Thông tin chung:
Công trình: Assisi, Vương cung thánh đường San Francesco và địa điểm khác của Dòng Phanxicô
(Assisi, the Basilica of San Francesco and Other Franciscan Sites)
Địa điểm: Vùng Umbria, Italia (N43 3 58,2 E12 37 20,8)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Diện tích Di sản 14.563,25 ha; Diện tích vùng đệm 4.086,7 ha
Năm hình thành:
Giá trị: Di sản thế giới (năm 2000 hạng mục i, ii, iii, iv, vi)
Ý (Italia) là một quốc gia bao gồm một bán đảo được giới hạn bởi dãy Alps và một số hòn đảo xung quanh.
Ý nằm ở trung tâm Nam Âu và được coi là một phần của Tây Âu, có chung biên giới trên bộ với Pháp, Thụy Sĩ, Áo, Slovenia và các khu vực bao quanh của Thành phố Vatican và San Marino. Ý còn có vùng lãnh thổ ở Campione, Thụy Sĩ và Lampedusa (vùng biển Tunisia).
Quốc gia này có diện tích 301.340 km2, dân số 60,317 triệu người (năm 2020), thủ đô là Rome.
Do vị trí địa lý trung tâm ở Nam Âu và Địa Trung Hải, Ý là nơi sinh sống của vô số dân tộc và nền văn hóa.
Vào thời Cổ đại (năm 750 - 200 trước Công nguyên/TCN), đây là nơi cư trú chủ yếu của các dân tộc nói ngôn ngữ Ấn-Âu (Indo-European language, có nguồn gốc từ từ Tây và Nam Á - Âu).
Bắt đầu từ thời Cổ điển (thế kỷ 8 TCN - thế kỷ 6 sau Công nguyên, chủ yếu gồm nền văn minh Hy Lạp và La Mã cổ đại), người Phoenicia (tồn tại năm 2500 TCN – 539 TCN) và người Carthage (Đế chế Carthage, tồn tại năm 814 TCN – 146 TCN) đã thành lập các thuộc địa chủ yếu ở khu vực nội địa Ý.
Người Hy Lạp (Ancient Greece) đã thành lập các khu định cư Magna Graecia tại miền nam nước Ý, trong khi người Etruscans (tồn tại năm 900 TCN –27 TCN) và người Celt lần lượt sinh sống ở miền trung và miền bắc nước Ý.
Một bộ tộc người Ý, được gọi là người Latins (Italic tribe), đã thành lập Vương quốc La Mã (Roman Kingdom, tồn tại năm 753 TCN – 509 TCN) vào thế kỷ thứ 8 TCN, sau này trở thành nước Cộng hòa La Mã (Roman Republic, tồn tại năm 509 TCN – 27 TCN).
Cộng hoà La Mã ban đầu chinh phục và đồng hóa các nước láng giềng trên bán đảo Ý, cuối cùng mở rộng và chinh phục các vùng đất của Châu Âu, Bắc Phi và Châu Á.
Vào thế kỷ 1 TCN, Đế chế La Mã (Roman Empire, tồn tại năm 27 TCN - 476 sau Công nguyên) nổi lên như một quyền lực thống trị khu vực Địa Trung Hải và trở thành một trung tâm văn hóa, chính trị và tôn giáo hàng đầu, hình thành nền văn minh La Mã Cổ đại (Pax Romana), một giai đoạn hơn 200 năm phát triển của luật pháp, công nghệ, kinh tế nghệ thuật và văn học Ý.
Trong suốt thời kỳ Trung Cổ, Ý vẫn là quê hương của con người và Đế chế La Mã, mà di sản của nó về văn hóa, thể chế, Kitô giáo và tiếng Latinh lan truyền khắp toàn cầu.
Vào đầu thời kỳ Trung Cổ, Ý phải chịu đựng sự sụp đổ của Đế chế Tây La Mã (Western Roman Empire, tồn tại vào năm 395–476/480), với việc lãnh thổ bị phân chia thành các tiểu quốc và các cuộc di dân của các bộ tộc Germanic, Huns, Slavs (Early Slavs) và Pannonian Avars.
Tại miền bắc và một phần miền trung nước Ý, vào thế kỷ 11, nhiều thị quốc (Italian City-states) và nước cộng hòa hàng hải (Maritime Republics) đã vươn lên thịnh vượng thông qua thương mại và ngân hàng, đặt nền móng cho chủ nghĩa tư bản hiện đại. Các thị quốc độc lập này đóng vai trò là trung tâm giao lưu thương mại chính của châu Âu với châu Á và Cận Đông, thường được hưởng một mức độ dân chủ cao hơn so với các quốc gia phong kiến trong các chế độ quân chủ đang thịnh hành khắp châu Âu thời bấy giờ. Một phần miền trung nước Ý nằm dưới sự kiểm soát của các quốc gia Giáo hoàng (Papal States; thần quyền Nhà nước của Giáo hội).
Phần lớn miền nam nước Ý vẫn là chế độ phong kiến cho đến thế kỷ 19. Đây là kết quả của sự kế thừa nền văn minh của người Byzantine, Arab, Norman, Angevin, Aragonese và từ các cuộc chinh phục của các quốc gia bên ngoài.
Tại miền đông nước Ý, tồn tại Đế quốc Byzantine hay Đế chế Đông La Mã (Byzantine Empire/ Eastern Roman Empire, tồn tại năm 330/395–1453), là sự tiếp nối của Đế chế La Mã trong thời kỳ Hậu Cổ đại và Trung cổ, khi thủ đô của nó là Constantinople (Thổ Nhĩ Kỳ). Trong khi phần phía tây của Đế chế La Mã đã trải qua quá trình Latinh hóa, thì phần phía đông của Đế chế (Byzantine) vẫn duy trì ở mức độ lớn nền văn hóa Hy Lạp. Sự sụp đổ của Đế chế Byzantine vào tay người Ottoman (Ottoman Empire, tồn tại năm 1299 – 1922) đôi khi được dùng để đánh dấu sự kết thúc của thời Trung cổ và sự khởi đầu của thời kỳ Hiện đại.
Thời kỳ Phục hưng (Renaissance, một giai đoạn lịch sử châu Âu, chuyển đổi từ thời Trung cổ sang Hiện đại, vào thế kỷ 15, 16) bắt đầu ở Ý và lan sang phần còn lại của châu Âu, mang lại mối quan tâm mới về chủ nghĩa nhân văn, khoa học, văn học và nghệ thuật.
Nền văn hóa Ý phát triển mạnh mẽ, sản sinh ra các nhà khoa học, nghệ sĩ và tư tưởng nổi tiếng.
Trong thời Trung cổ, các nhà thám hiểm người Ý đã khám phá ra những tuyến đường mới đến Viễn Đông và Tân thế giới, mở ra Kỷ nguyên Khai sáng (Age of Discovery) của Châu Âu.
Sau nhiều thế kỷ can thiệp và chinh phục từ bên ngoài cùng với sự cạnh tranh giữa các thị quốc nội bộ, nước Ý bị chia rẽ về mặt chính trị, tiếp tục bị chinh phục và phân chia bởi nhiều cường quốc châu Âu.
Vào giữa thế kỷ 19, chủ nghĩa dân tộc của Ý đã trỗi dậy.
Sau nhiều thế kỷ bị ngoại bang thống trị và chia rẽ, Ý gần như hoàn toàn thống nhất vào năm 1861, cùng với việc thành lập Vương quốc Ý (Kingdom of Italy, tồn tại năm 1861–1946).
Từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, miền bắc nước Ý nhanh chóng công nghiệp hóa, giúp quốc gia này trở thành một Đế quốc thuộc địa. Trong khi đó, tại miền nam nước Ý, phần lớn vẫn là cảnh nghèo đói. Sau Chiến tranh thế giới 2, Ý bãi bỏ chế độ quân chủ, thành lập chính thể cộng hòa dân chủ và trở thành một quốc gia phát triển.
Ý ngày nay được phân thành 20 khu vực (vùng) và 107 tỉnh, thành phố.
Bản đồ Italia và vị trí thành phố Assisi
Thành phố Assisi là một đô thị thuộc tỉnh Perugia, vùng Umbria, miền trung nước Ý, nằm tại sườn phía tây của dãy núi Monte Subasio (cao 1290m so với mực nước biển).
Thành phố có diện tích khoảng 186,8km2, tại độ cao 424m (so với mực nước biển), dân số khoảng 28 ngàn người (năm 2022).
Đây là nơi sinh của Thánh Phanxicô (Francis of Assisi, năm 1181 – 1226) người đã thành lập Dòng tu Phanxicô (Franciscans, một nhóm các dòng tu khất sĩ của Giáo hội Công giáo) tại thị trấn vào năm 1208, và Thánh Clare (Clare of Assisi, năm 1194- 1253) người cùng với Thánh Phanxicô thành lập Dòng Nữ tu Nghèo (Poor Clares). Thánh Gabriel Đức Mẹ Sầu Bi (Gabriel of Our Lady of Sorrows, năm 1838 – 1862) cũng sinh ra ở Assisi.
Thành phố trải qua nhiều giai đoạn lịch sử: Dưới quyền thống trị của Đế chế La Mã (Roman Empire) vào năm 295 TCN; Thời kỳ Công quốc Spoleto (Duchy of Spoleto, tồn tại năm 570 -1201), một phần lãnh thổ của người Lombard, một dân tộc Đức (Germanic) đã chinh phục hầu hết bán đảo Ý vào năm 568 – 774; Giai đoạn cạnh tranh giữa hai quyền lực: Giáo hoàng (Papal States, nhà nước thần quyền của Giáo hội) và Hoàng đế La Mã thần thánh (Holy Roman Emperor, nhà nước phong kiến tập quyền của Hoàng gia, tồn tại năm 800 – 1806), liên quan đến việc lựa chọn và bổ nhiệm các giám mục và các trụ trì tu viện, giáo đường.
Thành phố nằm trong giới hạn của các bức tường La Mã, bắt đầu mở rộng ra bên ngoài vào thế kỷ 13.
Assisi trải qua các thời kỳ thuộc quyền quản lý của Giáo hoàng và của các lãnh chúa.
Thành phố rơi vào tình trạng suy tàn do bệnh dịch Cái chết đen (Black Death) năm 1348.
Năm 1569, Vương cung thánh đường Santa Maria degli Angeli được khởi công xây dựng. Trong thời kỳ Phục hưng và những thế kỷ sau đó, thành phố được tiếp tục phát triển.
Assisi là địa điểm của nhiều cuộc hành hương, là quê hương của nhiều vị thánh, trong đó có Thánh Phanxicô, người đã thành lập Dòng tu Phanxicô và là nơi tập trung hầu hết các địa điểm quan trọng của Dòng Phanxicô.
Assisi là một ví dụ nổi bật về một thị trấn vùng đồi núi và cảnh quan văn hóa gắn với lịch sử từ thời cổ đại.
Assisi, được phát triển từ thời La Mã cổ đại, một phần đã đạt được tầm quan trọng như một trung tâm tôn giáo và tâm linh. Nó tiếp tục vai trò đó cho đến hiện tại với sự liên kết với cuộc đời của Thánh Phanxicô và sự phát triển của Dòng Phanxicô (Franciscan Order, dòng tu khất sĩ thuộc Giáo hội Công giáo) từ thế kỷ 13. Điều này mang lại cho Assisi một ảnh hưởng quan trọng ở Ý và trên toàn thế giới.
Trung tâm lịch sử của thành phố Assisi thời Trung cổ phát triển trên nền bậc thang của thị trấn La Mã, kéo dài từ đông nam đến tây bắc.
Địa điểm này được giới hạn bởi Vương cung thánh đường San Francesco (San Francesco Basilica) ở đầu phía tây nam và Vương cung thánh đường Santa Chiara (Basilica Santa Chiara) ở đầu phía đông nam.
Trên đỉnh đồi trấn giữ Assis là pháo đài Rocca Maggiore (Fort of Rocca Maggiore) thời Phục hưng. Ngoài các bức tường thành bao quanh, địa điểm này còn bao gồm Tu viện Carceri (Carceri Hermitage), ban đầu là một loạt các hang động do Thánh Francis và những người bạn đồng hành của ông chiếm giữ, cũng như các khu bảo tồn Saint Damian và Rivotorto (Saint Damian and Rivotorto sanctuaries) cùng với Nhà thờ Santa Maria degli Angeli (Santa Maria degli Angeli Basilica) ở vùng đồng bằng chân núi.
Trung tâm lịch sử Assisi là một khu vực rộng lớn, có diện tích 14.563 ha với vùng đệm bổ sung rộng 4.087 ha.
Sự liên kết của nó với các tác phẩm của các bậc thầy thời Trung cổ và các kiệt tác nghệ thuật liên quan, từ Vương cung thánh đường San Francesco cùng với các bức tranh của các họa sĩ bậc thầy Cimabue, Pietro Lorenzetti, Simone Martini và Giotto, đã biến Assisi trở thành điểm tham chiếu cơ bản cho sự phát triển của nghệ thuật Ý, châu Âu và ngành kiến trúc.
Assisi, Vương cung thánh đường San Francesco và các địa điểm khác của dòng Phanxicô, vùng Umbria, Italia được UNESCO tôn vinh là Di sản thế giới (năm 2000) với tiêu chí:
Tiêu chí (i): Assisi đại diện cho một tập hợp các tuyệt tác về tài năng sáng tạo của con người, chẳng hạn như Vương cung thánh đường San Francesco, đã biến nơi đây thành một tài liệu tham khảo cơ bản cho lịch sử nghệ thuật ở Châu Âu và trên thế giới.
Tiêu chí (ii): Sự giao lưu thông điệp nghệ thuật và tinh thần của Dòng Phanxicô (Franciscan Order) đã góp phần đáng kể vào sự phát triển về nghệ thuật và kiến trúc trên thế giới.
Tiêu chí (iii): Assisi đại diện cho một bằng chứng độc đáo về tính liên tục của một Thành phố thánh địa (City - Sanctuary) trong bối cảnh môi trường từ nguồn gốc Umbrian-La Mã cổ đại và thời Trung cổ cho đến hiện tại, được thể hiện trong cảnh quan văn hóa, quần thể tôn giáo, hệ thống giao thông và sử dụng đất truyền thống.
Tiêu chí (iv): Vương cung thánh đường San Francesco là một ví dụ nổi bật về một loại hình quần thể kiến trúc có ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển của nghệ thuật và kiến trúc.
Tiêu chí (vi): Là nơi khai sinh của Dòng Phanxicô (Franciscan Order), Assisi từ thời Trung cổ đã gắn liền với việc sùng bái và truyền bá phong trào Phanxicô trên thế giới, tập trung vào thông điệp phổ quát về hòa bình và khoan dung ngay cả với các tôn giáo hay tín ngưỡng khác.
Phạm vi Di sản Assisi, Vương cung thánh đường San Francesco và các địa điểm khác của dòng Phanxicô, vùng Umbria, Ý
Di sản bao gồm hai địa điểm: Thánh địa Assise, San Damiano, Eremo delle Carceri, Santuario di Rivotorto và cảnh quan lịch sử; Vương cung thánh đường Santa Maria degli Angeli.
Thánh địa Assise, San Damiano, Eremo delle Carceri, Santuario di Rivotorto và cảnh quan lịch sử
Thánh địa Assis, San Damiano, Eremo delle Carceri, Santuario di Rivotorto và cảnh quan lịch sử (Ville d'Assise, San Damiano, Eremo delle Carceri, Santuario di Rivotorto et paysage historique/ Town of Assisi, San Damiano, Eremo delle Carceri, Santuario di Rivotorto and cultural landscape) hay Trung tâm lịch sử thuộc thành phố Assisi (N43 4 16,00 E12 36 53,00) nằm trải dài theo hướng tây bắc – đông nam, dọc theo sườn núi Monte Subasio.
Phối cảnh Thánh địa hay Trung tâm lịch sử AssisiAssisi, Ý
Sơ đồ vị trí các di tích chính tại Thánh địa hay Trung tâm lịch sử Assisi, Ý
Thánh địa hay Trung tâm lịch sử Assisi bao gồm các di tích chính sau:
Vương cung thánh đường San Francesco
Vương cung thánh đường San Francesco (San Francesco Basilica, hình vẽ ký hiệu 1) nằm tại đầu phía tây bắc của Thánh địa Assise.
Vương cung thánh đường San Francesco được thành lập để tôn vinh Thánh Phanxicô Assisi, ngay sau khi ngài được Giáo hoàng Gregory IX phong thánh vào năm 1228. Đây là một trong những địa điểm quan trọng nhất của cuộc hành hương Kitô giáo ở Ý.
Quần thể được xây dựng trên một ngọn đồi. Trước đây được gọi là "Đồi địa ngục" (Colle d'Inferno), nơi những tên tội phạm bị xử tử. Ngày nay, ngọn đồi này được gọi là “Đồi Thiên Đường”.
Phía trước Quần thể là Quảng trường Piazza del Loge, giới hạn bởi các hàng cột được xây dựng vào năm 1474.
Quần thể công trình gồm Vương cung thánh đường (gồm Nhà thờ thượng và Nhà thờ hạ) và Tu viện.
Vương cung Thánh đường San Francesco được xây dựng vào năm 1228, bố cục theo hướng đông – tây, cao 2 tầng. Tầng dưới gắn với hầm mộ là Nhà thờ Hạ; tầng trên là Nhà thờ Thượng. Cả hai nhà thờ đều được Giáo hoàng Innocent IV thánh hiến vào năm 1253.
Nhà thờ Hạ dành cho việc cử hành phục vụ. Nhà thờ Thượng là không gian để giảng đạo, cầu nguyện cộng đồng và các cuộc họp chính thức của dòng tu.
Vương cung thánh đường San Francesco có mặt bằng hình chữ thập. Tầng dưới hay Nhà thờ Hạ có nhiều không gian chức năng hơn tầng trên hay Nhà thờ Thượng.
Tổng mặt bằng Vương cung thánh đường San Francesco, Assisi, Ý
Phối cảnh nhìn từ phía nam Vương cung thánh đường San Francesco, Assisi, Ý
Phối cảnh nhìn từ phía tây nam Vương cung thánh đường San Francesco, Assisi, Ý
Phối cảnh nhìn từ phía tây bắc Vương cung thánh đường San Francesco, Assisi, Ý
Sơ đồ Tổng mặt bằng Vương cung thánh đường San Francesco, Assisi, Ý
Sơ đồ mặt bằng Tầng dưới (Nhà thờ Hạ) Vương cung thánh đường San Francesco, Assisi, Ý
Sơ đồ mặt bằng Tầng trên (Nhà thờ Thượng) Vương cung thánh đường San Francesco, Assisi, Ý
Sơ đồ mặt cắt Vương cung thánh đường San Francesco, Assisi, Ý
Nhà thờ Hạ hay phần Tầng dưới của Vương cung Thánh đường được xây dựng từ năm 1228 – 1230, dưới sự giám sát của thày tu Elias, một trong những tín đồ đầu tiên của Đức Phanxicô và là Tổng bộ trưởng của dòng tu.
Nhà thờ Hạ có lối vào từ Quảng trường phía dưới của Vương cung Thánh đường San Francesco.
Nhà thờ Hạ được xây dựng hoàn toàn theo phong cách La Mã, gồm các không chính:
Tiền phòng (Ante- Room): Một phần phía đông là tường chắn đất dày. Trên đỉnh của Tường chắn phía nam nhô hẳn lên tạo thành một tháp quan sát có mái trang trí hình quả chuông.
Nhà thờ Hạ không có mặt tiền phía đông.
Lối vào chính từ phía nam, thông qua một cổng kiểu Gothic trang nhã. Cửa vào là cửa đôi dạng vòm, được xây dựng vào năm 1271. Mái hiên nhô ra, che lối vào có phong cách Phục hưng.
Phía trên cửa ra vào là Cửa sổ hoa hồng được trang trí công phu.
Kề liền cửa vao Nhà thờ Hạ là cầu thang dẫn lên sân thượng phía trước Nhà thờ Thượng.
Đầu phía bắc của Tiền phòng có 2 nhà nguyện với mặt bằng là một nửa của hình bát giác.
Gian Hội trường (Nave): Gồm 1 nhịp nhà và 3 bước cột, được phân định bởi 4 trụ cột lớn mỗi bên. Tường phía ngoài tại phía bắc và nam Gian giữa được gia cố bởi các trụ tường lớn (Buttess Pies), tạo thành hệ khung sườn (Flying Buttress) để nhận tải trọng xiên từ mái vòm và chuyển thành tải trọng đứng truyền xuống móng. Giữa các trụ tường tạo thành các không gian để bố trí nhà nguyện.
Phía nam của Gian Hội trường là Tháp chuông theo phong cách La Mã. Tháp có mặt bằng hình vuông với các gờ tường chia tháp thành 4 tầng. 3 tầng đặc và tầng trên cùng là các trụ tường dạng vòm.
Gian Hội trường cũng như Gian Tiền phòng được bao phủ bởi các khối vòm có gân 4 cánh. Mái vòm thấp với những cột chắc chắn để chống đỡ cho sàn của Nhà thờ Thượng phía trên.
Gian ngang (Transept): Giao với Gian Hội trường tạo thành khối nhà hình chữ thập (Crossing) và là không gian lớn nhất trong Nhà thờ.
Phủ lên trên điểm giao là một mái vòm khổng lồ. Đầu gian ngang phía nam và bắc là không gian nhà nguyện có mặt có mặt bằng là một nửa của hình bát giác.
Chính giữa điểm giao là Gian Hợp xướng (Choir) và Ban thờ.
Hậu đường (Apse): Là một không gian bán tròn.
Từ Gian giữa có một cầu thang xuống hầm mộ. Nơi chôn cất Thánh Francis, khi hài cốt ông được tìm thấy vào năm 1818.
Hầm mộ được cải tạo lại theo phong cách Tân La Mã trong khoảng thời gian từ 1925 đến 1932.
Quan tài đá cổ có dây buộc bằng sắt được đặt phía trên bàn thờ.
Năm 1934, những người vị tu sĩ trung thành nhất của Thánh Phanxicô được an táng tại các góc tường xung quanh ban thờ. Ngoài ra, tại lối vào hầm mộ, một chiếc bình chứa hài cốt của Jacopa dei Settesoli, nữ quý tộc Rôma này là bạn trung thành và là ân nhân của Thánh Phanxicô. Bà đã ở bên cạnh Thánh khi ngài qua đời.
Quảng trường phía trước Cổng vào Nhà thờ Hạ, Vương cung thánh đường San Francesco, Assisi, Ý
Cổng vào Nhà thờ Hạ, Vương cung thánh đường San Francesco, Assisi, Ý
Bên trong Nhà thờ Hạ, Vương cung thánh đường San Francesco, Assisi, Ý
Bên trong Hầm mộ nơi đặt hài cốt Thánh Phanxicô, Vương cung thánh đường San Francesco, Assisi, Ý
Nhà thờ Thượng hay Tầng trên của Vương cung Thánh đường được hoàn thành vào năm 1253.
Trận động đất năm 1997 khiến mái vòm bị sập. Nhà thờ được trùng tu trong 2 năm sau đó.
Nhà thờ Thượng có cấu trúc xây dựng tương tự như Nhà thờ Hạ tại tầng dưới, gồm các không gian chính:
Tiền phòng (Ante- Room): Đối diện với Quảng trường phía trên của Vương cung Thánh đường San Francesco; Gồm 1 gian, tạo cho mặt tiền phía đông có hình tam giác của gian chính. Hai bên là khối tường chắn nhô cao của Nhà thờ Hạ với khối tháp quan sát tại phía nam.
Gian Hội trường (Nave): Gồm 1 nhịp nhà và 3 bước cột, được phân định bởi 4 trụ cột lớn dạng tròn mỗi bên. Gian Hội trường cũng như Gian Tiền phòng được bao phủ bởi các khối vòm 4 cánh.
Gian ngang (Transept): Giao với Gian Hội trường tạo thành khối nhà hình chữ thập (Crossing) và là không gian lớn nhất trong Nhà thờ. Phủ lên trên điểm giao là một mái vòm khổng lồ. Đầu gian ngang phía nam và bắc là không gian nhà nguyện, có mặt bằng là một hình vuông.
Chính giữa điểm giao là Gian Hợp xướng (Choir) và Ban thờ.
Hậu đường (Apse): Là một không gian một nửa hình bát giác.
Nội thất của Nhà thờ Thượng được trang trí bởi các hoa văn và các bức bích họa miêu tả các sự kiện trong Kinh thánh và cuộc đời của Thánh Phanxicô; là một ví dụ ban đầu quan trọng của phong cách Gothic ở Ý.
Ngoài ra, nội thất còn được trang trí bởi các cửa sổ kính màu thế kỷ 13, được cho là của các nghệ nhân thủy tinh đến từ bên ngoài và là một trong những ví dụ điển hình nhất về đồ thủy tinh của Ý thế kỷ 13.
Mặt chính Nhà thờ Thượng, Vương cung thánh đường San Francesco, Assisi, Ý
Bên trong Nhà thờ Thượng, nhìn về phía Ban thờ, Vương cung thánh đường San Francesco, Assisi, Ý
Bên trong Nhà thờ Thượng, nhìn về phía Tiền phòng, Vương cung thánh đường San Francesco, Assisi, Ý
Trang trí:
Nhà thờ Thượng và Hạ được trang trí bằng những bức bích họa quý giá của nhiều họa sĩ nổi tiếng cuối thời Trung cổ từ các trường phái La Mã và Tuscan, trong đó có các tác phẩm của Cimabue (họa sĩ và thiết kế tranh khảm người Ý, năm 1240 – 1302); Giotto (họa sĩ, kiến trúc sư người Ý, năm 1267 – 1337); Simone Martini (họa sĩ người Ý, năm 1248- 1344); Pietro Lorenzetti (họa sĩ người Ý, năm 1280 – 1348).
Nội dung và chất lượng nghệ thuật của các tác phẩm trang trí mang lại cho Vương cung thánh đường một tầm quan trọng đặc biệt trong việc thể hiện sự phát triển vượt bậc của nghệ thuật Ý thời kỳ này.
Tranh bích họa của họa sĩ Cimabue, Vương cung thánh đường San Francesco, Assisi, Ý
Tranh bích họa của họa sĩ Giotto, Vương cung thánh đường San Francesco, Assisi, Ý
Tranh bích họa của họa sĩ Simone Martini, Vương cung thánh đường San Francesco, Assisi, Ý
Một phần bức bích họa của họa sĩ Pietro Lorenzetti tại Vương cung thánh đường San Francesco, Assisi, Ý
Tu viện Sacro Convento: Nằm tại phía tây và nam của Vương cung thánh đường. Phía nam của Tu viện là bức tường chắn đất hùng vĩ với 53 trụ vòm theo phong cách La Mã, tạo thành một bệ nền cho toàn bộ khu phức hợp. Bức tường cao so với thung lũng bên dưới, tạo ấn tượng như một pháo đài.
Tu viện là nơi tu hành của tu sĩ từ năm 1230. Do việc xây dựng trong một thời gian dài, nên Tu viện có phong cách La Mã cùng phong cách Gothic. Phần chính của Tu viện được xây dựng dưới triều đại của Giáo hoàng Sixtus IV, một tu sĩ dòng Phanxicô, từ năm 1474 đến 1476.
Tu viện là một tổ hợp các tòa nhà cao 1- 2 tầng, bao quanh các sân trong. Phần ban đầu của Tu viện gồm phòng ăn, ký túc xá, hội trường, thư viện. Vào thế kỷ 15, Tu viện được mở rộng và có thể đã được sử dụng làm nơi ở mùa hè của các Giáo hoàng. Vào thế kỷ 17, Tu viện mở thêm các hoạt động dịch vụ phục vụ cho người hành hương.
Tu viện như phần bệ cho Vương cung Thánh đường San Francesco. Kiến trúc của Tu viện là sự tổng hợp của phong cách Romanesque và Gothic, đồng thời thiết lập nhiều đặc điểm điển hình của kiến trúc Gothic Ý.
Tu viện được xây dựng bằng đá màu hồng và trắng.
Tu viện hiện có một thư viện rộng lớn, trong đó lưu giữ các tư liệu thời Trung cổ với nhiều bản thảo chép tay chưa được giải mã. Bên trong Thư viện có một bảo tàng với các tác phẩm nghệ thuật do những người hành hương tặng qua nhiều thế kỷ.
Sân trong chính của Tu viện Sacro Convento, Vương cung thánh đường San Francesco, Assisi, Ý
Bên trong Thư viện của Tu viện Sacro Convento, Vương cung thánh đường San Francesco, Assisi, Ý
Vương cung thánh đường Santa Chiara
Vương cung thánh đường Santa Chiara (Basilica Santa Chiara, hình vẽ ký hiệu 2) ở đầu phía đông nam của Thánh địa Assise.
Nhà thờ được xây dựng theo phong cách Gothic, từ năm 1257 – 1265 và được thánh hiến năm 1265.
Nhà thờ được xây dựng sau cái chết của Thánh Clare (Chiara d'Assisi, năm 1194- 1253, là một nữ tu người Ý, cộng tác viên của Thánh Francis of Assisi và là người sáng lập Dòng Clares Nghèo /Monache clarisse. Bà được phong thánh làm Thánh Clare vào năm 1255).
Vương cung thánh đường Santa Chiara nằm trên một gò núi thấp dần về phía tây nam; là một tổ hợp gồm Nhà thờ và Tu viện.
Nhà thờ tại Vương cung thánh đường Santa Chiara có bố cục theo hướng tây bắc – đông nam, hướng về phía tây bắc ra phía quảng trường.
Nhà thờ có phong cách kiến trúc Gothic và gần giống với Nhà thờ Thượng tại Vương cung thánh đường San Francesco (nằm tại đầu phía tây bắc của Thánh địa Assise), gồm các không gian chính:
Tiền phòng (Ante- Room): Không có Tiền phòng. Mặt tiền đơn giản, được làm bằng đá địa phương màu trắng và hồng; chỉ có một cửa vào, phía trên là một Cửa sổ hoa hồng được trang trí công phu. Trên cùng, tại tam giác đầu hồi (Tympanum) là một cửa sổ tròn nhỏ. Bao xung quanh cửa chính là một khung có gờ. Có tượng 2 con sư tử nhỏ trang trí tại hai bên. Bên cạnh cửa chính có một cửa nhỏ vào Tu viện.
Gian Hội trường (Nave): Có 1 nhịp nhà với 4 bước cột. Hai bên tường ngoài phía đông bắc và tây nam là 3 trụ tường lớn mỗi bên (Buttess Pies), tạo thành hệ khung sườn (Flying Buttress) để nhận tải trọng xiên từ mái vòm và chuyển thành tải trọng đứng truyền xuống móng. Đây là các trụ tường gia cố tòa nhà, được xây dựng vào thế kỷ 14.
Phía cuối của Gian Hội trường có hai nhà nguyện (Chapels).
Nhà nguyện tại phía đông bắc có mặt bằng hình một nửa bát giác. Nhà nguyện mang tên Sant'Agnese, dành riêng cho chị gái của Thánh Clare, được trang trí bằng những bức bích họa từ năm 1914 và tranh treo tường.
Nhà nguyện tại phía tây nam có mặt bằng hình vuông. Nhà nguyện mang tên San Giorgio, vốn là một phần của nhà thờ ban đầu. Bên trong Nhà nguyện được trang trí những bức bích họa và tranh treo tường mô tả các sự tích trong Kinh thánh và lịch sử của Dòng tu.
Gian Hội trường được bao phủ bởi các khối vòm 4 cánh.
Từ Gian Hội trường có một lối xuống hầm mộ (Crypt), được xây dựng vào năm 1850 - 1872, theo phong cách Tân Gothic vào năm 1935. Ở trung tâm hầm mộ có một không gian, bên trong có quan tài bằng đá, đặt bình chứa hài cốt của Thánh Clare.
Gian ngang (Transept): Giao với Gian Hội trường tạo thành khối nhà hình chữ thập (Crossing).
Đầu gian ngang là không gian Nhà nguyện. Tại phía tây nam Gian ngang là Tháp chuông với mặt bằng hình chữ nhật, thân Tháp trang trí cửa sổ đôi nhỏ và cửa lớn tại phía trên; phía trên là tháp nhọn. Tại phía đông bắc của Gian ngang là Nhà nguyện Thánh tích. Tại đây lưu giữ nhiều thánh tích có liên quan đến Dòng tu, như hộp sọ của Thánh Agnes, trang phục của một số vị thánh…Trong Nhà nguyện lưu giữ nhiều bức tranh mô tả sự tích Kinh thánh.
Gian Hợp xướng (Choir) và Ban thờ: Là giao của Gian Hội trường và Gian ngang.
Hậu đường (Apse): Nằm phía sau Ban thờ, có mặt bằng hình bán tròn. Trên các bức tường tại Hậu đường trang trí các bức bích họa từ thế kỷ 13, 14 mô tả lịch sử của các vị thánh liên quan đến Dòng tu.
Tu viện tại Vương cung thánh đường Santa Chiara (Protomonastero di Santa Chiara) gồm 3 khối nhà bao quanh Sân trong; phía đông bắc còn lại của Sân trong là Nhà thờ. Tu viện được mở rộng từ thế kỷ 14- 15. Tu viện có một lối đi dẫn đến hầm mộ của Nhà thờ.
Bên trong Tu viện còn lưu giữ nhiều bức bích họa miêu tả các sự tích liên quan đến Thánh Clare, Dòng tu, Giáo hội.
Tổng mặt bằng Vương cung thánh đường Santa Chiara, Assisi, Ý
Sơ đồ mặt bằng Vương cung thánh đường Santa Chiara, Assisi, Ý
Phối cảnh mặt tiền phía tây bắc Vương cung thánh đường Santa Chiara, Assisi, Ý
Bên trong Vương cung thánh đường Santa Chiara, Assisi, Ý
Trang trí vòm trên Ban thờ và Hậu đường, Vương cung thánh đường Santa Chiara, Assisi, Ý
Hầm mộ Thánh Clare, Vương cung thánh đường Santa Chiara, Assisi, Ý
Pháo đài Rocca Maggiore
Pháo đài Rocca Maggiore (Fort of Rocca Maggiore, hình vẽ ký hiệu 9) nằm tại phía đông bắc của Thánh địa Assise.
Pháo đài Rocca Maggiore nằm trên một sườn núi chạy theo hướng đông nam – tây bắc, hướng về phía nam, phía Thánh địa và thung lũng Tescio. Pháo đài có vai trò phòng thủ Thánh địa trong hơn 800 năm.
Pháo đài tồn tại từ trước, được biết đến vào thế kỷ 12.
Pháo đài được xây dựng lại vào năm 1356, theo sáng kiến của Hồng y Albornoz (năm 1310 - 1367) nhằm củng cố hệ thống phòng thủ Thánh địa.
Vào những năm 1600, pháo đài bị bỏ hoang và vẫn gần như nguyên vẹn cho đến ngày nay.
Tiếp cận Pháo đài bằng con đường tại sườn thoải phía đông. Các phía còn lại đều là sườn dốc đứng.
Pháo đài Rocca Maggiore gồm các công trình chính:
Bức tường pháo đài được xây dựng bằng đá, nối các tháp canh tại các góc tường.
Các tháp canh có mặt bằng đa dạng với hình vuông, tròn và bát giác.
Khu vực trung tâm như một lâu đài được bao quanh bởi 4 tháp canh. Lâu đài có mặt bằng hình chữ L hướng về sân trong. Góc sân trong là một tòa tháp có mặt bằng hình vuông cao vượt lên trên toàn bộ Pháo đài.
Tổng mặt bằng Pháo đài Rocca Maggiore, Assisi, Ý
Phối cảnh phía đông nam Pháo đài Rocca Maggiore, Assisi, Ý
Phối cảnh phía tây nam Pháo đài Rocca Maggiore, Assisi, Ý
Tàn tích bên trong Pháo đài Rocca Maggiore, Assisi, Ý
Nhà thờ San Damiano
San Damiano là một nhà thờ có tu viện nằm tại phía nam Trung tâm lịch sử Assisi, cách khoảng 800m.
San Damiano được xây dựng vào thế kỷ 12, đây là tu viện đầu tiên của Dòng Thánh Clare Nghèo (Poor Clares), nơi Thánh Clare xây dựng cộng đồng của mình.
San Damiano là một quần thể công trình, nằm trên một sườn núi, hướng về phía nam, bao gồm các công trình cao 1- 3 tầng, thuộc Khối nhà thờ và Khối tu viện.
Khối Nhà thờ San Damiano nằm tại phía nam của quần thể, có mặt bằng hình chữ nhật, theo hướng đông tây, lối vào chính từ phía tây, phía sân tu viện (External Cloister). Khối Nhà thờ gồm các không gian chính:
Mái hiên hay tiền phòng (Ante- Room) gồm 3 vòm, được hỗ trợ bởi các cột gạch. Phía trên vòm trung tâm là một cửa sổ hoa hồng hình tròn.
Gian Hội trường hay Gian giữa (Nave) có một nhịp với mái vòm. Phía nam của Gian Hội trường là khối nhà cao 2 tầng, tầng 1 có hai nhà nguyện (Chapel of St. Jerome và Chapel of the Most Holy Crucifix). Gian Hội trường kết thúc bằng với ban thờ bằng đá. Phía trên Ban thờ có một cây thánh giá (San Damiano Cross), loại thánh giá đôi, ngoài hình tượng Chúa Jesus, còn có hình ảnh các vị thánh khác và những người có liên đến sự kiện Chúa bị đóng đinh.
Hậu đường (Apse) có mặt bằng dạng bán tròn. Từ đây có lối lên Nhà nguyện Ca đoàn nhỏ của Thánh St. Clare (“Little choir” of St. Clare) và cầu thang xuống tầng hầm tới Nhà nguyện mang tên Oratory of St. Clare và Ký túc xá của Thánh Clare (St. Clare's domitory).
Khối Tu viện nằm tại phía bắc của quần thể, bao quanh sân trong.
Dọc theo chu vi sân trong là một hành lang 1 tầng với hàng cột có mái vòm và cầu thang lên các tầng của Tu viện và xuống tầng hầm. Phía bắc của Sân trong có Nhà ăn (St. Clare's refectory) với tầng trên là phòng Bệnh xá (Infirmary), là nơi Thánh Phanxicô qua đời vào năm 1226.
Phối cảnh tổng thể Nhà thờ San Damiano, Assisi, Ý
Sơ đồ mặt bằng Nhà thờ San Damiano, Assisi, Ý
Phối cảnh tổng thể Nhà thờ San Damiano, Assisi, Ý
Lối vào chính Nhà thờ San Damiano, Assisi, Ý
Bên trong Nhà thờ San Damiano, Assisi, Ý
Sân trong Tu viện, Nhà thờ San Damiano, Assisi, Ý
Ẩn thất Carceri
Ẩn thất Carceri (Eremo delle Carceri) nằm tại phía đông Trung tâm lịch sử Assisi, cách khoảng 2,7km. Đây là một khu phức hợp ẩn tu nằm ở độ cao 791m so với mực nước biển, trên sườn núi Subasio.
Cái tên Carceri xuất phát từ tiếng Latin carceres, có nghĩa là "những nơi biệt lập". Các bậc thang và mái vòm của hẻm núi tạo thành một hang động tự nhiên hình cánh quạt trên nền đá hồng mịn.
Vào thế kỷ 13, Thánh Francis Assisi và các môn đệ thường đến nơi này để cầu nguyện.
Địa điểm và nhà nguyện được các tu sĩ Dòng Benedictines trao cho Thánh Phanxicô vào năm 1215.
Khoảng năm 1400, Thánh Bernardino Siena (Bernardino of Siena, năm 1380 – 1444, là một linh mục Công giáo người Ý và nhà truyền giáo Dòng Franciscans) đã mở rộng khu phức hợp với việc xây dựng nhà thờ Santa Maria delle Carceri, nơi kết hợp một nhà nguyện nguyên thủy, tồn tại trước thời Thánh Francis và một tu viện nhỏ với một phòng ăn đơn giản.
Ần thất nằm trong một khu rừng sồi (holm) hàng thế kỷ. Những cây sồi được bao quanh bởi các hang động và nhà nguyện nhỏ.
Qua nhiều thế kỷ, nhiều tòa nhà khác nhau đã được thêm vào xung quanh ẩn thất và nhà nguyện ban đầu, tạo thành khu phức hợp rộng lớn, hiện vẫn do các tu sĩ dòng Phanxicô chiếm giữ.
Sơ đồ mặt bằng Ẩn thất Carceri, Assisi, Ý
Bên ngoài Ẩn thất Carceri, Assisi, Ý
Sân bên trong Ẩn thất Carceri, Assisi, Ý
Bên trong Ẩn thất Carceri, Assisi, Ý
Thánh địa Rivotorto
Thánh địa Rivotorto (Santuario di Rivotorto) nằm tại phía nam Trung tâm lịch sử Assisi, cách khoảng 2,6km.
Rivotorto là một điểm dân cư của đô thị Assisi, nằm dưới chân núi Subasio, tại độ cao 211m so với mực nước biển, có khoảng 1,3 ngàn cư dân (năm 2001).
Thánh Phanxicô Assisi và những môn đệ đầu tiên của ngài bắt đầu cuộc sống khắc khổ của mình trong một ngôi nhà bằng đá ở Rivotorto như một túp lều, nơi ông sống từ năm 1209 đến năm 1211. Năm 1455, một thánh đường, được xây dựng trùm lên ngôi lều đó.
Sau trận động đất năm 1853, Thánh địa Rivotorto của dòng Phanxicô được xây dựng lại theo phong cách tân Gothic trong khoảng thời gian từ 1860–1880.
Thánh địa Rivotorto hiện bao gồm hai khối công trình: Nhà thờ và Tu viện.
Khối Nhà thờ có bố cục hình chữ nhật, theo hướng chếch bắc nam. Lối vào chính từ phía nam, gồm các không gian chính:
Tiền phòng (Ante- Room): Không có tiền phòng. Mặt tiền được phân chia bởi các trụ tường phân chia theo 3 nhịp nhà. Trụ góc lớn. Mỗi nhịp có một cửa ra vào (Doorway /Eintrance), dạng cửa vòm. Cửa chính giữa lớn với các trang trí tại viền cửa. Trên cửa ra vào là ô cửa sổ tròn. Tại phần tam giác của tường đầu hồi có một mảng tường dạng vòm nhọn trang trí tranh khảm.
Gian Hội trường hay Gian giữa (Nave): Được phân định bởi các hàng cột tạo thành 3 nhịp nhà với 4 bước cột. Nhịp giữa rộng, hai nhịp hai bên hẹp. Bên trong phòng, các cột có tiết diện hình bát giác, đỡ các vòm nhọn có gân. Tường phía ngoài tại phía đông và tây Gian giữa được gia cố bởi các trụ tường lớn (Buttess Pies). Gian Hội trường có phong cách trang trí đơn giản. Nổi bật bên trong Gian Hội trường là Túp lều thiêng (Sacro tugurio) bằng đá, thấp và các cửa kính trang trí. Phía đông của Hậu đường là Tháp chuông (Tower).
Gian Hợp xướng (Choir) và Hậu đường (Apse): Nằm về phía bắc của Gian Hội trường. Hậu đường có mặt bằng hình bán tròn. Hai bên ban thờ chính có hai ban thờ phụ.
Khối Tu viện nằm tại phía đông của Khối nhà thờ, bao gồm 3 dãy nhà bao quanh mặt đông, bắc và tây Sân trong. Mặt phía nam của Sân trong là tường bao.
Tổng mặt bằng Thánh địa Rivotorto, Assisi, Ý
Phối cảnh tổng thể Thánh địa Rivotorto, Assisi, Ý
Phối cảnh mặt trước khối nhà thờ, Thánh địa Rivotorto, Assisi, Ý
Phối cảnh mặt bên Khối nhà thờ, Thánh địa Rivotorto, Assisi, Ý
Bên trong Thánh đường với Túp lều Sacro Tugurio, Thánh địa Rivotorto, Assisi, Ý
Ban thờ chính, Khối nhà thờ, Thánh địa Rivotorto, Assisi, Ý
Trang trí kính màu, Khối nhà thờ, Thánh địa Rivotorto, Assisi, Ý
Sân trong tại Khối tu viện, Thánh địa Rivotorto, Assisi, Ý
Vương cung thánh đường Santa Maria degli Angeli
Vương cung thánh đường Santa Maria degli Angeli (Basilique de Santa Maria degli Angeli) nằm tại phân khu đô thị Santa Maria degli Angeli, thuộc thành phố Assisi (N43 3 29,00 E12 34 49,00). Công trình nằm cách Trung tâm lịch sử Assi khoảng 3km về phía đông bắc.
Vương cung thánh đường được xây dựng theo phong cách Mannerist (Mannerism, một phong cách trong nghệ thuật châu Âu, xuất hiện vào những năm cuối thời kỳ Phục hưng, vào khoảng năm 1520 đến cuối thế kỷ 16, và được thay thế bởi phong cách Baroque). Công trình được xây dựng từ năm 1569 - 1679, bao quanh nhà thờ nhỏ Porziuncola, có từ thế kỷ thứ 9, là nơi linh thiêng nhất đối với các tu sĩ dòng Phanxicô.
Công trình là một nhà thờ theo nghi lễ La Mã, được xây dựng theo thiết kế của Galeazzo Alessi (kiến trúc sư người Ý, năm 1512- 1572) với sự trợ giúp của Jacopo Barozzi da Vignola (kiến trúc sư, nhà lý luận người Ý, năm 1507- 1573), để tỏ lòng tôn kính Thánh Phanxicô Assisi.
Năm 1832, trận động đất làm sụp đổ Gian giữa, một phần cánh bên và Gian Hợp xướng. Việc xây dựng lại Vương cung thánh đường vào năm 1836 – 1840 bởi Luigi Poletti (kiến trúc sư người Ý, năm 1792 – 1869) với mặt tiền theo phong cách Tân cổ điển (Neoclassical architecture). Từ năm 1924 - 1930, mặt tiền này đã được Cesare Bazzani (kiến trúc sư, kỹ sư người Ý, năm 1873 – 1939) cải tạo lại theo phong cách tiền Baroque ban đầu.
Bức tượng đồng phủ vàng Madonna Degli Angeli (Madonna of the Angels) của nhà điêu khắc Guglielmo Colasanti (Terni, năm 1889-1944) được lắp đặt trên mặt tiền vào năm 1930. Mái vòm và hậu đường có niên đại từ công trình ban đầu của kiến trúc sư Alessi.
Vương cung thánh đường có bố cục chếch theo hướng tây nam – đông bắc, hướng về phía tây nam. Công trình có mặt bằng hình chữ thập Latinh (một cạnh dài và 3 cạnh ngắn), dài 126m, rộng 65m, gồm các không gian chính:
Tiền phòng (Ante- Room): Được phân định bởi các khối trụ tường lớn tạo thành 3 nhịp nhà, gắn liền với 3 cửa ra vào (Doorway /Eintrance). Khối tiền phòng nhô cao tại nhịp giữa.
Gian Hội trường (Nave): Được phân định bởi các hàng cột tạo thành 3 nhịp nhà với 5 bước cột. Nhịp giữa rộng, hai nhịp hai bên hẹp. Bên trong phòng, các cột có tiết diện hình chữ thập. Tường phía ngoài tại phía bắc và nam Gian giữa được gia cố bởi các trụ tường lớn (Buttess Pies), tạo thành hệ khung sườn (Flying Buttress) để nhận tải trọng xiên từ mái vòm và chuyển thành tải trọng đứng truyền xuống móng. Giữa các trụ tường tạo thành các không gian cho các phòng nguyện. Gian Hội trường có phong cách trang trí đơn giản. Gian Hội trường cũng như Gian Tiền phòng được bao phủ bởi các khối vòm 4 cánh.
Gian ngang (Transept): Giao với Gian Hội trường tạo thành khối nhà hình chữ thập (Crossing), được nhấn mạnh bởi 4 khối trụ tường lớn và là không gian lớn nhất trong Nhà thờ.
Phủ lên trên điểm giao là một mái vòm tròn khổng lồ. Tâm của điểm giao, là Nhà nguyện Porziuncola. Đây là một nhà thờ nhỏ, có niên đại từ thế kỷ 10 hoặc 11, được dành riêng cho Thánh Mary. Nhà thờ được Thánh Phanxicô trùng tu vào năm 1208 và là nơi thành lập Dòng Phanxicô. Công trình được tích hợp vào Vương cung thánh đường. Mặt tiền của Nhà nguyện Porziuncola được trang trí bởi các bức họa có niên đại từ thế kỷ 15.
Đầu Gian ngang, phía tây nam và đông bắc, có các nhà nguyện (Chapels).
Đầu Gian ngang phía đông bắc có một hành lang thông sang Vườn Hồng (Rose Garden). Đây là nơi gắn liền với truyền thuyết về cuộc đời Thánh Phanxicô, khu vườn nhỏ chỉ trồng toàn hoa hồng không có gai.
Gian Hợp xướng (Choir) và Hậu đường (Apse): Nằm về phía đông bắc của Gian Hội trường. Tại đây có Nhà nguyện Transit (Chapel of the Transit), là phòng bệnh xá nơi Thánh Phanxicô qua đời vào năm 1226. Nhà nguyện được trang trí bởi các bức bích họa và các bức tượng đặt trong các hốc tường.
Không gian Hậu đường được đặt trên một bệ nền cao. Tường phía sau dạng bán tròn với 3 hốc tường lớn.
Kề liền phía đông của Vương cung thánh đường là các Khối tu viện, được xây dựng vào thế kỷ 15, gồm các dãy nhà bao quanh hành lang hở và các sân trong. Ngày nay, Khối Tu viện trở thành Bảo tàng Santa Maria degli Angeli (Museo di Santa Maria degli Angeli), được thành lập vào năm 1920 và được tổ chức lại vào năm 1999.
Tổng mặt bằng Vương cung thánh đường Santa Maria degli Angeli, Assisi, Ý
Sơ đồ mặt bằng, mặt cắt Vương cung thánh đường Santa Maria degli Angeli, Assisi, Ý
Sơ đồ vị trí một số nhà nguyện chính, Vương cung thánh đường Santa Maria degli Angeli, Assisi, Ý
Phối cảnh mặt tiền Vương cung thánh đường Santa Maria degli Angeli, Assisi, Ý
Nội thất Gian hội trường Vương cung thánh đường Santa Maria degli Angeli, Assisi, Ý
Nhà thờ nhỏ Porziuncola bên trong Gian hợp xướng, Vương cung thánh đường Santa Maria degli Angeli, Assisi, Ý
Vườn Hồng, Vương cung thánh đường Santa Maria degli Angeli, Assisi, Ý
Di sản Trung tâm lịch sử hay Thánh địa Assisi, một thành phố thời Trung cổ được xây dựng trên một ngọn đồi, là nơi sinh của Thánh Phanxicô, gắn liền với hoạt động của Dòng Phanxicô. Các tuyệt tác về nghệ thuật và kiến trúc của Di sản đã biến Assisi trở thành điểm tham chiếu cơ bản cho sự phát triển của nghệ thuật và kiến trúc Ý và châu Âu.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn:
https://whc.unesco.org/en/list/990/
https://en.wikipedia.org/wiki/Italy
https://en.wikipedia.org/wiki/Assisi
https://en.wikipedia.org/wiki/Basilica_of_Saint_Francis_of_Assisi
https://www.artesvelata.it/basilica-san-francesco-assisi/
https://en.wikipedia.org/wiki/Sacro_Convento
https://it.wikipedia.org/wiki/Basilica_di_Santa_Chiara
https://en.wikipedia.org/wiki/Rocca_Maggiore
https://en.wikipedia.org/wiki/San_Damiano,_Assisi
http://www.edstephan.org/umbria/plandamiano.html
https://en.wikipedia.org/wiki/Eremo_delle_Carceri
https://it.wikipedia.org/wiki/Eremo_delle_Carceri
https://en.wikipedia.org/wiki/Rivotorto
https://it.wikipedia.org/wiki/Santuario_di_Rivotorto
https://it.wikipedia.org/wiki/Basilica_di_Santa_Maria_degli_Angeli
https://en.wikipedia.org/wiki/Papal_Basilica_of_Saint_Mary_of_the_Angels_in_Assisi
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi
|