Thông tin chung:
Công trình: Hang động Vân Cương (Yungang Grottoes)
Địa điểm: Thành phố Đại Đồng, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc (N40 6 34.992 E113 7 19.992)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Diện tích di sản 348,75 ha; Diện tích vùng đệm 846,81 ha
Năm hình thành: Thế kỷ 5 - 6
Giá trị: Di sản thế giới (năm 2001; hạng mục i, ii, iii, iv)
Trung Quốc (Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa) nằm tại Đông Á, là quốc gia đông dân nhất thế giới với khoảng 1,403 tỷ người (năm 2016). Trung Quốc có diện tích 9596961km2, là quốc gia có tổng diện tích lớn hàng đầu thế giới; Ngôn ngữ chính thức là tiếng Hán. Trung Quốc phân thành 22 tỉnh, 5 khu tự trị, 4 đô thị trực thuộc và 2 khu hành chính đặc biệt là Hồng Kông và Ma Cao.
Lịch sử Trung Quốc bắt nguồn từ một trong những nền văn minh cổ nhất thế giới, phát triển tại lưu vực sông Hoàng Hà, bình nguyên Hoa Bắc. Trải qua hơn 5.000 năm, Trung Hoa đã trở thành nền văn minh rực rỡ nhất thế giới trong thời Cổ đại và Trung cổ, được đặc trưng bởi hệ thống triết học thâm sâu (nổi bật nhất là Nho giáo, Đạo giáo và thuyết Âm dương ngũ hành); các thành tựu khoa học kỹ thuật (phát minh ra giấy, la bàn, thuốc súng, địa chấn kế, kỹ thuật in ấn...); hoạt động giao thương xuyên châu Á với nhiều quốc gia (Con đường tơ lụa); những đô thị có quy mô dân số và trình độ kiến trúc đứng đầu thế giới vào thời Trung cổ.
Hệ thống chính trị của Trung Quốc dựa trên các chế độ quân chủ kế tập, được gọi là các triều đại, khởi đầu là triều đại nhà Hạ.
Từ năm 221 trước Công nguyên (TCN), nhà Tần chinh phục các quốc gia khác để hình thành đế quốc Trung Hoa thống nhất.
Triều đại nhà Hán cai trị Trung Quốc từ năm 206 TCN đến năm 220 sau Công nguyên.
Triều đại nhà Đường cai trị từ năm 618–907.
Triều đại nhà Tống cai trị từ năm 960–1279.
Vào thế kỷ thứ 13, Trung Quốc bị Đế quốc Mông Cổ chinh phục. Năm 1271, Đại hãn người Mông Cổ thiết lập triều đại nhà Nguyên.
Triều đại nhà Minh cai trị Trung Quốc từ năm 1368–1644.
Triều đại nhà Thanh do người Mãn Châu thành lập cai trị Trung Quốc từ năm 1636–1912.
Trung Hoa Dân Quốc lật đổ nhà Thanh, triều đại phong kiến cuối cùng của Trung Quốc vào năm 1912 và cầm quyền tại Trung Quốc đại lục cho đến năm 1949. Sau khi Đế quốc Nhật Bản bại trận trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Trung Quốc chia thành hai: Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) có thủ đô là Bắc Kinh và Trung Hoa Dân quốc tại đảo Đài Loan với thủ đô là Đài Bắc.
Các hang động Phật giáo Vân Cương đồ sộ được thực hiện từ giữa thế kỷ thứ 5 đến đầu thế kỷ thứ 6 sau Công nguyên. Bao gồm 252 hang động và hốc tường cùng 51.000 bức tượng trong một khu vực chạm khắc rộng 18.000m2.
Các hang động Vân Cương đại diện cho thành tựu nổi bật của nghệ thuật hang động Phật giáo ở Trung Quốc. 5 hang động do Tan Yao, nhà sư Phật giáo người Trung Quốc (không rõ năm sinh và mất) thời Bắc Ngụy (Northern Wei, tồn tại năm 386- 535) tạo ra là một kiệt tác kinh điển của đỉnh cao đầu tiên của nghệ thuật Trung Quốc, với sự thống nhất chặt chẽ về bố cục và thiết kế.
Các hang động Vân Cương được xây dựng theo chỉ thị của Hoàng đế, thể hiện ý chí của Nhà nước gắn với đức tin Phật giáo trong thời kỳ Bắc Ngụy, Trung Quốc.
Mặc dù chịu ảnh hưởng của nghệ thuật hang động Phật giáo từ Nam và Trung Á, các hang động Vân Cương đã diễn giải nghệ thuật hang động Phật giáo với bản sắc Trung Hoa và địa phương. Hang động Vân Cương đã đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong số các hang động Phật giáo phương Đông ban đầu và có tác động sâu rộng đến nghệ thuật hang động Phật giáo ở Trung Quốc và Đông Á.
Bản đồ Trung Quốc và vị trí khu vực Hang động Phật giáo Vân Cương
Hang động Vân Cương (Yungang Grottoes), thành phố Đại Đồng, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc được UNESCO tôn vinh là Di sản thế giới với tiêu chí:
Tiêu chí (i): Quần thể tượng ở hang động Vân Cương là kiệt tác của nghệ thuật hang động Phật giáo Trung Quốc thời kỳ đầu.
Tiêu chí (ii): Nghệ thuật hang động Vân Cương đại diện cho sự giao lưu thành công giữa nghệ thuật biểu tượng tôn giáo Phật giáo từ Nam và Trung Á với truyền thống văn hóa Trung Quốc, bắt đầu từ thế kỷ thứ 5 sau Công nguyên dưới sự bảo trợ của Hoàng gia.
Tiêu chí (iii): Sức mạnh và sự bền bỉ của đức tin Phật giáo ở Trung Quốc được minh họa sống động qua các hang động Vân Cương.
Tiêu chí (iv): Truyền thống nghệ thuật hang động tôn giáo của Phật giáo đã đạt được tác động lớn đầu tiên tại Vân Cương, nơi nó phát triển bản sắc riêng biệt và sức mạnh nghệ thuật của mình.
Phạm vi Di sản Hang động Vân Cương, Đại Đồng, Sơn Tây, Trung Quốc
Hang động Vân Cương là những hang động chùa Phật giáo cổ xưa của Trung Quốc được xây dựng vào thời Bắc Ngụy gần thành phố Đại Đồng, tỉnh Sơn Tây. Chúng là những ví dụ tuyệt vời về kiến trúc cắt vào trong đá (Rock-cut architecture) và là một trong ba địa điểm điêu khắc Phật giáo cổ đại nổi tiếng nhất của Trung Quốc. Hai địa điểm khác là Hang động Long Môn, Lạc Dương, Hà Nam (Longmen Grottoes, Di sản thế giới) và Hang Mạc Cao, Đôn Hoàng, Cam Túc (Mogao Caves, Di sản thế giới).
Di sản Hang động Vân Cương nằm cách thành phố Đại Đồng (cố đô Bình Thành xưa) khoảng 16 km về phía tây, trong thung lũng sông Shi Li, ở chân núi Vũ Châu (Wuzhou Shan). Do nằm ở nơi có nhiều mây nên được gọi là Vân Cương. Các di tích hang động nằm tại mặt phía nam của một vách đá sa thạch dài khoảng 800m, theo chiều từ đông sang tây và cao từ 9 đến 18m.
Quần thể Hang động Vân Cương có 252 hang động được chạm khắc vào vách đá vôi. Trong số đó có 45 hang động chính và 209 hang động phụ. Ngoài các hang động, còn có khoảng 1100 hốc. Cả hang động và hốc cùng nhau chứa khoảng 51.000 bức tượng. Bức tượng nhỏ nhất cao 2cm, bức tượng lớn nhất có kích thước cao 17m.
Sau khi nhà Tây Tấn (Western Jin dynasty, tồn tại năm 266–316) suy tàn, các vùng phía bắc Trung Quốc nằm dưới sự kiểm soát của Bắc Ngụy (Northern Wei, tồn tại năm 386–535) do người Tuoba cai trị. Họ đã biến thành phố Bình Thành, hiện được gọi là Đại Đồng, thành kinh đô của họ.
Nhờ sự thăng tiến của triều đại, kinh đô Bình Thành đã chứng kiến sự gia tăng trong công tác xây dựng. Bắc Ngụy sớm chấp nhận Phật giáo là quốc giáo. Phật giáo đã đến địa điểm này thông qua Con đường Tơ lụa phương Bắc (North Silk Road) cổ đại.
Tuyến đường này dài khoảng 2600km, nối liền kinh đô cổ đại của Trung Quốc là Tây An (phía tây Trung Quốc) qua đèo Wushao Ling đến thị trấn Vũ Uy (Wuwei hay Liangzhou, ở phía bắc trung tâm tỉnh Cam Túc, Trung Quốc), đi qua Kashgar (hay Kashi, ở miền nam Tân Cương, Trung Quốc) và nối với khu vực Parthia cổ đại (khu vực lịch sử nằm tại đông bắc Đại Iran hay Đại Ba Tư (một khu vực văn hóa xã hội rộng lớn bao gồm các bộ phận của Tây Á, Kavkaz, Trung Á, Nam Á và Đông Á, chịu ảnh hưởng ở một mức độ nào đó bởi người Iran và ngôn ngữ Iran).
Nhờ Con đường Tơ lụa (và Hương liệu/Silk and Spice Routes), xuất hiện một mạng lưới các tuyến đường thương mại cổ đại nối Đông Á với phần còn lại của Âu Á. Hàng hóa và ý tưởng đã được trao đổi dọc theo Con đường Tơ lụa kể từ ít nhất là thế kỷ 2 TCN.
Các tuyến đường thương mại này đã gắn kết lãnh thổ Bắc Ngụy với vùng đất linh thiêng của Phật giáo ở Nam Á và với các vương quốc Trung Á thúc đẩy giáo lý Phật giáo.
Một trong những yếu tố chính tạo điều kiện cho sự giao thoa của những văn hóa truyền thống đa dạng này là việc tập hợp nguồn nhân lực và vật liệu từ các vùng khác nhau. Vào những năm 430 và 440, triều đình Bắc Ngụy đã ban hành sắc lệnh di dời những nghệ nhân và nhà sư từ vùng đất bị chinh phục đến kinh đô Bình Thành. Sự tập trung dân cư và nghề thủ công tại kinh đô đã dẫn đến sự phát triển nghệ thuật của các tu viện Phật giáo, đền hang động, tác phẩm điêu khắc và tranh tường. Những nhà sư lỗi lạc hoạt động tích cực ở Bình Thành cũng tham gia vào hoạt động tôn giáo ở các trung tâm đô thị khác như Trường An và Vũ Uy, và duy trì mối quan hệ chặt chẽ với các cộng đồng Phật giáo Trung Á.
Một trong những nhà sư lỗi lạc đó là Tan Yao. Ông là người có nhiều sáng kiến như: Thành lập cộng đồng hộ gia đình quyên góp ngũ cốc cho địa phương để hỗ trợ người nghèo trong thời kỳ nạn đói; Thành lập cộng đồng Phật giáo, bao gồm những người nghèo khổ để canh tác trên đất và bảo trì các tòa nhà của thiền viện. Ngoài ra, ông còn dịch kinh sách với sự hỗ trợ của các vị sư Ấn Độ. Những cuốn sách này cung cấp chủ đề cho những nhà điêu khắc tạo tác trong các hang động Vân Cương.
Vào thế kỷ 5, kinh đô đã được chuyển đến Lạc Dương (Luoyang). Song những công trình xây dựng tại Vân Cương vẫn tiếp tục trong ba thập kỷ nữa, song với kích thước nhỏ hơn nhiều so với công trình trước đó (tập trung tại đầu phía tây của Quần thể). Vào thế kỷ 12 (triều đại Nhà Liêu hay Khiết Đan, tồn tại năm 916- 1125), Hang động Vân Cương được trùng tu và lắp đặt các cấu trúc bằng gỗ gắn vào mặt tiền. Sau thời gian này, Di tích gần như bỏ hoang và chỉ được khám phá lại vào đầu thế kỷ 20.
Sơ đồ Con đường Tơ lụa và Hương Liệu
Công việc chạm khắc tại đây thực hiện theo 3 giai đoạn:
Giai đoạn đầu: Kéo dài cho đến năm 465. Những hang động hình thành trong giai đoạn này được đánh số từ 16- 22.
Giai đoạn thứ hai: Kéo dài từ khoảng năm 471 – 494, gồm các hang động đôi đánh số 5/6, 7/8, 9/10 và hang động 11, 12 và 13. Những hang động này được xây dựng dưới sự giám sát và hỗ trợ của triều đình. Sự bảo trợ của hoàng gia kết thúc vào năm 494 với việc triều đình nhà Ngụy (Wei) chuyển đến kinh đô mới Lạc Dương.
Giai đoạn thứ ba: Kéo dài cho đến năm 525, khi việc xây dựng dừng lại hoàn toàn do các cuộc nổi loạn trong khu vực. Tất cả hang động xây dựng trong giai đoạn này được thực hiện dưới sự bảo trợ của tư nhân.
Trong giai đoạn tiếp theo, do sự xuống cấp của các bức tượng, sự phong hóa của đá sa thạch trong hang động, nên nhiều bức tượng, hang đá phải liên tục được làm mới, đặc biệt là trong thế kỷ 11, 17, 20.
Sơ đồ vị trí 45 hang động chính tại Quần thể Hang động Vân Cương, Đại Đồng, Sơn Tây, Trung Quốc
Phối cảnh tổng thể Quần thể Hang động Vân Cương, Đại Đồng, Sơn Tây, Trung Quốc
Lối vào chính Di sản Hang động Vân Cương, Đại Đồng, Sơn Tây, Trung Quốc
Các hang động chính tại Di sản Hang động Vân Cương chia thành 3 nhóm chính:
Nhóm hang động phía đông
Nhóm hang động phía đông Quần thể gồm những hang động được đánh số thứ tự từ 1 đến 4.
Hang động 1 và 2
Hang động 1 và 2 nằm cạnh nhau, ở cuối phía đông của Quần thể.
Bố cục của chúng tương tự nhau với cửa hang và ô thoáng ngay bên trên. Bên trong hang là cấu trúc hộp vuông tạc vào trong vách đá với một cột đá ở trung tâm hang được chạm khắc tỉ mỉ. Trên trần và xung quanh trang trí nhiều hình ảnh tượng Phật.
Tại đây có sự tích hợp giữa truyền thống văn hóa nội sinh Trung Quốc và văn hóa Phật giáo ngoại nhập. Điều này thể hiện rõ trong Hang 1, giữa tán của cột đá trung tâm và trần nhà, là hình ảnh những con rồng, truyền thống văn hóa Trung Quốc, bao quanh là những ngọn núi tượng trưng cho Núi Meru, ngọn núi linh thiêng được coi là trung tâm của vũ trụ trong vũ trụ học Phật giáo.
Mặt trước Hang 1 và 2, Quần thể Hang động Vân Cương, Đại Đồng, Sơn Tây, Trung Quốc
Cột đá trung tâm tại Hang 1, Quần thể Hang động Vân Cương, Đại Đồng, Sơn Tây, Trung Quốc
Hình tượng con rồng tại Hang 1, Quần thể Hang động Vân Cương, Đại Đồng, Sơn Tây, Trung Quốc
Cột đá trung tâm tại Hang 2, Quần thể Hang động Vân Cương, Đại Đồng, Sơn Tây, Trung Quốc
Hang động 3
Hang động 3 nằm tại phía đông của Quần thể. Đây là hang lớn nhất tại Vân Cương, tạc trong vách đá cao 25m.
Bề mặt hang có 3 hàng hốc đá. Hàng trên cùng có 12 hốc đá hình chữ nhật. Bên trong hốc chạm khắc nhiều hình tượng về Đức Phật và Bồ tát.
Tượng Phật đứng tại giữa hang cao 10m. Bức tượng đặc trưng cho nghệ thuật điêu khắc Bắc Ngụy với các nếp gấp trên trang phục được tạo bởi những đường cong và đương thẳng đơn giản; khuôn mặt với đôi tai to chạm gần đến vai.
Tương tự như nhiều bức tượng khác trong khu vực Di sản, lớp thạch cao màu trang trí bên ngoài đã không còn.
Mặt trước Hang 3, Quần thể Hang động Vân Cương, Đại Đồng, Sơn Tây, Trung Quốc
Tượng Phật, Bồ Tát trong Hang 3, Quần thể Hang động Vân Cương, Trung Quốc
Hang động 4
Hang động 4 nằm cạnh Hang động 3, nằm gần chính giữa khoảng sân. Giữa Hang là một cột vuông có chạm khắc.
Mặt trước Hang 4, Quần thể Hang động Vân Cương, Đại Đồng, Sơn Tây, Trung Quốc
Nhóm hang động trung tâm
Nhóm hang động trung tâm Quần thể gồm các hang động được đánh số thứ tự từ 5 đến 8.
Nhóm hang động này tạo thành điểm nhấn cho trục trung tâm với lối vào chính của Quần thể từ phía nam.
Hang động 5, 6, 7, 8
Hang động 5, 6, 7, 8 nằm tại trung tâm của Quần thể, dễ nhận biết bởi cấu trúc bằng gỗ 5 gian tại mặt tiền, cao 3 và 4 tầng.
Hang động 5 và 6 được xây dựng vào khoảng năm 465 – 494. Hai hang thông với nhau và có một cấu trúc gỗ ở mặt tiền cao 4 tầng. Diện tích bề mặt của hang động khoảng 1.000m2. Hang động 5 và 6 thuộc dạng các hang động kề liền, ghép đôi với mặt bằng và cấu trúc bên trong tương tự nhau. Hang gồm hai phần: Phần hốc bên ngoài với một mặt hở như một tiền sảnh và phần hốc bên trong như một phòng kín với một cửa ra vào. Trung tâm của hốc phòng bên trong có một khối cột trụ lớn được tạc từ khối vách đá.
Phối cảnh tổng thể Hang 5,6,7,8, Quần thể Hang động Vân Cương, Đại Đồng, Sơn Tây, Trung Quốc
Bên trong Hang động 5 là bức tượng Phật cao 17m, là tượng Phật cao nhất tại Vân Cương.
Hang động 6 nằm chính giữa trục trung tâm của Quần thể, là một trong những di tích phong phú nhất của Vân Cương. Trung tâm của Hang là một cột trụ đá nối liền từ sàn đến trần cao 15m. Bề mặt cột trụ và vách tường xung quanh đều được tạc rất nhiều hình ảnh về Đức Phật. Vách tường xung quanh phân thành hai tầng. Ngoài các chạm khắc biểu tượng Đức Phật, Bồ tát và các nhà sư cùng với các thiên thần khác, tại đây còn có nhiều bức chạm khắc rồng. Tất cả các tác phẩm chạm khắc đều được sơn và sơn lại nhiều lần, không thể xác định màu sắc ban đầu.
Mặt trước Hang 5 và 6, Quần thể Hang động Vân Cương, Đại Đồng, Sơn Tây, Trung Quốc
Sơ đồ mặt bằng Hang 5 và 6, Quần thể Hang động Vân Cương, Đại Đồng, Sơn Tây, Trung Quốc
Mặt tượng Phật tại Hang 5, Quần thể Hang động Vân Cương, Đại Đồng, Sơn Tây, Trung Quốc
Chạm khắc Đức Phật giảng bài tại Hang 6, Quần thể Hang động Vân Cương, Đại Đồng, Sơn Tây, Trung Quốc
Trang trí tinh xảo trên cột trung tâm tại Hang 6, Quần thể Hang động Vân Cương, Đại Đồng, Sơn Tây, Trung Quốc
Chạm khắc rồng và thần tiên tại Hang 6, Quần thể Hang động Vân Cương, Đại Đồng, Sơn Tây, Trung Quốc
Hang thứ 7 và 8 cũng được nối liền nhau với mặt tiền là cấu trúc gỗ cao 3 tầng.
Bên trong Hang thứ 7 có một bức tượng Phật lớn được chạm khắc trên bức tường chính của hốc phòng bên trong.
Bên trong Hang thứ 8 có tượng các nhà hiền triết Kumara ở hai bên hốc phòng.
Mặt trước Hang 7 và 8, Quần thể Hang động Vân Cương, Đại Đồng, Sơn Tây, Trung Quốc
Tượng thần Maheśvara bên trong Hang 8, Quần thể Hang động Vân Cương, Đại Đồng, Sơn Tây, Trung Quốc
Nhóm hang động phía tây
Nhóm hang động phía tây Quần thể gồm các hang động được đánh số thứ tự từ 9 đến 45. Đây là nhóm hang động có kích thước đa dạng từ hang lớn có các trụ đá cao đến hang nhỏ với các hốc tường.
Hang động 9 đến 13
Đây là đoạn hang động nằm tại phía tây của Nhóm hang động trung tâm.
Mặt trước đoạn Hang 9 đến 13, Quần thể Hang động Vân Cương, Đại Đồng, Sơn Tây, Trung Quốc
Hang động 9, 10 có mặt tiền tương tự nhau. Bên trong có cấu trúc tương tự như Hang động 5 và 6, gồm phần hốc bên ngoài (như tiền phòng) và hốc bên trong (như phòng) với một trụ đá tại trung tâm.
Tại hốc ngoài Hang 9 có một tượng Bồ tát Di Lặc ngồi xếp bằng trên bức tường phía đông. Tượng được dựng vào giai đoạn 2, sau năm 650.
Tượng Bồ tát tại Hang 9, Quần thể Hang động Vân Cương, Đại Đồng, Sơn Tây, Trung Quốc
Hang động 11 đến 13 nối liền nhau với mặt tiền gồm các hốc nhỏ.
Tại Hang 11, cột đá giữa hốc phòng và các vách tường trang trí những bức tượng Phật với dòng chữ khắc ở hướng bắc có niên đại từ thời Bắc Ngụy.
Trong Hang động 12 có trang trí phù điêu nhạc công chơi đàn tỳ bà và quan sát cảnh quan xung quanh.
Bên trong Hang 12, Quần thể Hang động Vân Cương, Đại Đồng, Sơn Tây, Trung Quốc
Phù điêu Nhạc công chơi đàn trong Hang động 12, Quần thể Hang động Vân Cương, Đại Đồng, Sơn Tây, Trung Quốc
Ở giữa Hang động 13 là tượng Di lặc ngồi, cao 12m. Cánh tay phải của tượng được hỗ trợ bởi một tượng Phật nhỏ hơn. Trên ngực của Bồ tát ở các bức tường phía đông và tây là các trang trí hình rồng.
Tượng Phật tại Hang 13, Quần thể Hang động Vân Cương, Đại Đồng, Sơn Tây, Trung Quốc
Hang động 14 đến 15
Đây là đoạn hang động nằm tại phía tây của Nhóm hang động từ 9 đến 13.
Mặt trước đoạn Hang 14 đến 18, Quần thể Hang động Vân Cương, Đại Đồng, Sơn Tây, Trung Quốc
Hang động 14, 15 nối liền nhau với mặt tiền gồm vách đá với các trụ đá cao.
Hàng động 14 có một bức tượng đã hoàn toàn bị phong hóa.
Hang động 15 nổi bật với hơn 10.000 bức tượng Phật nhỏ được gọi là "Động vạn Phật".
Hang động 16 đến 20
Hang động từ 16 đến 20 là 5 hang động được xây dựng đầu tiên bởi hoàng gia của triều đại Bắc Ngụy vào khoảng năm 460. Đây là những hang động đẹp nhất tại Vân Cương với những bức tượng Phật vô cùng uy nghi, theo phong cách thô ráp và mạnh mẽ. Mỗi hang đều có một bức tượng Phật khổng lồ làm biểu tượng trung tâm. Tượng có nhiều tư thế.
Người ta cho rằng các tượng Phật chính trong 5 hang động này là biểu tượng cho 5 vị Hoàng đế của triều đại Bắc Ngụy, thể hiện quan điểm cai trị quốc gia gắn với đức tin Phật giáo. Việc thờ cúng Đức Phật tương đương với việc thờ cúng Hoàng gia với hy vọng chính thể tồn tại mãi ngàn năm.
Hang 16 sâu 14m, rộng 11m, cao 9m, có tượng Phật chính với tư thế ngồi, cao 13,5m. Trong hang có những hốc vòm lớn với hàng ngàn bức tượng Phật ngồi. Trên vách hang chạm khắc các nhạc công với nhạc cụ, vì vậy Hang này còn được gọi là Hang Âm nhạc. Hiện Hang đã được mô phỏng tái tạo lại, phục hồi màu sắc trong Hang.
Tượng Phật tại Hang 16, Quần thể Hang động Vân Cương, Đại Đồng, Sơn Tây, Trung Quốc
Hang 17 có vách đá mặt tiền gồm 2 hốc. Bên trong có tượng Bồ Tát ngồi cao 15,5m. Nội thất bên trong tương tự như các hang khác với những hốc vòm có tượng Phật ngồi. Trên vách và trần hang chạm khắc nhiều chi tiết.
Mặt tiền Hang 17, Quần thể Hang động Vân Cương, Đại Đồng, Sơn Tây, Trung Quốc
Tượng Phật tại Hang 17, Quần thể Hang động Vân Cương, Đại Đồng, Sơn Tây, Trung Quốc
Hang 18 có vách đá mặt tiền tường tự như Hang 17, gồm 2 hốc. Bên trong có một tượng Phật đứng cao 15m. Xung quanh, tại vách trái và phải của hang là các hàng tượng Phật, Bồ tát. Mặt các bức tượng thể hiện trán cao, mắt sâu, hốc mắt trũng, sống mũi cao; khuôn mặt của những người đến từ xứ khác.
Mặt tiền Hang 18, Quần thể Hang động Vân Cương, Đại Đồng, Sơn Tây, Trung Quốc
Tượng Phật đứng tại Hang 18, Quần thể Hang động Vân Cương, Đại Đồng, Sơn Tây, Trung Quốc
Hang 19 là hang động lớn nhất trong 5 hang động Hoàng gia (Hang động 16 đến 20). Hang có vách đá mặt tiền tương tự như Hang 17, 18 với hai hốc tường. Hang có một tượng Phật ngồi cao 16,8m tại trung tâm. Đây là bức tượng Phật cao thứ hai trong Động Vân Cương (sau tượng Phật cao 17m tại Hang động 5). Tại vách hang phía đông và tây có những hốc tường với các bức tượng Phật ngồi. Tại vách hang phía nam có bức chạm khắc cao 3m, thể hiện sự tích Phật giáo.
Mặt tiền Hang 19 (và 20 bên trái ảnh), Quần thể Hang động Vân Cương, Đại Đồng, Sơn Tây, Trung Quốc
Tượng Phật tại Hang 19, Quần thể Hang động Vân Cương, Đại Đồng, Sơn Tây, Trung Quốc
Tại Hang động 20, phần vách đá trước hang đã bị sụp đổ khiến tượng Phật tại đây trở thành một tượng Phật ngoài trời. Tượng Phật ngồi tại trung tâm cao khoảng 13m. Bên trái là một tượng Bồ tát đứng. Bên phải cũng có một tượng Bồ tát đứng nhưng nay đã không còn.
Hai bức tượng được khắc vào trong đá rất tinh xảo với khuôn mặt đẹp và đầy đặn, là hai trong những tượng Phật nổi bật nhất tại Quần thể và được coi là một kiệt tác của nghệ thuật điêu khắc Phật giáo thời kỳ đầu tại Trung Quốc.
Hang động 20 tạo thành một trục cảnh quan của Quần thể với điểm nhấn là bức tượng Phật ngồi.
Trục cảnh quan của Quần thể phía trước Hang 20, Hang động Vân Cương, Đại Đồng, Sơn Tây, Trung Quốc
Tượng Phật tại Hang 20, Quần thể Hang động Vân Cương, Đại Đồng, Sơn Tây, Trung Quốc
Hang động từ 21 đến 45
Hang số 21 đến 45 và một số hang đá chưa được đánh số nằm tại phía tây của Quần thể.
Mặt trước đoạn Hang động 21 đến 31, Quần thể Hang động Vân Cương, Đại Đồng, Sơn Tây, Trung Quốc
Bên trong Hang 39, Quần thể Hang động Vân Cương, Đại Đồng, Sơn Tây, Trung Quốc
Di sản Hang động Vân Cương (Yungang Grottoes), thành phố Đại Đồng, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc là đại diện cho thành tựu nổi bật của nghệ thuật hang động Phật giáo ở Trung Quốc vào thế kỷ thứ 5 và thứ 6, thể hiện một trung tâm tôn giáo quan trọng từ thế kỷ thứ 5 tại Trung Quốc.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn:
https://whc.unesco.org/en/list/1039
https://en.wikipedia.org/wiki/China
https://en.wikipedia.org/wiki/Yungang_Grottoes
https://www.flickr.com/groups/1154542@N24/pool/with/51900739118
https://smarthistory.org/yungang-grottoes-in-china/
https://zh.wikipedia.org/zh-hans/%E9%9B%B2%E5%B2%A1%E7%9F%B3%E7%AA%9F
https://inf.news/en/culture/b58a3b7b2d1edc67417634f55e196506.html
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi
|