Thông tin chung:
Công trình: Quần thể di tích Cố đô Huế (Complex of Hué Monuments)
Địa điểm: Thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế, Việt Nam; (N16 28 9,984 E107 34 40,008)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Diện tích khu vực Di sản 315ha; Vùng đệm 71,93ha
Năm xây dựng: Đầu thế kỷ 19 đến nửa đầu thế kỷ 20
Giá trị: Di sản thế giới (1993; hạng mục IV)
Thành phố Huế thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế, nằm ở trung tâm địa lý của Việt Nam và gần với biển, từng là kinh đô của Việt Nam thời phong kiến, dưới triều nhà Nguyễn, từ năm 1802 đến 1945.
Hiện tại, Huế có diện tích 7200ha, dân số 0,45 triệu người (năm 2018), là trung tâm của miền Trung về văn hoá, chính trị, y tế, giáo dục, du lịch, khoa học...và là một trong những đô thị lớn nhất Việt Nam.
Vào thế kỷ 17 và 18, khu vực thành cổ Huế đã từng là trung tâm hành chính của miền Nam Việt Nam.
Là thủ đô của Việt Nam thống nhất vào năm 1802, Huế không chỉ là trung tâm chính trị mà còn là trung tâm văn hóa và tôn giáo dưới triều Nguyễn, triều đại hoàng gia cuối cùng của lịch sử Việt Nam.
Cố đô Huế thời bấy giờ được quy hoạch phù hợp theo triết lý phương Đông cổ đại với việc luôn tôn trọng các điều kiện tự nhiên của địa điểm.
Núi Ngự Bình và sông Hương mang lại cho kinh đô phong kiến độc đáo này vẻ đẹp tự nhiên tuyệt vời cũng như tầm quan trọng mang tính biểu tượng. Những ngọn đồi tượng trưng cho tiền án của kinh thành. Các gò đất hai bên tạo thành tả thanh long, hữu bạch hổ, che chắn các lối vào chính và ngăn xâm nhập của các linh khí độc hại.
Cấu trúc không gian của Quần thể di tích Cố đô Huế không chỉ được đặt cẩn trọng trong mối quan hệ với môi trường tự nhiên của khu vực, mà còn gắn liền với các yếu tố mang tính đức tin như: Ngũ điểm (Trung tâm, Tây, Đông, Bắc. Nam; Ngũ hành (Đất, Kim loại, Gỗ, Nước, Lửa) và Ngũ sắc (Vàng, Trắng, Xanh, Đen, Đỏ).
Kinh thành Huế không chỉ có chức năng hành chính và quân sự của quốc gia, mà là nơi bố trí Hoàng thành, Tử Cẩm thành và các cung điện hoàng gia có liên quan. Trấn Bình đài (thành Mang Cá) là một công trình phòng thủ bổ sung ở góc Đông Bắc của Kinh thành, được xây dựng để kiểm soát sự di chuyển trên sông. Một pháo đài khác, Trấn Hải thành (thành trấn giữ mặt biển) được xây dựng để bảo vệ Kinh thành chống các cuộc tấn công từ biển.
Bên ngoài Kinh thành, có một số di tích quan trọng có liên quan như: Đàn Nam Giao; Chùa Thiên Mụ; Văn Miếu và Võ Miếu; Điện Hòn Chén; Đấu trường Hoàng gia và đền Voi Ré; Trấn Hải Thành.
Xa hơn về phía thượng nguồn, dọc theo sông Hương, là lăng mộ hoàng đế của các triều đại nhà Nguyễn (nhà Nguyễn có 13 vua, nhưng chỉ có 7 lăng được xây dựng). Kiểu quy hoạch theo triết lý Phong Thủy phương Đông với nguyên tắc sơn triều thủy tụ, tiền án hậu chẩm, tả long hữu hổ... đã làm cho các lăng này có được kiến trúc rất đẹp và thơ mộng.
Quần thể di tích Cố đô Huế là một ví dụ đáng chú ý về quy hoạch và xây dựng của một kinh thành hoàn chỉnh trong một giai đoạn tương đối ngắn vào những năm đầu của thế kỷ 19. Tính toàn vẹn của bố cục đô thị và thiết kế kiến trúc các tòa nhà làm Quần thể trở thành một hình mẫu đặc biệt về quy hoạch đô thị thời kỳ phong kiến muộn tại Đông Á.
Quần thể di tích Cố đô Huế đã chịu tác động của các cuộc chiến tranh cũng như sự phát triển hiện đại gắn liền với sự mở rộng các khu định cư. Song về cơ bản, Quần thể di tích được bảo tồn tốt và tính toàn vẹn của địa điểm đã được duy trì.
Sơ đồ Kinh thành Huế trong sách Đại Nam nhất thống chí
HÌnh ảnh Di sản Cố đố Huế trên đồng tiền Việt Nam
Quần thể di tích Cố đô Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế, Việt Nam được UNESCO tôn vinh là Di sản văn hóa (năm 1993) với tiêu chí:
Tiêu chí (iv): Quần thể di tích Cố đô Huế là một ví dụ nổi bật về một thủ đô phong kiến phương Đông.
Sơ đồ vị trí 14 hạng mục Di sản trong Quần thể di tích Cố đô Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế
Vị trí Di sản Quần thể di tích Cố đô Huế trong Sơ đồ phân bố Di sản thế giới và các Di sản UNESCO khác tại Việt Nam (thời điểm năm 2015) - kí hiệu ô tròn 1
Di sản Quần thể di tích Cố đô Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế bao gồm các 14 hạng mục Di sản sau:
Kinh thành Huế
Kinh thành Huế (Citadel of Hué ; Hạng mục Di sản 1) bao gồm: Hoàng thành, Tử Cấm Thành, Kênh đào Hoàng gia, Bảo tàng Huế, Văn Miếu; Hồ Tịnh Tâm…. Khu vực di sản có diện tích 159,71 ha; Vùng đệm có diện tích 71,93 ha.
Sơ đồ Khu vực Kinh thành Huế - Hạng mục Di sản 1; Màu đỏ: Phạm vi Di sản; Màu xanh lá cây: Phạm vi vùng bảo vệ.
Kinh thành Huế được xây dựng và hoàn thiện trong suốt 140 năm, từ năm 1805-1945, nằm trên bờ Bắc sông Hương, quay mặt về hướng Nam (gần Đông Nam).
Kinh thành Huế được vua Gia Long (vị vua sáng lập triều Nguyễn, 8/2.1762 – 3/2/1820) tiến hành khảo sát từ năm 1803, khởi công xây dựng từ 1805 và hoàn thành vào năm 1832, dưới triều vua Minh Mạng (vị vua thứ 2 của triều Nguyễn, 25/5/1791 – 20/1/1841).
Về mặt phong thủy, tiền án của Kinh thành là núi Ngự Bình cao hơn 100m; hai bên là cồn Hến và cồn Dã Viên tạo thế rồng chầu, hổ phục đề cao vương quyền. Sông Hương rộng, trải dài giữa hai cồn như một cánh cung mang sinh khí cho Kinh thành.
Kinh thành Huế có diện tích khoảng 520 ha với 3 vòng thành là Thành ngoại, Hoàng thành và Tử Cấm Thành (Hoàng thành và Tử Cấm Thành còn gọi chung là Đại nội hay Thành nội). Khu vực Thành ngoại là nơi dân cư sinh sống. Đại nội là nơi làm việc của triều đình, nơi sinh hoạt, tín ngưỡng, giải trí của Hoàng gia nhà Nguyễn.
Vòng thành ngoài, hay vòng thành thứ nhất của Kinh thành Huế, có chu vi gần 10571m, cao 6,6m, dày 21m, ban đầu đắp bằng đất sau đó mới xây bằng gạch.
Vòng thành ngoài được xây dựng theo kiến trúc Vauban (kiểu thành theo hình mẫu mang tên kỹ sư người Pháp, 4/5/1633 – 30/3/1707), là một phức hợp công trình kiến trúc có giá trị phòng ngự cao như lũy, pháo đài, hỏa mai có chu vi tường ngoài như hình ngôi sao, phù hợp với các cuộc chiến tranh sử dụng súng. Thành là một sự kết hợp hài hòa giữa thành lũy truyền thống và thành hào hiện đại của châu Âu thời bấy giờ.
Bên ngoài vòng thành có hai hệ thống mặt nước bao bọc: Hệ thống hào nước chạy sát chu vi thành và hệ thống sông tự nhiên, sông đào, gồm: sông Hương tại phía Nam; sông Bạch Yến tại phía Bắc; sông Đông Ba tại phía Đông; sông Vạn Xuân (Kẻ Vạn) tại phía Tây.
Thành ngoại có 10 cửa chính: Chính Bắc (cửa Hậu, nằm tại mặt sau Kinh thành), Chính Tây, Chính Đông (cửa Đông Ba), Chính Nam (cửa Nhà Đồ), cửa Tây Bắc (cửa An Hòa), cửa Tây Nam (cửa Hữu), cửa Quảng Đức, cửa Thể Nhơn (cửa Ngăn), cửa Đông Nam (cửa Thượng Tứ) và cửa Đông Bắc (cửa Kẻ Trài). Ngoài ra tại đây còn có một cửa thông với Trấn Bình đài (thành Mang Cá), hai cửa bằng đường thủy thông Kinh thành với bên ngoài qua hệ thống Ngự Hà là Đông Thành Thủy Quan và Tây Thành Thủy Quan.
Song các vòng thành xây dựng công phu, kiên cố cũng không giúp nhà Nguyễn bảo vệ được kinh thành trước sự tấn công của quân đội thực dân Pháp.
Ngày 5/7/1885, quân đội Pháp tấn công kinh thành Huế, quân triều đình không giữ được thành. Quân Pháp tràn vào thành đốt phá và tàn sát dân chúng; vào Đại Nội, đốt trụi trụ sở Bộ Lại, Bộ Binh và các kho thuốc súng, chia nhau chiếm giữ các kho tàng, cung điện, đền miếu; cướp đi nhiều của cải và báu vật.
Một linh mục người Pháp, nhân chứng sự kiện này đã ghi lại: “Kho tàng trong hoàng cung đã mất đi gần 24 triệu quan vàng và bạc… Cuộc cướp cạn ấy kéo dài trong 2 tháng còn gây tai tiếng hơn cuộc cướp phá Cung điện Mùa Hè của Thanh Đế ở Bắc Kinh”. Khi đối chiếu với bảng kiểm kê tài sản của hoàng gia, thì quân Pháp đã cướp 228 viên kim cương, 266 món nữ trang có nạm kim cương, hạt trai, hạt ngọc, 271 đồ bằng vàng trong cung của bà Từ Dũ. Tại các tôn miếu thờ các vua… thì hầu hết các thứ có thể mang đi đều bị cướp.
Quốc Sử quán triều Nguyễn ghi: riêng tại Phủ Nội vụ ở tầng dưới cất giữ 91.424 thỏi bạc đỉnh 10 lạng, 78.960 thỏi bạc đỉnh 1 lạng; tầng trên cất giữ khoảng 500 lạng vàng, khoảng 700.000 lạng bạc; kho gần cửa Thọ Chỉ cất giữ 898 lạng vàng, 3.400 lạng bạc. Toàn bộ số vàng bạc này đã bị Pháp chiếm. Tướng chỉ huy cuộc tấn công vào kinh đô Huế, ngày 24/7/1885 đã gửi cho chính phủ Pháp một bức điện với nội dung sau: “Trị giá phỏng chừng các quý vật bằng vàng hay bằng bạc dấu kỹ trong các hầm kín là 9 triệu quan. Đã khám phá thêm nhiều ấn tín và kim sách đáng giá bạc triệu. Xúc tiến rất khó khăn việc tập trung những kho tàng mỹ thuật. Cần cử sang đây một chiếc tàu cùng nhiều nhân viên thành thạo để mang về mọi thứ cùng với kho tàng”.
Sau năm 1945, trong thời kỳ chiến tranh, một số hộ dân trong Kinh thành đã di dời tới sống sát theo bờ sông đào và trên cả tường thành tới 1,5 vạn người. Từ năm 2019, chính quyền thành phố Huế đang tiến hành di dân ra khỏi Khu vực Di sản và Vùng bảo vệ Di sản (theo quy định của UNESCO).
Sơ đồ vị trí các cửa ra vào Kinh thành Huế (cửa ra vào Vòng thành ngoại)
Sơ đồ vị trí các hạng mục công trình chính trong Kinh thành Huế
Các hạng mục công trình chính trong Kinh thành Huế gồm:
Hoàng thành
Hoàng thành (Imperial City) là vòng thành thứ hai bên trong Kinh thành Huế, có chức năng bảo vệ các cung điện quan trọng nhất của triều đình, các miếu thờ tổ tiên nhà Nguyễn và bảo vệ Tử Cấm thành - nơi dành riêng cho vua và hoàng gia.
Hoàng thành được xây dựng năm 1804 và hoàn thành vào năm 1833 dưới thời vua Minh Mạng với toàn bộ hệ thống cung điện vào khoảng 147 công trình.
Hoàng thành có mặt bằng gần vuông, mỗi bề khoảng 600m. Tường thành xây bằng gạch, cao 4m, dày 1m, xung quanh có hào bảo vệ, có 4 cửa để ra vào: Cửa chính phía Nam là Ngọ Môn, phía Đông là Hiển Nhơn, phía Tây là Chương Đức, phía Bắc là Hòa Bình. Các hào và hồ được đào chung quanh phía ngoài thành đều có tên Kim Thủy.
Hoàng thành và toàn bộ hệ thống cung điện bên trong được bố cục theo một trục đối xứng theo hướng Bắc - Nam, trong đó trục chính giữa bố trí các công trình chỉ dành cho vua.
Các công trình ở hai bên trục chính được phân bố chặt chẽ theo từng khu vực, tuân thủ nguyên tắc (tính từ trong ra): "tả nam hữu nữ", "tả văn hữu võ". Ngay cả trong các miếu thờ cũng có sự sắp xếp theo thứ tự "tả chiêu hữu mục" (bên trái trước, bên phải sau, lần lượt theo thời gian).
Mặc dù có rất nhiều công trình lớn nhỏ được xây dựng trong Hoàng thành nhưng tất cả đều được đặt giữa thiên nhiên với các hồ lớn nhỏ, vườn hoa, cầu đá, các hòn đảo và các loại cây lưu niên tỏa bóng mát quanh năm. Mặc dù quy mô của mỗi công trình có khác nhau, nhưng về tổng thể, các cung điện ở đây đều làm theo kiểu "trùng lương trùng thiềm" (hay còn gọi là "trùng thiềm điệp ốc" - kiểu nhà kép hai mái), đặt trên nền đá cao, vỉa ốp đá Thanh, nền lát gạch Bát Tràng có tráng men xanh hoặc vàng, mái cũng được lợp bằng một loại ngói đặc biệt hình ống có tráng men thường gọi là ngói Thanh lưu ly (màu xanh) hoặc Hoàng lưu ly (màu vàng). Các cột được sơn thếp theo mô típ rồng-mây. Nội thất cung điện thường được trang trí theo cùng một phong cách nhất thi nhất họa (một bài thơ kèm một bức tranh) với rất nhiều bài thơ bằng chữ Hán và các mảng chạm khắc trên gỗ theo đề tài bát bửu (theo quan niệm của đạo Phật: bánh xe, loa ốc, tán, trướng, hoa sen, bình, song ngư, sợi dây liên hoàn) hay theo đề tài tứ thời. Con số 9 và 5 được sử dụng nhiều trong kiến trúc, được cho là tuân theo Dịch lý, những con số này phù hợp với vận mạng của thiên tử.
(Xem thêm video về kiến trúc nhà rường Huế)
Phối cảnh tổng thể Khu vực Đại Nội trong Kinh thành Huế
Các khu vực bên trong Hoàng Thành gồm:
- Khu vực phòng vệ: gồm vòng thành bao quanh bên ngoài, cổng thành, các hồ (hào), cầu và đài quan sát.
- Khu vực cử hành đại lễ, gồm các công trình: Ngọ Môn, cửa chính của Hoàng Thành, là nơi tổ chức lễ Duyệt Binh, lễ Truyền Lô (đọc tên các Tiến sĩ tân khoa), lễ Ban Sóc (ban lịch năm mới); Điện Thái Hòa, là nơi cử hành các cuộc lễ Đại Triều một tháng 2 lần (vào ngày 1 và 15 Âm lịch), lễ Đăng Quang, lễ Vạn Thọ, lễ Quốc Khánh...
- Khu vực miếu thờ tổ thờ các chúa Nguyễn và các vị vua nhà Nguyễn: được bố trí ở phía trước, hai bên Ngọ Môn.
- Khu vực dành cho bà nội và mẹ vua (phía sau, bên phải), gồm hệ thống cung Trường Sanh (dành cho các Thái hoàng Thái hậu) và cung Diên Thọ (dành cho các Hoàng Thái hậu).
- Khu vực dành cho các hoàng tử học tập, giải trí như vườn Cơ Hạ, điện Khâm Văn... (phía sau, bên trái). Ngoài ra còn có kho tàng (Phủ Nội vụ) và các xưởng chế tạo đồ dùng cho hoàng gia (phía trước vườn Cơ Hạ)
- Khu vực Tử Cấm thành nằm trên cùng một trục Bắc - Nam với Hoàng thành và Kinh thành, gồm một vòng tường thành bao quanh khu vực các cung điện như: Điện Cần Chánh (nơi vua tổ chức lễ Thường triều); Điện Càn Thành (chỗ ở của vua); Điện Khôn Thái (chỗ ở của Hoàng Quý phi); Điện Kiến Trung (từng là nơi ở của vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương); Nhà đọc sách và các công trình khác phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của nhà vua và gia đình như Thượng Thiện đường (nơi phục vụ ăn uống), Duyệt Thị đường (nhà hát hoàng cung)...
Đến nay, trải qua bao biến động và thời gian, hàng trăm công trình kiến trúc ở Đại nội chỉ còn lại ít ỏi chiếm không đầy một nửa số ban đầu.
(Xem video giới thiệu về Hoàng thành Huế tại đây)
Sơ đồ các công trình trong Đại Nội Huế:
1. Ngọ Môn; 2. Hồ Thái Dịch; 3. Cầu Trung Đạo; 4. Sân Đại Triều; 5. Điện Thái Hoà; 6. Đại Cung môn; 7. Tả vu, Hữu vu; 8. Điện Cần Chánh; 8a. Điện Võ Hiển; 8b. Điện Văn Minh; 9a. Điện Trinh Minh; 9b. Điện Quang Minh; 10. Điện Càn Thành; 11. Điện Khôn Thái; 11a. Viện Thuận Huy; 11b. Viện Dưỡng Tâm; 12. Lầu Kiến Trung; 13. Thái Bình Lâu; 14. Vườn Ngự Uyển; 15. Vườn Cơ Hạ; 16. Phủ Nội vụ; 17. Triệu Miếu; 18. Thái Miếu; 19. Cung Trường Sanh; 20. Cung Diên Thọ; 21. Điện Phụng Tiên; 22. Hưng Miếu; 23. Thế Miếu; 24. Cửu Đỉnh 25. Hiển Lâm các; 26. Cửa Hiển Nhơn; 27. Cửa Hoà Bình; 28. Cửa Chương Đức; 29. Ngự Tiền Văn phòng; 30. Lục viện 31. Điện Minh Thận.
Trong đó, thuộc phạm vi Tử Cấm thành gồm các công trình ký hiệu: 6,7,8,9,10,11,12,13,14, 29,30.
Một số hạng mục công trình chính trong Hoàng thành:
- Ngọ Môn (hình vẽ ký hiêu 1) là cổng chính phía Nam của Hoàng thành Huế được xây dựng vào năm 1843, là cổng lớn nhất trong 4 cổng chính của Hoàng thành Huế. Ngọ Môn có hai phần chính là: đài - cổng và lầu Ngũ Phụng.
Phần đài - cổng có mặt bằng hình chữ U, dài 57,77m rộng 27,6m, diện tích khoảng 1560m2. Thân đài có 5 lối đi. Lối chính giữa là Ngọ Môn, chỉ dành cho vua đi. Hai lối bên là Tả Giáp môn và Hữu Giáp môn, dành cho quan văn, võ theo cùng trong đoàn Ngự đạo. Hai lối đi bên ngoài cùng nằm ở hai cánh chữ U là Tả Dịch môn và Hữu Dịch môn, dành cho binh lính và voi ngựa theo hầu. Đài cao gần 5m, được xây bằng gạch đá kết hợp với các thanh dầm chịu lực bằng đồng thau.
Lầu Ngũ Phụng là phần lầu đặt ở phía trên đài - cổng. Ngoài phần thân đài, lầu còn được tôn lên bởi nền cao 1,15 m cũng chạy suốt thân đài hình chữ U. Lầu có hai tầng, kết cấu bộ khung hoàn toàn bằng gỗ lim với chẳn 100 cây cột. Mái tầng dưới nối liền nhau, chạy vòng quanh để che cho phần hành lang. Mái tầng trên chia thành 9 bộ, với rất nhiều hình chim phụng trang trí ở phần bờ nóc, bờ quyết, khiến tòa lầu trông rất nhẹ nhàng, thanh thoát. Bộ mái chính giữa của lầu Ngũ Phụng lợp ngói lưu ly màu vàng, tám bộ còn lại lợp ngói lưu ly màu xanh.
Ngọ Môn, Quần thể di tích Cố đô Huế
- Điện Thái Hòa (hình vẽ ký hiệu 5) là nơi đăng quang của 13 vua triều Nguyễn từ Gia Long đến Bảo Đại. Điện Thái Hòa cùng với sân Đại Triều Nghi (sân chầu, hình vẽ ký hiệu 4) là địa điểm được dùng cho các buổi triều nghi quan trọng của triều đình như: lễ Đăng Quang, sinh nhật vua, những buổi đón tiếp sứ thần chính thức và các buổi đại triều được tổ chức 2 lần vào ngày mồng 1 và 15 âm lịch hàng tháng. Trong chế độ phong kiến, cung điện này được coi là trung tâm của đất nước. Điện được xây dựng vào năm 1805 và được xây dựng lại vào năm 1833, trên nền cao 1m với diện tích xây dựng khoảng 1360m2. Mái điện lợp ngói hoàng lưu ly, có cấu trúc theo dạng mái “chồng diêm”. Giữa hai lớp mái là một bức tường chạy bốn mặt của nhà, được chia thành các ô để trang trí hình vẽ và thờ văn trên các tấm Pháp lam theo lối nhất thi nhất họa.
Điện Thái Hòa, Quần thể Di tích Cố đô Huế
Nội thất Điện Thái Hòa, Quần thể Di tích Cố đô Huế
- Đại Cung môn (ký hiệu 6) là cửa chính được xây vào năm 1833, hiện đã bị phá hủy hoàn toàn.
- Cung Trường Sanh (Trường Sinh, Trường Ninh, ký hiệu 19), nằm tại phía Tây Bắc Hoàng thành, là nơi sinh hoạt của một số hoàng thái hậu và thái hoàng thái hậu. Cung được xây dựng vào năm 1821, được trùng lớn vào năm 1846, và được xây dựng bổ sung vào năm 1923.
Cung Trường Sanh, Quần thể di tích Cố đô Huế
- Cung Diên Thọ (Trường Thọ, Từ Thọ, Gia Thọ, Ninh Thọ, ký hiệu 20) được xây dựng vào năm 1803 để làm nơi sinh hoạt của Hoàng thái hậu của triều Nguyễn. Công trình nằm tại góc Tây Bắc của Hoàng Thành. Cung Diên Thọ có kích thước dài 138,5m, rộng 126,4m với diện tích 17500m2, bao gồm 20 công trình kiến trúc lớn nhỏ với nhiều loại hình và đa dạng phong cách kiến trúc. Trải qua nhiều lần bị phá hủy và tu sửa, khu vực cung Diên Thọ chỉ còn tồn tại một số công trình như: Diên Thọ chính điện, điện Thọ Ninh, lầu Tịnh Minh, Trường Du Tạ, Khương Ninh Các. Các công trình này được nối kết với nhau bằng hệ thống hành lang có mái che.
Một góc Cung Diên Thọ, Quần thể Di tích Cố đô Huế
- Điện Phụng Tiên (ký hiệu 21) là một ngôi điện nằm ở gần cửa Chương Đức, phía trước cung Diên Thọ, được xây dựng để thờ cúng các vủa triều Nguyễn. Khác với Thế Miếu, điện này tuy cũng thờ các vị vua và hoàng hậu nhà Nguyễn nhưng nữ giới trong triều được phép đến đây cúng tế. Ngoài ra, nó còn là nơi lưu trữ nhiều bảo vật của nhiều đời vua nhà Nguyễn. Năm 1947, tọàn bộ điện bị đốt cháy, hiện nay chỉ còn lại cửa Tam Quan và vòng tường thành còn tương đối nguyên vẹn.
- Cửu Đỉnh (ký hiệu 24) là chín cái đỉnh bằng đồng đặt ở trước Hiển Lâm Các đối diện với Thế Miếu (ký hiệu 23), phía Tây Nam Hoàng thành, được đúc ở Huế vào năm 1835 - 1837. Mỗi đỉnh có một tên riêng ứng với một vị hoàng đế triều Nguyễn với trọng lượng khác nhau và hình chạm khắc bên ngoài đỉnh cũng khác nhau: Cao Đỉnh, Nhân Đỉnh, Chương Đỉnh, Anh Đỉnh, Nghị Đỉnh, Thuần Đỉnh, Tuyên Đỉnh, Dụ Đỉnh, và Huyền Đỉnh. Cửu đỉnh hiện là Bảo vật quốc gia cùng với bộ Cửu vị thần công và Đại Hồng Chung tại chùa Thiên Mụ.
(Xem video giới thiệu Cửu Đỉnh tại đây)
Cửu Đỉnh, Quần thể Di tích Cố đô Huế
- Hiển Lâm Các (ký hiệu 25) được xây dựng vào năm 1821 – 1822, nằm trong khu vực miếu thờ trong Hoàng thành. Công trình cao 17m và là công trình kiến trúc cao nhất trong Hoàng thành. Đây được xem là đài kỷ niệm ghi nhớ công tích của các vua nhà Nguyễn và các quan đại thần có công lớn của triều đại.
Hiển Lâm Các, Quần thể Di tích Cố đô Huế
- Cửu vị thần công là tên gọi 9 khẩu thần công được các nghệ nhân Huế đúc dưới thời vua Gia Long, vào năm 1803 – 1804, đặt dưới chân Hoàng thành trước cửa Ngọ môn. Mỗi khẩu thần công dài 5,1m, nặng khoảng 17 tấn. Phía dưới các khẩu thần công là giá súng và bệ súng cũng được chạm trổ cực kỳ công phu và tỷ mỉ. Tất cả chín khẩu đều được phong "Thần Oai vô địch thượng tướng quân". Phong vị và nội dung bài sắc phong đều được khắc trực tiếp trên thân thần công.
Sang đầu thế kỷ 20, các khẩu thần công được chuyển vào bên trong, phía Nam thành, xếp thành hai nhóm. Nhóm bên tả xếp phía sau cửa Thể Nhơn gồm 4 khẩu, được đặt tên theo bốn mùa: Xuân - Hạ - Thu - Đông; nhóm bên hữu xếp phía sau cửa Quảng Đức gồm 5 khẩu, được đặt tên theo ngũ hành: Kim - Mộc - Thuỷ - Hỏa - Thổ. Cửu vị thần công hiện là Bảo vật quốc gia cùng với bộ Cửu đỉnh và Đại Hồng chung tại chùa Thiên Mụ.
Cửu vị thần công; Quần thể Di tích Cố đô Huế
- Khu vực các miếu thờ trong Hoàng thành nằm hai bên Ngọ Môn, gồm :
. Triệu Tổ Miếu còn gọi là Triệu Miếu (ký hiệu 17) là miếu thờ Nguyễn Kim, thân sinh của chúa Tiên Nguyễn Hoàng, nằm bên phải Ngọ Môn.
. Thái Tổ Miếu còn gọi là Thái Miếu (ký hiệu 18) là miếu thờ các vị chúa Nguyễn, từ Nguyễn Hoàng đến Nguyễn Phúc Thuần, nằm bên phải Ngọ Môn, đối xứng với Thế Tổ Miếu.
. Hưng Tổ Miếu còn gọi là Hưng Miếu (ký hiệu 22) là ngôi miếu thờ cha mẹ vua Gia Long, nằm bên trái Ngọ Môn
. Thế Tổ Miếu còn gọi là Thế Miếu (ký hiệu 23), là nơi thờ các vị vua triều Nguyễn, nằm bên trái Ngọ Môn. Đây là nơi triều đình đến cúng tế các vị vua quá cố, nữ giới trong triều (kể cả hoàng hậu) không được đến tham dự các cuộc lễ này.
Cổng vào Khu vưc miếu thờ; Quần thể Di tích Cố đô Huế
Triệu Tổ Miếu; Quần thể Di tích Cố đô Huế
Thái Tổ Miếu; Quần thể Di tích Cố đô Huế
Hưng Tổ Miếu; Quần thể Di tích Cố đô Huế
Thế Tổ Miếu; Quần thể Di tích Cố đô Huế
Ngoài những công trình chính trên được sắp đặt trên một đường thẳng sau cửa Đại Cung và Tử Cấm thành còn có những cung điện, lầu tạ khác hai bên tả hữu là khu vực phục vụ việc ăn uống, sức khỏe và giải trí của vua và hoàng gia như: Thượng Thiện đường, Thái Y viện, Duyệt Thị đường (nhà hát tuồng cổ nhất Việt Nam), vườn Thiệu Phương, vườn Ngự Uyển, gác Đông Các, Tu Khuê tơ lầu, điện Quang Minh (chỗ ở của Đông Cung hoàng tử), điện Trinh Minh (chỗ ở của các bà thứ phi), viện Thuận Huy (chỗ ở của các bà tần ngự)...Ngoài ra, còn có một số công trình kiến trúc khác dành cho tín ngưỡng tâm linh như chùa, miếu.
Tử Cấm Thành
Tử Cấm thành (Purple Forbidden City) là vòng tường thành thứ 3 của Kinh đô Huế, nằm trong Hoàng thành, giới hạn khu vực làm việc, ăn ở và sinh hoạt của vua và hoàng gia.
Tử Cấm Thành có mặt bằng hình chữ nhật, dài 324m x 296,68m, chu vi 1241,36m, thành bao quanh cao 3,72m, dày 0,72m, xây bằng gạch vồ. Tử Cấm thành có 7 cửa ra vào, bên trong phân chia thành nhiều khu vực với khoảng 50 công trình kiến trúc.
Các hạng mục công trình chính gồm:
- Điện Cần Chánh (hình vẽ ký hiệu 8) phía sau Đại Cung môn, là nơi vua làm việc và thiết triều, đã bị phá hủy hoàn toàn vào năm 1947.
- Nhà Tả Vu, Hữu Vu (ký hiệu 7) bố trí hai bên điện Cần Chánh, nơi các vị quan chờ và sửa sang, chỉnh đốn quan phục trước khi thiết triều. Tả Vu dành cho quan văn, Hữu Vu dành cho quan võ. Giữa sân là một chiếc vạc đồng, là một trong số 15 chiếc vạc đồng thể hiện trình độ kỹ thuật đúc và mỹ thuật tuyệt vời vào thời Nguyễn. Chái Bắc Tả Vu là viện Cơ Mật, chái Nam là phòng Nội Các, là nơi tập trung bản tấu của các Bộ, nha trình vua ngự lãm.
Sau lưng điện Cần Chánh trở về Bắc là phần Nội Đình, khu vực ăn ở, sinh hoạt của vua và gia đình cùng những người phục vụ. Tại đây có:
- Điện Càn Thành (ký hiệu 10) là nơi vua ở, trước điện có sân rộng, ao sen và bức bình phong chắn điện Càn Thành và điện Cần Chánh.
- Cung Khôn Thái (Khôn Đức, ký hiệu 11) nằm ở phía Bắc điện Càn Thành, bao gồm điện Khôn Thái, điện Trinh Minh... là nơi ăn ở sinh hoạt của Hoàng quý phi và các phi tần mỹ nữ thuộc Nội Cung; Phía sau cung Khôn Thái là lầu Kiến Trung (Minh Viễn). Các công trình trên đã bị phá hủy, chỉ còn nền móng.
- Thái Bình Lâu (ký hiệu 13) được vua Khải Định cho xây dựng vào năm 1919, hoàn thành năm 1921, là nơi vua nghỉ ngơi, đọc sách, viết văn, làm thơ và thư giãn.
Mặt cắt ngang ĐIện Cần Chánh - Phương án phục dựng; Quần thể Di tích Cố đô Huế
Nhà Hữu Vu; Quần thể Di tích Cố đô Huế
Nhà Tả Vu; Quần thể Di tích Cố đô Huế
Thái Bình Lâu; Quần thể Di tích Cố đô Huế
Kỳ Đài Huế
Kỳ đài Huế (Cột cờ/Flag Tower) nằm chính giữa mặt Nam của Kinh thành, được xây dựng vào năm 1807, cùng thời gian xây dựng kinh thành Huế. Đến thời Minh Mạng, Kỳ đài được tu sửa vào các năm 1829, 1831 và 1840. Kỳ đài gồm hai phần: đài cờ và cột cờ. Đài cờ gồm ba tầng hình chóp cụt chữ nhật chồng lên nhau. Tầng thứ nhất cao hơn 5,5m, tầng giữa cao khoảng 6m, tầng trên cùng cao hơn 6m, tổng cộng cao khoảng 17,5m. Ðỉnh mỗi tầng có xây một hệ thống lan can cao 1m được trang trí bằng gạch hoa đúc rỗng. Cột cờ ban đầu bằng gỗ, năm 1948, thay bằng bê tông cốt sắt với tổng chiều cao 37m.
Phía trước Kỳ đài nằm trên trục chính của Hoàng thành là Phu Văn Lâu. Công trình được xây dựng vào năm 1819, là nơi niêm yết những chỉ dụ quan trọng của nhà vua và triều đình, hoặc kết quả các kỳ thi do triều đình tổ chức.
Nằm trên trục dọc từ Kỳ Đài ra đến Phú Văn Lâu là Nghênh Lương Đình (Nghênh Lương Tạ). Công trình, được xây dựng vào năm 1852, dùng làm nơi nghỉ chân của nhà vua trước khi đi xuống bến sông để lên thuyền rồng hoặc làm nơi hóng mát.
Kỳ Đài Huế; Quần thể Di tích Cố đô Huế
Phú Văn Lâu; Quần thể Di tích Cố đô Huế
Trường Quốc Tử Giám
Quốc tử giám (National University) nằm tại phía Đông của Hoàng thành. Năm 1803 vua Gia Long xây dựng Đốc Học Đường tại địa phận An Ninh Thượng, huyện Hương Trà, cách kinh thành Huế chừng 5 km về phía Tây, trường nằm cạnh Văn Miếu. Đây được xem là trường quốc học đầu tiên được xây dựng dưới triều Nguyễn. Đến năm 1908, thời vua Duy Tân, Quốc Tử Giám được dời vào bên trong Kinh thành. Trường Quốc Tử Giám là nơi đào tạo 500 vị đại khoa (tiến sỹ và phó bảng) của triều Nguyễn.
Quốc Tử Giám Huế; Quần thể Di tích Cố đô Huế
Điện Long An
Điện Long An (Long An Palace) nằm tại phía Bắc Quốc tử giám, được xây dựng vào năm 1845, là nơi nghỉ của vua sau khi tiến hành lễ Tịch điền mỗi đầu xuân. Điện hình chữ nhật dài 35,7m, rộng 28m, nền cao 1,1m. Diện tích phần mái rộng đến 1.750m2, được chống đỡ bằng hệ thống 128 cột gỗ lim. Ðây là tòa nhà kép kiểu "trùng thiềm điệp ốc". Nhà trước 7 gian với 8 bộ "vì kèo chồng rường giả thủ". Nhà sau 5 gian với 6 bộ "vì kèo cánh ác". Điều khác biệt với các ngôi điện khác là những chi tiết gỗ không sơn son thếp vàng, chỉ để mộc trơn và được tô điểm bằng các kỹ thuật chạm trổ tinh xảo theo dạng "lưỡng long triều nguyệt", "long, lân, quy, phượng" và các bức chạm khắc nhiều bài thơ của vua Thiệu Trị.
Hiện tại, điện Long An được sử dụng làm Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế (Museum of Hue). Tại đây trưng bày hơn 300 hiện vật quý bằng vàng, sành, sứ, ngự y, ngự dụng, trang phục của Hoàng thất, đặc biệt là Pháp lam Huế (là một loại vât kiến trúc, cốt bằng đồng, bên ngoài có tráng nhiều lớp men màu, được sử dụng để trang trí hình khối gắn trên đầu mái đao, bờ nóc…của các cung điện; hoặc là các mảng trang trí có vẽ hình phong cảnh, hoa cỏ, chim muông, chữ…gắn trên các bờ nóc hay bờ mái cung điện, phía trên các cửa trong hoàng cung và lăng tẩm các vua triều Nguyễn tại Huế). Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế được xem là bảo tàng duy nhất có số lượng hiện vật khổng lồ của một triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam và là một trong những tòa nhà đẹp nhất của các cung điện Việt Nam.
Điện Long An - Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế là một trong những tòa nhà đẹp nhất của các cung điện Việt Nam.
Nội thất Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế
Viện Cơ Mật hay Tam Tòa
Viện Cơ Mật hay Tam Tòa (Tam Toa building) nằm tại phía Đông của Quốc Tử giám và điện Long An, là cơ quan tư vấn của nhà vua gồm các vị đại thần từ Tam phẩm trở lên. Viện lúc đầu đặt ở nhà Tả Vu. Sau khi kinh đô thất thủ năm 1885 phải dời đi đến nhà của bộ Lễ, rồi bộ Binh, và cuối cùng là về chùa Giác Hoàng cùng với toà Giám Sát (của người Pháp) và Trực Phòng các bộ nên gọi là Tam Toà. Hiện nay công trình sử dụng làm trụ sở của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.
Cổng Viện Cơ Mật - Tam Tòa; Quần thể Di tích Cố đô Huế
Hồ Tịnh Tâm
Hồ Tịnh Tâm (Tinh Tâm lake) nằm tại phía Bắc của Hoàng thành. Trước đây, hồ nguyên là vết tích của đoạn sông Kim Long chảy qua Huế. Đầu thời Gia Long, được khơi dòng theo hướng khác để tạo thành Ngự Hà và hồ Ký Tế. Hai bãi nổi trong hồ này được dùng làm nơi xây dựng kho chứa thuốc súng và diêm tiêu. Hồ được cải tạo lại vào năm 1822 và 1838 thành nơi giải trí và gọi là hồ Tịnh Tâm, được xem là một trong 20 cảnh đẹp của Kinh thành Huế. Hồ Tịnh Tâm có mặt bằng hình chữ nhật, chu vi gần 1500m. Trên hồ có ba hòn đảo Bồng Lai, Phương Trượng và Doanh Châu. Trên các hòn đảo giữa hồ có các điện nhỏ, nhà thủy tạ, các cây cầu nhỏ nối đảo với bờ…
Hồ Tịnh Tâm; Quần thể Di tích Cố đô Huế
Hồ Học Hải và Tàng thư Lâu
Hồ Học Hải (Hoc Hai lake) và Tàng Thư Lâu xây dựng trên hồ được hình thành vào năm 1825, dùng làm nơi lưu các công văn cũ của cơ quan và lục bộ triều đình nhà Nguyễn. Đây có thể coi là một Tàng Kinh Các của Việt Nam dưới triều Nguyễn lưu trữ các tài liệu văn bản quý hiếm liên quan đến sinh hoạt của triều đình và các sự kiện quan trọng của của đất nước. Chỉ riêng số địa bạ thời Gia Long và Minh Mạng lưu trữ ở đây đã lên đến 12.000 tập.
Tàng Thư Lâu đặt nằm trên hòn đảo hình chữ nhật (kích thước khoảng 45 m × 65 m) nằm giữa hồ, chỉ thông thương với bên ngoài qua một cây cầu đá. Tòa nhà được xây dựng bằng gạch và đá gồm 2 tầng, tầng dưới 11 gian, tầng trên 7 gian 2 chái.
Tàng Thư Lầu; Quần thể Di tích Cố đô Huế
Trấn Bình Đài
Trấn Bình Đài (đồn Mang Cá/ Tran Binh Bastion)nằm ở vị trí Đông Bắc Kinh thành Huế, được xây dựng vào năm 1805. Công trình là một trong pháo đài thứ 25 của Kinh thành Huế, như một thành phụ của Kinh thành, cách thành chính một đoạn hào. Trấn Bình đài được xây dựng theo kiểu kiến trúc Vauban: Chu vi 1.048m, tường thành cao 5,10 m dày gần 15 m. Hào chạy dọc chân tường thành rộng 32m và sâu 4,25 m.
Đồn Mang Cá trong tổng thể Kinh thành Huế
Chánh Bắc Môn - Đồn Mang Cá; Quần thể Di tích Cố đô Huế
Đàn Xã Tắc
Đàn Xã Tắc nằm tại phường Thuận Hòa, được xây dưới thời vua Gia Long (1806) để tế cúng thần đất (xã) và thần ngũ cốc (tắc). Lúc xây đàn, triều đình nhà Nguyễn đã huy động tất cả dinh trấn trong cả nước cống nạp đất sạch để đắp. Đàn Xã Tắc gồm hai tầng, đều hình vuông: Tầng dưới cao 1,23m, mỗi cạnh dài 73m; Tầng trên cao 1,6m, mỗi cạnh dài gần 30m. Mặt nền tô năm màu theo ngũ phương (Chính giữa màu vàng, Nam màu đỏ, Bắc màu đen, Tây màu trắng, Đông màu xanh). . Cả hai tầng đều có xây lan can gạch, cao hơn 90 cm; lan can tầng trên tô màu vàng, tầng dưới tô màu đỏ. Xung quanh đàn có tường thấp bao quanh. Trước đàn có đào hồ vuông làm minh đường
Đàn Xã Tắc trong quá trình phục dựng; Quần thể Di tích Cố đô Huế
Ngự Hà
Ngự Hà (Royal Canal) là dòng sông bán nhân tạo có hình chữ L, một phần được đào mới, một phần được nắn từ một con sông cũ, chảy từ Tây sang Đông, phục vụ cho việc vận chuyển vật dụng, hàng hoá...ra vào Kinh thành, điều tiết nước, giảm nạn úng ngập cho nội thành Huế.
Sông được đào làm 2 lần: Lần đầu dưới triều Gia Long vào khoảng năm 1805, đào từ sông Đông Ba tại phía Đông đến Võ khố, ngang qua các Kinh Thương (kho lúa), và đặt tên là Thanh Câu. Lần sau dưới triều Minh Mạng vào năm 1825, đào tiếp đến sông Kẻ Vạn (Vạn Xuân) tại phía Tây và đổi tên là Ngự Hà, tục quen gọi là "sông Vua".
Sau khi hoàn tất, sông Ngự Hà có chiều dài là 3.700m, rộng 44 - 85m, nối liền sông Kẻ Vạn với sông Đông Ba, chia Kinh thành ra hai phần Nam và Bắc. Trên sông Ngự Hà, từ Tây sang Đông có nhiều cầu cống như: cống Thủy Quan, cống Tây Thành Thủy Quan, cống Đông Thành Thủy Quan, cầu Vĩnh Lợi, cầu Bình, cầu Khánh Ninh, cầu Son, cầu Ngự Hà, cầu Hàm Tế.
Sông Ngự Hà trong Kinh thành Huế
Các hạng mục Di sản bên ngoài Kinh thành Huế
Ngoài Kinh thành Huế, Quần thể di tích Cố đô Huế còn có 13 hạng mục Di sản khác :
Lăng Gia Long
Lăng Gia Long (Thiên Thọ Lăng/ Gia Long Tomb; Hạng mục Di sản 2) nằm tại phía Nam của Kinh thành. Khu vực Di sản có diện tích 20,72 ha.
Lăng Gia Long (vị vua sáng lập triều Nguyễn, tại vị 1780 - 1820) được xây dựng từ năm 1814 – 1820, có chu vi lên đến 11234,4m, gồm nhiều lăng tẩm trong hoàng quyến. Khu vực lăng là một quần sơn với 42 đồi, núi lớn nhỏ, trong đó có Đại Thiên Thọ là ngọn núi lớn nhất được chọn làm tiền án của lăng. Tổng thể lăng chia làm 3 khu vực: Phần chính giữa là khu lăng mộ của vua và bà Thừa Thiên Cao Hoàng hậu; Bên phải là khu vực tẩm điện với điện Minh Thành thờ Hoàng đế và Hoàng hậu thứ nhất; Bên trái là Bi Ðình, nay chỉ còn một tấm bia lớn ghi bài văn của vua Minh Mạng ca ngợi vua cha.
Rải rác trong cảnh quan xung quanh là những ngôi mộ nhỏ hơn và những ngôi đền dành riêng cho những hoàng tộc liên quan đến vua Gia Long.
Sơ đồ Khu vực Lăng Gia Long - Hạng mục Di sản 2; Màu đỏ: Phạm vi Di sản
Phối cảnh tổng thể Khu vực Lăng Gia Long, Cố đô Huế
Sân nghi lễ trước khu lăng mộ vua Gia Long với hàng tượng người, ngựa và voi, từ đây dẫn theo các bậc thềm lên khu lăng mộ
Sân chầu và bậc lên Lăng Gia Long, Cố đô Huế
Mộ vua Gia Long và Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu, Cố đô Huế
Lăng Minh Mạng
Lăng Minh Mạng (Hiếu lăng/Minh Mang Tomb; Hạng mục Di sản 3) nằm trên núi Cẩm Khê, gần ngã ba Bằng Lãng, là nơi hội lưu của hai dòng Hữu Trạch và Tả Trạch hợp thành sông Hương, cách cố đô Huế 12 km. Khu vực Di sản có diện tích 34,15 ha.
Lăng Minh Mạng (vị vua thứ 2 của triều Nguyễn, tại vị 1820 -1841), được xây dựng từ năm 1840- 1843. Lăng có bố cục kiến trúc cân bằng đối xứng, xung quanh một trục kiến trúc là đường thần đạo dài 700m, xuyên qua một loạt các hạng mục công trình gồm: cửa chính Đại Hồng môn, sân chầu, nhà bia, sân tế, Hiển Đức môn, điện Sùng Ân (thờ vua Minh Mạng và Hoàng hậu), hồ Trừng Minh, Minh Lâu, hồ Tân Nguyệt, cổng tam quan Quang Minh Chính Trực, Trung Đạo kiều và cuối cùng là Bửu thành (mộ vua Minh Mạng). Lăng có diện tích 18ha, xung quanh lăng có La thành dài 1750m bao bọc. Bên cạnh các công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật và thẩm mỹ cao còn có gần 600 ô chữ chạm khắc các bài thơ trên Bi Đình, Hiển Đức Môn, điện Sùng Ân và Minh Lâu là những tuyệt tác vô giá như một "bảo tàng thơ" chọn lọc của nền thi ca Việt Nam đầu thế kỷ 19.
Sơ đồ Khu vực Lăng Minh Mạng - Hạng mục Di sản 3; Màu đỏ: Phạm vi Di sản
Sơ đồ Lăng Minh Mạng, Cố đô Huế
Đại Hồng Môn (hình vẽ ký hiệu 1) - Cổng vào khu vực lăng Minh Mạng, Cố đô Huế
Sân chầu với tượng binh lính, ngựa, voi (hình vẽ ký hiệu 2), Lăng Minh Mạng, Cố đô Hế
Nhà Bia (hình vẽ ký hiệu 3) và Hiển Đức Môn (hình vẽ ký hiệu 4) phía sau, Lăng Minh Mạng, Cố đô Huế
Điện Sùng Ân (hình vẽ ký hiệu 5) Lăng Minh Mạng, Cố đô Huế
Minh Lâu (ký hiệu 8), Lăng Minh Mạng, Cố đô Huế
Hồ Tân Nguyệt (ký hiệu 14), phía trước là mộ vua Minh Mạng, Cố đô Huế
Mộ vua Minh Mạng (ký hiệu 10), Cố đô Huế
Trang trí hoa văn và chữ bên ngoài công trình thuộc Lăng Minh Mạng, Cố đô Huế
Lăng Thiệu Trị
Lăng Thiệu Trị (Xương Lăng/ Thieu Tri Tomb; Hạng mục Di sản 4) tựa lưng vào núi Thuận Đạo. Khu vực Di sản có diện tích 27,9 ha.
Lăng Thiệu Trị (vị vua thứ 3 của triều Nguyễn, tại vị 1841- 1847) được xây dựng vào năm 1847. So với lăng tẩm các vua tiền nhiệm và kế vị, lăng Thiệu Trị có những nét riêng. Đây là lăng quay mặt về hướng Tây Bắc (hướng ra sông Hương), một hướng ít được dùng trong kiến trúc cung điện và lăng tẩm thời Nguyễn. Lăng không xây La thành bao quanh mà dựa vào những dãy núi xung quanh. Tổng thế kiến trúc lăng được cho là sự kết hợp và chọn lọc từ cách thức xây dựng lăng Gia Long và lăng Minh Mạng. Xung quanh lăng là khu vực lăng mộ của dòng họ vua Thiệu Trị.
Sơ đồ Khu vực Lăng Thiệu Trị - Hạng mục Di sản 4; Màu đỏ: Phạm vi Di sản
Sân chầu và bậc lên khu vực Lăng Thiệu Trị, Cố đô Huế
Nhà Bia, Lăng Thiệu Trị, Cố đô Huế
Các bậc thềm dẫn đến khu vực mộ vua Thiệu Trị, Cố đô Huế
Bậc lên khu vực mộ vua Thiệu Trị, Cố đô Huế
Lăng Tự Đức
Lăng Tự Đức (Khiêm Lăng/ Tu Duc Tomb; Hạng mục Di sản 5) là một quần thể công trình kiến trúc với khoảng 50 công trình tọa lạc tại là thôn Thượng Ba, phường Thủy Xuân. Khu vực Di sản có diện tích 12,99ha.
Lăng Tự Đức (vị vua thứ 4 của triều Nguyễn, tại vị 1847- 1883) được chính vua xây dựng khi còn tại vị. Khu lăng mộ xây sẵn có hai chức năng: là nơi thỉnh thoảng vua lui tới để vui chơi và nơi chôn cất khi vua mất. Lăng có kiến trúc cầu kỳ, phong cảnh sơn thủy hữu tình và là một trong những lăng tẩm đẹp nhất của vua chúa nhà Nguyễn.
(Xem thêm video về kiến trúc nhà tạ tại Huế, trong đó có Xung Khiêm tạ)
Sơ đồ Khu vực Lăng Tự Đức - Hạng mục Di sản 5; Màu đỏ: Phạm vi Di sản
Sơ đồ Lăng Tự Đức, Cố đô Huế
Vào Lăng có tường bao quanh, lối vào chính là cửa Vũ Khiêm (Puerta Vu Khiem) dẫn đến Khiêm Cung Môn (Puerta Khiem Cung) lối vào Điện Minh Khiem
Bên trong Khiêm Cung Môn là khu vực dành cho vua nghỉ ngơi mỗi khi đến đây. Chính giữa là điện Hòa
Khiêm (Palacio Hoa Khiem) để vua làm việc, nay là nơi thờ cúng bài vị của vua và Hoàng hậu. Sau điện Hòa Khiêm là điện Lương Khiêm (Palacio,Lương Khiem) xưa là chỗ nghỉ ngơi của vua, về sau được dùng để thờ vong linh bà Từ Dũ, mẹ vua Tự Đức. Bên phải điện Lương Khiêm là Ôn Khiêm Đường (Mansion On Khiem), nơi cất đồ ngự dụng. Bên trái điện Lương Khiêm là nhà hát Minh Khiêm (Teatro Minh Khiem), nơi vua xem hát. Công trình được coi là một trong những nhà hát cổ nhất của Việt Nam hiện còn tồn tại. Xung quanh là các nhà ở của các cung phi theo hầu vua, vườn nuôi nai của vua.
Phía trước của Điện Minh Khiêm là hồ Lưu Khiêm (Lago Luu Khiem) có đảo Tịnh Khiêm (Isla Tinh Khiem) với những mảnh đất trồng hoa và những hang nhỏ để nuôi thú hiếm. Trên hồ Lưu Khiêm có Xung Khiêm Tạ (Pabellon Xung Khiem) và Dũ Khiêm Tạ (Pabellon Du Khiem), nơi nhà vua đến ngắm hoa, làm thơ, đọc sách...Ba cây cầu Tuần Khiêm, Tiễn Khiêm và Do Khiêm bắt qua hồ dẫn đến đồi thông.
Bên cạnh khu vực tẩm điện là khu lăng mộ. Đầu tiên là sân sân trước với hàng tượng quan viên văn võ. Tiếp đó là Bi Đình (Pabellon de la Estela) với tấm bia đá bằng đá Thanh Hóa nặng 20 tấn có khắc bài "Khiêm Cung Ký" do chính Tự Đức soạn. Đằng sau tấm bia là hai cột trụ biểu tượng, sau cùng là mộ vua Tự Đức (Tumba Emperador Tu Duc)
Trong khuôn viên Lăng Tự Đức, còn có lăng mộ của Hoàng hậu Lê Thiên Anh (Tumba Emperatriz Le Thien Anh), vợ chính của Từ Đức và lăng của con nuôi vua Tự Đức là Kiến Phúc (vị vua thứ 7 của triều Nguyễn, tại vị 8 tháng, 1883- 1884).
Cho đến ngày nay, Lăng Tự Đức vẫn còn nhiều điều bí ẩn chưa được khám phá.
Phối cảnh tổng thể Lăng Tự Đức, Cố đô Huế
Khiêm Cung Môn (hình vẽ ký hiệu 2), Lăng Tự Đức, Cố đô Huế
Xung Khiêm tạ tại Lăng Tự Đức - Kiến trúc nhà tạ nổi tiếng tại Huế
Dũ Khiêm tạ, Lăng Tự Đức, Cố đô Huế
Điện Hòa Khiêm (hình vẽ ký hiệu 4), Lăng Tự Đức, Cố đô Huế
Điện Lương Khiêm (hình vẽ ký hiệu 5), Lăng Tự Đức, Cố đô Huế
Nhà hát Minh Khiêm (hình vẽ ký hiệu 6), Lăng Tự Đức, Cố đô Huế
Mộ vua Tự Đức, Cố đô Huế
Hình ảnh Lăng Tự Đức trong bản số hóa 3D của Google Arts & Culture, thuộc Dự án Di sản mở
(Open Heritage), là một thư viện kỹ thuật số các di sản và di tích lớn nhất thế giới. Lăng Tự Đức là Di sản đầu tiên của Việt Nam trong bộ sưu tập (2019).
Lăng Dục Ðức
Lăng Dục Ðức (An Lăng/ Duc Duc Tomb; Hạng mục Di sản 6) nằm tại thôn Tây Nhất, phường An Cựu. Khu vực Di sản có diện tích 8,55 ha.
Lăng Dục Đức (vị vua thứ 5 của triều Nguyễn, tại vị được 3 ngày năm 1883) là nơi an táng của 3 vua: Dục Đức, Thành Thái (vị vua thứ 10 của triều Nguyễn, tại vị 1889 - 1907), Duy Tân (vị vua thứ 11 của triều Nguyễn, tại vị 1907 đến 1916) và các tẩm mộ, mộ đất của Hoàng tộc nhà Nguyễn.
Lăng Dục Đức có lẽ là ngôi mộ nhỏ nhất và ít tham vọng nhất trong các ngôi mộ của triều Nguyễn, nhưng sở hữu một nét quyến rũ đặc biệt của riêng.
Lăng quay mặt về phía Tây Bắc, hướng về sông Hương. Công trình kiến trúc chính trong tẩm điện là điện Long Ân, được cho là công kiến trúc gỗ có giá trị nghệ thuật trong hệ thống công trình kiến trúc cung đình triều Nguyễn ở Huế.
Lăng gồm khu lăng mộ và khu tẩm điện đặt song song với nhau.
Khu lăng mộ có diện tích khoảng 3445m2 với tường thành 3 lớp bao bọc. Tường thành ngoài cao 3,7m, dày 0,5m. Sau cửa thành là sân Bái đình lát gạch. Hai bên sân không có tượng đá như ở lăng mộ các vua khác. Tiếp đó là cửa tam quan đồ sộ của vòng thành thứ 2 cao 2m, dày 0,5m. Vòng thành thứ 3 hay vòng thành trong cùng cao 1.5m dày 0,4m bao bọc mộ vua, mộ hoàng hậu và nhà Huỳnh Ốc.
Khu tẩm điện có diện tích khoảng 6245m2, nằm cách khu lăng mộ khoảng 50m với tường thành 2 lớp bao bọc. Tường thành ngoài cao 2,3m dày 0,5m với 4 mặt đều trổ cửa. Sau cổng chính là bình phong, đến sân chầu lát gạch Bát Tràng. Trung tâm của khu tẩm thờ là điện Long An, một tòa nhà kép trùng thiềm điệp ốc đặt trên một mặt nền kích thước 24,2m x 22,2m. Chính điện gồm 3 gian 2 chái kép, tiền điện gồm 5 gian 2 chái đơn mái lợp ngói lưu li vàng. Trong điện có 3 khám thờ: khám giữa thờ bài vị vua Dục Ðức và bà Từ Minh Huệ Hoàng hậu, khám bên trái thờ bài vị vua Thành Thái, khám bên phải thờ bài vị vua Duy Tân.
Phía sau điện Long An trước kia là hậu cung. Đây cũng là nơi đặt mộ vua Thành Thái, vua Duy Tân và hoàng tộc liên quan.
Sơ đồ Khu vực Lăng Dục Đức - Hạng mục Di sản 6; Màu đỏ: Phạm vi Di sản
Cổng Lăng Dục Ðức (An Lăng), Cố đô Huế
Điện Long An, Lăng Dực Đức, Cố đô Huế
Phối cảnh tổng thể khu vực mộ vua Dục Đức, Cố đô Huế
Cổng vào khu vực mộ vua Dục Đức, Cố đô Huế
Mộ vua Dục Đức, Cố đô Huế
Lăng Ðồng Khánh
Lăng Ðồng Khánh (Tư Lăng/ Dong Khanh Tomb; Hạng mục Di sản 7) nằm tại thôn Thượng Hai, phường Thủy Xuân. Khu vực Di sản có diện tích 2,29 ha.
Đồng Khánh là vị vua thứ 9 của triều Nguyễn (tại vị năm 1885-1889), sau vị vua thứ 6 Hiệp Hòa (tại vị 3 tháng trong năm 1883), thứ 7 Kiến Phúc (tại vị 8 tháng, 1883- 1884), thứ 8 Hàm Nghi (tại vị 1884- 1885)
Lăng trước đó là trước đó là điện Truy Tư, xây dựng từ năm 1888, cải tạo thành.
Lăng bao gồm khoảng 20 công trình kiến trúc. Tại khu vực tẩm điện, các công trình được xây dựng theo kiểu kiến trúc trùng thiềm điệp ốc ở chính điện, những hàng cột sơn son thếp vàng lộng lẫy với đồ án trang trí tứ linh, tứ quý...Trong đó nổi bật là điện Ngưng Hy, được coi là nơi bảo lưu hàng đầu nghệ thuật sơn son thếp vàng, sơn mài nổi tiếng của Việt Nam.
Sơ đồ Khu vực Lăng Đồng Khánh - Hạng mục Di sản 7; Màu đỏ: Phạm vi Di sản
Cổng Lăng Ðồng Khánh (Tư Lăng), Cố đô Huế
Nhà bia mộ vua Đồng Khánh, Cố đô Huế
Lăng Khải Định
Lăng Khải Định (Ứng Lăng/Khai Dinh Tomb; Hạng mục Di sản 8) nằm trên trên triền núi Châu Chữ ngoài kinh thành Huế. Khu vực Di sản có diện tích 18,19 ha;
Khải Định là vị vụa thứ 12 của triều đại nhà Nguyễn (tại vị 1916 – 1925), sau vị vua thứ 10 Thành Thái, thứ 11 Duy Tân). Lăng được xây dựng vào năm 1920, được hoàn thành bởi con trai và vị vua kế nhiệm Bảo Đại (tại vị 1925-1945) vào năm 1931. Lăng mộ Khải Định được cho là lăng mộ lớn cuối cùng tại Việt Nam.
Kiến trúc lăng là sự kết hợp nhiều phong cách kiến trúc Đông – Tây (Ấn Độ giáo, Phật giáo, Roman, Gothique). Lăng được xây dựng theo 5 bậc thầm với tổng cộng 127 bậc.
Tại vị trí cao nhất của lăng, bậc thếm thứ 5 là cung Thiên Định, được xây dựng công phu và tinh xảo. Toàn bộ nội thất trong cung đều được trang trí những phù điêu ghép bằng sành sứ và thủy tinh…và những dụng thời hiện đại như đồng hồ báo thức, đèn dầu hỏa...
Sơ đồ Khu vực Lăng Khải Định - Hạng mục Di sản 8; Màu đỏ: Phạm vi Di sản
Sơ đồ mặt bằng Lăng Khải Định, Cố đô Huế
Lối lên sân đầu tiên, Lăng Khải Định, Cố đô Huế
Nhà Bia Lăng Khải Định với vòm cửa cuốn theo kiểu kiến trúc Roman
Cung Thiên Định tại bậc thềm cao nhất, Lăng Khải Định, Cố đô Huế
Gian thờ với bức tượng đồng vua Khải Định ngồi dưới một tán cây bằng bê tông; Phần mộ chôn cách ngai vàng 18m, Lăng Khải Định, Cố đô Huế
(Xem video giới thiệu về Lăng tẩm tại Cố đô Huế)
Đàn Nam Giao
Đàn Nam Giao (Nam Giao Esplanade; Hạng mục Di sản 9) triều Nguyễn được xây dựng vào năm 1803 tại làng An Ninh. Vào năm 1806 được dời về phía Nam kinh thành, trên một quả đồi lớn thuộc làng Dương Xuân, nay thuộc địa phận phường Trường An. Đây là nơi các vua Nguyễn tế trời.
Khu vực Di sản có diện tích 12,41 ha.
Sơ đồ Khu vực Đàn Nam Giao - Hạng mục Di sản 9; Màu đỏ: Phạm vi Di sản
Tàn tích Đàn Nam Giao
Chùa Thiên Mụ
Chùa Thiên Mụ (Thien Mu Pagoda; Hạng mục Di sản 10) nằm trên đồi Hà Khê, tả ngạn sông Hương, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 5 km về phía Tây, là một trong những ngôi chùa cổ nhất của Huế. Khu vực Di sản có diện tích 4,24 ha.
Chùa Thiên Mụ chính thức khởi lập năm 1601, đời chúa Tiên Nguyễn Hoàng (28/8/1525- 20/7/1613) - vị chúa Nguyễn đầu tiên ở Đàng Trong.
Trước đó, trên đồi Hà Khê có ngôi chùa mang tên Thiên Mẫu của người Chăm.
Truyền thuyết kể rằng, khi chúa Nguyễn Hoàng vào làm trấn thủ xứ Thuận Hóa kiêm trấn thủ Quảng Nam, ông đã đích thân đi xem xét địa thế ở đây nhằm chuẩn bị mở mang cơ nghiệp cho họ Nguyễn sau này. Trong một lần đi dọc sông Hương ngược lên đầu nguồn, ông bắt gặp một ngọn đồi nhỏ có tên Hà Khê nhô lên bên dòng nước với thế đất như hình một con rồng đang quay đầu nhìn lại. Người dân địa phương cho biết, nơi đây ban đêm thường có một bà lão mặc áo đỏ quần lục xuất hiện trên đồi, nói với mọi người: "Rồi đây sẽ có một vị chân chúa đến lập chùa để tụ linh khí, làm bền long mạch, cho nước Nam hùng mạnh". Vì thế, nơi đây còn được gọi là Thiên Mụ Sơn.
Vào năm 1601, Nguyễn Hoàng đã cho dựng một ngôi chùa trên đồi, ngoảnh mặt ra sông Hương, đặt tên là chùa Thiên Mụ.
Năm 1665, chùa được chúa Nguyễn Phúc Tần cho trùng tu. Và từ cuối thế kỷ 17 trở đi, sau khi thủ phủ chuyển về đất Phú Xuân, chùa Thiên Mụ thay thế hẳn vị thế của chùa Sùng Hóa (hiện mất dấu tích) và chiếm vị trí quốc tự hàng đầu của Đàng Trong.
Dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu (11/6/1675- 1/6/1725) theo đà phát triển và hưng thịnh của Phật giáo xứ Đàng Trong, chùa được xây dựng lại với quy mô lớn hơn. Năm 1710, chúa cho đúc một chiếc chuông lớn, có chiều cao 2,5m, đường kính miệng 1,40m, nặng hơn 2 tấn, gọi là Đại Hồng Chung, trên có khắc một bài minh. Đến năm 1714, chùa lại được đại trùng tu với hàng chục công trình kiến trúc hết sức quy mô như điện Thiên Vương, điện Đại Hùng, nhà Thuyết Pháp, lầu Tàng Kinh, phòng Tăng, nhà Thiền... mà nhiều công trình trong số đó ngày nay không còn. Chúa Nguyễn Phúc Chu còn đích thân viết bài văn, khắc vào bia lớn (cao 2,6m,rộng 1,2m) nói về tiến trình xây dựng các công trình kiến trúc; việc cho người sang Trung Quốc mua hơn 1000 bộ kinh Phật đưa về đặt tại lầu Tàng Kinh; ca tụng triết lý của đạo Phật; ghi rõ sự tích Hòa thượng Thạch Liêm - người có công lớn trong việc giúp chúa Nguyễn chấn hưng Phật giáo ở Đàng Trong.
Với cảnh đẹp tự nhiên và quy mô được mở rộng, chùa Thiên Mụ đã trở thành ngôi chùa đẹp nhất xứ Đàng Trong thời bấy giờ.
Chùa Thiên Mụ đã từng được dùng làm đàn Tế Đất dưới triều Tây Sơn (khoảng năm 1788), rồi được trùng tu tái thiết nhiều lần dưới triều các vua nhà Nguyễn.
Năm 1844, chùa được xây dựng bổ sung thêm tháp bát giác Phước Duyên (tên ban đầu là Từ Nhân), đình Hương Nguyện...
Tháp Phước Duyên là một biểu tượng nổi tiếng gắn liền với chùa Thiên Mụ. Tháp cao 21m, gồm 7 tầng, đặt tại phía trước chùa. Mỗi tầng tháp đều có thờ tượng Phật. Bên trong có cầu thang hình xoắn ốc dẫn lên tầng trên cùng, nơi trước đây có thờ tượng Phật bằng vàng. Phía trước tháp là đình Hương Nguyện (hiện chỉ còn tàn tích do trận bão năm 1904). Cấu trúc xây dựng của tháp bằng BTCT, trang trí bằng Pháp lam Huế.
Năm 1907, chùa được cải tạo lại. Từ năm 2003-2006, chùa Thiên Mụ đã được đại trùng tu.
Qua nhiều đợt tu sửa lớn nhỏ, ngoài những công trình kiến trúc như tháp Phước Duyên, điện Đại Hùng, điện Địa Tạng, điện Quan Âm... chùa Thiên Mụ ngày nay còn là nơi có nhiều cổ vật quý giá không chỉ về mặt lịch sử mà còn cả về nghệ thuật như tượng, hoành phi, câu đối, bia đá, khánh đồng (đúc năm 1677) chuông đồng (đặc biệt là Đại Hồng Chung, là bảo vật quốc gia cùng bộ Cửu vị thần công và bộ Cửu đỉnh trong kinh thành Huế)...ghi lại thời kỳ vàng son của chùa Thiên Mụ.
Sơ đồ Khu vực Chùa Thiên Mụ - Hạng mục Di sản 10; Màu đỏ: Phạm vi Di sản
Mặt trước chùa Thiên Mụ
Tháp Phước Duyên, chùa Thiên Mụ
Bái đường chùa Thiên Mụ
Đại Hồng Chung chùa Thiên Mụ
Văn Miếu và Võ Miếu
Văn Miếu và Võ Miếu (Temple of Letters and Temple of Military; Hạng mục Di sản 11), nằm tại tả ngạn sông Hương, bên cạnh chùa Thiên Mụ. Khu vực Di sản có diện tích 9,73 ha ;
Văn Miếu hay Văn Thánh Miếu là nơi thờ Khổng Tử và và dựng bia tiến sĩ, được xây dựng vào năm 1808. Miếu được xây dựng uy nghi đồ sộ, nằm bên bờ sông Hương, thuộc địa phận làng An Ninh, phía Tây Kinh thành Huế. Khi còn nguyên vẹn, nơi đây có gần 20 công trình lớn như: Văn Miếu (điện thờ), Đông vu, Tây vu, Thần trù, Thần khố, Hữu Văn Đường, Duỵ Lễ Đường, nhà Thổ Công, Đại Thành Môn, Văn Miếu Môn, quan Đức Môn, Linh Tinh Môn, la thành, bến vua ngự...
Võ Miếu hay Võ Thánh miếu được khởi công xây dựng vào năm 1835, bên trái Văn Miếu, trước mặt là sông Hương. Đây là nơi thờ phụng và ghi danh những danh tướng Việt Nam. những tiến sĩ đỗ trong 3 khoa thi võ dưới triều Nguyễn…Công trình hiện chỉ còn nền móng.
Sơ đồ Khu vực Văn Miếu và Võ Miếu - Hạng mục Di sản 11; Màu đỏ: Phạm vi Di sản
Văn Miếu Huế
Tàn tích Võ Miếu với hàng bia đá
(xem video giới thiệu văn miếu tại đây)
Điện Hòn Chén
Điện Hòn Chén (Hon Chen Temple; Hạng mục Di sản 12) tọa lạc trên núi Ngọc Trản, thuộc phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà, nằm bên bờ sông Hương. Khu vực Di sản có diện tích 0,87ha.
Điện Hòn Chén là nơi ngày xưa người Chăm thờ nữ thần Ponagar. Sau đó người Việt thờ bà với danh xưng là Thánh Mẫu Thiên Y A Na.
Núi xưa có tên là Hương Uyển Sơn. Trên đỉnh núi có một chỗ đất trũng xuống, đường kính vài mét, chung quanh có vòng đá dựng như bờ giếng, hễ gặp mưa thì nước đọng lại trông như cái chén đựng nước trong. Vậy nên hòn núi còn được gọi là Ngọc Trản (núi Chén Ngọc) và dân gian gọi là Hòn Chén. Trong các văn bằng sắc phong chính thức của các vua Nguyễn, điện Hòn Chén có tên là Ngọc Trản Sơn Từ (đền thờ ở núi Ngọc Trản).
Điện Hòn Chén được vua Minh Mạng cho tu sửa và mở rộng vào tháng 3/1832.
Năm 1886, vua Ðồng Khánh cho xây lại đền một cách khang trang và đổi tên là Huệ Nam Ðiện.
Ngày nay, điện Hòn Chén được nhiều người biết đến không phải vì đó là một di tích tôn giáo mà còn là di tích kiến trúc phong cảnh gắn với cảnh thơ mộng hữu tình của núi sông xứ Huế.
Điện nằm ở lưng chừng sườn Đông Nam thoai thoải của ngọn núi, ẩn mình dưới tán của khóm rừng cây cổ thụ. Từ trên đền có đường bậc xuống tận bến nước.
Mặt bằng kiến trúc của toàn bộ ngôi đền không rộng, có khoảng 10 công trình kiến trúc.
Điện Hòn Chén là ngôi điện có một vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân xứ Huế và đó cũng là ngôi điện duy nhất ở Huế có sự kết hợp giữa nghi thức cung đình và tín ngưỡng, lễ hội dân gian...
Sơ đồ Khu vực Điện Hòn Chén - Hạng mục Di sản 12; Màu đỏ: Phạm vi Di sản
Mặt trước Điện Hòn Chén
Tòa bái đường Điện Hòn Chén
Đấu trường Hoàng Gia và Đền Voi Ré
Đấu trường Hoàng Gia và Đền Voi Ré (Royal Arena and Voi Re Temple ; Hạng mục Di sản 13) tọa lạc tại địa phận thôn Trường Đá, xã Thủy Biểu. Khu vực Di sản có diện tích 2,45 ha.
Đấu trường Hoàng Gia còn gọi là Hổ Quyền (Hổ Khuyên) được xây dựng vào năm 1830, là một chuồng nuôi hổ và là một đấu trường giữa voi và hổ nhằm tế thần trong ngày hội và phục vụ nhu cầu giải trí tiêu khiển cho vua, quan lại và người dân. Cách thức tổ chức được diễn ra để sao cho chiến thắng cuối cùng luôn thuộc về voi.
Các trận đấu thường được tổ chức mỗi năm một lần, lần cuối cùng vào năm 1904.
Điện Voi Ré (Long Châu Miếu) được xây dựng trên diện tích khoảng 2000m2. Trung tâm của Điện là miếu Long Châu thờ các vị thần bảo hộ binh lính. Hai bên miếu là điện thờ các con voi dũng cảm trong các chiến trận của triều Nguyễn, được suy tôn như thần linh.
Sơ đồ Khu vực Đấu trường Hoàng Gia và Đền Voi Ré - Hạng mục Di sản 13; Màu đỏ: Phạm vi Di sản
Tàn tích Đấu trường Hoàng Gia còn gọi là Hổ Quyền, Cố đô Huế
Bên trong Hổ Quyền, Cố đô Huế
Cổng vào Điện Voi Ré, Cố đô Huế
Miếu Long Châu hay ĐIện Voi Ré, Cố đô Huế
Điện thờ voi hai bên Miếu Long Châu, Cố đô Huế
Trấn Hải Thành
Trấn Hải Thành (Thành trấn giữ mặt biển/ Tran Hai Fortress ; Hạng mục Di sản 14) nằm tại cửa ngõ phía Đông kinh thành Huế, giáp biển Đông, thuộc địa phận thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang. Khu vực Di sản có diện tích 1,27 ha.
Trấn Hải thành được vua Gia Long xây dựng vào năm 1813 tại cửa Eo (còn gọi là cửa Lấp, trước đây gọi là cửa Thuận An), để kiểm soát tàu thuyền phía biển và bảo vệ kinh đô nhà Nguyễn. Thành được xây dựng bằng gạch vồ theo kiến trúc hình tròn với chu vi 302m, tường thành cao 4,4m, dày 12,6m. Thành có hai cửa, gồm cửa chính ở mặt trước và cửa phụ ở mặt sau. Phía ngoài chân thành có thêm hệ thống hào với chiều rộng 9m, sâu 2,4m. Trên bờ hào trồng dừa để chống sụt lở đất. Các kiến trúc trong thành gồm pháo đài, ụ súng, các hầm chứa lương thực, vũ khí...
Vào các năm 1830 - 1832, vua Minh Mạng đã cho tu bổ Trấn Hải đài, đặt biệt là đắp thêm 39 ụ súng nhằm tăng cường khả năng phòng thủ và đã cho đổi tên thành Trấn Hải thành. Năm 1840, lầu Quan Hải trong thành có thêm chức năng làm hải đăng cho tàu thuyền, ngoài chức năng là nơi để vụa duyệt các cuộc tập trận của thủy quân.
Trong suốt các đời vua kế vị Thiệu Trị, Tự Đức, thành liên tục được tu sửa nhiều lần. Thời Gia Long, thành chỉ có khoảng 150 binh sĩ đồn trú, nhưng đến thời Tự Đức, số binh lính đồn trú lên đến hàng ngàn người.
Ngày 18/8/1883, dưới thời vua Hiệp Hòa, thực dân Pháp với 7 tàu chiến và 1.050 quân đã tấn công vào thành Trấn Hải và các đồn bót chung quanh để uy hiếp triều đình Huế. Trấn Hải thành hoàn toàn thất thủ 3 ngày sau đó. Sau khi chiếm được quyền cai trị Việt Nam, quân Pháp đã sử dụng Trấn Hải thành làm đồn binh trong một thời gian dài. Từ năm 1954 về sau Trấn Hải thành hầu như bị bỏ hoang phế cho đến tận ngày nay.
Sơ đồ Khu vực Trấn Hải thành - Hạng mục Di sản 14; Màu đỏ: Phạm vi Di sản
Tàn tích Trấn Hải Thành
Di sản Quần thể Di tích Cố đô Huế (1993) cùng với các danh hiệu UNESCO tại Huế khác là một nguồn tài nguyên văn hóa to lớn, góp phần xây dựng thành phô Huế trở thành một địa chỉ văn hóa toàn cầu trong thế kỷ 21.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
http://whc.unesco.org/en/list/678
http://www.hueworldheritage.org.vn
https://vi.wikipedia.org/wiki/C%E1%BB%91_%C4%91%C3%B4_Hu%E1%BA%BF
https://vi.wikipedia.org/wiki/Qu%E1%BA%A7n_th%E1%BB%83_di_t%C3%ADch_
C%E1%BB%91_%C4%91%C3%B4_Hu%E1%BA%BF
https://vi.wikipedia.org/wiki/Kinh_th%C3%A0nh_Hu%E1%BA%BF
https://vi.wikipedia.org/wiki/Ng%E1%BB%8D_M%C3%B4n_
(ho%C3%A0ng_th%C3%A0nh_Hu%E1%BA%BF)
https://vi.wikipedia.org/wiki/Ho%C3%A0ng_th%C3%A0nh_Hu%E1%BA%BF
https://vi.wikipedia.org/wiki/T%E1%BB%AD_C%E1%BA%A5m_th%C3%A0nh_(Hu%E1%BA%BF)
https://vi.wikipedia.org/wiki/L%C4%83ng_t%E1%BA%A9m_Hu%E1%BA%BF
https://vi.wikipedia.org/wiki/S%C3%B4ng_Ng%E1%BB%B1_H%C3%A0
https://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%C3%B9a_Thi%C3%AAn_M%E1%BB%A5
https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90i%E1%BB%87n_H%C3%B2n_Ch%C3%A9n
https://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%E1%BA%A5n_H%E1%BA%A3i_th%C3%A0nh
https://vi.wikipedia.org/wiki/V%C4%83n_mi%E1%BA%BFu_Hu%E1%BA%BF
https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%C3%A0n_X%C3%A3_T%E1%BA%AFc_(Hu%E1%BA%BF)
https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90i%E1%BB%87n_Voi_R%C3%A9
https://vi.wikipedia.org/wiki/L%C4%83ng_Minh_M%E1%BA%A1ng
https://vi.wikipedia.org/wiki/L%C4%83ng_Thi%E1%BB%87u_Tr%E1%BB%8B
https://vi.wikipedia.org/wiki/L%C4%83ng_T%E1%BB%B1_%C4%90%E1%BB%A9c https://www.orientalarchitecture.com/cid/119/vietnam/hue
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi
|