Thông tin chung:
Công trình: Hang động Long Môn (Longmen Grottoes)
Địa điểm: Thành phố Lạc Dương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc (N34 28 0 E112 28 0)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Diện tích di sản 331 ha; Diện tích cả vùng đệm 1.042 ha
Năm hình thành: Thế kỷ thứ 5
Giá trị: Di sản thế giới (năm 2000; hạng mục i, ii, iii)
Trung Quốc (Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa) nằm tại Đông Á, là quốc gia đông dân nhất thế giới với khoảng 1,403 tỷ người (năm 2016). Trung Quốc có diện tích 9596961km2, là quốc gia có tổng diện tích lớn hàng đầu thế giới; Ngôn ngữ chính thức là tiếng Hán. Trung Quốc phân thành 22 tỉnh, 5 khu tự trị, 4 đô thị trực thuộc và 2 khu hành chính đặc biệt là Hồng Kông và Ma Cao.
Lịch sử Trung Quốc bắt nguồn từ một trong những nền văn minh cổ nhất thế giới, phát triển tại lưu vực sông Hoàng Hà, bình nguyên Hoa Bắc. Trải qua hơn 5.000 năm, Trung Hoa đã trở thành nền văn minh rực rỡ nhất thế giới trong thời Cổ đại và Trung cổ, được đặc trưng bởi hệ thống triết học thâm sâu (nổi bật nhất là Nho giáo, Đạo giáo và thuyết Âm dương ngũ hành); các thành tựu khoa học kỹ thuật (phát minh ra giấy, la bàn, thuốc súng, địa chấn kế, kỹ thuật in ấn...); hoạt động giao thương xuyên châu Á với nhiều quốc gia (Con đường tơ lụa); những đô thị có quy mô dân số và trình độ kiến trúc đứng đầu thế giới vào thời Trung cổ.
Hệ thống chính trị của Trung Quốc dựa trên các chế độ quân chủ kế tập, được gọi là các triều đại, khởi đầu là triều đại nhà Hạ.
Từ năm 221 trước Công nguyên (TCN), nhà Tần chinh phục các quốc gia khác để hình thành đế quốc Trung Hoa thống nhất;
Triều đại nhà Hán cai trị Trung Quốc từ năm 206 TCN đến năm 220 sau Công nguyên;
Triều đại nhà Đường cai trị từ năm 618–907;
Triều đại nhà Tống cai trị từ năm 960–1279;
Vào thế kỷ thứ 13, Trung Quốc bị Đế quốc Mông Cổ chinh phục. Năm 1271, Đại hãn người Mông Cổ thiết lập triều đại nhà Nguyên.
Triều đại nhà Minh cai trị Trung Quốc từ năm 1368–1644.
Triều đại nhà Thanh do người Mãn Châu thành lập cai trị Trung Quốc từ năm 1636–1912.
Trung Hoa Dân Quốc lật đổ nhà Thanh, triều đại phong kiến cuối cùng của Trung Quốc vào năm 1912 và cầm quyền tại Trung Quốc đại lục cho đến năm 1949. Sau khi Đế quốc Nhật Bản bại trận trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Trung Quốc chia thành hai: Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) có thủ đô là Bắc Kinh và Trung Hoa Dân quốc tại đảo Đài Loan với thủ đô là Đài Bắc.
Hang động Long Môn (Longmen Grottoes) nằm ở hai bên sông Yi ở phía nam cố đô Lạc Dương (Luoyang, cách thành phố Lạc Dương, tỉnh Hà Nam 12 km về phía nam), bao gồm hơn 2.300 hang động và hốc được chạm khắc vào những vách đá vôi dốc đứng trải dài 1km. Những nơi này chứa gần 110.000 tượng Phật bằng đá, hơn 60 bảo tháp và 2.800 chữ khắc trên bia.
Lạc Dương là kinh đô vào cuối triều đại Bắc Ngụy (Northern Wei Dynasty, tồn tại năm 386–535), qua triều đại nhà Tùy (Sui dynasty, tồn tại năm 518 – 618) đến đầu triều đại nhà Đường (Tang dynasty, tồn tại năm 618 – 907). Thời kỳ chạm khắc chuyên sâu nhất diễn ra từ cuối thế kỷ thứ 5 đến giữa thế kỷ thứ 8.
Những hang động sớm nhất được chạm khắc vào cuối thế kỷ thứ 5 và đầu thế kỷ thứ 6 ở Vách đá phía tây (West Hill cliffs) bao gồm Hang Cổ Dương (Guyangdong Caves) và 3 Hang Bình Dương (Three Binyang Caves), tất cả đều có tượng Phật lớn.
Hang Đơn thuốc (Yaofangdong Cave) chứa 140 phương pháp điều trị, được ghi lại bởi các dòng chữ cho bệnh nhân và bệnh tật khác nhau.
Công việc điêu khắc trong những hang động này tiếp tục trong khoảng thời gian 150 năm, minh họa cho những thay đổi trong phong cách nghệ thuật.
Phong cách điêu khắc được phát hiện trong các hang động Phật giáo thời nhà Đường vào thế kỷ thứ 7 và thứ 8, đặc biệt là các tác phẩm điêu khắc khổng lồ trong hang Fengxiansi (Fengxiansi Cave) là những ví dụ tiêu biểu đầy đủ nhất về nghệ thuật của các ngôi Chùa hang hoàng gia (Royal Cave Temples), đã được các nghệ sĩ từ nhiều vùng khác nhau bắt chước.
Hai phong cách nghệ thuật điêu khắc, “Phong cách Trung Hoa” (“Central China Style”) trước đó và “Phong cách Đại Đường” (“Great Tang Style”) sau này có ảnh hưởng lớn trong nước và trên toàn thế giới, đồng thời đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của nghệ thuật điêu khắc ở các nước châu Á khác.
Hang động Long Môn, thành phố Lạc Dương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc được UNESCO tôn vinh là Di sản thế giới với tiêu chí:
Tiêu chí (i): Các tác phẩm điêu khắc ở Hang động Long Môn là tuyệt tác về tài năng sáng tạo nghệ thuật của con người.
Tiêu chí (ii): Hang động Long Môn thể hiện sự hoàn hảo của một loại hình nghệ thuật lâu đời, đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển văn hóa ở khu vực châu Á.
Tiêu chí (iii): Những tác phẩm chạm khắc đá đặc biệt của Hang động Long Môn là một bằng chứng đặc biệt thể hiện trình độ văn hóa cao và xã hội tinh tế thời nhà Đường Trung Quốc.
Bản đồ phạm vi Di sản Hang động Long Môn, Lạc Dương, Hà Nam, Trung Quốc
Sơ đồ vị trí các di tích chính tại Di sản Hang động Long Môn, Lạc Dương, Hà Nam, Trung Quốc
Lịch sử hình thành Di sản Hang động Long Môn bắt nguồn từ thời trị vì của Hoàng đế Huyền Vũ (Emperor Xuanwu, trị vì năm 499 – 515) của triều đại Bắc Ngụy. Năm 494, triều đại này di chuyển kinh đô từ Bình Thành (nay là Đại Đồng, tỉnh Sơn Tây) về Lạc Dương (tỉnh Hà Nam).
Lạc Dương (Luoyang) từng là thủ đô lịch sử của 13 triều đại. Các hang động được khai quật và chạm khắc các chủ đề Phật giáo trong khoảng thời gian từ năm 493 đến năm 1127, trong 4 giai đoạn:
Giai đoạn thứ nhất, từ năm 493- 534: Giai đoạn mở đầu, thuộc triều đại Bắc Ngụy (Northern Wei Dynasty, tồn tại năm 386–535).
Giai đoạn thứ hai, từ năm 524 đến năm 626: Giai đoạn phát triển chậm, do xung đột trong khu vực, thuộc thời trị vì của nhà Tùy (Sui dynasty, tồn tại năm 518 – 618) và thời kỳ đầu của triều đại nhà Đường (Tang dynasty, tồn tại năm 618 – 907).
Giai đoạn thứ ba, từ năm 626 đến giữa thế kỷ thứ 8: Giai đoạn phát triển mạnh mẽ với sự gia tăng số hang động và các bức chạm khắc, thuộc thời kì trị vì của Nhà Đường gắn với sự phát triển của Phật giáo Trung Quốc.
Giai đoạn thứ cuối cùng, phần sau của triều đại nhà Đường kéo dài đến thời Bắc Tống (tồn tại năm 960 – 1127): Thời kỳ sự suy giảm trong việc tạo ra các hang động, do cuộc chiến giữa các triều nhà Kim (tồn tại năm 1115 – 1234) và nhà Nguyên (tồn tại năm 1271–1368).
Vào những năm 1368 đến 1912, khi hai triều đại cai trị ở Trung Quốc là nhà Minh (tồn tại năm 1368 đến 1644) và nhà Thanh (tồn tại năm 1644 đến 1912), Hang động Long Môn được công nhận cả ở cấp quốc gia và quốc tế.
Trong Chiến tranh Trung - Nhật lần thứ hai (năm 1937- 1945), địa điểm bị cướp phá.
Đầu của nhiều bức tượng cũng bị phá hủy trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa (năm 1966- 1976).
Các hang động tại Di sản được đánh số thứ tự từ bắc xuống nam dọc theo bờ tây sông Yi. Lối vào hang động là từ đầu phía bắc, cạnh cầu Bắc Long Môn (Longmen North Bridge), bắc qua sông Yi.
Lối vào Di sản Hang động Long Môn, Lạc Dương, Hà Nam, Trung Quốc
Di sản Hang động Long Môn (Chùa hang Long Môn) nằm hai bên bờ sông Y (Yi River), dọc theo dãy Long Môn Sơn tại phía tây và dọc theo dãy Tương Sơn tại phía đông với độ dốc lớn. Các hang động đá vôi được hình thành trong phạm vi 1km của đoạn sông này và được chạm khắc ở cả hai bên. Hầu hết các di tích đền, chùa hang được thực hiện ở bờ phía tây, trong khi các hang động ở bờ phía đông, với số lượng ít hơn, được dùng làm nơi ở cho các nhóm lớn tu sĩ.
Một phần cảnh quan vách núi phía tây Di sản Hang động Long Môn, Lạc Dương, Hà Nam, Trung Quốc
Một phần cảnh quan vách núi phía đông Di sản Hang động Long Môn, Lạc Dương, Hà Nam, Trung Quốc
Di sản Hang động Long Môn là một loại kiến trúc cắt vào đá (Rock-cut rchitecture). Quần thể các di tích tại đây có thể phân thành các loại :
Hang động lớn hay chùa hang : Thường là các hang tạc vào đá có quy mô lớn, chứa được nhiều người; mặt bằng hình móng ngựa, vách hang phẳng với các phù điêu trang trí và hốc đặt tượng; mái hang dạng vòm với các phù điêu trang trí. Bên trong là tượng Phật, Bồ tát và phù điêu tạc vào trong đá.
Hang động nhỏ hay đền hang : Thường là các hang tạc vào đá với quy mô nhỏ hơn chùa hang, chứa được ít người. Bên trong cũng có các bức tượng Phật, Bồ tát và phù điêu tạc vào trong đá.
Hốc nhỏ : Là các hốc tạc vào đá với quy mô nhỏ, người không thể vào được. Bên trong cũng có các bức tượng và phù điêu nhỏ.
Tượng thờ : Là các tượng được tạc vào vách đá, song không nằm trong các hang động.
Cấu trúc đá khác : Là các chạm khắc vào trong đá như ngôi tháp, động vật, cây cỏ…
Chùa, đền hang với mặt bằng hình móng ngựa với tượng, phù điêu , Di sản Hang động Long Môn, Lạc Dương, Hà Nam, Trung Quốc
Chùa, đền hang với vòm hang và tường trang trí tượng, phù điêu, Di sản Hang động Long Môn, Lạc Dương, Hà Nam, Trung Quốc
Vô vàn các hốc nhỏ đặt tượng và các bức chạm khắc, Di sản Hang động Long Môn, Lạc Dương, Hà Nam, Trung Quốc
Có tới 100.000 bức tượng trong 2.345 hang động, có chiều cao từ 25mm đến 17m. Khu vực này còn có gần 2.500 tấm bia và chữ khắc, do đó có tên là "Rừng bia cổ", cũng như hơn 60 ngôi chùa Phật giáo dạng chùa, đền hang. 30% có niên đại từ thời Bắc Ngụy và 60% từ thời nhà Đường. Các hang động từ các thời kỳ khác chỉ chiếm chưa đến 10% tổng số. Những người tài trợ cho việc xây dựng là các vị hoàng đế, thành viên hoàng gia, những gia đình giàu có và các nhóm tôn giáo.
Năm mươi hang động lớn và vừa được nhìn thấy trên các vách đá phía tây được cho là của các triều đại Bắc Ngụy, Tùy và Đường, trong khi các hang động trên đồi phía đông được chạm khắc hoàn toàn vào thời nhà Đường.
Tác phẩm điêu khắc tại Di sản Hang động Long Môn thể hiện sự thay đổi về phong cách. Ban đầu đơn giản và có hình dáng đẹp với các bức chạm khắc tượng Phật, Bồ tát, thánh thần và hoàng gia. Vào thời nhà Đường, các tác phẩm điêu khắc dần trở nên đa dạng hơn hơn với nhiều cảnh vật đời thường.
Chạm khắc tượng Phật, Bồ tát, Di sản Hang động Long Môn, Lạc Dương, Hà Nam, Trung Quốc
Chạm khắc hộ pháp, Di sản Hang động Long Môn, Lạc Dương, Hà Nam, Trung Quốc
Chạm khắc tòa tháp, Di sản Hang động Long Môn, Lạc Dương, Hà Nam, Trung Quốc
Chạm khắc tiên nữ, Di sản Hang động Long Môn, Lạc Dương, Hà Nam, Trung Quốc
Chạm khắc Lễ rước Hoàng hậu, Di sản Hang động Long Môn, Lạc Dương, Hà Nam, Trung Quốc
Chạm khắc chữ, Di sản Hang động Long Môn, Lạc Dương, Hà Nam, Trung Quốc
Chạm khắc chim, Di sản Hang động Long Môn, Lạc Dương, Hà Nam, Trung Quốc
Chạm khắc sư tử, Di sản Hang động Long Môn, Lạc Dương, Hà Nam, Trung Quốc
Chạm khắc hoa sen, Di sản Hang động Long Môn, Lạc Dương, Hà Nam, Trung Quốc
Di tích tại bờ tây sông Yi
Hầu hết các chùa, đền hang với các tác phẩm điêu khắc lớn được thực hiện ở bờ phía tây sông Yi.
Hang động tại bờ tây sông Yi được hoàn thành dưới thời nhà Đường. Điều này đánh dấu giai đoạn sáng tạo thứ ba và là thời kỳ đỉnh cao của việc tạo ra các hang động. Người ta ước tính rằng 60% hang động được thấy ở Long Môn xuất hiện trong giai đoạn từ năm 626 đến năm 755.
1. Hang Qianxi hay Đền Suối Ẩn
Hang Qianxi (Qianxi Temple) hay Đền Suối Ẩn là một hang động lớn, tiếp ngay sau lối vào Khu vực Di sản, tại bờ tây sông Y.
Đền hang được xây dựng vào thời Nhà Đường (tồn tại năm 618-907), hình thành từ năm 650 đến năm 683.
Hang rộng khoảng 9m, sâu 7m.
Trong hang một bức tượng Phật A Di Đà khổng lồ, đang ngồi. Hai bên là các bức tượng của Bồ Tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí. Các bức tượng được chạm khắc với nét tinh xảo đặc trưng của phong cách nhà Đường.
Tượng Phật và Bồ tát trong Đền Qianxi, Di sản Hang động Long Môn, Lạc Dương, Trung Quốc
2. Hang Bình Dương hay Động Tân Dương
Hang Bình Dương (Bingyang Caves) được xây dựng vào thời Bắc Ngụy (Northern Wei Dynasty, tồn tại năm 386–535), gồm 3 hang: Hang Bình Dương Bắc; Hang Bình Dương Giữa và Hang Bình Dương Nam.
Phối cảnh 3 hang Bình Dương, Di sản Hang động Long Môn, Lạc Dương, Trung Quốc
Hang Bình Dương Bắc (North Binyang Cave): Được xây dựng theo lệnh của Hoàng đế Bắc Ngụy Huyền Vũ (Emperor Xuanwu, trị vì năm 499 – 515) để vinh danh cha mẹ ông (Hoàng đế Văn Đế /Xiaowen, trị vì năm 471- 499 và hoàng hậu). Hang chưa được hoàn thành cho đến thời nhà Đường (Tang dynasty, tồn tại năm 618 – 907). Hình ảnh chính là tượng Phật A Di Đà ngồi với vầng hào quang có hoa văn trên đầu. Chân cột hình đầu rồng có niên đại từ thời Bắc Ngụy ở sườn cửa hang. Hai bên tượng Phật còn có tượng của các vị bồ tát đứng khác.
Tượng Phật và Bồ Tát tại Hang Bình Dương Bắc, Di sản Hang động Long Môn, Lạc Dương, Trung Quốc
Hang Bình Dương Giữa (Middle Binyang Cave): Được xây dựng vào năm 500 – 523, theo lệnh của Hoàng đế Bắc Ngụy Huyền Vũ để vinh danh cha mẹ ông.\
Hang dài 12m, rộng 10,9m, cao 9,3m.
Bức tường phía sau có chạm khắc tượng Phật Thích Ca Mâu Ni ngồi trên đài sen. Hai bên có tượng đệ tử và các vị bồ tát.
Hai bên tường hang còn có tượng Phật và Bồ Tát. Các vị Phật được sắp xếp thành ba nhóm, tượng trưng cho các vị Phật quá khứ, hiện tại và vị lai. Tượng đại diện cho phong cách điêu khắc Bắc Ngụy.
Phần trần mái hang được thiết kế hình bông hoa sen.
Bức tường phía trước Hang được bao phủ bởi một bức phù điêu lớn về vị thần bảo trợ Vimalakirti, đám rước hoàng gia, bao gồm cha mẹ hoàng đế, hoàng đế, hoàng hậu, hoàng tử và các vị cận thần.
Một chạm khắc hoa sen trang trí sàn nhà. Trần nhà chạm khắc hoa sen đang nở, 8 tiên nữ (Apsara) chơi âm nhạc, 2 tiên nữ múa và các hoa văn trang trí.
Năm 1987, một lối vào bằng gạch bị phá bỏ để lộ ra hai nhân vật hộ pháp: Thần Brahma với bốn đầu, bốn tay và Thần Śakra với một đầu, bốn tay.
Người ta truyền rằng, hang được tạo ra bởi 800.000 người thợ.
Tượng Phật và Bồ Tát tại Hang Bình Dương Giữa, Di sản Hang động Long Môn, Lạc Dương, Trung Quốc
Hang Bình Dương Nam (South Binyang Cave): Được khởi xướng theo lệnh của Hoàng đế Bắc Ngụy Huyền Vũ để vinh danh cha, mẹ ông. Hang động này chưa được hoàn thành cho đến thời nhà Tùy (Sui dynasty, tồn tại năm 581- 618).
Hình ảnh chính trong hang là tượng Đức Phật A Di Đà, được cho là đại diện cho sự chuyển đổi từ tác phẩm điêu khắc trang trọng và uy nghiêm thời Bắc Ngụy sang phong cách sống động hơn thời Nhà đường. Trong hang có nhiều chữ khắc và những bức tượng bồ tát bổ sung sau này.
Trong hang Động Tân Dương có hai bức phù điêu lớn miêu tả đám cưới hoàng gia đã bị đánh cắp vào năm 1930 và hiện được trưng bày tại bảo tàng nước ngoài.
Tượng Phật, Bồ tát và vòm hang có trang trí tại Hang Bình Dương Nam, Di sản Hang động Long Môn, Lạc Dương, Trung Quốc
3. Hang Moya, Ba vị Phật Niche
Hang Moya, Ba vị Phật Niche (Moya, Three Buddha Niche Cave) được chạm khắc vào thời Nhà Đường (Tang dynasty, tồn tại năm 618 – 907).
Hang có 3 tượng Phật ngồi và 4 tượng Phật đứng, đây là một sự kết hợp hiếm có. Đức Phật ngồi ở trung tâm là Di Lặc. Phần đầu của tượng đã bị hư hỏng, chỉ còn hình dáng bên ngoài.
Chùa hang chưa hoàn thành.
Hang Moya, Ba vị Phật Niche, Di sản Hang động Long Môn, Lạc Dương, Trung Quốc
4. Hang Vạn Phật
Hang Vạn Phật (Wanfo Caves) được xây dựng vào thời Nhà Đường (Tang dynasty, tồn tại năm 618-907), có niên đại vào năm 680.
Chùa hang Vạn Phật được đặt tên từ một bộ sưu tập gồm 15.000 bức tượng Phật được chạm khắc ở phía bắc và phía nam của hang. Trong đó tượng Phật nhỏ nhất có chiều cao 2cm.
Đây là hang hoàn chỉnh nhất chứa các tượng Đức Phật. Các bức tượng đều mang đậm nét thẩm mỹ thời nhà Đường.
Bên trong Hang Vạn Phật, Di sản Hang động Long Môn, Lạc Dương, Trung Quốc
Các bức tượng nhỏ bên trong Hang Vạn Phật, Di sản Hang động Long Môn, Lạc Dương, Trung Quốc
5. Hang Liên Hoa
Hang Liên Hoa hay Động Hoa Sen (Lotus Flower Cave) được xây dựng vào thời Bắc Ngụy (Northern Wei Dynasty, tồn tại năm 386–535), có niên đại năm 527.
Chùa hang có một bông hoa sen lớn được chạm khắc nổi trên trần nhà. Một số tượng phật nhỏ được chạm khắc vào bức tường phía nam. Tại đây có các điện thờ trong hốc của bức tường phía nam và phía bắc. Tượng Phật nhỏ nhất chỉ cao 2cm.
Bên trong Hang Liên Hoa, Di sản Hang động Long Môn, Lạc Dương, Trung Quốc
Trang trí hai bên Hang Liên Hoa, Di sản Hang động Long Môn, Lạc Dương, Trung Quốc
6. Chùa hang Phụng Tiên
Chùa hang Phụng Tiên (Fengxian Temple) được xây dựng vào thời Nhà Đường (Tang dynasty, tồn tại năm 618-907), được bắt đầu vào năm 672, hoàn thành vào khoảng năm 676.
Hang Phụng Tiên là hang động lớn nhất trong số các hang động được chạm khắc trên ngọn đồi phía tây được xây dựng cho Hoàng hậu Võ Tắc Thiên (Wu Zetian).
Các tác phẩm chạm khắc được cho là kiến trúc hoàn hảo nhất của triều đại nhà Đường. Điện thờ bên trong hang có kích thước 39m x 35m. Nơi đây có tượng Phật lớn nhất tại Hang động Long Môn. Trong số 9 bức tượng được chạm khắc khổng lồ, hình ảnh rất ấn tượng của Đức Phật Vairocana (Đại Nhật Như Lai) được điêu khắc trên bức tường phía sau của hang. Tượng cao 17,14m. Hai bên tượng là các vị Bồ tát và thiên thần.
Mỗi bức tượng lớn khác đều được chạm khắc với những biểu cảm phù hợp với vai trò đại diện của chúng. Những bức chạm khắc này được coi là đại diện cho phong cách mạnh mẽ, thanh lịch và hiện thực của nhà Đường.
Bức tượng Phật khổng lồ tại đây được coi là tinh hoa điêu khắc Phật giáo ở Trung Quốc.
Tượng Phật lớn ở Chùa hang Phụng Tiên, Di sản Hang động Long Môn, Lạc Dương, Trung Quốc
Tượng các vị thần ở Chùa hang Phụng Tiên, Di sản Hang động Long Môn, Lạc Dương, Trung Quốc
7. Hang Đơn Thuốc
Hang Đơn Thuốc (Yaofang Dong/ Medical Prescription Cave) có niên đại từ cuối thời Bắc Ngụy (Northern Wei Dynasty, tồn tại năm 386–535) đến đầu thời nhà Đường (Tang dynasty, tồn tại năm 618 – 907).
Hang nổi tiếng với khoảng 150 bài thuốc từ nội khoa, phẫu thuật, nhi khoa, nhãn khoa và tai mũi họng…Các loại thuốc được đề cập trong các đơn thuốc này đều là thảo dược, động vật và khoáng chất có sẵn trong tự nhiên xung quanh, thuận tiện cho việc khai thác, sử dụng.
Các bài thuốc được chạm khắc ngay tại lối vào trên cả hai bức tường.
Những bài thuốc này là nguồn tư liệu quý giá cho việc nghiên cứu về y học cổ truyền Trung Quốc.
Hang Đơn Thuốc, Di sản Hang động Long Môn, Lạc Dương, Trung Quốc
8. Chùa hang Cổ Dương
Chùa hang Cổ Dương (Guyang Cave) được xây dựng vào thời Bắc Ngụy, theo lệnh của Hoàng đế Bắc Ngụy Hiếu Văn Đế (Xiaowen, trị vì năm 471- 499).
Hang có không gian tương tự như các hạng động lớn khác: Mặt bằng hình móng ngựa, vách hang phẳng, mái hang dạng vòm.
Đây là hang động lớn nhất và cổ nhất ở Long Môn. Hơn 90% tác phẩm điêu khắc trong hang động là tác phẩm của triều đại Bắc Ngụy.
Bức chạm khắc sớm nhất trong hang đá có niên đại vào năm 478.
Các bức tượng Phật được điêu khắc rất tinh xảo. Ở đây cũng tìm thấy 600 dòng chữ viết bằng thư pháp đẹp theo phong cách Bắc Ngụy.
Hang động có ba bức tượng rất lớn, Bức tượng trung tâm là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và các vị Bồ Tát ở hai bên. Đặc điểm của các hình ảnh thể hiện phong cách Bắc Ngụy, điển hình là những dáng người mảnh khảnh và hốc hác. Có khoảng 800 chữ khắc trên tường và trong các hốc bên trong hang, nhiều nhất trong bất kỳ hang động nào ở Trung Quốc. Có hai hàng hốc trên các bức tường phía bắc và phía nam của hang động, nơi lưu giữ một số lượng rất lớn các hình ảnh; các nghệ nhân đã ghi lại tên, ngày tháng và lý do khắc chúng.
Chùa hang Cổ Dương được đánh giá là một trong những thành tựu vĩ đại về điêu khắc, hội họa, thư pháp, kiến trúc và nghệ thuật tạo hình hoa văn của triều đại Bắc Ngụy.
Trang trí trên các bức tường bên trong Chùa hang Cổ Dương, Di sản Hang động Long Môn, Lạc Dương, Trung Quốc
Bức chạm khắc Hoàng đế Bắc Ngụy Hiếu Văn Đế và triều đình của ông, Chùa hang Cổ Dương, Di sản Hang động Long Môn, Lạc Dương, Trung Quốc
9. Hang Hoàng Phủ Công
Hang Hoàng Phủ Vương (Huangfu Cave) được xây dựng vào thời Bắc Ngụy (Northern Wei Dynasty, tồn tại năm 386–535), có niên đại năm 527.
Đây là một hang động ba vách, ba hốc, nằm ở phía nam ngọn đồi phía tây và được bảo quản rất tốt. Trong chính điện có bảy vị Phật được chạm khắc trông giống như được hoàn thiện bằng gỗ. Đứng cạnh các vị Phật là hai vị Bồ Tát và hai đệ tử. Ngoài ra còn có hình ảnh các nhóm Phật tử trong các hốc của hang động. Một thiết kế rất lớn hình hoa sen được chạm khắc trên mái nhà, hai bên là tám tiên nữ (Apsara) âm nhạc.
Hang Hoàng Phủ Công, Di sản Hang động Long Môn, Lạc Dương, Trung Quốc
Di tích tại bờ đông sông Yi
Hang động ở bờ phía đông sông Yi có số lượng ít hợn so với hang động tại bờ phía tây. Các hang động này chủ yếu được dùng làm nơi ở cho nhóm các tu sĩ.
1. Chùa hang Leigutai
Chùa hang Leigutai (Leigutai Cave), còn gọi là Dawanwufo-dong, được xây dựng vào thời Nhà Đường (Tang dynasty, tồn tại năm 618 – 907).
Đây là di tích đầu tiên tại phía đông. Phía trước hang là một nền đá khổng lồ. Các nhạc công cổ xưa tập trung đánh trống trên bệ đá này, nên Hang được gọi là “Hang đánh trống”.
Liền kề với nền đá 3 hang động và nhiều hốc nằm rải rác trên vách đá. Trong số các báu vật được khai quật có đầu của một vị Phật còn nguyên vẹn đáng chú ý, cao 38 cm và rộng 22 cm, cùng với các mảnh tượng Bồ Tát và hoa văn trang trí phức tạp.
Đây là đền hang Mật tông (một nhánh của Phật giáo có nguồn gốc ở Ấn Độ vào khoảng thế kỷ thứ 7) được chạm khắc sớm nhất và lớn nhất trong Hang động Long Môn.
Trần hang được trang trí bằng hoa sen và được bao quanh bởi 4 tiên nữ (Apsara), hiện đang dần biến mất theo thời gian.
Chùa hang Leigutai, Di sản Hang động Long Môn, Lạc Dương, Trung Quốc
2. Chùa Tương Sơn
Chùa Tương Sơn (Xiangshan Temple) được xây dựng vào thời Bắc Ngụy (Northern Wei Dynasty, tồn tại năm 386–535), có niên đại vào năm 516. Chùa được xây dựng theo kiểu thông thường, không phải chùa hang.
Đây là một trong những ngôi chùa sớm nhất trong 10 ngôi chùa ở Long Môn.
Trong các triều đại sau này, ngôi chùa dần bị bỏ hoang.
Chùa được xây dựng lại vào khoảng năm 1707, dưới thời trị vì của triều đại nhà Thanh.
Chùa được tiếp tục xây dựng lại vào năm 1936 dưới thời Trung Hoa Dân Quốc.
Chùa được mở rộng vào năm 2002.
Chùa nằm trên một gò núi, như một quần thể với nhiều hạng mục công trình.
Quần thể Chùa Tương Sơn, Di sản Hang động Long Môn, Lạc Dương, Trung Quốc
Một đoạn mặt tiền Chùa Tương Sơn, Di sản Hang động Long Môn, Lạc Dương, Trung Quốc
3. Lăng mộ Bạch Cư Dị
Lăng mộ Bạch Cư Dị (Bai Juyís Tomb) là mộ của nhà thơ nổi tiếng thời nhà Đường. Bạch Cư Dị (năm 772 – 846) sống ở Lạc Dương trong những năm cuối đời. Ngôi mộ nằm trên một gò đất hình tròn cao 4 mét, chu vi 52 mét. Ngôi mộ cao 2,80 mét và có khắc tên nhà thơ.
Lăng mộ Bạch Cư Dị, Di sản Hang động Long Môn, Lạc Dương, Trung Quốc
Ngoài ra, tại vách núi phía đông sông Yi còn có một số di tích khác như: Hang Gaoping (Gaoping Cave); Hang Đọc Kinh (Reading Sutras Cave) với một bông sen được chạm khắc trên trần nhà và 29 tượng La hán (Arhat) bố trí xung quanh chân tường hang; Tượng Phật Masters (Statues of Buddhist Master).
Di sản Hang đá Long Môn, thành phố Lạc Dương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc trưng bày tác phẩm nghệ thuật tạo hình lớn nhất và nổi bật nhất từ cuối thời Bắc Ngụy (Northern Wei Dynasty, tồn tại năm 386–535) đến thời nhà Đường (Tang dynasty, tồn tại năm 618 – 907). Những tác phẩm nghệ thuật mô tả chi tiết các chủ đề Phật giáo này đại diện cho đỉnh cao của nghệ thuật chạm khắc đá Trung Quốc.
Cùng với Hang Mạc Cao và Hang đá Vân Cương, Di sản Hang đá Long Môn là một trong ba địa điểm điêu khắc đá cổ đại nổi tiếng nhất ở Trung Quốc.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
https://whc.unesco.org/en/list/1003/
https://en.wikipedia.org/wiki/China
https://en.wikipedia.org/wiki/Longmen_Grottoes
https://zh.wikipedia.org/wiki/%E9%BE%99%E9%97%A8%E7%9F%B3%E7%AA%9F
https://www.onmarkproductions.com/html/longmen-china-pt.html
https://en.wikipedia.org/wiki/North_Binyang_Cave
https://en.wikipedia.org/wiki/Middle_Binyang_Cave
https://en.wikipedia.org/wiki/South_Binyang_Cave
https://www.onmarkproductions.com/html/longmen-china-pt.html
https://www.lilysunchinatours.com/Tourist-Attractions/Longmen-Grottoes.html
https://www.flickr.com/photos/101561334@N08/10240438364/in/album-72157636490531404/
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi
|