Thông tin chung:
Công trình: Thung lũng Loire giữa Sully-sur-Loire và Chalonnes (The Loire Valley between Sully-sur-Loire and Chalonnes)
Địa điểm: Pháp (N47 23 56.004 E0 42 10.008)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Diện tích Di sản 86.021 ha; diện tích vùng đệm 213.481 ha
Năm hoàn thành:
Giá trị: Di sản thế giới (2000, sửa đổi ranh giới nhỏ năm 2017; hạng mục i, ii, iv)
Pháp (France) là một quốc gia có lãnh thổ chính nằm tại Tây Âu cùng một số vùng và lãnh thổ hải ngoại.
Pháp có tổng diện tích 643.801 km2, dân số gần 67,3 triệu người (năm 2018), thủ đô là thành phố Paris.
Trong thời đại đồ sắt (Iron Age), bắt đầu vào thế kỷ 12 trước Công nguyên (TCN), nước Pháp (không kể phần lãnh thổ hải ngoại) là nơi cư trú của bộ tộc người Gaulois thuộc Celt, là nhóm các bộ tộc đa dạng ở châu Âu.
Người La Mã (Roma) thống trị khu vực từ năm 51 TCN đến năm 476 sau Công nguyên. Từ năm 476, người Frank thuộc nhóm bộ tộc Germain, sống tại hạ lưu và trung lưu sông Rhine đã chinh phục vùng đất, thành lập Vương quốc Pháp (Kingdom of Francia).
Pháp nổi lên thành một đế chế hùng mạnh tại châu Âu vào cuối thời Trung Cổ, thế kỷ 14 và 15. Việc giành thắng lợi trong cuộc Chiến tranh Trăm năm (1337-1453, giữa Anh và Pháp) giúp Pháp củng cố quốc gia và tập trung hóa chính trị.
Trong thời kỳ Phục Hưng (thế kỷ 15 đến 17) văn hóa Pháp phát triển mạnh mẽ và nước Pháp dần trở thành một trong những đế quốc thực dân toàn cầu (Grande France).
Dưới thời vua Louis 14 (trị vì 1643 – 1715, còn gọi là Vua Mặt trời) Pháp trở thành thế lực chi phối văn hoá, chính trị và quân sự tại châu Âu.
Đến cuối thế kỷ 18, Cách mạng Pháp lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế, lập nên một trong các nền cộng hoà sớm nhất trong lịch sử hiện đại. Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền, nền tảng của cuộc Cách mạng và biểu thị ý thức hệ của nước Pháp thời bấy giờ vẫn tiếp tục là đức tin mãnh liệt cho đến ngày nay.
Trong thế kỷ 19, hoàng đế Napoléon Bonaparte (trị vì năm 1804- 1814) lập ra Đệ nhất Đế chế Pháp (First French Empire) và tiến hành các cuộc chiến tranh tại châu Âu. Sau khi Đế chế Pháp sụp đổ, Pháp trải qua giai đoạn các chính phủ kế tiếp nhau với đỉnh cao là thành lập Đệ tam Cộng hòa Pháp (French Third Republic) vào năm 1870. Trong thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20, Pháp đã trở thành đế quốc thực dân lớn thứ 2 thế giới sau đế quốc Anh.
Nước Pháp là một bên tham chiến chính trong Chiến tranh Thế giới I, và giành được phần thắng. Trong Chiến tranh Thế giới II, Pháp thuộc khối Đồng Minh, bị phe Trục (Đức, Ý, Nhật) chiếm đóng vào năm 1940 và được giải phóng vào năm 1944. Đệ tứ Cộng hòa Pháp (French Fourth Republic) được thành lập năm 1946, song sau đó bị giải thể trong chiến tranh Algérie vào năm 1958. Nền Đệ ngũ Cộng hoà (Fifth Republic) dưới quyền của tổng thống Charles de Gaulle (tại vị năm 1959 – 1969) được thành lập vào năm 1958 và tồn tại cho đến ngày nay.
Hiện tại, Pháp được phân thành thành 18 vùng hành chính, gồm 13 vùng tại chính quốc và 5 vùng hải ngoại. Mỗi vùng chia thành 2 đến 18 tỉnh. Mỗi vùng hải ngoại tương đương 1 tỉnh.
Pháp thuộc nhóm Quốc gia phát triển và từ lâu đã có vị thế là một trung tâm của thế giới về nghệ thuật, khoa học và triết học, có số Di sản thế giới nhiều thứ 3 tại châu Âu (số liệu đến năm 2019: Ý 55 Di sản; Tây Ban Nha 48, Đức 46, Pháp 45).
Bản đồ nước Pháp và vị trí khu vực sông Loire
Sông Loire là con sông dài nhất ở Pháp, khoảng 1.006 km, thoát nước cho lưu vực 117.054 km2 (hơn một phần năm diện tích đất Pháp). Sông bắt nguồn từ phần đông nam của Pháp, ở độ cao 1350m so với mực nước biển, chảy về phía bắc, sau đó về phía tây đổ vào Vịnh Biscay (Đại Tây Dương) tại Saint-Nazaire. Các nhánh chính của sông Loire gồm nhánh sông Nièvre, Maine và Erdre ở bờ phải, và nhánh sông Allier, Cher, Indre, Vienne và Sèvre Nantaise ở bờ trái.
Thung lũng sông Loire giữa Sully-sur-Loire và Chalonnes nằm ở vùng Centre-Val-de-Loire (một trong 18 vùng hành chính của Pháp, thủ phủ là thành phố Orléans và thành phố lớn nhất là Tours) và vùng Pays-de-la-Loire (thủ phủ và thành nhố lớn nhất là Nantes).
Cảnh quan văn hóa này bao phủ một phần của đoạn lưu vực sông dài 280km, từ Sully-sur-Loire, phía đông Orléans đến Chalonnes, phía tây Angers, bao gồm các sông nhỏ và lớn.
Thung lũng được hình thành từ nhiều thế kỷ tương tác giữa dòng sông, vùng đất mà sông tưới tiêu và dân số định cư ở đó trong suốt chiều dài lịch sử.
Sông Loire là trục giao thông và thương mại chính từ thời Gallo-Roman (Gallo-La Mã) cho đến thế kỷ 19, thúc đẩy sự phát triển kinh tế của thung lũng và các thị trấn trong lưu vực. Tại đây có nhiều công trình được xây dựng để định hướng dòng sông phục vụ cho mục đích hàng hải, bảo vệ con người và đất đai khỏi lũ lụt. Các công trình này chủ yếu gồm hệ thống cảng, đê, đôi khi bằng đá, tạo thành điểm nhấn cho dòng sông.
Sông Loire đã hình thành nên nhiều cảnh quan nông thôn, loại đất đai (làm vườn theo mùa, trồng nho), cũng như cảnh quan đô thị.
Những khu định cư, trang trại, làng mạc và thị trấn trong lưu vực chuyển tải đặc điểm vật lý của các phần khác nhau của dòng sông và sự tiến hóa lịch sử của chúng. Kiến trúc đá vôi (tufa) và đá phiến (slate), công trình chạm khắc vào trong đá (troglodyte dwellings), kết cấu đô thị, tất cả đều phản ánh điều này.
Thung lũng sông Loire bị chia cắt bởi các làng mạc và thị trấn trong số đó có Sully, Orléans, Blois, Amboise, Tours và Saumur.
Trong lịch sử chính trị và xã hội của Pháp và Tây Âu vào thời Trung cổ, cũng như trong thời Phục hưng, có thời kỳ Thung lũng sông Loire là nơi đặt trụ sở của quyền lực hoàng gia. Điều này được minh họa bằng các tòa nhà và lâu đài đã làm nên tên tuổi của nơi đây, chẳng hạn như Lâu đài Chambord, Chenonceau, Amboise, Blois và Azay-le-Rideau.
Tiếp đó là các tu viện Benedictine (Benedictine abbeys) và các pháo đài thời Trung cổ. Các pháo đài này đã được chuyển đổi trong thời kỳ Phục hưng thành những ngôi nhà nông thôn để giải trí và vui chơi, với những khu vườn và tầm nhìn hướng ra vùng nông thôn.
Thung lũng Loire còn có một loạt các nhà thờ lớn và quan trọng theo phong cách La Mã, chứng kiến sự thể hiện đức tin của các vị vua và người dân: Nhà thờ Saint-Benoît-sur-Loire, Fontevraud, Cunault; Các nhà thờ hình chóp nhọn của Blois và Candes.
Vào thế kỷ 15 và 16, Thung lũng Loire là khu vực văn hóa quan trọng thể hiện sự giao lưu và ảnh hưởng giữa Địa Trung Hải của Ý, Pháp và Bỉ (Flanders), đồng thời góp phần vào sự phát triển của nghệ thuật làm vườn và xuất hiện của mối quan tâm đến cảnh quan.
Thung lũng sông Loire giữa Sully-sur-Loire và Chalonnes được UNESCO tôn vinh là Di sản thế giới (năm 2000) với tiêu chí:
Tiêu chí (i): Thung lũng sông Loire đáng chú ý vì chất lượng di sản kiến trúc của nó, là tuyệt tác về tài năng sáng tạo của con người, thể hiện ở các thị trấn lịch sử như Blois, Chinon, Orléans, Saumur và Tours, nhưng đặc biệt là ở các lâu đài nổi tiếng thế giới, chẳng hạn như Château de Chambord.
Tiêu chí (ii): Thung lũng sông Loire là một cảnh quan văn hóa nổi bật dọc theo một con sông lớn. Nó chứng kiến sự giao lưu quan trọng giữa các giá trị của con người, sự phát triển hài hòa của mối tương tác giữa loài người và môi trường của họ trong hơn hai thiên niên kỷ.
Tiêu chí (iv): Kiến trúc cảnh quan của Thung lũng sông Loire cùng với nhiều di tích văn hóa của nó, minh họa đặc biệt cho những lý tưởng của thời kỳ Phục hưng và Kỷ nguyên Khai sáng về tư tưởng và thiết kế của Tây Âu.
Phạm vi Khu vực Di sản Thung lũng sông Loire, Pháp
Di sản Thung lũng sông Loire một cảnh quan văn hóa đặc biệt, có vẻ đẹp tuyệt vời, bao gồm các thị trấn và làng mạc lịch sử, các di tích kiến trúc lớn như lâu đài và những vùng đất canh tác (vườn nho, vườn cây ăn quả…). Di sản định hình qua nhiều thế kỷ, thể hiện mối tương tác giữa người dân địa phương và môi trường vật lý của họ, đặc biệt là sông Loire.
Các di tích chính trong Di sản Thung lũng sông Loire gồm:
Các thị trấn lịch sử
Trong phạm vi Khu vực Di sản 86.021 ha, hai bờ sông Loire được phân định bởi các làng mạc và thị trấn trong số đó có các thị trấn lịch sử Blois, Chinon, Orléans, Saumur và Tours.
Sơ đồ ranh giới các tỉnh tại Khu vực Di sản Thung lũng sông Loire, Pháp
Sơ đồ vị trí các thị trấn lịch sử tại Khu vực Di sản Thung lũng sông Loire, Pháp
Thị trấn lịch sử Blois
Blois là thị trấn thủ phủ của tỉnh Loir-et-Cher, vùng Centre-Val de Loire, Pháp. Thành phố có diện tích 37,46 km2, dân số khoảng 46 ngàn người (năm 2021). Thành phố nằm tại cao độ 63- 135m so với mực nước biển.
Nơi đây có người sinh sống từ thời tiền sử, là tổ tiên của những người Pháp, cách đây vào khoảng 8000 năm trước.
Theo lịch sử, thành phố là thủ phủ của Quận Blois, được thành lập vào năm 832 cho đến khi sáp nhập vào lãnh địa Hoàng gia năm 1498, khi Bá tước Louis II của Orléans trở thành Vua Louis XII của Pháp (trị vì năm 1498 – 1515). Trong thời kỳ Phục hưng, Blois là nơi ở chính thức của Vua Pháp. Vào thế kỷ 16, triều đình Pháp thường chọn Blois làm nơi nghỉ dưỡng giải trí.
Sau khi Triều đình Hoàng gia rời đến Paris, Blois mất đi địa vị là nơi cư trú của Hoàng gia, cùng với sự xa hoa và hoạt động kinh tế đi kèm.
Từ năm 1986, Blois đã tham gia chương trình Thị trấn nghệ thuật và lịch sử của Pháp (French Towns and Lands of Art and History), nhằm quảng bá khu di sản văn hóa và lịch sử này.
Những địa điểm di tích nổi tiếng:
Lâu đài hay Cung điện hoàng gia Blois (Château of Blois, xây dựng từ thế kỷ 13 đến 17) theo 4 phong cách kiến trúc khác nhau. Từ năm 1850, một phần Cung điện được sử dụng cho Bảo tàng Mỹ thuật Blois (Musée des Beaux-Arts de Blois);
Ngôi nhà ma thuật Robert-Houdin (Robert-Houdin House of Magic);
Bảo tàng dành riêng cho Nghệ thuật ảo ảnh (Illusionism Art);
Quảng trường Louis-XII và Đài phun nước (Louis-XII Place and Fountains);
Bảo tàng Truyện tranh (Comics Museum);
Di tích Bệnh viện từ thiện Hôtel-Dieu (Former Hôtel-Dieu);
Di tích Nhà máy sô cô la Poulain (Former Poulain Chocolate Factory);
Cầu thang Denis-Papin (Denis-Papin Staircase);
Tòa thị chính và Vườn Bishopric (Town Hall and Bishopric Gardens);
Các dinh thự Hôtels Particuliers và Nhà khung gỗ (Hôtels Particuliers and Timber Framing Houses);
Di tích tại Blois-Vienne và bờ sông Loire (Blois-Vienne and the Loire river);
Thành phố này còn có nhiều công trình tôn giáo, bao gồm: Nhà thờ Blois (Blois Cathedral, xây dựng lại từ năm 1544 - 1700); Nhà thờ St. Vincent Blois (St. Vincent Blois Church, xây dựng từ năm 1625 - 1660); Nhà thờ St. Nicholas Blois (St. Nicholas Blois Church, xây dựng vào thế kỷ 12); Nhà thờ Blois-Vienne (Blois-Vienne Church, xây dựng vào khoảng năm 1500 - 1528); Vương cung thánh đường Đức Bà Ba Ngôi (Basilica of Notre-Dame de la Trinité, xây dựng từ năm 1932 - 1939)…
Cầu Jacques-Gabriel với nhà thờ phía sau, bắc qua sông Loire, thị trấn Blois, tỉnh Loir-et-Cher, Pháp
Ngôi nhà ma thuật, thị trấn Blois, tỉnh Loir-et-Cher, Pháp
Cầu thang Denis-Papin, thị trấn Blois, tỉnh Loir-et-Cher, Pháp
Thị trấn lịch sử Chinon
Chinon là thị trấn thuộc tỉnh Indre-et-Loire, vùng Centre-Val de Loire, Pháp. Thị trấn có diện tích 39,02km2, dân số khoảng 8 ngàn người (năm 2021), nằm trên cao độ 27 – 112m so với mực nước biển.
Thị trấn trải dài hai bên bờ nhánh sông Vienne, tại điểm giao với sông Loire. Thị trấn lịch sử chủ yếu nằm ở bờ phía bắc trên sườn núi đá tự nhiên, tạo thành một vị trí phòng thủ và bảo vệ khỏi lũ lụt. Điều kiện địa hình tạo nên một không gian đô thị dài và hẹp, với các đường phố chính chạy song song với dòng sông.
Khu định cư ở Chinon tồn tại từ thời tiền sử, có tầm quan trọng đối với cả lịch sử Pháp và Anh vào thời Trung cổ. Vào thời kỳ này, các con sông là tuyến đường thương mại chính.
Chinon trở thành nơi nghỉ dưỡng ưa thích của các vị vua Pháp và giới quý tộc bắt đầu từ cuối thế kỷ 15 và đầu thế kỷ 16. Các lâu đài thời Phục hưng mà họ xây dựng mới hoặc dựng trên nền của các pháo đài cũ đã mang lại cho khu vực này của Thung lũng Loire biệt danh "Khu vườn của nước Pháp". Chinon đóng vai trò quan trọng và chiến lược trong thời Trung cổ, phục vụ cho cả vua Pháp và vua Anh, đặc biệt trong cuộc đấu tranh giành ngai vàng giữa người Pháp và người Anh trong Chiến tranh Trăm năm (1337–1453).
Từ thế kỷ 16, Chinon không còn là nơi ở của hoàng gia.
Vào những năm 1820, các thành lũy đã bị phá bỏ một phần và thị trấn đã được mở ra bên ngoài, hướng về phía nhà ga xe lửa.
Ngoài các ngôi nhà cổ được làm bằng đá vôi mềm địa phương (Tuffeau stone), mái bằng đá phiến, nhà khung gỗ nằm dọc theo những con phố hẹp, tại đây còn có những di tích nổi tiếng:
Nhà thờ Collegiate Saint-Mexme (Collegiate church of Saint-Mexme, xây dựng từ thế kỷ 10- 19);
Nhà nguyện Sainte-Radegonde (Chapelle Sainte-Radegonde, xây dựng từ thế kỷ 12);
Nhà thờ Saint Maurice (Church of Saint Maurice, xây dựng từ thế kỷ 12);
Nhà thờ Saint Étienne (Church of Saint Étienne, xây dựng từ thế kỷ 15).
Một góc thị trấn Chinon, tỉnh Loir-et-Cher, Pháp
Phố cổ tại thị trấn Chinon, tỉnh Loir-et-Cher, Pháp
Nhà thờ Collegiate Saint-Mexme, tỉnh Loir-et-Cher, Pháp
Thị trấn lịch sử Orléans
Orléans là thành phố thủ phủ thuộc tỉnh Loiret, vùng Centre-Val de Loire, Pháp.
Thành phố có diện tích 27,5km2, dân số khoảng 116 ngàn người (năm 2021), nằm trên cao độ 90 – 124m so với mực nước biển.
Orléans nằm ở khúc quanh phía bắc của sông Loire, chảy từ đông sang tây.
Vào thời đại Merovingian (Merovingian dynasty, triều đại của người Frank, là một dân tộc Tây Âu trong thời Đế chế La Mã và Trung cổ, tồn tại năm 481- 751), thị trấn này là thủ đô của Tiểu vương quốc Orléans.
Thành phố Orléans là một trong những cái nôi của đạo Tin lành.
Trong thế kỷ 17, sông Loire đã giúp Orleans trở thành một trung tâm chính để tinh chế đường, được nhập khẩu từ vùng Caribe (Châu Mỹ) qua Nantes và hoạt động thương mại của nó đã thúc đẩy các khía cạnh khác của nền kinh tế địa phương, như sản xuất sô cô la và giấy gói. Vào thế kỷ 18, Orleans cũng nổi tiếng với việc sản xuất giấm, từ các vườn nho địa phương, cũng như rượu vang.
Orléans có nhiều di tích lịch sử, nổi bật gồm:
5 cây cầu bắc qua sông Loire: Pont de l'Europe (là một cây cầu hình vòm nghiêng độc đáo); Pont du Maréchal Joffre (còn gọi là Pont Neuf); Pont George-V (Pont Royal, cây cầu cổ nhất, xây dựng năm 1751-1760); Pont René-Thinat và Pont de Vierzon (cầu đường sắt). Ngoài ra, còn có tàn tích Pont des Tourelles (xây dựng vào năm 1140 và bị phá hủy vào năm 1760), là cây cầu đá đầu tiên của Orléans;
Bức tường thành Gallo-Roman (xây dựng vào thế kỷ thứ 4), trong đó có Tháp Trắng/Tour Blanche, là một trong số ít tòa tháp phòng thủ thời trung cổ còn sót lại;
Một số dinh thự: Hôtel Groslot (xây dựng năm 1550 - 1555, một số vua Pháp đã ở tại đây);
Hôtel de la Vieille Intendance (xây dựng đầu thế kỷ 15 theo phong cách Gothic – Phục hưng), nay là nơi đặt Tòa án hành chính của Orléans; Hôtel de la Motte-Sanguin (xây dựng vào thế kỷ 18) và khu vườn xung quanh;
Di tích của Đại học Orléans (thành lập năm 1306 bởi Giáo hoàng Clement V, nơi mà nhiều nhân vật lịch sử vĩ đại đã học tập và giảng dạy);
Quảng trường Martroi (Place du Martroi, trái tim của thành phố, với bức tượng cưỡi ngựa của Thánh Joan of Arcở trung tâm);
Tuyến phố Rue de Bourgogne và các phố xung quanh (phố chính của Orléans từ thời Cổ đại) với các ngôi nhà thời Trung cổ hai bên;
Bến tàu hay cảng Orléans (Docks/ Port of Orléans), từng là cảng nội địa quan trọng nhất của Pháp thế kỷ 18;
Nhà thờ Orléans (Orléans Cathedral, xây dựng năm 1278 – 1329);
Bệnh viện Madeleine (xây dựng vào thế kỷ 18) và Nhà nguyện Saint-Charles (bên trong khuôn viên Bệnh viện).
Ngoài ra tại đây còn có nhiều khách sạn, biệt thự cũ (xây dựng vào thế kỷ 16 - 18).
Sông Loire chảy qua thị trấn Orléans, tỉnh Loiret, Pháp
Tòa thị chính cũ và bức tượng nữ thánh Joan of Arc, thị trấn Orléans, tỉnh Loiret, Pháp
Cầu George-V, thị trấn Orléans, tỉnh Loiret, Pháp
Thị trấn lịch sử Saumur
Saumur là thị trấn ở tỉnh Maine-et-Loire (thủ phủ là thành phố Angers), vùng Pays de la Loire, Pháp.
Thị trấn có diện tích 66,25 km2, dân số 26,2 ngàn người (năm 2021), nằm trên cao độ 20 – 95m so với mực nước biển.
Thị trấn nằm giữa sông Loire và Thouet, được bao quanh bởi các vườn nho.
Đặc điểm kiến trúc của thị trấn phần lớn là do được xây dựng gần như hoàn toàn bằng đá vôi mềm (Tuffeau stone, là một loại đá vôi địa phương của Thung lũng Loire).
Những địa điểm di tích nổi tiếng:
Lâu đài Saumur (Saumur Castle, xây dựng vào thế kỷ thứ 10) để bảo vệ tuyến đường qua Sông Loire khỏi các cuộc tấn công của người Norman. Lâu đài, bị phá hủy vào năm 1067 và được xây dựng lại vào cuối thế kỷ 12;
Nhà thờ Saint-Pierre-du-Marais (church of Saint-Pierre-du-Marais, xây dựng từ thế kỷ 12- 17);
Tòa Thị chính (Town hall, xây dựng vào thế kỷ 19);
Trường huấn luyện ngựa quốc gia Cadre Noir (École Nationale d'Équitation);
Các đường hầm làm rượu của ngành công nghiệp rượu vang.
Toàn cảnh lâu đài Saumur, nhà thờ Saint-Pierre-du-Marais và tòa thị chính, nhìn từ phía bên kia sông Loire, thị trấn Saumur, tỉnh Maine-et-Loire, Pháp
Cầu Cessart bắc qua sông Loire, thị trấn Saumur, tỉnh Maine-et-Loire, Pháp
Tòa thị chính thị trấn Saumur, tỉnh Maine-et-Loire, Pháp
Thị trấn lịch sử Tours
Tours là thành phố thủ phủ của tỉnh Indre-et-Loire, vùng Centre-Val de Loire, Pháp.
Thị trấn có diện tích 34,7 km2, dân số 137,7 ngàn người (năm 2021), nằm trên cao độ 44 – 119m so với mực nước biển.
Tours nằm ở hạ lưu của sông Loire, giữa Orléans và bờ biển Đại Tây Dương.
Vào thế kỷ 1, sau Công nguyên, đây là nơi đặt một trong những đấu trường lớn nhất của Đế chế La Mã.
Tours là thành phố đầu tiên của ngành công nghiệp tơ lụa.
Thành phố lịch sử có biệt danh là "Le Petit Paris " và khu vực của nó theo lịch sử và văn hóa luôn là vùng đất sinh ra hoặc là nơi sinh sống của nhiều nhân vật, sự kiện thể thao quốc tế và là một thành phố đại học; một thành phố ẩm thực nổi tiếng.
Những địa điểm di tích nổi tiếng:
Nhà thờ Saint-Gatien (Cathédrale Saint-Gatien de Tours, xây dựng vào năm 1170- 1547);
Vương cung thánh đường St-Martin (Basilique St-Martin, thành lập vào thế kỷ 5). Nhà thờ hiện tại xây dựng vào năm 1886- 1924;
Tòa thị chính (Hôtel de Ville, hoàn thành năm 1904);
Vườn thực vật Tours (Jardin botanique de Tours) rộng 5ha với khoảng 2000 loài;
Bảo tàng Mỹ thuật Tours (Musée des Beaux-Arts de Tours), tồn tại từ năm 1910, lưu giữ 12000 tác phẩm;
Dinh thự Goüin (Hôtel Goüin, xây dựng vào thế kỷ 15);
Lâu đài Tours (Château de Tours, xây dựng vào thế kỷ 11);
Quảng trường và khu phố cổ bao quanh (Place Plumereau, the old town);
Tháp Charlemagne (Tour Charlemagne);
Nhà hát Opéra de Tours…
Một góc thị trấn Tours với cầu Wilson bắc qua sông Loire, tỉnh Indre-et-Loire, Pháp
Tòa thị chính và Quảng trường Jean Jaurès, thị trấn Tours, tỉnh Indre-et-Loire, Pháp
Các dãy dinh thự thời Trung cổ tại thị trấn Tours, tỉnh Indre-et-Loire, Pháp
Lâu đài
Tại các thị trấn lịch sử của Khu vực Di sản có nhiều di tích kiến trúc, đặc biệt là các lâu đài. Những công trình này thường là các pháo đài thời Trung cổ, được chuyển đổi trong thời kỳ Phục hưng thành những ngôi nhà nông thôn để giải trí và vui chơi, với những khu vườn và tầm nhìn hướng ra vùng nông thôn.
Tại đây có hơn 300 lâu đài với các thành lũy bao quanh và những lâu đài tráng lệ như những cung điện.
Khi các vị vua Pháp bắt đầu xây dựng các lâu đài khổng lồ của họ ở đây, giới quý tộc đã làm theo. Sự hiện diện của họ trong thung lũng bắt đầu thu hút những nhà thiết kế cảnh quan giỏi nhất.
Các lâu đài (cũng như nhà thờ) được xây dựng trên đỉnh đồi với tầm nhìn rộng ra xung quanh. Duy nhất có Lâu đài Montsoreau là được xây dựng trên lòng sông Loire. Hiện nhiều lâu đài đã trở thành nơi trưng bày nghệ thuật.
Những lâu đài nổi tiếng tại Khu vực Di sản gồm:
Lâu đài Chambord
Lâu đài Chambord (Château de Chambord) nằm tại thị trấn Chambord, thuộc tỉnh Loir-et-Cher, vùng Centre-Val de Loire, Pháp. Đây là lâu đài lớn nhất ở Thung lũng Loire. Tòa nhà được xây dựng bởi vua Pháp, Francis I (trị vì năm 1515 – 1547), vào năm 1519 – 1547, làm nơi nghỉ săn bắn.
Lâu đài Chambord là một trong những lâu đài dễ nhận biết nhất trên thế giới vì phong cách kiến trúc Phục hưng Pháp (French Renaissance architecture) kết hợp với các cấu trúc Phục hưng cổ điển (Classical Renaissance structures).
Thiết kế ban đầu của lâu đài được cho là của kiến trúc sư Domenico da Cortona (người Tuscan, năm 1465 – 1549).
Lâu đài được bao quanh bởi một công viên rừng rộng 52,5 km2 và khu bảo tồn động vật hoang dã với một bức tường bảo vệ dài 31km.
Lâu đài Chambord là một quần thể, bố cục theo hướng tây bắc – đông nam. Quay về phía tây bắc ra nhánh sông Cosson.
Xung quanh là hệ thống vườn cảnh quan dạng hình học tại phía bắc và đông; dạng tự nhiên tại phía nam và tây nam.
Lâu đài có thành lũy bao quanh với 4 tháp ở các góc. Hai tháp tại phía đông và phía nam mới hoàn thành phần bệ.
Trung tâm của Quần thể là một khối công trình với 4 tháp tròn ở 4 góc, mặt bằng có hành lang giữa dạng chữ thập. Công trình cao 56m, mặt tiền dài 128m với hơn 800 cột điêu khắc và mái nhà được trang trí công phu.
Lâu đài có 440 phòng, 282 lò sưởi, 84 cầu thang và chuồng để chứa 1200 con ngựa.
Lâu đài không nhấn mạnh tính phòng thủ. Các bức tường, tháp và hào một phần chỉ mang tính trang trí.
Một trong những điểm nhấn kiến trúc là cầu thang xoắn ốc đôi ngoạn mục tại điểm giao của hành lang giữa nhà.
Lâu đài Chambord đã ảnh hưởng đến một số yếu tố kiến trúc và trang trí trên khắp châu Âu.
Tổng mặt bằng Lâu đài Chambord, Di sản Thung lũng sông Loire, Pháp
Sơ đồ mặt bằng Lâu đài Chambord (bản khắc năm 1576), Di sản Thung lũng sông Loire, Pháp
Phối cảnh tổng thể phía tây bắc Lâu đài Chambord, Di sản Thung lũng sông Loire, Pháp
Cầu thang đôi xoắn ốc bên trong Lâu đài Chambord, Di sản Thung lũng sông Loire, Pháp
Nội thất phòng ngủ bên trong Lâu đài Chambord, Di sản Thung lũng sông Loire, Pháp
Lâu đài Chenonceau
Lâu đài Chenonceau (Château de Chenonceau) nằm tại thị trấn Chenonceaux, tỉnh Indre-et-Loire, vùng Centre-Val de Loire, Pháp. Đây là một trong những lâu đài nổi tiếng nhất của Thung lũng Loire.
Lâu đài hiện tại được xây dựng vào năm 1514–1522, trên nền móng của một nhà xưởng cũ, sau đó được mở rộng thêm một ngôi nhà cầu bắc qua sông Le Cher, một nhánh của sông Loire. Ngôi nhà cầu được hoàn thành vào năm 1556–1559 theo thiết kế của Philibert de l'Orme (kiến trúc sư người Pháp, năm 1514 – 1570, một trong những bậc thầy vĩ đại của kiến trúc Phục hưng Pháp) và phòng trưng bày trên cầu, được xây dựng từ năm 1570 - 1576 theo thiết kế của Jean Bullant (kiến trúc sư, nhà điêu khắc người Pháp. 1515 – 1578).
Quần thể lâu đài bao gồm các công trình, được bao quanh bởi các khu vườn hình học và tự nhiên. Cụm công trình nằm chếch theo hướng bắc – nam. Lối vào chính từ phía bắc. Cạnh lối vào chính là Pháo đài thời Trung cổ, di tích cuối cùng của Lâu đài trước đó, được bao quanh bởi hào nước.
Qua một cây cầu nhỏ là tòa nhà chính của Quần thể. Tiếp sau tòa nhà chính là một nhà cầu bắc qua sông Le Cher.
Ngoài Cung điện Hoàng gia Versailles, đây là Lâu đài được ghé thăm nhiều nhất ở Pháp.
Tổng mặt bằng Lâu đài Chenonceau, Di sản Thung lũng sông Loire, Pháp
Bản vẽ thiết kế Lâu đài Chenonceau của kiến trúc sư Philibert de l'Orme, Di sản Thung lũng sông Loire, Pháp
Mặt chính hướng bắc Lâu đài Chenonceau, Di sản Thung lũng sông Loire, Pháp
Phối cảnh góc đông bắc Lâu đài Chenonceau, Di sản Thung lũng sông Loire, Pháp
Phối cảnh góc đông nam Lâu đài Chenonceau, Di sản Thung lũng sông Loire, Pháp
Phòng trưng bày bên trong Nhà cầu, Lâu đài Chenonceau, Di sản Thung lũng sông Loire, Pháp
Lâu đài Amboise
Lâu đài Amboise (Château d'Amboise) nằm tại thị trấn Amboise, thuộc tỉnh Indre-et-Loire, vùng Centre-Val de Loire, Pháp. Đây từng là nơi ở của hoàng gia Pháp. Lâu đài Amboise được nằm trên một mũi đất cao, nhô ra phía bờ nam sông Loire.
Lâu đài ban đầu được xây dựng vào cuối thế kỷ thứ 9 bởi một gia đình lãnh chúa và truyền lại cho nhiều đời.
Vào năm 1434, Lâu đài bị vua Pháp Charles VII (trị vì năm 1422 – 1461) tịch thu và nơi đây trở thành nơi ở của hoàng gia, được các vị vua Pháp yêu thích.
Vào năm 1492, vua Charles VIII (trị vì năm 1438 – 1498) xây dựng lại lâu đài. Ban đầu công trình được xây dựng theo phong cách Gothic Flamboyant của Pháp, sau đó được bổ sung các họa tiết trang trí thời Phục hưng và biến công trình trở thành " Cung điện Ý đầu tiên ở Pháp", nơi thu hút nhiều kiến trúc sư, nhà nghệ thuật đến từ Ý tham gia hoàn thiện công trình.
Những năm sau này, Lâu đài Amboise là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử bi thảm thể hiện sự tranh giành quyền lực hoàng gia và Amboise không còn được hoàng gia sủng ái trở lại.
Lâu đài đã suy tàn từ nửa sau thế kỷ 16 và phần lớn các tòa nhà bên trong sau đó đã bị phá hủy, nhưng một số tòa nhà vẫn tồn tại và đã được phục hồi.
Vào đầu thế kỷ 17, lâu đài bị bỏ hoang, có giai đoạn bị biến thành nhà tù.
Lâu đài Amboise còn lưu giữ được các khối nhà tại phía bắc (phía sông Loire), tường thành và các tháp canh hình tròn. Các công trình khác như nhà thờ, khối các tòa nhà tại phía đông và phía tây chỉ còn lại tàn tích.
Tổng mặt bằng Lâu đài Amboise, Di sản Thung lũng sông Loire, Pháp
Sơ đồ tổng mặt bằng Lâu đài Amboise (của Jacques I Androuet du Cerceau), thời kỳ hoàng kim, Di sản Thung lũng sông Loire, Pháp
Phối cảnh tổng thể phía bắc Lâu đài Amboise, Di sản Thung lũng sông Loire, Pháp
Phối cảnh tổng thể phía nam Lâu đài Amboise, Di sản Thung lũng sông Loire, Pháp
Nhà nguyện Saint Hubert, nơi chôn cất Đại danh nhân Leonardo da Vinci
Phòng trưng bày nghệ thuật bên trong Lâu đài Amboise, Di sản Thung lũng sông Loire, Pháp
Lâu đài Blois
Lâu đài Blois (Château de Blois) nằm tại trung tâm thành phố Blois, tỉnh Loir-et-Cher, vùng Centre-Val de Loire, Pháp. Đây là nơi cư trú của các gia đình lãnh chúa và hoàng gia Pháp.
Lâu đài Blois tồn tại từ thế kỷ thứ 9. Đến thế kỷ 10 và 12 Lâu đài được xây dựng lại như một pháo đài với một nhà thờ bên trong (Nhà thờ Collegiate St-Sauveur).Lâu đài được chuyển giao qua nhiều đời gia tộc.
Lâu đài trở thành nơi ở yêu thích của hoàng gia và là thủ đô chính trị của vương quốc khi Bá tước Louis II trở thành Vua Louis XII của Pháp (trị vì năm 1498- 1515).
Từ thế kỷ 13 đến 17, một số tàn tích còn lại của pháo đài thời Trung cổ được xây dựng lại theo các phong cách kiến trúc khác nhau: Cổ điển (Classical architecture, theo nguyên tắc kiến trúc Hy Lạp, La Mã, tồn tại những năm đầu sau Công nguyên), Phục hưng (Renaissance architecture, từ đầu thế kỷ 15 – 16), Gothic (Gothic architecture, cuối thế kỷ 12 – 16 tại châu Âu). Lâu đài có 564 phòng với 100 phòng ngủ có lò sưởi và 75 cầu thang (trong đó có 23 cầu thang được sử dụng thường xuyên), là nơi ở của nhiều thế hệ hoàng gia.
Trong giai đoạn này, lâu đài chịu ảnh hưởng của phong cách Phục Hưng Ý, thể hiện trước hết ở cầu thang tròn đồ sộ tại trung tâm (được cho là khởi nguồn cho cầu thang tròn xây dựng tại Lâu đài Chambord).
Vào thời điểm Cách mạng Pháp, Lâu đài rộng lớn này đã bị bỏ hoang trong hơn 130 năm và sử dụng như một doanh trại quân đội.
Vào năm 1850, một số không gian của Lâu đài được sử dụng làm Bảo tàng Mỹ thuật Blois (Musée des Beaux-Arts de Blois, trưng bày các bộ sưu tập hội họa, điêu khắc và nghệ thuật trang trí (bao gồm nhiều tấm thảm trang trí) có niên đại từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19.
Lâu đài Blois là một quần thể công trình, gồm tàn tích từ thời Trung cổ và 3 cánh nhà, bao quanh một sân trong, lối vào chính từ phía đông.
Tổng mặt bằng Lâu đài Blois, Di sản Thung lũng sông Loire, Pháp
Sơ đồ mặt bằng Lâu đài Blois, Di sản Thung lũng sông Loire, Pháp
Mặt tiền tại sân trong Lâu đài Blois theo phong cách Cổ điển, Phục hưng và Gothic (từ trái sang phải)
Quần thể Lâu đài gồm các di tích chính:
Tàn tích của Lâu đài thời Trung cổ, bao gồm: Hội trường Công lý: Xây dựng vào năm 1214, theo kiểu Gothic, nằm tại đầu phía bắc của cánh nhà François I, được khôi phục vào năm 2006- 2007, lưu giữ nội thất đa sắc màu và khung, ván gỗ sồi; Bảo tàng Lapidary, gắn liền Hội trường Công lý, tập hợp các tác phẩm điêu khắc thế kỷ 16 ,17 từ các cánh khác nhau của lâu đài; Tháp hình tròn của Foix, nằm gần cánh Gaston d'Orléans, là dấu tích của các công sự phong kiến từ thế kỷ 13.
Nội thất Hội trường Công lý, Lâu đài Blois, Di sản Thung lũng sông Loire, Pháp
Cánh nhà Louis XII: Nằm tại phía đông của Quần thể. Lối vào chính của Quần thể qua cánh nhà này. Cánh nhà được xây dựng từ năm 1498- 1530, là sự kết hợp phong cách Phục hưng và Gothic. Từ năm 1869, Cánh nhà bố trí Bảo tàng Mỹ thuật của thành phố Blois, trưng bày các tác phẩm hội họa, điêu khắc, thảm trang trí từ thế kỷ 16- 19. Cuối của Cánh nhà Louis XII, ở sân trong Lâu đài là Nhà nguyện Saint-Calais, được xây dựng lại từ năm 1498, theo phong cách Gothic. Kề liền Nhà nguyện là Phòng trưng bày Charles d'Orléans, xây dựng vào thế kỷ 15 và bị phá hủy một phần vào thế kỷ 17.
Mặt tiền Cánh nhà Louis XII, Lâu đài Blois, Di sản Thung lũng sông Loire, Pháp
Nhà nguyện Saint-Calais, Cánh nhà Louis XII, Lâu đài Blois, Di sản Thung lũng sông Loire, Pháp
Cánh nhà Francis I: Nằm tại phía bắc của Quần thể. Cánh nhà được xây dựng vào năm 1515 – 1516, dựa trên một ngôi nhà cũ. Công trình được xây dựng theo phong cách Phục hưng Ý, từ các họa tiết trang trí đến cách bố trí và hình thức hoàn chỉnh của toàn nhà. Phần nổi bật của Cánh nhà là khối cầu thang hoành tráng, hình bát giác với 3 cạnh gắn vào tòa nhà. Cầu thang được bao phủ bởi những tác phẩm điêu khắc tinh xảo, mái vòm hình xoắn ốc được đỡ bởi các trụ hình chữ nhật. Sau này, khối cầu thang trở thành biểu tượng của kiến trúc Phục hưng Pháp. Cánh nhà Francis I là nơi bố trí căn hộ hoàng gia. Tầng 1 là tầng căn hộ của nữ hoàng với những không gian nổi bật: Phòng trưng bày của Nữ hoàng; Văn phòng Nữ hoàng; Phòng ngủ của Nữ hoàng; Nhà nguyện; Các phòng bảo vệ. Tầng 2 là căn hộ của nhà vua với những không gian nổi bật: Phòng trưng bày; Hội trường; Phòng hội đồng; Phòng ngủ…
Một đoạn mặt tiền Cánh nhà Francis I với khối cầu thang, Lâu đài Blois, Di sản Thung lũng sông Loire, Pháp
Nội thất Phòng ngủ của nữ hoàng, Cánh nhà Francis I, Lâu đài Blois, Di sản Thung lũng sông Loire, Pháp
Nội thất Phòng ngủ của vua, Cánh nhà Francis I, Lâu đài Blois, Di sản Thung lũng sông Loire, Pháp
Cánh nhà Gaston d'Orléans: Nằm tại phía tây của Quần thể. Cánh nhà được xây dựng vào năm 1635 - 1638, theo phong cách Cổ điển. Mặt tiền trung tâm có ba gian, là sự kết hợp của các trật tự Doric , Ionic và Corinthian. Cánh có các phòng dành cho triển lãm, hội nghị.
Mặt tiền Cánh nhà Gaston d'Orléans, Lâu đài Blois, Di sản Thung lũng sông Loire, Pháp
Lâu đài Azay-le-Rideau.
Lâu đài Azay-le-Rideau (Château d'Azay-le-Rideau) nằm tại thị trấn, tỉnh Indre- et-Loire, được xây dựng vào năm 1518 - 1524, trên nền của một lâu đài cổ. Công trình có phong cách Phục hưng Pháp, khởi nguồn từ Phục hưng Ý. Công trình được tu sửa vào thế kỷ 19 theo phong cách Tân Phục hưng.
Công trình thuộc về một gia đình quý tộc. Tháng 6 năm 1528, vua François I đã tịch thu lâu đài lúc đó còn chưa hoàn thành.
Quần thể Lâu đài nằm bên bờ sông Indre, một nhánh phía nam của sông Loire. Tòa nhà chính tương đối nhỏ, gồm hai khối vuông góc nhau (dạng chữ L). Mỗi góc nhà đều bố trí tháp pháo.
Mặt tiền và nội thất các phòng khách, căn hộ của ngôi nhà được trang trí với những chi tiết và đồ trang trí điêu khắc phong phú.
Khu vườn xung quanh lâu đài được mở rộng vào thế kỷ 19, tạo thành một công viên cảnh quan rộng lớn.
Tổng mặt bằng Lâu đài Azay-le-Rideau, Di sản Thung lũng sông Loire, Pháp
Phối cảnh tổng thể khối nhà chính Lâu đài Azay-le-Rideau, Di sản Thung lũng sông Loire, Pháp
Nội thất phòng chờ tại khối nhà chính Lâu đài Azay-le-Rideau, Di sản Thung lũng sông Loire, Pháp
Tu viện, nhà thờ
Di sản Thung lũng Loire còn có một loạt các tu viện, nhà thờ lớn và quan trọng theo phong cách La Mã, chứng kiến sự thể hiện đức tin của các vị vua và người dân.
Một số di tích tu viện, nhà thờ nổi bật:
Tu viện Saint-Benoît-sur-Loire (Tu viện Fleury)
Tu viện Saint-Benoît-sur-Loire (Abbaye de Saint-Benoît-sur-Loire) hay Tu viện Fleury (Abbaye de Fleury) là một tu viện dòng Benedictine (Benedictine abbeys, hay Tu viện dòng Thánh Benedictine. Dòng thánh được thành lập vào năm 529, là dòng tu lâu đời nhất trong các dòng tu trong Giáo hội La Mã.
Tu viện thuộc thị trấn Saint-Benoît-sur-Loire, tỉnh Loir-et-Cher, vùng Centre-Val de Loire, nằm cách bờ đông sông Loire 650m, trên độ cao 114m so với mực nước biển.
Tu viện được thành lập vào năm 651 với 2 nhà nguyện và hai nhà thờ: Nhà thờ Saint-Pierre và Nhà thờ Notre-Dame. Nhà thờ Saint-Pierre được xây dựng lại từ năm 786 – 801.
Vào đầu thế kỷ 11, Tu viện là một trong những trung tâm văn hóa của phương Tây, nổi tiếng nhờ thư viện và nơi sao chép các bản thảo cổ (trước khi có máy in). Sau trận hỏa hoạn vào năm 1026, nhà thờ hiện tại đã được xây dựng lại và tháp hiên của nó chiếm một vị trí quan trọng vào thời kỳ đầu theo phong cách La Mã với chất lượng cao của điêu khắc đầu cột.
Tu viện đạt thời kỳ hoàng kim vào năm 1130. Vào đầu thế kỷ 13, Tu viện có khoảng 170 tu sĩ.
Tu viện dần suy tàn. Vào năm 1372, chỉ còn lại 24 tu sĩ, không có tiền để tu sửa sau trận hỏa hoạn và chiến tranh với người Anh. Vào thế kỷ 18, Tu viện dần phục hồi và có khoảng 32 tu sĩ vào năm 2017.
Nhà thờ Notre-Dame của Tu viện Saint-Benoît-sur-Loire được cải tạo và mở rộng nhiều lần, từ thế kỷ 11 đến 13. Từ thế kỷ 14, chủ yếu tập trung vào đồ nội thất. Vào thế kỷ 19, một số hạng mục của nhà thờ cổ xưa được khôi phục, như mặt tiền phía tây và nam của Tháp hiên…
Sơ đồ các giai đoạn xây dựng của Tu viện Saint-Benoît-sur-Loire, Di sản Thung lũng sông Loire, Pháp
Tổng mặt bằng Tu viện Saint-Benoît-sur-Loire, Di sản Thung lũng sông Loire, Pháp
Phối cảnh tổng thể phía đông bắc Tu viện Saint-Benoît-sur-Loire, Di sản Thung lũng sông Loire, Pháp
Nhà thờ tu viện Notre-Dame của Saint-Benoît-sur-Loire nằm trong Quần thể Tu viện, có bố cục theo hướng đông tây, hướng về phía tây, gồm các không gian chính:
Tiền phòng (Ante- Room/ Tour – Porche): Được phân định bởi các khối tháp hiên lớn, tạo ra điểm nhấn của Nhà thờ. Tháp hiên có mặt bằng hình vuông phân thành lưới 3 nhịp, cao 2 tầng. Hai góc phía đông bắc và đông nam của tháp là hai cầu thang tròn.
Gian Hội trường (Nave): Dài 36,85m, được phân định bởi các hàng cột tạo thành 3 nhịp nhà với 7 bước cột. Nhịp giữa rộng (9,19m), hai nhịp hai bên hẹp (phía bắc rộng 4,12m, phía nam rộng 3,65m). Chiều cao gian giữa 18,8m. Tường phía ngoài tại phía bắc và nam Gian Hội trường được gia cố bởi các trụ tường lớn (Buttess Pies), tạo thành hệ khung sườn (Flying Buttress) để nhận tải trọng xiên từ mái vòm và chuyển thành tải trọng đứng truyền xuống móng. Tại nhịp giữa phía bắc của Gian Hội trường có một cửa ra vào từ sân Tu viện. Cổng có trang trí phía trên lộng lẫy với hình tượng của các vị thánh, thiên thần. Gian Hội trường được bao phủ bởi các khối vòm 4 cánh.
Gian ngang (Transept): Dài 38m, cao bằng gian Gian Hội trường, giao với Gian Hội trường tạo thành khối nhà hình chữ thập (Crossing). Điểm giao được nhấn mạnh bởi 4 khối trụ tường lớn và là không gian lớn nhất trong Nhà thờ. Phủ lên trên điểm giao là một mái nhọn hình tứ giác khổng lồ. Đầu gian ngang phía nam và bắc là một không gian lớn gắn với hai phòng nguyện dạng bán tròn.
Gian Hợp xướng (Choir) và Ban thờ: Nằm về phía đông của Gian Hội trường. Đây là không gian Thánh đường, nơi đặt Bàn thờ chính và là nơi theo truyền thống dành riêng cho các giáo sĩ. Phía nam của Gian Hợp xướng là một thư viện, kho đồ lễ. Gian Hợp xướng dài 15m, cao khoảng 20m, được chiếu sáng bởi 4 cửa sổ hình bán nguyệt mỗi bên. Không gian Thánh đường được bao quanh bởi một Hành lang dạng vòng cung (Ambulatory).
Hậu đường (Apse): Nằm phía sau Hành lang (Ambulatory), gồm 4 không gian có mặt bằng hình móng ngựa, nơi bố trí các Nhà nguyện (Chapels).
Phía dưới Gian Hợp xướng, Hậu đường là hệ thống hầm mộ và kho đồ tế lễ. Trong hầm có mộ của vua Pháp Philip I (trị vì năm 1060 – 1108).
Toàn bộ mặt tiền của công trình được xây dựng bằng đá nhiều loại khác nhau, trong đó có loại đá cẩm thạch …nhập khẩu từ Ý.
Các trang trí trên đầu cột từ thế kỷ 12 có số lượng lớn hơn, là đầu cột kiểu Corinthian có dây xoắn, một số khác được trang trí bằng hình động vật, đầu người thể hiện các truyền thuyết. Bên trong Nhà thờ có hàng trăm đồ điêu khắc bằng đá, gỗ, thể hiện một cách tinh tế với sự tưởng tượng của nghệ nhân về những biểu tượng mang tính tâm linh và đời thường (hình tượng con người trong trạng thái đố kỵ, háu ăn, lười biếng, vu khống, giận dữ...).
Tháp hiên Nhà thờ Notre-Dame tại Tu viện Saint-Benoît-sur-Loire, Di sản Thung lũng sông Loire, Pháp
Nội thất Gian giữa (hướng về phía đông) Nhà thờ Notre-Dame tại Tu viện Saint-Benoît-sur-Loire, Di sản Thung lũng sông Loire, Pháp
Trang trí trên đầu cột, Nhà thờ Notre-Dame tại Tu viện Saint-Benoît-sur-Loire, Di sản Thung lũng sông Loire, Pháp
Tu viện Fontevraud
Tu viện Fontevraud (Fontevraud Abbey) hay Tu viện Hoàng gia Đức Mẹ Fontevraud nằm tại thị trấn Fontevraud-l'Abbaye, tỉnh Maine-et-Loire, vùng Centre-Val de Loire.
Tu viện được thành lập vào năm 1101, bị giải thể vào năm 1792 (Cách mạng Pháp). Từ năm 1804- 1963, nơi đây trở thành nhà tù. Từ năm 1975, Quần thể được phục hồi trở thành trung tâm văn hóa (Centre Culturel de l'Ouest).
Quần thể công trình được xây dựng theo phong cách kiến trúc La Mã (Romanesque architecture), Cổ điển (Classical architecture, kiến trúc Hy Lạp, La Mã thời cổ đại) và Gothic. Tu viện là một quần thể nhiều hạng mục công trình, gồm các khối nhà chính bao quanh hai sân trong:
Sân trong phía tây: là khối Tu viện St. Mary (St. Mary's Cloister); phía bắc sân trong là Nhà thờ Tu viện (Abbey Church); phía đông là Nhà hội đồng (Chapter house); phía nam là Nhà ăn (Refectory), Nhà bếp (Kitchens); phía tây hành lang. Công trình Nhà bếp (dành để chế biến cá hồi) có dáng vẻ kỳ lạ với các tháp nhọn để thông khói và được trang trí bên ngoài bằng các chi tiết vảy cá.
Sân trong phía đông là các khối nhà có quy mô nhỏ hơn, gồm Nhà nguyện Benedict (St Benedict's Chapel) và Bệnh xá (Infirmary).
Sơ đồ mặt bằng Tu viện Fontevraud, Di sản Thung lũng sông Loire, Pháp
Phối cảnh mặt phía tây Tu viện Fontevraud, Di sản Thung lũng sông Loire, Pháp
Sân trong phía tây Tu viện Fontevraud, Di sản Thung lũng sông Loire, Pháp
Nhà bếp của Tu viện Fontevraud, Di sản Thung lũng sông Loire, Pháp
Nhà thờ của Tu viện Fontevraud có bố cục theo hướng đông tây. Lối vào chính từ phía tây. Công trình có mặt bằng chữ thập với các không gian điển hình của Nhà thờ thời bấy giờ.
Công trình không có tiền phòng. Hai góc của đầu hồi nhà là hai tháp canh nhọn. Gian Hội trường chỉ có một nhịp với 4 bước cột và được bao phủ bởi các khối vòm 4 cánh. Tường phía ngoài tại phía bắc và nam Gian Hội trường được gia cố bởi các trụ tường lớn (Buttess Pies), tạo thành hệ khung sườn (Flying Buttress) để nhận tải trọng xiên từ mái vòm và chuyển thành tải trọng đứng truyền xuống móng. Gian ngang (Transept) giao với Gian Hội trường tạo thành khối nhà hình chữ thập (Crossing), được nhấn mạnh bởi 4 khối trụ tường lớn. Phủ lên trên điểm giao là một tháp mái hình tứ giác, thu nhỏ lại tại phần trên. Gian Hợp xướng (Choir) và Ban thờ nằm về phía đông của Gian Hội trường. Phía sau Ban thờ là một Hành lang dạng vòng cung (Ambulatory). Sau Hàng lang là Hậu đường (Apse) với 3 Nhà nguyện (Chapels) có mặt bằng là một nửa của hình lục giác.
Nội thất bên trong Nhà thờ được ốp hoàn toàn bằng đá.
Sơ đồ mặt bằng Nhà thờ của Tu viện Fontevraud, Di sản Thung lũng sông Loire, Pháp
Mặt tiền phía đông Nhà thờ của Tu viện Fontevraud, Di sản Thung lũng sông Loire, Pháp
Nội thất Nhà thờ của Tu viện Fontevraud, Di sản Thung lũng sông Loire, Pháp
Nhà thờ Blois
Nhà thờ Blois (Blois Cathedral) hay Nhà thờ St. Louis tại Blois (Cathedral of St. Louis of Blois) được xây dựng vào thế kỷ 12 trên nền của một di tích nhà thờ cũ.
Mặt tiền và tháp chuông hiện tại được bổ sung vào năm 1544. Gian giữa được cải tạo lại theo phong cách Gothic từ năm 1680 – 1700. Năm 1860, Nhà thờ được bổ sung thêm nhà nguyện.
Nhà thờ có bố cục chếch theo hướng đông tây. Lối vào chính từ phía tây.
Tiền phòng (Ante- Room): Là một khối nhà với mái hiên nhô ra phía trước. Đầu phía bắc của Tiền phòng là Tháp chuông với 7 chiếc chuông. Bên dưới Tháp chuông là một nhà nguyện cổ, có niên đại thế kỷ 12.
Gian Hội trường (Nave): Được phân định bởi các hàng cột tạo thành 3 nhịp nhà với 8 bước cột. Nhịp giữa rộng, hai nhịp hai bên hẹp. Tường phía ngoài tại phía bắc và nam Gian giữa được gia cố bởi các trụ tường lớn (Buttess Pies), tạo thành hệ khung sườn (Flying Buttress) để nhận tải trọng xiên từ mái vòm và chuyển thành tải trọng đứng truyền xuống móng. Không gian giữa các các trụ tường tạo thành dãy nhà nguyện (Chapels).
Gian Hội trường cũng như Gian Tiền phòng được bao phủ bởi các khối vòm 4 cánh.
Nhà thờ không có Gian ngang (Transept).
Gian Hợp xướng (Choir) và Ban thờ: Nằm về phía đông của Gian Hội trường. Không gian Thánh đường có mặt bằng hình ngũ giác. Các cửa sổ phía trên là cửa kính màu. Ban thờ được bao quanh bởi một Hành lang dạng vòng cung (Ambulatory). Phía dưới Thánh đường là một hầm mộ.
Hậu đường (Apse): Nằm phía sau Hành lang (Ambulatory), gồm 3 không gian có mặt bằng là một nửa của hình lục giác, nơi bố trí các Nhà nguyện (Chapels).
Mặt tiền phía tây hiện tại, có niên đại từ giữa thế kỷ 16, thể hiện sự thỏa hiệp giữa phong cách Gothic muộn (tượng đầu thú, trụ chống có chóp nhọn, đầu hồi nhọn) và phong cách Tân cổ điển (đầu hồi hình tam giác, các biểu tượng huy chương tròn trang trí các bức tường).
Tháp chuông Tòa tháp theo phong cách Phục hưng, với các cột Ionic và Corinthian. Tầng trên cùng được trang trí bằng một mái vòm và tháp đèn lồng được thêm vào năm 1603.
Tổng mặt bằng Nhà thờ St. Louis tại Blois, Di sản Thung lũng sông Loire, Pháp
Sơ đồ mặt bằng Nhà thờ St. Louis tại Blois, Di sản Thung lũng sông Loire, Pháp
Phối cảnh phía tây Nhà thờ St. Louis tại Blois, Di sản Thung lũng sông Loire, Pháp
Nội thất Nhà thờ St. Louis tại Blois, Di sản Thung lũng sông Loire, Pháp
Nhà thờ Orléans
Nhà thờ chính tòa Orléans (Orléans Cathedral/ Cathédrale Sainte-Croix d'Orléans) nằm tại thị trấn Orléans là thành phố thủ phủ thuộc tỉnh Loiret, vùng Centre-Val de Loire, Pháp. Đây là nơi đặt trụ sở của Giám mục Orléans.
Vào năm 989, thị trấn Orléans bị phá hủy sau một trận hỏa hoạn lớn. Nhà thờ cổ xưa được xây dựng lại theo kiểu La Mã vào năm 1278 – 1329. Công trình bị phá hủy một phần trong chiến tranh vào năm 1568 và được xây dựng lại vào năm 1601- 1829 theo phong cách kiến trúc Gothic và Phục hưng.
Nhà thờ có bố cục theo hướng đông – tây, dài 143,85m, rộng 41,14m, cao 88m. Lối vào chính từ phía tây.
Tiền phòng (Ante- Room): Được phân định bởi các khối trụ tường lớn gắn với 5 nhịp nhà bên trong. Mặt tiền phía tây của Nhà thờ phân thành 3 tầng. Tầng dưới là 5 cửa ra vào với vòm nhọn trang trí bên trên. Tầng giữa là 3 cửa sổ dạng Cửa sỏ Hoa hồng. Tầng trên cùng để trang trí với lan can, hàng cột mảnh đỡ vòm phía trên. Hai đầu của Gian Tiền phòng là 2 Tháp chuông. Theo chiều cao, Tháp phân thành 3 tầng, thu nhỏ dần. Tầng tháp trên cùng chỉ để trang trí.
Gian Hội trường (Nave): Được phân định bởi các hàng cột tạo thành 5 nhịp nhà với 6 bước cột. Nhịp giữa rộng 13,94m, hai nhịp bên cạnh nhịp giữa mỗi nhịp rộng 7,45m và hai nhịp bên ngoài cùng mỗi nhịp rộng 6,15m. Tường phía ngoài tại phía bắc và nam Gian giữa được gia cố bởi các trụ tường lớn (Buttess Pies), tạo thành hệ khung sườn (Flying Buttress) để nhận tải trọng xiên từ mái vòm và chuyển thành tải trọng đứng truyền xuống móng. Các thanh xiên được trang trí với họa tiết (như khung cửa số) và tháp nhỏ nhọn.
Gian Hội trường cũng như Gian Tiền phòng được bao phủ bởi các khối vòm 4 cánh.
Gian ngang (Transept, hình vẽ ký hiệu 8 và 9): Giao với Gian Hội trường tạo thành khối nhà hình chữ thập (Crossing), được nhấn mạnh bởi 4 trụ tường lớn và là không gian lớn nhất trong Nhà thờ. Phủ lên trên điểm giao là một tháp nhọn cao 114m (xây dựng năm 1855 – 1859). Hai đầu của Giang ngang phía bắc và nam có 3 cửa ra vào, được trang trí rất công phu.
Gian Hợp xướng (Choir): Nằm về phía đông của Gian Hội trường, có mặt cắt ngang như Gian Hội trường và kéo dài đến 5 nhịp nhà. Tiếp sau là Bàn thờ. Không gian Thánh đường được bao quanh bởi một Hành lang dạng vòng cung (Ambulatory).
Hậu đường (Apse): Nằm phía sau Hành lang, gồm 9 không gian có mặt bằng hình móng ngựa, nơi bố trí các Nhà nguyện (Chapels).
Tổng mặt bằng Nhà thờ chính tòa Orléans, Di sản Thung lũng sông Loire, Pháp
Sơ đồ mặt bằng, mặt cắt Nhà thờ chính tòa Orléans gắn với thời gian xây dựng, Di sản Thung lũng sông Loire, Pháp
Phối cảnh mặt đứng phía tây Nhà thờ chính tòa Orléans, Di sản Thung lũng sông Loire, Pháp
Phối cảnh mặt đứng phía nam Nhà thờ chính tòa Orléans, Di sản Thung lũng sông Loire, Pháp
Nội thất Gian Hội trường Nhà thờ chính tòa Orléans, Di sản Thung lũng sông Loire, Pháp
Nhà thờ Saint-Gatien ở Tours
Nhà thờ Saint-Gatien ở Tours (Cathédrale Saint-Gatien de Tours) nằm ở thị trấn Tours, tỉnh Indre-et-Loire, vùng Centre-Val de Loire, Pháp. Đây là trụ sở của Tổng giáo phận Tours.
Nhà thờ Saint-Gatien được xây dựng từ năm 1170 đến năm 1547, trên nền của một nhà thờ bị đốt cháy trước đó.
Nhà thờ hiện tại có bố cục theo hướng đông – tây, dài 100m, rộng 46m, theo phong cách Gothic. Lối vào chính từ phía tây.
Tiền phòng (Ante- Room): Được phân định bởi các khối trụ tường lớn tạo thành 3 nhịp nhà, gắn liền với 3 cửa ra vào tại mặt tiền phía tây. Hai đầu của Gian Tiền phòng là Tháp chuông. Tháp phía bắc cao 68m, xây dựng năm 1507, Tháp phía nam cao 69m, xây dựng năm 1534- 1547. Phần chân của tòa tháp có từ thời La Mã, trang trí tổng thể mang phong cách Gothic, còn thân và đỉnh tháp mang phong cách Phục hưng đầu thế kỷ 16.
Gian Hội trường (Nave): Được phân định bởi các hàng cột tạo thành 5 nhịp nhà với 6 bước cột. Giữa Tiền phòng và Hội trường có một gian 3 nhịp chuyển tiếp, gắn với cầu thang lên Tháp chuông (là không gian tận dụng phần công trình được xây dựng từ thế kỷ 12, theo phong cách La Mã).
Nhịp giữa rộng, hai nhịp hai bên hẹp. Tường phía ngoài tại phía bắc và nam Gian giữa được gia cố bởi các trụ tường lớn (Buttess Pies), tạo thành hệ khung sườn (Flying Buttress) để nhận tải trọng xiên từ mái vòm và chuyển thành tải trọng đứng truyền xuống móng.
Gian Hội trường cũng như Gian Tiền phòng được bao phủ bởi các khối vòm 4 cánh.
Gian ngang: Giao với Gian Hội trường tạo thành khối nhà hình chữ thập (Crossing), được nhấn mạnh bởi 4 khối trụ tường lớn và là không gian lớn nhất trong Nhà thờ. Phủ lên trên điểm giao là một mái vòm khổng lồ. Đầu gian ngang phía bắc có khung sườn (Flying Buttress) vươn ra phía ngoài. Đầu Gian ngang đều có các không gian bổ sung vào thế kỷ 16.
Gian Hợp xướng (Choir): Nằm về phía đông của Gian Hội trường, được xây dựng vào thế kỷ 13 nên có mặt bằng khác với Gian Hội trường, được xây dựng vào thế kỷ 14. Gian Hợp xướng kéo dài đến 5 nhịp nhà. Tiếp sau là Bàn thờ. Không gian Thánh đường được bao quanh bởi một Hành lang dạng vòng cung (Ambulatory).
Hậu đường (Apse): Nằm phía sau Hành lang, gồm 5 không gian có mặt bằng bán tròn, nơi bố trí các Nhà nguyện (Chapels).
Phía nam Gian Hợp xướng là các không gian nhà nguyện được bổ sung vào thế kỷ 15.
Mặt tiền công trình có nhiều chi tiết trang trí phức tạp với việc xây dựng kéo dài từ đầu thế kỷ 15 đến giữa thế kỷ 16. Một số bức tượng lớn trang trí trên tường đã bị phá hủy trong các cuộc chiến tranh tôn giáo năm 1562. Trang trí trên bề mặt tường với hình thức hoa mỹ, kiểu đồ ren bằng đá, không có chi tiết lặp lại, tạo cho mặt tiền Nhà thờ Saint-Gatien ở Tours vô cùng độc đáo.
Nhà thờ có một bộ sưu tập kính màu rực rỡ trang trí Nhà nguyện phía sau Ban thờ và cửa sổ cao của Gian Hợp xướng, cũng như trang trí các Cửa sổ Hoa hồng tại mặt tiền.
Bên trong Nhà thờ ngoài hầm mộ, còn lưu giữ các tấm thảm trang trí và tranh tường quý giá.
Ở phía bắc của Nhà thờ là một tu viện. Phía nam Nhà thờ, cung điện của Tổng giám mục, được xây dựng vào đầu thế kỷ 18. Sau đó trở thành bảo tàng.
Tổng mặt bằng Nhà thờ Saint-Gatien ở Tours, Di sản Thung lũng sông Loire, Pháp
Sơ đồ mặt bằng Nhà thờ Saint-Gatien ở Tours gắn với thời gian xây dựng , Di sản Thung lũng sông Loire, Pháp
Mặt đứng phía tây Nhà thờ Saint-Gatien ở Tours, Di sản Thung lũng sông Loire, Pháp
Một đoạn mặt đứng phía bắc Nhà thờ Saint-Gatien ở Tours, Di sản Thung lũng sông Loire, Pháp
Bên trong Nhà thờ Saint-Gatien ở Tours, Di sản Thung lũng sông Loire, Pháp
Di sản Thung lũng Loire giữa Sully-sur-Loire và Chalonnes, Pháp là một cảnh quan văn hóa nổi bật với vẻ đẹp tuyệt vời, bao gồm các thị trấn và làng mạc lịch sử, các di tích kiến trúc đặc sắc và những vùng đất canh tác được hình thành từ nhiều thế kỷ, thể hiện mối tương tác giữa cư dân nơi đây và dòng sông Loire. Các di tích văn hóa tại đây minh họa nổi bật các lý tưởng của thời Phục hưng và Thời đại Khai sáng về tư tưởng và thiết kế của Tây Âu.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn:
https://whc.unesco.org/en/list/933/
https://en.wikipedia.org/wiki/France
https://en.wikipedia.org/wiki/Centre-Val_de_Loire
https://en.wikipedia.org/wiki/Pays_de_la_Loire
https://en.wikipedia.org/wiki/Loire_Valley
https://en.wikipedia.org/wiki/Blois
https://en.wikipedia.org/wiki/Chinon
https://en.wikipedia.org/wiki/Orl%C3%A9ans
https://en.wikipedia.org/wiki/Saumur
https://en.wikipedia.org/wiki/Tours
https://en.wikipedia.org/wiki/Ch%C3%A2teau_de_Chambord
https://en.wikipedia.org/wiki/Ch%C3%A2teau_de_Chenonceau
https://en.wikipedia.org/wiki/Ch%C3%A2teau_d%27Amboise
https://fr.wikipedia.org/wiki/Ch%C3%A2teau_de_Blois
https://fr.wikipedia.org/wiki/Ch%C3%A2teau_d%27Azay-le-Rideau
https://fr.wikipedia.org/wiki/Saint-Beno%C3%AEt-sur-Loire
https://en.wikipedia.org/wiki/Fontevraud_Abbey
https://en.wikipedia.org/wiki/Blois_Cathedral
https://fr.wikipedia.org/wiki/Cath%C3%A9drale_Sainte-Croix_d%27Orl%C3%A9ans
https://fr.wikipedia.org/wiki/Cath%C3%A9drale_Saint-Gatien_de_Tours
https://loirelovers.fr/en/loire-valley-cathedrals-abbeys/
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi
|