Thông tin chung:
Công trình: Lăng mộ Hoàng gia của triều đại nhà Minh và nhà Thanh (Imperial Tombs of the Ming and Qing Dynasties)
Địa điểm: Hiếu Lăng (Xiaoling Tomb), thành phố Nam Kinh (Nanjing City), tỉnh Giang Tô (Jiangsu Province); Lăng nhà Minh (Ming Tombs), quận Trường Bình (Changping District), Bắc Kinh (Beijing)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Diện tích di sản 3.434,9399 ha; Diện tích vùng đệm 23.429,4399 ha
Năm hình thành: 1368 đến 1915
Giá trị: Di sản thế giới (năm 2000; hạng mục i, ii, iii, iv, vi). Những sửa đổi đáng kể về ranh giới: 2003, 2004
Trung Quốc (Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa) nằm tại Đông Á, là quốc gia đông dân nhất thế giới với khoảng 1,403 tỷ người (năm 2016). Trung Quốc có diện tích 9596961km2, là quốc gia có tổng diện tích lớn hàng đầu thế giới; Ngôn ngữ chính thức là tiếng Hán. Trung Quốc phân thành 22 tỉnh, 5 khu tự trị, 4 đô thị trực thuộc và 2 khu hành chính đặc biệt là Hồng Kông và Ma Cao.
Lịch sử Trung Quốc bắt nguồn từ một trong những nền văn minh cổ nhất thế giới, phát triển tại lưu vực sông Hoàng Hà, bình nguyên Hoa Bắc. Trải qua hơn 5.000 năm, Trung Hoa đã trở thành nền văn minh rực rỡ nhất thế giới trong thời Cổ đại và Trung cổ, được đặc trưng bởi hệ thống triết học thâm sâu (nổi bật nhất là Nho giáo, Đạo giáo và thuyết Âm dương ngũ hành); các thành tựu khoa học kỹ thuật (phát minh ra giấy, la bàn, thuốc súng, địa chấn kế, kỹ thuật in ấn...); hoạt động giao thương xuyên châu Á với nhiều quốc gia (Con đường tơ lụa); những đô thị có quy mô dân số và trình độ kiến trúc đứng đầu thế giới vào thời Trung cổ.
Hệ thống chính trị của Trung Quốc dựa trên các chế độ quân chủ kế tập, được gọi là các triều đại, khởi đầu là triều đại nhà Hạ.
Từ năm 221 trước Công nguyên (TCN), nhà Tần chinh phục các quốc gia khác để hình thành đế quốc Trung Hoa thống nhất;
Triều đại nhà Hán cai trị Trung Quốc từ năm 206 TCN đến năm 220 sau Công nguyên;
Triều đại nhà Đường cai trị từ năm 618–907;
Triều đại nhà Tống cai trị từ năm 960–1279;
Vào thế kỷ thứ 13, Trung Quốc bị Đế quốc Mông Cổ chinh phục. Năm 1271, Đại hãn người Mông Cổ thiết lập triều đại nhà Nguyên;
Triều đại nhà Minh cai trị Trung Quốc từ năm 1368–1644;
Triều đại nhà Thanh do người Mãn Châu thành lập, cai trị Trung Quốc từ năm 1636–1912;
Trung Hoa Dân Quốc lật đổ nhà Thanh, triều đại phong kiến cuối cùng của Trung Quốc vào năm 1912 và cầm quyền tại Trung Quốc đại lục cho đến năm 1949. Sau khi Đế quốc Nhật Bản bại trận trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Trung Quốc chia thành hai: Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) có thủ đô là Bắc Kinh và Trung Hoa Dân quốc tại đảo Đài Loan với thủ đô là Đài Bắc.
Lăng mộ Hoàng gia của triều đại nhà Minh (Ming Dynasties) và nhà Thanh (Qing Dynasties) được xây dựng từ năm 1368 đến năm 1915 tại thành phố Bắc Kinh (Beijing Municipality), tỉnh Hà Bắc (Hebei Province), tỉnh Hồ Bắc (Hubei Province), tỉnh Giang Tô (Jiangsu Province) và tỉnh Liêu Ninh (Liaoning Province) của Trung Quốc. Chúng bao gồm Lăng Tiên Lĩnh của nhà Minh (Xianling Tomb of the Ming Dynasty) và Lăng mộ Đông và Tây nhà Thanh (Eastern and Western Qing Tombs); Hiếu Lăng (Xiaoling Tombs) của nhà Minh và Lăng mộ nhà Minh (Ming Tombs) ở Bắc Kinh và 3 lăng mộ hoàng gia thời nhà Thanh tại Thẩm Dương (Three Imperial Tombs of Shenyang), tỉnh Liêu Ninh (Liaoning Province), gồm Vĩnh Lăng (Yongling Tomb), Phúc Lăng (Fuling Tomb) và Chiêu Lăng (Zhaoling Tomb).
Lăng mộ của hoàng gia nhà Minh và nhà Thanh nằm ở những vị trí địa hình được lựa chọn cẩn thận theo nguyên tắc Phong thủy (Fengshui), là quần thể gồm nhiều tòa nhà có thiết kế và trang trí kiến trúc truyền thống.
Các tòa nhà và gò mộ được bố trí theo các quy tắc phân cấp của Trung Quốc; kết hợp Trục thần đạo với các tượng đài và tác phẩm điêu khắc bằng đá được thiết kế để phù hợp với các nghi lễ hoàng gia. Chúng minh họa tầm quan trọng to lớn mà các nhà cai trị nhà Minh và nhà Thanh trong hơn 5 thế kỷ, gắn liền với việc xây dựng lăng mộ hùng vĩ, phản ánh không chỉ niềm tin chung về thế giới bên kia, mà còn là sự khẳng định quyền lực.
Lăng mộ của Hoàng đế nhà Minh đầu tiên, Minh Hiếu Lăng (Xiaoling Tomb) đã phá vỡ quá khứ và thiết lập chuẩn mực cơ bản cho những lăng mộ tiếp theo ở Bắc Kinh, cũng như Hàm Lăng (Xianling Tomb) của triều đại nhà Minh, Lăng mộ Tây Thanh (Western Qing Tombs) và Lăng mộ Đông Thanh (Eastern Qing Tombs). Ba lăng mộ hoàng gia của nhà Thanh ở tỉnh Liêu Ninh (Vĩnh Lăng, Phúc Lăng và Chiêu Lăng) đều được xây dựng vào thế kỷ 17 cho các hoàng đế sáng lập nhà Thanh và tổ tiên của họ. Chúng tích hợp truyền thống kế thừa từ các triều đại trước gắn với đặc điểm của nền văn minh Mãn Châu (Manchu civilization).
Lăng mộ Hoàng gia của triều đại nhà Minh và nhà Thanh, Trung Quốc được UNESCO tôn vinh là Di sản thế giới với tiêu chí:
Tiêu chí(i): Sự tích hợp hài hòa giữa các quần thể kiến trúc nổi bật trong môi trường tự nhiên, được lựa chọn đáp ứng tiêu chí phong thủy, khiến Lăng mộ Hoàng gia nhà Minh và nhà Thanh trở thành tuyệt tác về tài năng sáng tạo của con người.
Tiêu chí(ii): Lăng mộ thể hiện một giai đoạn phát triển, trong đó những truyền thống trước đó được tích hợp vào các hình thức của triều đại nhà Minh và nhà Thanh, đồng thời trở thành nền tảng cho sự phát triển tiếp theo.
Tiêu chí(iii): Lăng mộ hoàng gia là bằng chứng đặc biệt về một truyền thống văn hóa và kiến trúc đã thống trị khu vực này trong hơn 500 năm.
Tiêu chí (iv): Kiến trúc của lăng mộ hòa nhập hoàn hảo với môi trường tự nhiên, tạo nên một quần thể cảnh quan văn hóa độc đáo. Chúng là những ví dụ nổi bật về lăng mộ hoàng gia cổ đại của Trung Quốc.
Tiêu chí (vi): Lăng mộ nhà Minh và nhà Thanh là minh chứng rực rỡ về tín ngưỡng, thế giới quan và các lý thuyết phong thủy phổ biến ở Trung Quốc thời phong kiến. Chúng từng là nơi chôn cất những nhân vật lừng lẫy và là nơi trình diễn các sự kiện lớn đánh dấu lịch sử của Trung Quốc.
Di sản Lăng mộ Hoàng gia của triều đại nhà Minh và nhà Thanh, Trung Quốc gồm 14 Di tích chính:
1. Lăng Tiên Lĩnh, nhà Minh
Lăng Tiên Lĩnh (Xianling Tomb) nằm trên đồi Chunde cách thị trấn Chung Trường (Zhongxiang City), tỉnh Hồ Bắc (Hubei Province) 5 km về phía đông bắc (N31 1 0,00 E112 39 0,00).
Diện tích Di sản 87,6 ha; diện tích vùng đệm 226,4 ha.
Lăng Tiên Lĩnh thuộc triều đại nhà Minh, là lăng mộ Hoàng đế Minh Thế Tông (Gia Tĩnh đế/ Shizong Jiajing, trị vì năm 1521- 1567) và lăng mộ cha mẹ của ông.
Lăng được xây dựng vào năm 1519 – 1559.
Lăng Tiên Lĩnh nằm trên một gò núi, có trục chính theo hướng đông bắc – tây nam với bố cục gắn liền với địa hình cảnh quan xung quanh, gồm: gò núi, thung lũng và dòng suối uốn lượn.
Sơ đồ phạm vi Di sản Lăng Tiên Lĩnh nhà Minh, Hồ Bắc, Trung Quốc
Phối cảnh tổng thể Lăng Tiên Lĩnh nhà Minh Hồ Bắc, Trung Quốc
Quần thể Lăng gồm 2 khu vực:
Khu Ngoài: Gồm hồ nước tự nhiên và Cổng ngoài, nằm cạnh hồ nước và lệch sang một bên so với trục lăng. Khu Ngoài có một phần tường bao quanh bảo vệ, phần còn lại là mặt nước tự nhiên của hồ, điểm tụ của các con suối và mương. Cổng ngoài như một tòa nhà kiểu cổng thành, có mái che phía trên và 3 cổng vòm phía dưới. Tường sơn màu đỏ, mái lợp ngói vàng.
Khu Trong: Có tường bao quanh bảo vệ; bố cục chặt chẽ, gần như cân xứng qua Trục chính của Lăng. Từ ngoài vào trong gồm:
Cổng chính: Là điểm mở đầu của Trục thần đạo. Vị trí của Cổng chính là điểm nối giữa 2 đầu của 2 gò núi hai bên phía trước Lăng. Cổng chính có hình dáng, quy mô tương tự như Cổng ngoài. Phía trước Cổng chính là cụm cầu đá, gồm 3 cầu, bắc qua một con mương chạy ngoằn ngoèo.
Khu vườn ngoài: Bao gồm Trục thần đạo và cảnh quan hai bên. Dọc hai bên Trục thần đạo là tượng linh vật, tượng quan văn, võ đứng chầu. Chính giữa đoạn Trục thần đạo là Đền ngoài. Trước và sau Đền ngoài là cụm cầu đá (mỗi cụm có 3 cầu). Công trình như một cổng thành. Phần thân có một lối vào dạng vòm. Phần mái dạng mái dốc với hai tầng mái.
Khu vườn trong: Giới hạn giữa Khu vườn ngoài và Khu vườn trong là Cổng giữa. Cổng giữa bao gồm 3 lối đi, được giới hạn bởi các trụ cổng. Phía sau Cổng là Trục thần đạo không thẳng mà uốn lượn.
Khu Lăng nằm phía cuối của Trục thần đạo. Mở đầu bằng một Hồ nước hình tròn. Tiếp đến là một Sân nghi lễ với các tòa nhà, hiện chỉ còn lại tàn tích đế cột và bức tường bao quanh. Sau Sân nghi lễ là Đền trong, có hình dáng như một cổng thành. Phần thân cao 2 tầng với một cửa vòm tại chính giữa. Phần mái dạng mái dốc với hai tầng mái. Phía sau Đền trong là khu mộ với hai gò mộ: Gò mộ phía trước là mộ Hoàng đế Gia Tĩnh; Gò mộ phía sau là mộ cha, mẹ của Hoàng đế Gia Tĩnh.
Việc xây dựng Lăng Tiên Lĩnh là một sự kiện lịch sử lớn vào thời kỳ đầu trị vì của Hoàng đế Gia Tĩnh. Cách bố trí và phương pháp xây dựng của lăng độc đáo, đóng vai trò là chuẩn mực ban đầu trong các quy định về lăng mộ hoàng đế thời nhà Minh.
Hồ nước tự nhiên và Cổng ngoài Lăng Tiên Lĩnh nhà Minh, Hồ Bắc, Trung Quốc
Cổng trong, Lăng Tiên Lĩnh nhà Minh, Hồ Bắc, Trung Quốc
Nhà bia, Lăng Tiên Lĩnh nhà Minh, Hồ Bắc, Trung Quốc
Tượng linh vật và người hai bên Trục thần đạo của Lăng Tiên Lĩnh nhà Minh, Hồ Bắc, Trung Quốc
Phía trước điện thờ, Lăng Tiên Lĩnh nhà Minh, Hồ Bắc, Trung Quốc
Khu vực điện thờ, Lăng Tiên Lĩnh nhà Minh, Hồ Bắc, Trung Quốc
Hai gò mộ, Lăng Tiên Lĩnh nhà Minh, Hồ Bắc, Trung Quốc
2. Lăng Đông Thanh
Lăng Đông Thanh (Eastern Qing Tombs) là một quần thể lăng mộ hoàng gia của triều đại nhà Thanh nằm ở Tuân Hóa, Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc, cách Bắc Kinh 125 km về phía đông bắc (N41 10 60,00 E117 37 60,00).
Diện tích Di sản 224 ha; diện tích vùng đệm 7.800 ha.
Đây là quần thể lăng mộ còn tồn tại lớn nhất, đầy đủ nhất và được bảo tồn tốt nhất ở Trung Quốc. Tổng cộng, 5 vị hoàng đế (Thuận Trị, Khang Hy, Càn Long, Hàm Phong và Đồng Trị), 15 hoàng hậu, 136 phi tần, 3 hoàng tử và 2 công chúa của triều đại nhà Thanh được chôn cất tại đây.
Quần thể nằm theo hướng tây bắc – đông nam, tựa lưng vào dãy núi Trường Thụy, hướng về hòn núi Jinxing và dãy núi Hoàng Hoa, núi Yingfei Daoyang bao bọc hai bên.
Sơ đồ phạm vi Di sản Lăng Đông Thanh, Hồ Bắc, Trung Quốc
Sơ đồ vị trí các lăng mộ tại Lăng Đông Thanh, Hồ Bắc, Trung Quốc
Phối cảnh Quần thể Lăng Đông Thanh, Đường Sơn, Hà Bắc, Trung Quốc
Quần thể Lăng Đông Thanh gồm 3 phần: Khu vực phía trước lăng mộ; Khu vực lăng mộ; Khu vực cảnh quan xung quanh
Khu vực phía trước các Lăng mộ
Khu vực phía trước các Lăng mộ bao gồm: Trục thần đạo và các công trình bố trí dọc theo Trục thần đạo.
Trục thần đạo: Là con đường mang tính tâm linh, đường thẳng và rộng, dài khoảng 5,5km. Mở đầu là tượng đài với 6 cột đá tạo thành ô vòm.
Các công trình bố trí hai bên Trục thần đạo, từ nam tới bắc gồm:
Cổng ngoài: Như một cổng thành với tường thành hai bên. Cạnh cổng là tấm bia xuống ngựa.
Nhà bia: Nằm ngay phía sau Cổng ngoài, là một tòa nhà có hai tầng mái, dạng 4 mái. Bên trong đặt tấm bia công đức và tác phẩm điêu khắc bằng đá.
Sân nghi lễ: Nằm phía sau Nhà bia và một gò núi nhỏ, là phần mở rộng của Trục thần đạo. Tại đây bố trí tượng linh vật và tượng quan văn võ.
Cổng trong: Nằm sau Sân nghi lễ, gồm các trụ tường bằng đá tạo thành 3 cổng vào và các bức tường trang trí đặt tại hai bên cổng.
Cầu đá: Dọc theo Trục thần đạo bố trí nhiều cầu (gắn với hệ thống đường nước, phân chia các không gian dọc theo trục Thần đạo) gồm cầu một vòm, ba vòm, năm vòm, bảy vòm và cầu phẳng.
Trục thần đạo Lăng Đông Thanh, Hà Bắc, Trung Quốc
Phía sau Cổng trong là các con đường nhỏ, chạy theo địa hình dẫn đến các Lăng mộ.
Quần thể Lăng Đông Thanh bao gồm 15 Lăng mộ (trong hình vẽ ký hiệu từ 1- 15), gồm: Cụm lăng trung tâm; Cụm lăng tại phía bắc; Cụm lăng tại phía đông và Cụm lăng tại phía nam:
Cụm lăng tại trung tâm
Cụm Lăng trung tâm, gồm 2 lăng mộ (ký hiệu 6 và 7):
Thanh Hiếu lăng (Xiaoling Tomb, Mộ ký hiệu 6): Là mộ của Hoàng Đế Thuận Trị (Shunzhi), hoàng đế nhà Thanh đầu tiên cai trị Trung Quốc (trị vì năm 1643- 1661). Đây là lăng nằm tại trung tâm của Quần thể Lăng mộ Đông Thanh và cũng là ngôi mộ đầu tiên tại đây. Lăng hoàn thành năm 1662.
Được chôn cùng với ông là Hiếu Khang Chương Hoàng hậu (Xiaokangzhang, mẹ của Hoàng đế Khang Hy) và Hiếu Hiến Đoan Kính Hoàng hậu. Tất cả đều được hỏa táng.
Lăng là một tổ hợp nhiều hạng mục công trình, như một cung điện, gồm:
Trục đường chính vào Lăng;
Cổng vào Lăng như một tòa nhà;
Nhà bia (Beilou) là tòa nhà kèm theo một tấm bia ghi công đức của vị hoàng đế;
Nhà nghi lễ (Long'en Dian) gồm các tòa nhà nghi lễ chính giữa dành cho Hoàng gia, hai bên là các tòa nhà nghi lễ dành cho quan lại;
Nhà chuẩn bị các thức ăn cúng tế (Chaofang);
Các công trình khác như nhà kho lưu giữ lễ vật, nhà bếp nấu đồ cúng lễ, lò đốt đồ tế lễ…;
Hầm mộ, được lát bằng đá trên tường và trần, bên trong đặt quan tài chứa ba hũ tro cốt và nhiều báu vật như vàng bạc, châu báu, kiếm, sách quý, ngà voi, tượng Phật, lụa và gấm….
Bố cục của Thanh Hiếu Lăng cũng là khuôn mẫu cho bố cục các Lăng mộ khác trong Quần thể.
Minh lầu tại Thanh Hiếu Lăng, Quần thể Lăng Đông Thanh, Hà Bắc, Trung Quốc
Lăng phía đông Thanh Hiếu Lăng (Eastern Xiaoline Tomb, Mộ ký hiệu 7): là Lăng của Hiếu Khang Chương Hoàng hậu (Empress Xiaohuizhang). Lăng hoàn thành vào năm 1662. Bên trong còn là nơi an táng các phi tần, công chúa của Hoàng đế Thuận Trị.
Phối cảnh Lăng phía Đông Thanh Hiêu Lăng, Quần thể Lăng Đông Thanh, Hà Bắc, Trung Quốc
Cụm lăng tại phía bắc
Cụm lăng tại phía bắc gồm 9 lăng mộ:
Định lăng (Dingline Tomb/ Xianfeng, Mộ ký hiệu 1): Là mộ của Hoàng đế Hàm Phong (trị vì năm 1850- 1861), nằm ngoài cùng phía tây của Cụm Lăng mộ. Lăng hoàn thành năm 1865.
Phối cảnh Định Lăng, Quần thể Lăng Đông Thanh, Hà Bắc, Trung Quốc
Lăng mộ Hiếu Đức Hiển Hoàng hậu của Hoàng đế Hàm Phong (Imperial Concubline Toms of the Dingline Tomb, Mộ ký hiệu 2): Đặt cạnh Định Lăng. Lăng hoàn thành năm 1865.
Định Đông Lăng (Eastern Dingline Tomb/ Ci'xi & Ci'an, Mộ ký hiệu 3): Bao gồm hai lăng mộ nằm cạnh nhau:
Phổ Tường Dục Định Đông lăng: Là lăng của Từ An Thái hậu, tức Hiếu Trinh Hiển Hoàng Hậu, được xây dựng vào năm 1879.
Bồ Đà Dục Định Đông lăng: Là lăng của Từ Hi Thái hậu (Hiếu Khâm Hiển Hoàng hậu). Lăng này nằm ở phía Đông của Phổ Tường Dục Định Đông lăng. Lăng được tu sửa nhiều lần, như một cung điện sơn son thiếp vàng tại Tử Cấm Thành, sử dụng nhiều kết cấu gỗ quý, nhiều cột gỗ thiếp vàng, tranh và chạm khảm trên tường.
Phối cảnh Phổ Tường Dục Định Đông lăng và Bồ Đà Dục Định Đông lăng, Quần thể Lăng Đông Thanh, Hà Bắc, Trung Quốc
Bồ Đà Dục Định Đông lăng (Lăng Từ Hy Thái Hậu), Quần thể Lăng Đông Thanh, Hà Bắc, Trung Quốc
Lăng mộ Hoàng phi của Hoàng đế Càn Long (Imperial Concubline Toms of the Yuline Tomb, Mộ ký hiệu 4): Nằm bên trái Lăng Càn Long.
Thanh Dụ Lăng (Yuline Tomb, Mộ ký hiệu 5): Là mộ của Hoàng đế Càn Long (Qianlong, trị vì năm 1735- 1796). Đây là một trong những lăng mộ hoàng gia lộng lẫy nhất trong lịch sử Trung Quốc. Lăng hoàn thành năm 1799. Lăng có phòng mộ đẹp nhất, gồm một chuỗi 9 hầm được ngăn cách bởi 4 cánh cửa bằng đá cẩm thạch nặng 3 tấn, nằm ở độ sâu 54m. Tất cả các bức tường, trần vòm và cửa đều được trang trí bởi các chạm khắc tượng Phật, bồ tát, hộ pháp, linh vật, dụng cụ nghi lễ và hơn 30.000 chữ kinh điển Tây Tạng và tiếng Phạn.
Phối cảnh tổng thể Thanh Dụ Lăng, Quần thể Lăng Đông Thanh, Hà Bắc, Trung Quốc
Chạm khắc đá, kim loại tại Thanh Dụ Lăng, Quần thể Lăng Đông Thanh, Hà Bắc, Trung Quốc
Bên trong hầm mộ tại Thanh Dụ Lăng, Quần thể Lăng Đông Thanh, Hà Bắc, Trung Quốc
Thanh Cảnh lăng (Jingling Tomb, Mộ ký hiệu 8): Là mộ của Hoàng đế Khang Hy (Kangxi, trị vì năm 1661- 1722). Lăng được hoàn thành vào năm 1723, có quy mô không lớn song trang nhã.
Phối cảnh Thanh Cảnh Lăng Quần thể Lăng Đông Thanh, Hà Bắc, Trung Quốc
Lăng mộ các Hoàng phi của Hoàng đế Khang Hy (Imperial Concubline Toms of Jingline Tomb, Mộ ký hiệu 9, 10): Nằm bên phải Thanh Cảnh Lăng.
Phối cảnh Lăng mộ các Hoàng phi của Hoàng đế Khang Hy, Quần thể Lăng Đông Thanh, Hà Bắc, Trung Quốc
Tàn tích lăng mộ của Hoàng đế Đạo Quang (Ruins of the Tomb of Emperor Daoguang, Mộ ký hiệu 11): Là mộ của Hoàng đế Đạo Quang (Daoguang, trị vì năm 1820 – 1850). Đây là lăng mộ bị bỏ hoang, do Hoàng đế quyết định chuyển lăng mộ của mình đến Khu lăng mộ Tây Thanh.
Cụm lăng tại phía đông
Cụm lăng tại phía đông gồm 3 lăng mộ:
Lăng mộ Hoàng phi của Hoàng đế Đồng Trị (Imperial Concubline Toms of the Huiline Tomb, Mộ ký hiệu 12).
Thanh Huệ Lăng (Huiline Tomb, Mộ ký hiệu 13): Là mộ của Hoàng đế Đồng Trị (Tong Chi, trị vì năm 1861- 1875). Hai lăng mộ nằm cạnh nhau.
Lăng mộ của công chúa (Tomb of the Princess, Mộ ký hiệu 14): Nằm tách biệt tại phía đông Quần thể.
Cụm lăng tại phía nam:
Cụm lăng tại phía nam chỉ có 1 lăng mộ: Chiêu Tây Lăng (Western Zhaoling Tomb, Mộ ký hiệu 15). Đây là lăng mộ của Hiếu trang Hoàng thái hậu, mẹ của Hoàng đế Thuận Trị (Empress Xiaozhuang, Shunzhi's mother). Lăng nằm ở phía đông của lối vào trục thần đạo dẫn đến Thanh Hiếu lăng. Ban đầu đây là một cung điện nằm cạnh cổng vào Quần thể Lăng Đông Thanh, theo mong muốn của Hiếu trang Hoàng thái hậu. Sau đó đã chuyển đổi thành lăng vào năm 1725, dưới thời trị vì của Hoàng đế Ung Chính.
Mặt trước Chiêu Tây Lăng, Quần thể Lăng Đông Thanh, Hà Bắc, Trung Quốc
Khu vực cảnh quan xung quanh
Phía nam là một gò núi nhỏ, điểm mở đầu cho Trục thần đạo;
Phía bắc là cả dãy núi, là điểm tựa cho toàn bộ Khu Lăng Đông Thanh;
Phía đông và tây là các dãy núi nhỏ, ôm lấy toàn bộ Khu Lăng Đông Thanh.
3. Lăng Tây Thanh
Lăng Tây Thanh (Western Qing Tombs) nằm cách Bắc Kinh khoảng 140 km về phía tây nam, tại huyện Yi , tỉnh Hà Bắc (N39 19 60,00 E115 13 0,00).
Diện tích Di sản 1.842 ha; diện tích vùng đệm 4.758 ha.
Lăng Tây Thanh là một quần thể 4 lăng mộ hoàng gia, nơi chôn cất 78 thành viên hoàng gia, gồm 4 vị hoàng đế của triều đại nhà Thanh và các hoàng hậu, phi tần, hoàng tử và công chúa cũng như các công chức khác của hoàng gia.
Việc xây dựng lăng mộ Tây Thanh được khởi xướng bởi Hoàng đế Ung Chính (trị vì năm 1722- 1735), người đã phá vỡ truyền thống và từ chối chôn cất trong Khu lăng mộ Đông Thanh.
Sơ đồ phạm vi Di sản Lăng Tây Thanh, Hồ Bắc, Trung Quốc
Quần thể Lăng mộ Đông Thanh bao gồm các di tích chính:
Thanh Thái Lăng (Tailing Tomb): Là lăng mộ của Hoàng đế Ung Chính. Đây là lăng mộ lớn nhất, sớm nhất và đầy đủ nhất và là trung tâm của Lăng mộ Tây Thanh. Lối vào Lăng là một cây cầu hình vòm với Cổng vào được bố cục như một ngôi nhà truyền thống với sân trong. Cổng có cánh cửa lớn màu đỏ và ba mái vòm bằng đá lộng lẫy.
Trục thần đạo của Thanh Thái Lăng, Quần thể Lăng Tây Thanh, Hà Bắc, Trung Quốc
Thanh Trường Lăng (Changling Tomb): Là lăng mộ của Hoàng đế Gia Khánh (trị vì năm 1796- 1820).
Phối cảnh Thanh Trường Lăng, Quần thể Lăng Tây Thanh, Hà Bắc, Trung Quốc
Thanh Mộ Lăng (Muling Tomb): Là lăng mộ của Hoàng đế Đạo Quang (trị vì năm 1820 – 1850).
Phối cảnh Thanh Mộ Lăng, Quần thể Lăng Tây Thanh, Hà Bắc, Trung Quốc
Thanh Sùng Lăng (Chongling Tomb): Là lăng mộ của Hoàng đế Quang Tự (trị vì năm 1875- 1908).
Phối cảnh Thanh Sùng Lăng, Quần thể Lăng Tây Thanh, Hà Bắc, Trung Quốc
Lăng Hoàng đế Phổ Nghi (trị vì năm 1908- 1912): Mặc dù không chính thức là một phần của Lăng mộ Tây Thanh, nhưng việc bao gồm cả Lăng Phổ Nghi nâng số lượng hoàng đế tại Lăng mộ phía Tây lên 5 vị, tương đương với số lượng hoàng đế được chôn cất tại Lăng Đông Thanh.
4. Lăng mộ Nhà Minh
Lăng mộ Nhà Minh (Ming Tombs) là một cụm lăng mộ, nằm ở quận Trường Bình ngoại ô của thành phố Bắc Kinh, cách trung tâm thành phố Bắc Kinh 42 km về phía bắc tây bắc (địa điểm (N40 16 10,40 E116 14 40,60). Di sản được bổ sung năm 2003.
Diện tích Di sản 823 ha; diện tích vùng đệm 8.100 ha.
Địa điểm này không chỉ là khu phức hợp lăng mộ hoàng gia lớn nhất ở Trung Quốc mà còn trên toàn thế giới, là nơi chứa nhiều lăng mộ nhất của các hoàng đế và hoàng hậu.
Lăng mộ nhà Minh là tập hợp các lăng mộ được xây dựng bởi các hoàng đế nhà Minh của Trung Quốc.
Lăng mộ của vị hoàng đế đầu tiên của nhà Minh nằm gần cố đô Nam Kinh. Tuy nhiên, phần lớn các lăng mộ nhà Minh nằm trong một cụm gần Bắc Kinh và được gọi chung là 13 ngôi mộ của nhà Minh (Ming Thirteen Lăng).
Sau khi xây dựng Hoàng cung (Tử Cấm Thành ) vào năm 1420, Hoàng đế Vĩnh Lạc (Yongle, hoàng đế thứ ba của nhà Minh, trị vì năm 1402- 1424), đã chọn nơi xây dựng lăng mộ của riêng mình.
Địa điểm nằm ở sườn phía nam của núi Tianshou (ban đầu là núi Huangtu), được lựa chọn theo nguyên tắc phong thủy.
Từ Hoàng đế Vĩnh Lạc trở đi, 13 hoàng đế nhà Minh được chôn cất tại đây.
Vị hoàng đế cuối cùng được chôn cất tại địa điểm này là Sùng Trinh (Chongzhen, trị vì năm 1627- 1644), người cuối cùng trong triều đại Nhà Minh. Ông được chôn cất trong lăng mộ của người vợ lẽ là Điền phi.
Trong triều đại nhà Minh, các ngôi mộ bị hạn chế đối với dân thường, nhưng vào năm 1644, quân đội của Lý Tử Thành (Li Zi Cheng, năm 1606 – 1645, thủ lĩnh nông dân nổi dậy, lật đổ nhà Minh và cai trị miền bắc Trung Quốc) đã lục soát và đốt phá nhiều lăng mộ trước khi tiến đến và sau đó chiếm được Bắc Kinh.
Sơ đồ Di sản Lăng mộ nhà Minh tại Trường Bình, Bắc Kinh, Trung Quốc
Khu vực Lăng mộ nhà Minh tại Bắc Kinh được bao bọc bởi những ngọn núi trong một thung lũng với một Trục thần đạo (Saced Way) dài 7km dẫn vào các khu lăng mộ.
Mở đầu Trục thần đạo là Cổng trước (Stone Archway, hình vẽ ký hiệu 18).
Tiếp đến là Nhà bia (Shengong Shengde Bia Pavilion). Bên trong có bia đá nặng 50 tấn.
Cổng trước (màu đỏ), Trục thần đạo và Nhà bia, Lăng mộ nhà Minh tại Trường Bình, Bắc Kinh, Trung Quốc
Tháp bia, Lăng mộ nhà Minh tại Trường Bình, Bắc Kinh, Trung Quốc
Tiếp theo là Cổng đỏ vĩ đại (Great Red Gate, hình vẽ ký hiệu 19), gồm 3 mái vòm, sơn màu đỏ). Cổng được xây dựng vào năm 1540, là một trong những cổng vòm bằng đá lớn nhất ở Trung Quốc hiện nay.
Dọc theo hai bên Trục thần đạo (hình vẽ ký hiệu 20) là 18 cặp tượng đá các linh vật và quan văn, võ giám hộ, đều bằng đá nguyên khối và lớn hơn kích thước thật.
Tiếp theo là Cổng rồng – phượng (Dragon – phoenix Gate, hình vẽ ký hiệu 21). Đây cũng là cổng có 3 vòm. Từ đây có các Trục thần đạo nhánh rẽ vào các khu lăng mộ.
Khu vực điện thờ và lăng mộ nằm cuối của Trục thần đạo, có tường bao quanh.
Khu vực điện thờ được phân thành 2 hoặc 3 lớp sân riêng biệt, ngăn cách bởi cổng và tường. Có 4 ngôi mộ nhà Minh có 3 lớp sân riêng biệt: Hiếu Lăng (Xiaoling), Trường Lăng (Changling), Vĩnh Lăng (Yongling) và Đinh Lăng (Dingling).
13 Lăng mộ hoàng đế trong khu vực Di sản gồm:
i. Trường Lăng
Trường Lăng (Changling, hình vẽ ký hiệu 1) nằm tại trung tâm của Khu vực lăng.
Đây là nơi chôn cất Hoàng đế Vĩnh Lạc (Yongle Emperor, trị vì năm 1402- 1424) và Hoàng hậu Nhâm Hiểu Văn.
Lăng được xây dựng vào năm 1424.
Phối cảnh Trường Lăng, Bắc Kinh, Trung Quốc
Sơ đồ mặt bằng Trường Lăng, Bắc Kinh, Trung Quốc
ii. Hàm Lăng
Hàm Lăng (Xianling, hình vẽ ký hiệu 5) là nơi chôn cất Hoàng đế Hồng Tây (Hongxi Emperor, trị vì năm 1424 – 1425).
Lăng được xây dựng vào năm 1425, nằm cạnh phía tây Trường Lăng
Phối cảnh Hàm Lăng, Bắc Kinh, Trung Quốc
Sơ đồ mặt bằng Hàm Lăng, Bắc Kinh, Trung Quốc
iii. Jingling
Jingling (hình vẽ ký hiệu 2) là nơi chôn cất Hoàng đế Huyền đức (Xuande Emperor, trị vì năm 1425- 1435) và Hoàng hậu Hiểu Cung Chương.
Lăng được xây dựng vào năm 1435, nằm cạch phía đông Trường Lăng. Lăng có quy mô nhỏ.
Phối cảnh Jingling, Bắc Kinh, Trung Quốc
Sơ đồ mặt bằng Jingling, Bắc Kinh, Trung Quốc
iv. Ngọc Lăng
Ngọc Lăng (Yuling, hình vẽ ký hiệu 7) là nơi chôn cất Hoàng đế Chính Thống (Zhengtong Emperor, trị vì năm 1435- 1449) và Hoàng hậu Xiaozhuangrui, Hoàng hậu Xiaosu. Lăng được xây dựng vào năm 1449, nằm tại phía bắc Khu vực Di sản.
Phối cảnh Ngọc Lăng, Bắc Kinh, Trung Quốc
v. Mậu Lăng
Mậu Lăng (Maoling, hình vẽ ký hiệu 8) là nơi chôn cất Hoàng đế Thành Hóa (Chenghua Emperor, trị vì năm 1464 – 1487) và Hoàng hậu Xiaomu, Hoàng hậu Xiaozhenchun, Hoàng hậu Xiaohui.
Lăng được xây dựng vào năm 1487, nằm tại phía bắc Khu vực Di sản.
Phối cảnh Mậu Lăng, Bắc Kinh, Trung Quốc
vi. Tài Lăng
Tài Lăng (Tailing, hình vẽ ký hiệu 9) là nơi chôn cất Hoàng đế Hồng Chí (Hongzhi Emperor, trị vì năm 1487 – 1505) và Hoàng hậu Tiểu Thành Kinh.
Lăng được xây dựng vào năm 1505, nằm tại phía bắc Khu vực Di sản.
Phối cảnh Tài Lăng, Bắc Kinh, Trung Quốc
Sơ đồ mặt bằng Tài Lăng, Bắc Kinh, Trung Quốc
vii. Khang Lăng
Khang Lăng (Kangling, hình vẽ ký hiệu 10) là nơi chôn cất Hoàng đế Chính Đức (Zhengde Emperor, trị vì năm 1505 – 1521) và Hoàng hậu Xiaojingyi.
Lăng được xây dựng vào năm 1521, nằm tại phía tây bắc Khu vực Di sản.
Phối cảnh Khang Lăng, Bắc Kinh, Trung Quốc
viii. Vĩnh Lăng
Vĩnh Lăng (Yongling, hình vẽ ký hiệu 3) là nơi chôn cất Hoàng đế Gia Kinh (Jiajing Emperor, trị vì năm 1521- 1567) và Hoàng hậu Xiaojiesu, Hoàng hậu Xiaolie, Hoàng hậu Xiaoke.
Lăng được xây dựng vào năm 1566, nằm tại phía đông Khu vực Di sản. Đây là Lăng có quy mô lớn nhất trong Khu vực Di sản.
Phối cảnh Vĩnh Lăng, Bắc Kinh, Trung Quốc
Sơ đồ mặt bằng Vĩnh Lăng, Bắc Kinh, Trung Quốc
ix. Triệu Lăng
Triệu Lăng (Zhaoling, hình vẽ ký hiệu 12) là nơi chôn cất Hoàng đế Long Khánh (Longqing Emperor, trị vì năm 1567 – 1572) và Hoàng hậu Xiaoyizhuang, Hoàng hậu Xiao'an, Thái hậu Xiaoding.
Lăng được xây dựng vào năm 1572, nằm tại phía tây Khu vực Di sản, kề liền Đinh Lăng
Phối cảnh Triệu Lăng, Bắc Kinh, Trung Quốc
x. Thanh Lăng
Thanh Lăng (Qingling, hình vẽ ký hiệu 6) là nơi chôn cất Hoàng đế Thái Xương (Taichang Emperor, trị vì 8/1620 – 9/1620) và Thái hậu Xiaoyuanzhen, Thái hậu Xiaohewang. Thái hậu Xiaochun.
Lăng được xây dựng vào năm 1620, nằm tại phía bắc Khu vực Di sản. Lăng được xây dựng bổ sung vào nhóm lăng ký hiệu 5 và 7.
Phối cảnh Thanh Lăng, Bắc Kinh, Trung Quốc
xi. Đinh Lăng
Đinh Lăng (Dingling, hình vẽ ký hiệu 11) là nơi chôn cất Hoàng đế Vạn Lịch (Wanli Emperor, trị vì năm 1572 – 1620) và Hoàng hậu Xiaoduanxian, Thái hậu Xiaojing.
Lăng được xây dựng từ năm 1584 - 1590, nằm tại tây bắc Khu vực Di sản, cùng nhóm với Triệu Lăng (Zhaoling). Giữa hai Lăng là một giếng nước tại phía tây (West Well, hình vẽ ký hiệu 14).
Định lăng là lăng tẩm duy nhất của một Hoàng đế nhà Minh đã được mở cho người thăm quan như một bảo tàng.
Hơn 3000 đồ tạo tác được tìm thấy trong hầm mộ, rộng như một cung điện với 5 phòng, nằm sâu dưới mặt đất 27m.
Phối cảnh Đinh Lăng, Bắc Kinh, Trung Quốc
Sơ đồ mặt bằng Đinh Lăng, Bắc Kinh, Trung Quốc
Hình ảnh bên trong hầm mộ, tại Đinh Lăng, Bắc Kinh, Trung Quốc
xii. Đế Lăng
Đế Lăng (Deling, hình vẽ ký hiệu 4) là nơi chôn cất Hoàng đế Thiên Tề (Tianqi Emperor, trị vì năm 1620 – 1627) và Hoàng hậu Tiêu Ái Triết.
Lăng được xây dựng vào năm 1627, nằm tại phía đông Khu vực Di sản, cùng nhóm lăng ký hiệu 3 và 4. Tại đây có Giếng nước phía đông (East Well, hình vẽ ký hiệu 15).
Phối cảnh Đế Lăng, Bắc Kinh, Trung Quốc
xiii. Sĩ Lăng
Sĩ Lăng (Siling, hình vẽ ký hiệu 13) là nơi chôn cất Hoàng đế Sùng Trinh (Chongzhen Emperor, trị vì năm 1627 – 1644, hoàng đế thứ 17 và cuối cùng của nhà Minh) cùng Chu Hoàng Hậu và Điền Quý phi.
Lăng được xây dựng vào năm 1644, nằm tại phía tây Khu vực Di sản, cùng nhóm lăng ký hiệu 13, 16, 17.
Phối cảnh Sĩ Lăng, Bắc Kinh, Trung Quốc
Sơ đồ mặt bằng Sĩ Lăng, Bắc Kinh, Trung Quốc
5. Minh Hiếu Lăng
Hiếu Lăng (Xiaoling Tomb) của nhà Minh nằm tại thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô (N32 3 30,00 E118 51 7,00). Di sản được bổ sung năm 2023. Diện tích Di sản 116ha.
Minh Hiếu lăng là lăng mộ hợp táng của Hoàng đế Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương (Zhu Yuanzhang), người sáng lập ra triều đại nhà Minh (trị vì năm 1368- 1398) và Mã hoàng hậu.
Minh Hiếu Lăng nằm ở phía nam chân núi Tử Kim, phía Đông trung tâm lịch sử Nam Kinh.
Minh Hiếu Lăng hùng vĩ và hoành tráng, đại diện cho thành tựu kiến trúc và nghệ thuật khắc đá cao nhất trong thời kỳ đầu nhà Minh, có sức ảnh hưởng lớn đến hình dạng và cấu trúc của các lăng tẩm hoàng gia nhà Minh - Thanh trong hơn 500 năm sau.
Việc xây dựng lăng mộ được Minh Thái Tổ cho tiến hành vào năm 1381 và hoàn thành vào năm 1405, dưới thời trị vì của con trai ông là Minh Thành Tổ Vĩnh Lạc (trị vì năm 1402- 1424), với một lượng lớn tài nguyên được sử dụng cùng 100.000 lao động. Bức tường ban đầu của lăng mộ dài hơn 22,5 km. Lăng được xây dựng dưới sự bảo vệ nghiêm ngặt của 5.000 quân lính. Đây là lăng mộ Hoàng gia lớn nhất tại Nam Kinh.
Sơ đồ Khu vực Di sản Minh Hiếu Lăng, Nam Kinh, Giang Tô, Trung Quốc
Quần thể Lăng mộ có bố cục chính theo hướng bắc nam, gồm các di tích chính:
Bia đá (Shenlieshan Stele, hình vẽ ký hiệu 1): Nằm ngay tại lối vào Khu vực lăng. Tấm bia ghi sắc lệnh của chính quyền thời nhà Thanh về việc bảo vệ lăng mộ.
Cổng Hạ Mã (Xiama Archway, hình vẽ ký hiệu 2): Mở đầu Trục thần đạo.
Cổng Vàng (Big Golden Gate/ Da Jin Men, hình vẽ ký hiệu 3): Cổng tiếp theo sau Cổng Hạ Mã, là cổng có kích thước hoành tráng.
Bia công đức (Stele Tower, hình vẽ ký hiệu 4): Đặt đối diện với Cổng Vàng. Bia đá đặt trên con rùa đá khổng lồ. Rùa đá dài 5,15m, rộng 2,54m và cao 2,8m. Tấm bia cao 8,78m (bao gồm cả tượng rùa). Trên bia có các dòng chữ ca ngợi công đức Thái tổ Chu Nguyên Chương. Bia là một trong những ví dụ nổi tiếng nhất về thể loại này.
Từ Bia công đức, Trục thần đạo đổi hướng, lượn cong theo gò núi (Blum Blossom, hình vẽ ký hiệu 6). Tại đoạn cong này có các tác phẩm điêu khắc đá (Sacred Avenue and Stone Sculptures, hình vẽ ký hiệu 5 và 7).
Phía tây của đoạn Trục thần đạo cong này có một khu đất đặt mộ các phi tần (Graveyard of Concubines, hình vẽ ký hiệu 8).
Kết thúc đoạn Trục thần đạo cong là một cây cầu đá (Bridge over the Imperial River, hình vẽ ký hiệu 9). Từ đây Trục Thần đạo là một đoạn thẳng kéo dài 600m đến Điện thờ phía trước Gò mộ. Hai bên là những tác phẩm điêu khắc lớn: Tượng voi, lạc đà, ngựa, linh thú và tượng quan văn, quan võ.
Khu vực điện thờ: Có mặt bằng hình chữ nhật với tường bao quanh. Bên trong có: Cổng Khu vực Điện thờ (Palace Gate, hình vẽ ký hiệu 10); Cổng của khu Nhà tế lễ (Front Gate of the Sacrificial Palace, hình vẽ ký hiệu 11); Nhà tế lễ (Sacrificial Palace hình vẽ ký hiệu 13). Từ đây, Trục thần đạo chia làm hai con đường dẫn đến Sân trước và Minh lầu. Phía đông của Nhà tế lễ có một khu đất đặt mộ các hoàng tử (Graveyard of Crown Princes, hình vẽ ký hiệu 12).
Sân trước và Minh lầu (Square Town and Ming Tower, hình vẽ ký hiệu 14): Nằm cuối của Trục thần đạo, gắn liền với Gò mộ. Sân trước rộng như một quảng trường. Minh lầu là điện thờ. Hai bên có cầu thang lên tầng trên.
Gò mộ (Treasure Mound, hình vẽ ký hiệu 15): Mộ của Hoàng đế và Hoàng hậu đắp bằng đất sét, có đường kính khoảng 350m. Gò mộ có tường bao quanh. Tại phía nam là một bức tường đá có mái che ngói vàng phía trên, được gắn một nửa vào mặt trước của khối mộ. Trên bức tường có khắc 7 chữ Hán xác định lăng mộ của Hoàng đế Minh Thái Tổ.
Cổng vàng tại Minh Hiếu Lăng, Nam Kinh, Giang Tô, Trung Quốc
Bia công đức, Minh Hiếu Lăng, Giang Tô, Trung Quốc
Trục thần đạo với các tượng voi hai bên tại Minh Hiếu Lăng, Giang Tô, Trung Quốc
Trục thần đạo với các tượng lạc đà hai bên tại Minh Hiếu Lăng, Giang Tô, Trung Quốc
Tượng quan văn hai bên Trục thần đạo tại Minh Hiếu Lăng, Giang Tô, Trung Quốc
Tượng quan võ hai bên Trục thần đạo tại Minh Hiếu Lăng, Giang Tô, Trung Quốc
Sơ đồ Khu vực điện thờ và gò mộ, Minh Hiếu Lăng, Giang Tô, Trung Quốc
Tòa Minh Lầu, tại Khu vực điện thờ, Minh Hiếu Lăng, Giang Tô, Trung Quốc
Tường đá bao quanh gò mộ, Minh Hiếu Lăng, Giang Tô, Trung Quốc
6. Lăng Thường Ngộ Xuân, nhà Minh
Lăng Thường Ngộ Xuân (Tomb of Chang Yuchun) nằm tại thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô (N32 3 44,00 E118 49 54,00).
Diện tích Di sản 0,98ha. Di sản được bổ sung năm 2003.
Thường Ngộ Xuân (sinh năm 1330) là một trong những nhà lãnh đạo quân sự trung thành và giỏi nhất của Chu Nguyên Chương. Khi nhà Minh thành công, vào năm 1370, Hoàng đế đầu tiên Chu Nguyên Chương đã phong danh hiệu quý tộc cho các công thần. 6 người được phong công tước và 28 người được phong hầu tước.
Thường Ngộ Xuân được phong tước công. Khi chết được đặt lăng mộ trên cùng ngọn núi, nơi đặt lăng mộ của Chu Nguyên Chương.
Lăng Thường Ngộ Xuân nằm tại phía bắc tây bắc của Minh Hiếu Lăng (hình vẽ ký hiệu 16). Đây là một trong những nhóm 4 lăng mộ các công thần của nhà Minh và là nhóm lăng mộ có quy mô nhỏ nhất.
Lăng Thường Ngộ Xuân được xây cất vào năm 1369. Lăng mộ hiện tại được xây dựng vào năm 1871.
Khu lăng mộ nằm trên một bệ nền cao hơn so với khu vực xung quanh. Có 3 cầu thang dẫn đến lối vào lăng mộ.
Phía trước lăng có cổng. Cánh cổng gỗ cũng như kết cấu gỗ khác trong lăng hiện không còn.
Trục thần đạo dài khoảng 100m.
Hai bên Trục thần đạo là 3 lớp: Cột đá trang trí (hiện chỉ còn lại cột bên trái); Tượng ngựa và người dắt ngựa; Cụm tượng cừu đực, hổ và chiến binh gác mộ.
Gò mộ bằng đất. Các bức tường bao quanh gò hiện vẫn còn tồn tại.
Sơ đồ mặt bằng Lăng Thường Ngộ Xuân Giang Tô, Trung Quốc
Gò mộ, Lăng Thường Ngộ Xuân Giang Tô, Trung Quốc
7. Lăng Khâu Thành, nhà Minh
Lăng Khâu Thành (Tomb of Qiu Cheng) nằm tại thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô (N32 3 51,00 E118 49 59,00).
Diện tích Di sản 0,55ha. Bổ sung năm 2003.
Khâu Thành là một trong những vị tướng của Chu Nguyên Chương. Khi nhà Minh thành công, vào năm 1370, Hoàng đế Chu Nguyên Chương đã phong công tước cho tướng Khâu Thành. Khi chết được đặt lăng mộ trên cùng ngọn núi, nơi đặt lăng mộ của Chu Nguyên Chương.
Lăng Khâu Thành nằm tại phía bắc tây bắc của Minh Hiếu Lăng (hình vẽ ký hiệu 17). Đây là một trong những nhóm 4 lăng mộ các công thần của nhà Minh và là nhóm lăng mộ có quy mô nhỏ nhất.
Trục đường thần đạo bắt đầu từ một bệ hình vuông nhỏ. Đường rộng khoảng 2m, chạy thẳng theo phía bắc khoảng 30m, sau đó rẽ vuông góc về phía đông, khoảng 30m tới sân mộ.
Hai bên Trục thần đạo là các bức tượng: Ngựa với người dắt ngựa, đứng chờ người đã khuất trở về cưỡi; Cừu đực, con vật tượng trưng cho công lý, đảm bảo rằng chỉ những người có đạo đức mới có thể đi qua; Hổ tư thế ngồi, con vật tượng trưng cho sức mạnh, đảm bảo sự bình yên cho lăng mộ; Chiến binh canh gác mộ.
Trục Thần đạo kết thúc ở một bệ cao trên đó có bức tường lăng mộ.
Bức tường dài 8m và cao 1m. Tường không có trang trí và không có dòng chữ. Phía sau là gò mộ.
Lăng Khâu Thành, Giang Tô, Trung Quốc
8. Lăng Ngô Lương, nhà Minh
Lăng Ngô Lương (Tomb of Wu Liang) nằm tại thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô (N32 4 0,00 E118 49 51,00).
Diện tích Di sản 0,4ha. Di sản được bổ sung năm 2003.
Ngô Lương (sinh năm 1324) là một trong những vị tướng của Chu Nguyên Chương. Khi nhà Minh thành công, vào năm 1370, Hoàng đế Chu Nguyên Chương đã phong danh hiệu công tước cho Ngô Lương. Khi chết được đặt lăng mộ trên cùng ngọn núi, nơi đặt lăng của Chu Nguyên Chương.
Lăng Ngô Lương nằm tại phía bắc tây bắc của Minh Hiếu Lăng (hình vẽ ký hiệu 18). Đây là một trong những nhóm 4 lăng các công thần của nhà Minh và là nhóm lăng có quy mô nhỏ nhất.
Lăng hiện bị các tòa nhà dân cư che lấp.
Đầu của trục Thần đạo là một bia ghi công đặt trên lưng rùa đá. Bia đã không còn.
Dọc theo hai bên Trục thần đạo là hai con ngựa và người hầu dắt ngựa, hai con cừu đực, hai con hổ, hai chiến binh gác mộ và những cặp rùa. Các bức tượng này đều nhỏ hơn so với các bức tượng trong các lăng hoàng gia cùng thời kỳ, song tương tự như các lăng của các công thần nhà Minh khác đặt tại núi Trung Sơn ở Nam Kinh.
Tại đây cũng không có điện thờ và các tòa nhà tế lễ. Bệ nền ngôi mộ khá đơn giản, không có bất kỳ hình thức trang trí nào.
Trục Thần đạo Lăng Ngô Lương, Giang Tô, Trung Quốc
9. Lăng Ngô Trấn, nhà Minh
Lăng Ngô Trấn (Tomb of Wu Zhen) nằm tại thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô (N32 4 5,00 E118 49 57,00).
Diện tích Di sản 0,35ha. Di sản được bổ sung năm 2003.
Ngô Trấn (sinh năm 1328) là một trong những vị tướng của Chu Nguyên Chương, đặc biệt trong lĩnh vực thủy chiến.
Khi nhà Minh thành công, vào năm 1370, Hoàng đế Chu Nguyên Chương đã phong danh hiệu công thần cho Ngô Trấn. Khi chết được đặt lăng trên cùng ngọn núi, nơi đặt lăng của Chu Nguyên Chương.
Lăng Ngô Trấn nằm tại phía bắc tây bắc của Minh Hiếu Lăng (hình vẽ ký hiệu 19). Đây là một trong những nhóm 4 lăng mộ các công thần của nhà Minh và là nhóm lăng mộ có quy mô nhỏ nhất.
Trục thần đạo là một con đường nhỏ, rộng 1m, dài khoảng 80m. Hai bên có các tượng đá như: Ngựa và người dắt ngựa, cừu đực, hổ và chiến binh gác mộ.
Trước lăng mộ có một tấm bia công đức đặt trên lưng rùa. Hiện chỉ còn lại con rùa.
Giữa của Trục thần đạo là một Điện thờ gắn với một giếng nước.
Cuối của Trục thần đạo là một gò mộ nhỏ, đắp cao. Bên trên gò có một hàng rào bằng cây cỏ, tạo thành vòng tròn.
Tượng lính canh phía trước Lăng mộ Ngô Trấn, Giang Tô, Trung Quốc
10. Lăng Hư Đà, nhà Minh
Lăng Hư Đà (Tomb of Xu Da) nằm tại thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô (N32 4 30,00 E118 50 6,00).
Diện tích Di sản 0,85ha. Di sản được bổ sung năm 2003.
Hư Đà (sinh năm 1332) tại làng Zhongli, Haozhou, huyện Fengyang của tỉnh An Huy, cùng làng với Chu Nguyên Chương, hoàng đế đầu tiên của nhà Minh.
Khi nhà Minh thành công, vào năm 1370, Hoàng đế Chu Nguyên Chương đã phong danh hiệu công thần cho Hư Đà. Khi chết được đặt lăng mộ trên cùng ngọn núi, nơi đặt lăng mộ của Chu Nguyên Chương.
Ngôi mộ nằm trên sườn phía bắc của núi Trung Sơn, tại phía đông bắc của Minh Hiếu Lăng (hình vẽ ký hiệu 20).
Lăng dài và tương đối hẹp.
Tại đầu lối vào Trục thần đạo là một tấm bia gắn trên lưng một con rùa, ghi công đức của Hư Đà.
Dọc theo hai bên Trục thần đạo, một đoạn dài khoảng 220, là các cặp tượng đá gồm: cột, ngựa và người hầu dắt ngựa, cừu đực, hổ, và chiến binh gác mộ. Tượng người hầu dắt ngựa hiện đã bị mất đầu.
Cuối Trục thần đạo là Điện thờ, gồm Tiền điện và Hậu điện. Tiền điện là nơi lưu giữ các vật dụng dùng cho nghi lễ. Hậu điện nằm trên một bệ nền bằng gạch cao hơn tiền điện. Tất cả chỉ còn lại tàn tích.
Giữa sân chính của Điện thờ tấm bia mộ.
Phía sau Điện thờ, khoảng 700m là gò mộ.
Gò mộ tại Lăng mộ Hư Đà, Giang Tô, Trung Quốc
11. Lăng Lý Văn Trung, nhà Minh
Lăng Lý Văn Trung (Tomb of Li Wenzhong) nằm tại làng Xuyi thuộc tỉnh Giang Tô (N32 4 47,00 E118 50 23,00). Diện tích Di sản 0,87 ha; diện tích vùng đệm 180 ha. Di sản được bổ sung năm 2003.
Lý Vân Trung (sinh năm 1339) là con trai của chị gái Chu Nguyên Chương, người sáng lập và hoàng đế đầu tiên của triều đại nhà Minh.
Lý Vân Trung đã trở thành một vị tướng khi mới 19 tuổi, hỗ trợ nỗ lực chú mình giành quyền thống trị khu vực Dương Tử và sau đó lật đổ triều đại nhà Nguyên Mông Cổ.
Khi nhà Minh thành công, vào năm 1370, Hoàng đế Chu Nguyên Chương đã phong danh hiệu công tước cho Lý Văn Trung. Khi chết được đặt lăng mộ trên cùng ngọn núi, nơi đặt lăng của Chu Nguyên Chương.
Lăng Lý Văn Trung nằm tại phía bắc của Khu vực Minh Hiếu Lăng (hình vẽ số 21).
Lăng Lý Văn Trung được thiết kế theo kiểu lăng mộ truyền thống dành cho một công tước. Lăng dài và tương đối hẹp.
Tại đầu lối vào Trục thần đạo là một tấm bia gắn trên lưng một con rùa, ghi công đức của Lý Văn Trung.
Dọc theo hai bên Trục thần đạo là các cặp cột, ngựa và người dắt ngựa, cừu đực, hổ và chiến binh gác mộ.
Cuối Trục thần đạo là Điện thờ, gồm Tiền điện và Hậu điện. Tiền điện dài 16,8m, rộng 12,1m, là nơi lưu giữ các vật dụng dùng cho nghi lễ. Hậu điện nằm trên một bệ nền bằng gạch cao hơn tiền điện; dài 31,2m và rộng 14,8m.
Giữa sân chính phía trước Điện thờ là tấm bia mộ. Bên phải Điện thờ là một cái giếng nước, cung cấp nguồn nước để nấu các món ăn cúng tế dùng trong các nghi lễ viếng mộ hàng năm.
Phía sau Hậu điện là gò mộ. Có hai cầu thang đá hẹp dọc theo hai bên bức tường bao dẫn lên gò mộ.
Gò mộ Lăng Lý Văn Trung, Giang Tô, Trung Quốc
12. Vĩnh Lăng, nhà Thanh
Vĩnh Lăng của nhà Thanh (Yongling Tomb of the Qing Dynasty) nằm tại tỉnh Liêu Ninh, Trung quốc (N41 20 37,00 E124 49 18,00).
Diện tích Di sản 236,59 ha; diện tích vùng đệm 1.343,9399 ha. Di sản được bổ sung năm 2004.
Vĩnh Lăng của triều đại nhà Thanh là nghĩa trang của tổ tiên của các hoàng đế nhà Thanh.
Lăng bắt đầu được xây dựng vào năm 1598.
Khu vực Di sản có diện tích lớn, song hiện chỉ còn lưu lại phần chính của Khu lăng.
Quần thể Lăng mộ có trục thần đạo theo hướng tây bắc – đông nam, gồm các di tích chính:
Khu vực phía trước Cổng trong với Trục thần đạo dài tới 830m hướng tới sông. Khu vực này hiện không có tường bao quanh và không có Cổng ngoài.
Cổng trong gắn với bức tường bao quanh Khu vực điện thờ và Gò mộ.
Phía sau Cổng trong là 4 Nhà bia, được dựng thành dựng thành một hàng. Bên trong chứa 4 tấm bia tưởng niệm của 4 vị tổ tiên của nhà Thanh. Trên các tấm bia có khắc những dòng chữ được viết bằng ba thứ tiếng Mãn Châu, Mông Cổ và Hán.
Phía tây của Nhà bia là khu vực chứ các tòa nhà chuẩn bị các thức ăn cúng tế.
Khu vực Điện thờ có một cổng ra vào gắn với tường bao quanh. Điện thờ nằm chính giữa. Hai bên có 2 tòa phụ.
Từ Điện thờ chính có đường dẫn đến gò mộ.
Sơ đồ Di sản Vĩnh Lăng của nhà Thanh, Liêu Ninh, Trung Quốc
Sơ đồ tổng mặt bằng Vĩnh Lăng của nhà Thanh, Liêu Ninh, Trung Quốc
Phối cảnh tổng thể Khu vực điện thờ, Vĩnh Lăng của nhà Thanh, Liêu Ninh, Trung Quốc
13. Phúc Lăng, nhà Thanh
Phúc Lăng của nhà Thanh (Fuling Tomb of the Qing Dynasty) nằm tại phía đông thành phố Thẩm Dương , tỉnh Liêu Ninh (N41 49 34,00 E123 34 49,00).
Diện tích Di sản 53,86 ha; diện tích vùng đệm 702,36 ha. Di sản được bổ sung năm 2004.
Đây là lăng mộ của Nỗ Nhĩ Cáp Xích (Nurhaci, vị vua sáng lập của triều đại Hậu Tấn, trị vì năm 1616- 1626), sau đó được truy tặng là hoàng đế nhà Thanh và vợ ông, Hiếu Từ Cao Hoàng hậu (Xiaocigao). Lăng từng là địa điểm chính cho các nghi lễ nghi lễ do hoàng gia tiến hành trong suốt triều đại nhà Thanh.
Lăng được xây dựng vào năm 1629 – 1651.
Thanh Phúc Lăng nằm chếch theo hướng bắc – nam, gồm các di tích chính:
Tường bao quanh đơn giản, có mặt bằng gần với hình chữ nhật;
Cổng ngoài bằng đá gắn với tường bao quanh;
Phía sau Cổng ngoài là Trục thần đạo, dài khoảng 420m. Tiếp sau là Nhà bia và các tòa nhà chuẩn bị các thức ăn cúng tế và tháp đốt vàng mã;
Cổng trong gắn với bức tường thành bao quanh Khu vực điện thờ và Gò mộ;
Các bức tường thành (rộng với lối đi phía trên) của Khu vực điện thờ có 4 góc được đánh dấu 4 tháp nhỏ. 2 tháp cổng lớn tại phía bắc và phía nam;
Bên trong Khu vực điện thờ có Điện thờ nằm chính giữa. Hai bên có 2 tòa phụ;
Từ Điện thờ chính có đường dẫn đến gò mộ. Bên trong là nơi yên nghỉ Hoàng đế Nỗ Nhĩ Cáp Xích và vợ của ông.
Sơ đồ phạm vi Di sản Thanh Phúc Lăng, Liêu Ninh, Trung Quốc
Tổng mặt bằng Thanh Phúc Lăng, Liêu Ninh, Trung Quốc
Cổng vào Khu vực điện thờ và gò mộ tại Thanh Phúc Lăng, Liêu Ninh, Trung Quốc
14. Chiêu Lăng, nhà Thanh
Chiêu Lăng của nhà Thanh (Zhaoling Tomb of the Qing Dynasty) nằm trong Công viên Bắc Lăng (Beiling), thuộc thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh (N41 50 29,00 E123 25 4,00).
Diện tích Di sản 47,89 ha; diện tích vùng đệm 318,74 ha. Di sản được bổ sung năm 2004.
Đây là lăng của hoàng đế đầu tiên của nhà Thanh, Hoàng Thái Cực (Hong Taiji, trị vì năm 1636 – 1643 và Hiếu Đoan Văn Hoàng hậu và Hiếu Trang Hoàng Thái hậu.
Lăng được xây dựng từ năm 1643- 1651.
Lăng nằm theo hướng – bắc nam, gồm các di tích chính:
Tường bao quanh đơn giản, có mặt bằng hình chữ nhật.
Cổng ngoài gắn với tường bao quanh. Cổng ngoài chính tại phía nam làm bằng đá cẩm thạch có chạm khắc trang trí công phu. Cổng ngoài phụ bố trí tại phía đông và tây.
Phía sau Cổng ngoài là Trục thần đạo dài khoảng 200m, nối tiếp với trục chính của Công viên Bắc Lăng. Hai bên Trục thần đạo đặt tượng linh vật, người. Tiếp đến Nhà bia với một tấm bia lớn ghi công đức hoàng đế, đặt trên tượng rùa. Cuối cùng là các tòa nhà chuẩn bị các thức ăn cúng tế.
Cổng trong gắn với bức tường thành bao quanh Khu vực điện thờ và Gò mộ.
Các bức tường thành (rộng với lối đi phía trên) của Khu vực điện thờ có 4 góc được đánh dấu 4 tháp nhỏ. 2 tháp cổng lớn tại phía bắc và phía nam.
Trong Khu vực điện thờ có 5 tòa nhà. 4 chiếc đầu tiên, đặt ở hai bên trục trung tâm, được dùng để chuẩn bị buổi lễ. Điện thờ chính nằm tại cuối trục trung tâm. Cạnh điện thờ là đài hỏa táng đồ lễ vật.
Từ điện thờ có đường dẫn đến Gò mộ.
Gò mộ có tường bao quanh, hình bán tròn. Bên trong Gò mộ là nơi yên nghỉ Hoàng đế Hoàng Thái Cực và các phi tần của ông cùng với vô số lễ vật vô giá.
Sơ đồ phạm vi Di sản Thanh Chiêu Lăng, Liêu Ninh, Trung Quốc
Tổng mặt bằng Thanh Chiêu Lăng, Liêu Ninh, Trung Quốc
Phối cảnh Khu vực điện thờ, Thanh Chiêu Lăng, Liêu Ninh, Trung Quốc
Bên trong Khu vực điện thờ, Thanh Chiêu Lăng, Liêu Ninh, Trung Quốc
Điện thờ và Gò mộ (bên trái ảnh), Thanh Chiêu Lăng, Liêu Ninh, Trung Quốc
Di sản Lăng mộ Hoàng gia của triều đại nhà Minh và nhà Thanh là tuyệt tác về tài sáng tạo của con người bởi sự hòa nhập hữu cơ của chúng với thiên nhiên; là minh chứng độc đáo cho truyền thống văn hóa và kiến trúc của hai triều đại phong kiến cuối cùng (Nhà Minh và Nhà Thanh) trong lịch sử Trung Quốc, vào giữa thế kỷ 14 và 20. Di sản là những tác phẩm nghệ thuật kiến trúc tinh xảo của nền văn minh Hán và Mãn Châu. Vị trí, quy hoạch và thiết kế của chúng phản ánh cả ý tưởng triết học về “sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên” theo nguyên tắc Phong Thủy và các quy tắc phân cấp xã hội, đồng thời minh họa quan niệm về thế giới và quyền lực phổ biến trong giai đoạn sau của xã hội cổ đại Trung Quốc.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn:
https://whc.unesco.org/en/list/1004/
https://en.wikipedia.org/wiki/China
https://en.wikipedia.org/wiki/Imperial_Tombs_of_the_Ming_and_Qing_Dynasties
https://en.wikipedia.org/wiki/Ming_tombs
https://www.fohb.gov.cn/info/2022-08/20220817110700_294.html
https://k.sina.cn/article_1138779911_43e06707001011le8.html?from=history
https://commons.wikimedia.org/wiki/Category:Yuling_Tomb_of_the_Qing_Dynasty
https://en.wikipedia.org/wiki/Western_Qing_tombs
https://en.wikipedia.org/wiki/Eastern_Qing_tombs
https://wildgreatwall.com/the-eastern-qing-tombs/
https://www.mingtombs.eu/i/lay/layout.html
https://en.wikipedia.org/wiki/Xiao_Mausoleum
https://en.wikipedia.org/wiki/Tomb_of_Chang_Yuchun
https://www.mingtombs.eu/o/chang/chang.html
https://www.mingtombs.eu/o/wu/wuliang.html
https://www.mingtombs.eu/o/zhen/wuzhen.html
https://www.mingtombs.eu/o/xuda/xuda.html
https://www.mingtombs.eu/o/wenz/wenz.html
https://en.wikipedia.org/wiki/Fuling_Mausoleum
https://en.wikipedia.org/wiki/Zhao_Mausoleum_(Qing_dynasty)
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi
|