Thông tin chung:
Công trình: Mỏ đá lửa Thời kỳ Đồ đá mới ở Spiennes, Mons (Neolithic Flint Mines at Spiennes Mons)
Địa điểm: Tỉnh Hainaut, vùng Wallonia, Bỉ (N50 25 12.409 E3 58 56.168)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Diện tích Di sản 172ha.
Năm hình thành:
Giá trị: Di sản thế giới (2000; hạng mục i, iii, iv)
Bỉ (Belgium) là một quốc gia ở Tây Âu, giáp với Hà Lan ở phía bắc, Đức về phía đông, Luxembourg
về phía đông nam, Pháp về phía tây nam, và Biển Bắc ở phía tây bắc.
Bỉ có diện tích 30.689 km2, dân số hơn 11,5 triệu người (năm 2020). Ngôn ngữ chính thức: Hà Lan, Pháp, Đức.Thủ đô và thành phố lớn nhất là Bruxelles.
Về mặt lịch sử, Bỉ nằm tại một khu vực được gọi là Các vùng đất thấp (Nederlanden).
Khu vực này được gọi là Belgica trong tiếng Latinh theo tên tỉnh Gallia Belgica của Cộng hòa La Mã (Roman Republic, tồn tại năm 509 TCN – 27 TCN).
Từ cuối thời Trung cổ cho đến thế kỷ 17, khu vực này là một trung tâm thương nghiệp và văn hoá thịnh vượng mang tầm thế giới.
Năm 1830, Bỉ độc lập từ Hà Lan. Khu vực này trở thành chiến trường giữa các cường quốc chính tại châu Âu, do đó được mệnh danh là "Chiến trường của châu Âu" (Battlefield of Europe), đặc biệt trong hai thế chiến của thế kỷ 20. Ngày nay, Bỉ là một quốc gia gia phát triển và là một trong những quốc gia hòa bình nhất trên thế giới.
Về mặt hành chính, Bỉ chia thành 3 vùng (bang) và 10 tỉnh.
Bản đồ Bỉ và vị trí thành phố Mons, tỉnh Hainaut
Tỉnh Hainaut là một trong 10 tỉnh của Bỉ, nằm ở vùng Wallonie và ở phía tây nam của nước Bỉ.
Thủ phủ của tỉnh Hainaut là thành phố Mons. Thành phố có diện tích 147,56 km2, dân số 95.200 người (năm 2018).
Spiennes là một thị trấn của thành phố Mons. Thị trấn có diện tích 5,39km2, dân số 942 người (năm 2020).
Mỏ đá lửa Thời kỳ đồ Đá mới tại Spiennes (Neolithic Flint Mines of Spiennes) nằm trên hai cao nguyên ở phía đông nam của thành phố Mons. Chúng bao phủ một khu vực chủ yếu dành cho nông nghiệp.
Trên bề mặt, địa điểm này trông giống như một khu vực rộng lớn gồm các đồng cỏ và cánh đồng rải rác hàng triệu mảnh đá lửa đã qua chế tác. Dưới lòng đất, địa điểm này là một mạng lưới các hầm lò được liên kết với bề mặt bằng các trục lò thẳng đứng, do dân cư Thời kỳ Đồ đá mới đào.
Mỏ đá lửa Thời kỳ Đồ đá mới Spiennes là nơi tập trung các mỏ cổ đại lớn nhất và sớm nhất ở Tây Bắc Âu. Các mỏ đã hoạt động trong nhiều thế kỷ và những di tích còn lại minh họa một cách sống động sự phát triển và thích nghi của các kỹ thuật khai thác được sử dụng bởi các cộng đồng tiền sử để khai thác kiểu hầm lò theo quy mô lớn một loại vật liệu thiết yếu cho việc sản xuất công cụ và sự tiến hóa văn hóa nói chung. Chúng cũng đáng chú ý bởi sự đa dạng của các giải pháp khai thác kỹ thuật được thực hiện với sự liên quan trực tiếp đến môi trường sống thời bấy giờ.
Vào Thời kỳ Đồ đá mới (từ một phần ba cuối của Thiên niên kỷ thứ 5 cho đến nửa đầu của Thiên niên kỷ thứ 3), địa điểm này là trung tâm khai thác đá lửa chuyên sâu hiện diện dưới lòng đất.
Nhiều kỹ thuật khác nhau đã được sử dụng, trong đó ngoạn mục và đặc trưng nhất là đào các đường trục lò hay giếng lò có đường kính từ 0,8 đến 1,20m với độ sâu xuống tới 16m. Qua đó, thợ mỏ Thời kỳ Đồ đá mới có thể tiếp cận tới bên dưới các tầng được tạo thành từ các khối đá lửa lớn (dày tới 2m). Thợ mỏ khai thác đá lửa bằng một kỹ thuật đặc biệt gọi là “đánh sập/ striking', gồm các công đoạn: Khoét rỗng từ bên dưới với sự hỗ trợ của một bức tường trung tâm (central chalk wall), gia cố khối đá, loại bỏ bức tường, loại bỏ các giá đỡ và hạ thấp khối đá lửa. Mật độ của các giếng lò rất quan trọng, lên tới 5.000 giếng lò trong khu vực được gọi là Petit Spiennes (diện tích 14 ha). Từ đây dẫn đến các hầm lò và giếng lò ở một số khu vực lân cận.
Địa điểm này còn lưu lại di tích các xưởng chế tác đá có liên quan đến các mỏ khai thác. Bằng chứng là nhiều mảnh đá lửa vẫn còn lại trên bề mặt và tạo nên tên gọi cho một phần của địa điểm này (Camp à Cayaux/ Stone Field). Về cơ bản, mục đích của hoạt động chế tác là chế tạo rìu đá để đốn cây và lưỡi dá dài làm công cụ.
Việc chuẩn hóa hoạt động sản chế tác đá chứng tỏ tay nghề thủ công cao của những người thợ cắt đá lửa ở Spiennes.
Người ta đã phát hiện ra di tích kiên cố tại địa điểm này, bao gồm hai hố đồng tâm không đều cách nhau từ 5 đến 10m. Các hiện vật khảo cổ được phát hiện tại đây là đặc trưng của nền văn hóa Michelsberg (Michelsberg culture, là một nền văn hóa Thời kỳ Đồ đá mới ở Trung Âu; niên đại khoảng 4400–3500 TCN; tên bắt nguồn từ một địa điểm khai thác mỏ trên đồi Michelsberg, Baden-Württemberg, Đức).
Mỏ đá lửa Thời kỳ Đồ đá mới ở Spiennes (Mons), tại tỉnh Hainaut, vùng Wallonia, Bỉ được UNESCO công nhận là Di sản thế giới (năm 2000), với tiêu chí:
Tiêu chí (i): Các mỏ đá lửa Thời kỳ Đồ đá mới ở Spiennes cung cấp bằng chứng đặc biệt về tài năng sáng tạo và ứng dụng của con người thời kỳ đầu.
Tiêu chí (iii): Sự xuất hiện của các nền văn minh Thời kỳ Đồ đá mới đánh dấu một cột mốc quan trọng trong sự phát triển văn hóa và công nghệ của con người, được minh họa rõ nét qua Quần thể mỏ đá lửa cổ đại rộng lớn tại Spiennes.
Tiêu chí (iv): Các mỏ đá lửa ở Spiennes là ví dụ nổi bật về hoạt động khai thác đá lửa Thời kỳ Đồ đá mới, đánh dấu giai đoạn quan trọng trong tiến bộ công nghệ và văn hóa của con người.
Phạm vi Di sản Mỏ đá lửa thời Đồ đá mới ở Spiennes, tỉnh Hainaut, vùng Wallonia, Bỉ
Đá lửa (flintstone) là một loại đá trầm tích. Đá lửa đã được khai thác từ Thời kỳ Đồ đá cũ, nhưng phổ biến nhất là Thời kỳ Đồ đá mới. Đá lửa đặc biệt được coi trọng trong Thời Tiền sử vì được sử dụng rộng rãi làm công cụ, trong đó có vũ khí, làm ra lửa, vật liệu xây dựng, đồ trang sức…
Đá lửa là một trong những vật liệu chính được sử dụng để xác định Thời kỳ Đồ đá. Trong thời kỳ này, việc tiếp cận đá lửa rất quan trọng đối với sự sống còn của con người. Đá lửa trở thành một loại hàng hóa thông dụng.
Mỏ đá lửa có thể đơn giản như một hố trên bề mặt hoặc một khu vực khai thác đá (khai thác lộ thiên), hoặc có thể đề cập đến một khu vực khai thác ngầm, bao gồm một loạt các trục lò (Shaft sinking) và hầm lò..
Mỏ đá lửa thời Đồ đá mới ở Spiennes được phát hiện vào năm 1843.
Mỏ Spiennes bao phủ khoảng 172ha, tại vùng đất cao nguyên, bị chia cắt bởi 2 con sông Trouille và Wampe.
Khu vực này chứa rải rác bãi thải của hàng triệu mảnh đá lửa đã qua chế tác và nhiều hố khai thác lộ thiên. Khu mỏ này còn có hệ thống khai thác ngầm, bao gồm các trục lò hay giếng lò thẳng đứng, có độ sâu tới 16m, kết nối với một mạng lưới hầm lò phức tạp.
Khu mỏ là minh chứng quan trọng cho một giai đoạn sáng tạo, ứng dụng, tiến bộ về công nghệ và văn hóa của con người, thể hiện quá trình chuyển đổi giữa từ khai thác lộ thiên tới khai thác ngầm để lấy đá lửa.
Các phiến đá lửa nặng tới hàng trăm kg. Các cục đá được khai thác bằng cách sử dụng các công cụ nhọn bằng đá lửa.
Các viên đá lửa sau khai thác được chế tác thành các hình dạng thô của công cụ như lưỡi rìu và được đánh bóng để đạt được trạng thái cuối cùng.
Các viên đá thô được trao đổi trong một khu vực rộng lớn, khoảng 150km. Sau đó được gia công hoàn thiện tại địa điểm sử dụng. Sản phẩm cuối cùng như lưỡi rìu, được sử dụng để khai phá rừng, tạo hình kết cấu gỗ để làm nhà và làm thuyền.
Phạm vi bề mặt của khu mỏ, khai thác bề mặt (lộ thiên) và khai thác hầm lò, gồm 4 khu vực chính: Petit – Spiennes; Camp – à – Cayaux; Versant de la Wampe; Michelsberg enclosure.
Phạm vi bề mặt của chất thải khai thác và vị trí các khu vực khai thác, Mỏ đá lửa thời Đồ đá mới ở Spiennes, Hainaut, Bỉ; gồm Diện tích khai thác lộ thiên (Surface mining, hình vẽ gạch chéo) và Diện tích khai thác ngầm (Undergroud mining, hình vẽ vòng tròn đỏ)
Tàn tích một khu vực mỏ, Mỏ đá lửa thời Đồ đá mới ở Spiennes, Hainaut, Bỉ
Bối cảnh
Đặc điểm của các sản phẩm cuối cùng của xưởng chế tác đá lửa ở Spiennes chủ yếu bao gồm các sản phẩm đầu rìu lớn (dài tới 28 cm) và các lưỡi dao (dài 15 đến 20 cm), thể hiện mức độ tiêu chuẩn hóa cao.
Các sản phẩm này đòi hỏi những khối hoặc tấm đá lửa lớn có chất lượng tốt.
Khu vực Spiennes sở hữu trữ lượng quặng cực lớn và cấu hình địa chất đặc biệt dẫn đến việc phát hiện và khai thác các nguồn tài nguyên này. Đây là một trong những địa điểm khai thác đá lửa quan trọng nhất của Châu Âu, được khai thác trong ít nhất 1.500 năm (kéo dài từ 4350 đến 2300 năm trước đây). Khu vực có một diện tích khai thác và bãi chứa chất thải khai thác trải rộng đến gần 200 ha.
Sản phẩm đá lửa Spiennes (đầu rìu, lưỡi dao) được sử dụng tại địa phương và trở thành hàng hóa tại các khu vực xung quanh.
Bộ sưu tập đá lửa tại Mỏ đá lửa thời Đồ đá mới ở Spiennes, tỉnh Hainaut, Bỉ
Sản phẩm đá lửa Spiennes (đầu rìu), Mỏ đá lửa thời Đồ đá mới ở Spiennes, tỉnh Hainaut, Bỉ
Điều kiện địa chất
Địa điểm Spiennes cung cấp nguồn tài nguyên đá lửa cực kỳ phong phú và cấu hình địa lý giúp việc phát hiện ra mỏ dễ dàng.
Địa hình Spiennes rất giàu các khối đá lửa lớn dày từ 10 đến 60cm, có màu đen hoặc đen đến xám nâu. Ở rìa lưu vực, đá lửa Spiennes dày khoảng 20m, trong khi ở trung tâm lên tới 50m.
Sơ đồ mặt cắt địa chất, Mỏ đá lửa thời Đồ đá mới ở Spiennes, tỉnh Hainaut, Bỉ
Sơ đồ các tầng địa chất, Mỏ đá lửa thời Đồ đá mới ở Spiennes, tỉnh Hainaut, Bỉ
Bối cảnh xã hội - Khu định cư của thợ mỏ
Khu định cư của thợ mỏ tồn tại trong nhiều thế kỷ gắn với qua trình khai thác đá lửa và chế tác công cụ.
Khu định cư của thợ mỏ nằm kề liền khu mỏ. Những người thợ mỏ là nông dân, vừa khai thác mỏ vừa làm nông nghiệp. Người ta cho rằng, thời gian khai thác mỏ diễn ra chủ yếu vào mùa đông, mùa không có hoạt động nông trại.
Kỹ thuật khai thác
Kỹ thuật khai thác lộ thiên và khai thác ngầm cùng được áp dụng trong các mỏ đá lửa của Spiennes.
Di tích các mỏ đá khai thác lộ thiên được phát hiện tại cả 4 khu vực khai thác: Petit – Spiennes; Camp – à – Cayaux; Versant de la Wampe; Michelsberg enclosure.
Mỏ lộ thiên trên sườn dốc bờ sông Trouille tại khu vực Camp-à-Cayaux, Mỏ đá lửa thời Đồ đá mới ở Spiennes, tỉnh Hainaut, Bỉ
Di tích các mỏ đá khai thác hầm lò đã được phát hiện trên một bề mặt diện tích từ 40 đến 50 ha, trải dài từ rìa đến trung tâm của cao nguyên. Loại hoạt động này đã được xác định trong 3 khu vực khai thác: Petit-Spiennes, Camp-à-Cayaux, và Versant de la Wampe.
Sơ đồ trục lò (giếng lò), Mỏ đá lửa thời Đồ đá mới ở Spiennes, tỉnh Hainaut, Bỉ
Mỏ Petit-Spiennes: Nằm tại trung tâm Khu vực Di sản, là các mỏ khai thác hầm lò. Trục lò được đào sâu từ 8 đến 10 m. Kích thước của nguyên liệu thô dài 5 – 60cm. Nguyên liệu thô bị loại bỏ một lượng lớn do không phù hợp để sản xuất công cụ dạng rìu.
Mỏ Camp-à-Cayaux: Nằm tại phía đông Mỏ Petit-Spiennes, là các mỏ khai thác hầm lò. Trục lò hay giếng lò có đường kính khoảng 1m và mở rộng ở đáy để tạo thành một phòng nhỏ. Trục lò được đào sâu tới 15 – 16m. Hầm lò có độ cao thấp 0,8 – 1m, nằm bên dưới tầng vỉa đá lửa. Những phiến đá lửa nặng 500kg, được kéo xuống từ mái của hầm lò. Để tránh phiến đá rơi vào người khi đang khai thác, thợ lò sử dụng các thanh chống bằng gỗ. Khi phiến đá lửa phía trên đã đủ lỏng, thợ tháo dỡ các thanh chống. Vỉa đá sụp xuống do sức nặng của chính nó. Mỗi một hầm lò cho phép khai thác các phiến đá có diện tích 40 – 50m2 với khoảng 30 mảnh đá. Độ sâu của các hầm lò và kích thước nhỏ hẹp của trục lò đã tạo ra các vấn đề về mặt thông gió và chiếu sáng.
Mỏ Versant de la Wampe: Nằm tại phía tây Mỏ Petit-Spiennes, nằm cạnh sông Wampe. Mỏ có quy mô nhỏ.
Hình ảnh trục lò xuống các hầm lò tại Di sản Mỏ đá lửa thời Đồ đá mới ở Spiennes, tỉnh Hainaut, Bỉ
Một số hình ảnh hầm lò tại Di sản Mỏ đá lửa thời Đồ đá mới ở Spiennes, tỉnh Hainaut, Bỉ
Hình ảnh những phế thải tại Di sản Mỏ đá lửa thời Đồ đá mới ở Spiennes, tỉnh Hainaut, Bỉ
Di sản Mỏ đá lửa Thời kỳ Đồ đá mới ở Spiennes (Mons), tại tỉnh Hainaut, vùng Wallonia, Bỉ cung cấp bằng chứng đặc biệt về khả năng sáng tạo và ứng dụng của con người thời kỳ đầu; đánh dấu một cột mốc quan trọng trong sự phát triển văn hóa và công nghệ của con người.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
https://whc.unesco.org/en/list/1006/
https://en.wikipedia.org/wiki/Belgium
https://en.wikipedia.org/wiki/Spiennes
https://en.wikipedia.org/wiki/Michelsberg_culture
https://en.wikipedia.org/wiki/Flint
https://en.wikipedia.org/wiki/Flint_mining
https://en.wikipedia.org/wiki/Neolithic_flint_mines_of_Spiennes
https://journals.ed.ac.uk/lithicstudies/article/view/1821/2481
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi
|