ đại khoa của xứ Kinh Bắc, là những người làm rạng rỡ truyền thống hiếu học và văn hóa, cũng như đã lập được nhiều công tích cho dân, cho nước.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
https://vi.wikipedia.org/wiki/Khoa_b%E1%BA%A3ng_Vi%E1%BB%87t_Nam
https://vi.wikipedia.org/wiki/V%C4%83n_mi%E1%BA%BFu_B%E1%BA%AFc_Ninh
http://www.hannom.org.vn/default.asp?CatID=560
http://tpbacninh.bacninh.gov.vn/news/-/details/22301/van-mieu-bac-ninh-
niem-tu-hao-ve-truyen-thong-hieu-hoc-khoa-bang-cua-que-huong
- Xem video Văn Miếu Bắc Ninh tại đây
- Xem thêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội tại đây
Xem các bài viết về chùa Việt Nam tại đây
Xem các bài viết về đình, đền Việt Nam tại đây
Xem các bài viết về Di sản văn hóa thế giới tại đây
|
Cập nhật ( 22/03/2020 )
|
Tin mới đưa:- Hang động Vân Cương, Đại Đồng, Sơn Tây, Trung Quốc
- Công trình Villa d'Este, Tivoli, Rome, Ý
- Cột Chúa Ba Ngôi ở Olomouc, Czech
- Thung lũng Loire giữa Sully-sur-Loire và Chalonnes, Pháp
- Quần thể Tu viện Ferapontov, Vologda, Nga
- Nhà thờ St James ở Šibenik, Croatia
- Mỏ đá lửa Thời kỳ Đồ đá mới ở Spiennes, Mons, Bỉ
- Lăng mộ Hoàng gia của triều đại nhà Minh và nhà Thanh, Trung Quốc
- Hang động Long Môn, Lạc Dương, Hà Nam, Trung Quốc
- Vương cung thánh đường San Francesco và địa điểm khác của Dòng Phanxicô tại Assisi, Ý
- Công trình Villa Adriana, Tivoli, Rome, Ý
- Địa điểm khảo cổ Mycenae và Tiryns tại Argolis, Hy Lạp
- Di tích Thời kỳ Đồ đá mới ở Orkney, Scotland, Vương quốc Anh
- Vùng đất lấn biển Beemster, tỉnh Noord-Holland, Hà Lan
- Trạm bơm hơi nước D.F. Woudagemaal, Lemmer, Hà Lan
Tin đã đưa:- Đình Phù Lão, Lạng Giang, Bắc Giang, Việt Nam
- Đình, đền tại Khu di tích Phố Hiến, Hưng Yên, Việt Nam
- Chùa tại Khu di tích Phố Hiến, Hưng Yên, Việt Nam
- Khu di tích lịch sử Lam Kinh, Thanh Hóa, Việt Nam
- Tháp Dương Long, Tây Sơn, Bình Định, Việt Nam
- Tháp Po Klong Garai, Phan Rang – Tháp Chàm, Ninh Thuận
- Đình So, Quốc Oai, Hà Nội, Việt Nam
- Đình Thổ Tang, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc, Việt Nam
- Đình Tường Phiêu, Phúc Thọ, Hà Nội, Việt Nam
- Đền thờ Lê Hoàn, Thọ Xuân, Thanh Hóa, Việt Nam
- Tháp Nhạn, Tuy Hòa, Phú Yên, Việt Nam
- Tháp Hòa Lai, Thuận Bắc, Ninh Thuận, Việt Nam
- Đình Đại Phùng, Đan Phượng, Hà Nội, Việt Nam
- Đền Bà Triệu, Lăng tháp Vua Bà và Đình Phú Điền tại Triệu Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa, Việt Nam
- Đình Hoành Sơn, Nam Đàn, Nghệ An, Việt Nam
|