Thông tin chung:
Công trình: Công trình Villa Adriana
Địa điểm: Quận Tivoli, tỉnh Rome, vùng Latium, Italia (N41 56 39 E12 46 19.1)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Diện tích Di sản 80ha; Diện tích vùng đệm 500ha
Năm hình thành: Năm 117 - 138 sau Công nguyên
Giá trị: Di sản thế giới (năm 1999 hạng mục i, ii, iii)
Ý (Italia) là một quốc gia bao gồm một bán đảo được giới hạn bởi dãy Alps và một số hòn đảo xung quanh.
Ý nằm ở trung tâm Nam Âu và được coi là một phần của Tây Âu, có chung biên giới trên bộ với Pháp, Thụy Sĩ, Áo, Slovenia và các khu vực bao quanh của Thành phố Vatican và San Marino. Ý còn có vùng lãnh thổ ở Campione, Thụy Sĩ và Lampedusa (vùng biển Tunisia).
Quốc gia này có diện tích 301.340 km2, dân số 60,317 triệu người (năm 2020), thủ đô là Rome.
Do vị trí địa lý trung tâm ở Nam Âu và Địa Trung Hải, Ý là nơi sinh sống của vô số dân tộc và nền văn hóa.
Vào thời Cổ đại (năm 750 - 200 trước Công nguyên/TCN), đây là nơi cư trú chủ yếu của các dân tộc nói ngôn ngữ Ấn-Âu (Indo-European language, có nguồn gốc từ từ Tây và Nam Á - Âu).
Bắt đầu từ thời Cổ điển (thế kỷ 8 TCN - thế kỷ 6 sau Công nguyên, chủ yếu gồm nền văn minh Hy Lạp và La Mã cổ đại), người Phoenicia (tồn tại năm 2500 TCN – 539 TCN) và người Carthage (Đế chế Carthage, tồn tại năm 814 TCN – 146 TCN) đã thành lập các thuộc địa chủ yếu ở khu vực nội địa Ý.
Người Hy Lạp (Ancient Greece) đã thành lập các khu định cư Magna Graecia tại miền nam nước Ý, trong khi người Etruscans (tồn tại năm 900 TCN –27 TCN) và người Celt lần lượt sinh sống ở miền trung và miền bắc nước Ý.
Một bộ tộc người Ý, được gọi là người Latins (Italic tribe), đã thành lập Vương quốc La Mã (Roman Kingdom, tồn tại năm 753 TCN – 509 TCN) vào thế kỷ thứ 8 TCN, sau này trở thành nước Cộng hòa La Mã (Roman Republic, tồn tại năm 509 TCN – 27 TCN).
Cộng hoà La Mã ban đầu chinh phục và đồng hóa các nước láng giềng trên bán đảo Ý, cuối cùng mở rộng và chinh phục các vùng đất của Châu Âu, Bắc Phi và Châu Á.
Vào thế kỷ 1 TCN, Đế chế La Mã (Roman Empire, tồn tại năm 27 TCN - 476 sau Công nguyên) nổi lên như một quyền lực thống trị khu vực Địa Trung Hải và trở thành một trung tâm văn hóa, chính trị và tôn giáo hàng đầu, hình thành nền văn minh La Mã Cổ đại (Pax Romana), một giai đoạn hơn 200 năm phát triển của luật pháp, công nghệ, kinh tế nghệ thuật và văn học Ý.
Trong suốt thời kỳ Trung Cổ, Ý vẫn là quê hương của con người và Đế chế La Mã, mà di sản của nó về văn hóa, thể chế, Kitô giáo và tiếng Latinh lan truyền khắp toàn cầu.
Vào đầu thời kỳ Trung Cổ, Ý phải chịu đựng sự sụp đổ của Đế chế Tây La Mã (Western Roman Empire, tồn tại vào năm 395–476/480), với việc lãnh thổ bị phân chia thành các tiểu quốc và các cuộc di dân của các bộ tộc Germanic, Huns, Slavs (Early Slavs) và Pannonian Avars.
Tại miền bắc và một phần miền trung nước Ý, vào thế kỷ 11, nhiều thị quốc (Italian City-states) và nước cộng hòa hàng hải (Maritime Republics) đã vươn lên thịnh vượng thông qua thương mại và ngân hàng, đặt nền móng cho chủ nghĩa tư bản hiện đại. Các thị quốc độc lập này đóng vai trò là trung tâm giao lưu thương mại chính của châu Âu với châu Á và Cận Đông, thường được hưởng một mức độ dân chủ cao hơn so với các quốc gia phong kiến trong các chế độ quân chủ đang thịnh hành khắp châu Âu thời bấy giờ. Một phần miền trung nước Ý nằm dưới sự kiểm soát của các quốc gia Giáo hoàng (Papal States; thần quyền Nhà nước của Giáo hội).
Phần lớn miền nam nước Ý vẫn là chế độ phong kiến cho đến thế kỷ 19. Đây là kết quả của sự kế thừa nền văn minh của người Byzantine, Arab, Norman, Angevin, Aragonese và từ các cuộc chinh phục của các quốc gia bên ngoài.
Tại miền đông nước Ý, tồn tại Đế quốc Byzantine hay Đế chế Đông La Mã (Byzantine Empire/ Eastern Roman Empire, tồn tại năm 330/395–1453), là sự tiếp nối của Đế chế La Mã trong thời kỳ Hậu Cổ đại và Trung cổ, khi thủ đô của nó là Constantinople (Thổ Nhĩ Kỳ). Trong khi phần phía tây của Đế chế La Mã đã trải qua quá trình Latinh hóa, thì phần phía đông của Đế chế (Byzantine) vẫn duy trì ở mức độ lớn nền văn hóa Hy Lạp. Sự sụp đổ của Đế chế Byzantine vào tay người Ottoman (Ottoman Empire, tồn tại năm 1299 – 1922) đôi khi được dùng để đánh dấu sự kết thúc của thời Trung cổ và sự khởi đầu của thời kỳ Hiện đại.
Thời kỳ Phục hưng (Renaissance, một giai đoạn lịch sử châu Âu, chuyển đổi từ thời Trung cổ sang Hiện đại, vào thế kỷ 15, 16) bắt đầu ở Ý và lan sang phần còn lại của châu Âu, mang lại mối quan tâm mới về chủ nghĩa nhân văn, khoa học, văn học và nghệ thuật.
Nền văn hóa Ý phát triển mạnh mẽ, sản sinh ra các nhà khoa học, nghệ sĩ và tư tưởng nổi tiếng.
Trong thời Trung cổ, các nhà thám hiểm người Ý đã khám phá ra những tuyến đường mới đến Viễn Đông và Tân thế giới, mở ra Kỷ nguyên Khai sáng (Age of Discovery) của Châu Âu.
Sau nhiều thế kỷ can thiệp và chinh phục từ bên ngoài cùng với sự cạnh tranh giữa các thị quốc nội bộ, nước Ý bị chia rẽ về mặt chính trị, tiếp tục bị chinh phục và phân chia bởi nhiều cường quốc châu Âu.
Vào giữa thế kỷ 19, chủ nghĩa dân tộc của Ý đã trỗi dậy.
Sau nhiều thế kỷ bị ngoại bang thống trị và chia rẽ, Ý gần như hoàn toàn thống nhất vào năm 1861, cùng với việc thành lập Vương quốc Ý (Kingdom of Italy, tồn tại năm 1861–1946).
Từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, miền bắc nước Ý nhanh chóng công nghiệp hóa, giúp quốc gia này trở thành một Đế quốc thuộc địa. Trong khi đó, tại miền nam nước Ý, phần lớn vẫn là cảnh nghèo đói. Sau Chiến tranh thế giới 2, Ý bãi bỏ chế độ quân chủ, thành lập chính thể cộng hòa dân chủ và trở thành một quốc gia phát triển.
Ý ngày nay được phân thành 20 khu vực (vùng) và 107 tỉnh, thành phố.
Bản đồ Italia và vị trí quận Tivoli, tỉnh Rome
Villa Adriana hay Villa Hadrian là di sản kiến trúc đặc biệt của Hoàng đế Hadrian vĩ đại (Hoàng đế La Mã/ Roman emperor, trị vì từ năm 117 – 138) thuộc triều đại Nerva–Antonine (Nerva–Antonine dynasty, bao gồm 7 hoàng đế La Mã, trị vì từ năm 96 – 192 sau Công nguyên).
Biệt thự Adriana được xây dựng như một nơi nghỉ dưỡng Hoàng gia bên ngoài thành Rome từ năm 117 đến năm 138 sau Công nguyên. Quần thể được thiết kế như một thành phố lý tưởng và kết hợp các truyền thống kiến trúc của Hy Lạp cổ đại (Ancient Greece), La Mã và Ai Cập.
Hiện tại, Di tích Biệt thự Adriana chỉ còn lại tàn tích của khoảng 30 tòa nhà, trải rộng trên 120 ha của Đồi Tiburtine (Tiburtine Hills), ở Tivoli thuộc tỉnh Rome, vùng Latium.
Quần thể dường như được sắp xếp không có kế hoạch cụ thể, song là một cấu trúc phức tạp và được quy hoạch tốt với một số lượng lớn các tòa nhà dân cư và giải trí, những khu vườn rộng lớn và hồ nước phản chiếu khung cảnh tự nhiên. Địa điểm này tạo ra một ốc đảo thanh bình và đáng chiêm ngưỡng.
Khu vực Biệt thự được chia thành bốn nhóm di tích:
Nhóm di tích thứ nhất nằm tại phía bắc của Khu Biệt thự, bao gồm: Nhà hát Hy Lạp (Greek Theatre) và Đền thờ Cnidian Aphrodite (Temple of Cnidian Aphrodite).
Nhóm di tích thứ hai nằm tại trung tâm của Khu Biệt thự, là các tòa nhà dành riêng cho hoàng đế và triều đình, bao gồm: Nhà hát Hàng hải (Maritime Theatre), Cung điện Hoàng gia (Imperial Palace), Cung điện Mùa đông (Winter Palace), Thư viện tiếng Latinh và Hy Lạp (Latin and Greek Libraries) và Quảng trường Vàng (Golden Square). Nhóm di tích này được tổ chức với 4 cụm công trình riêng biệt:
Quảng trường Vàng là một trong những tòa nhà ấn tượng nhất trong Khu Biệt thự; là một khu vực rộng lớn, được bao quanh bởi một cổng vòm có hai lối đi với các cột xen kẽ bằng đá cẩm thạch cipollino (Cipollino marble) và đá granit Ai Cập (Egyptian granite).
Cung điện Hoàng gia, Cung điện Mùa đông là một tổ hợp các phòng xung quanh một sân trong.
Nhà hát Hàng hải là một cấu trúc hình tròn, bao gồm một chu vi bằng đá cẩm thạch ionic (ionic marble) bao quanh một hòn đảo hình tròn nhân tạo với một biệt thự thu nhỏ.
Thư viện Latinh và Thư viện Hy Lạp được tiếp cận bởi hai lối vào và một cấu trúc dạng hang động (Nymphaeum stands) tại mặt bắc.
Nhóm di tích thứ ba nằm tại phía đông của Khu Biệt thự, bao gồm: Phòng tắm lớn (Large Baths), Phòng tắm nhỏ (Small Baths) và Phòng tắm sưởi ấm bằng năng lượng mặt trời (Thermae with Heliocaminus).
Nhóm di tích thứ tư nằm tại phía nam và tây của Khu Biệt thự, bao gồm: Tháp Roccabruna (Roccabruna Tower) và Học viện (Academy).
Ngoài các nhóm di tích trên còn có các công trình ngầm, kho chứa, phòng trưng bày. Ngoài ra còn có một số khu vườn rộng lớn và nhà ở dành cho người phục vụ.
Khu phức hợp các tòa nhà và công trình kiến trúc đặc biệt này là biểu tượng của một quyền lực đang dần trở nên tuyệt đối. Villa Adriana, gợi nhớ đến những địa điểm và tòa nhà nổi tiếng trên khắp đế chế, đã tái tạo các yếu tố của nền văn hóa vật chất của Ai Cập, Hy Lạp và La Mã dưới dạng một “thành phố lý tưởng” (Ideal city).
Khu phức hợp bị hư hại và bị bỏ quên trong nhiều thế kỷ sau cái chết của Hoàng đế Hadrian (năm 138 sau Công nguyên), địa điểm này cuối cùng đã được tái khám phá vào năm 1461. Sự thanh bình của địa điểm đã truyền cảm hứng cho mối quan tâm mới về kiến trúc cổ điển. Các nghiên cứu về Villa Adriana đã ảnh hưởng đến các kiến trúc sư của các thế kỷ sau, kiến trúc thời Phục hưng, đặc biệt kiến trúc Baroque. Thành tựu đáng chú ý của nó trong thiết kế tiếp tục gây ảnh hưởng đáng kể đến các kiến trúc sư và nhà thiết kế nổi tiếng của thời kỳ hiện đại.
Di tích Villa Adriana, tại Tivoli, tỉnh Rome, vùng Latium, Italia được UNESCO tôn vinh là Di sản thế giới (năm 1999) với tiêu chí:
Tiêu chí (i): Villa Adriana là một tuyệt tác về tài năng sáng tạo của con người, quy tụ những biểu hiện cao nhất của nền văn hóa vật chất của thế giới Địa Trung Hải cổ đại (Ancient Mediterranean world).
Tiêu chí (ii): Nghiên cứu các di tích tạo nên Villa Adriana đóng một vai trò quan trọng trong việc khám phá lại các yếu tố kiến trúc cổ điển của các kiến trúc sư thời Phục hưng (Renaissance) và thời kỳ Baroque. Nó cũng ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều kiến trúc sư và nhà thiết kế thế kỷ 19 và 20.
Tiêu chí (iii): Villa Adriana là một nơi cư trú đặc biệt thời Đế chế La Mã sơ khai (Early Roman Empire). Số lượng lớn các tòa nhà và công trình kiến trúc khác bên trong, cũng như bộ sưu tập các bức tượng và tác phẩm điêu khắc trang trí nội ngoại thất, là bằng chứng minh họa xu hướng thẩm mỹ và sự uyên bác của một trong những Hoàng đế La Mã vĩ đại nhất. Hoàng đế Hadrian là một người có kiến thức văn hóa rộng lớn, đã đích thân giám sát việc xây dựng Khu Biệt thự, lấy cảm hứng từ những chuyến du hành qua Đế chế rộng lớn của mình. Ông đã tích hợp được những điều tốt đẹp nhất của các nền văn hóa đa dạng xung quanh vào khu phức hợp nguy nga này.
Phạm vi Di sản Villa Adriana và vùng đệm, tại Tivoli, Rome, Ý
Sơ đồ các di tích chính tại Di sản Villa Adriana Tivoli, Ý
Di sản Villa Adriana hay Villa Hadrian nằm ở dãy núi Tiburtini, cách phía đông thành phố Rome khoảng 28km.
Di sản là một biệt thự La Mã (Roman villa), một dạng cung điện của hoàng gia tại khu vực nông thôn.
Công trình thể hiện mong muốn về uy quyền của Hoàng đế La Mã Hadrian.
Đây là biệt thự La Mã hùng vĩ và phức tạp nhất được biết đến, nơi chứa đựng nhiều ý tưởng khởi nguồn từ các nền văn hóa Ai cập, Hy Lạp và La Mã cổ đại.
Toàn bộ Biệt thự có diện tích gần 100ha, diện tích lớn hơn cả thành phố cổ nổi tiếng Pompeii (diện tích khoảng 67ha, gần Naples , Ý; bị chôn vùi dưới độ sâu 4 - 6 m bởi tro núi lửa vào năm 79 sau Công nguyên).
Biệt thự Hadrian có hơn 30 tòa nhà hoành tráng và đẹp mắt. Cấu trúc mặt bằng của các công trình là sự lặp lại vô tận của các hình tròn, bán tròn và hình vuông tôn vinh cấu trúc hình học của Hình thức Hy Lạp cổ điển; Cấu trúc vòm của người La Mã. Hầu hết các tòa nhà đều có bố cục theo kiểu chu vi, bao quanh một sân trong.
Biệt thự Hadrian có đến 900 phòng và hành lang, được bố trí trên một loạt các lối đi dạo nhân tạo ở các bậc nền cao khác nhau và bao quanh bởi những khu vườn, được trang trí bằng các hồ nước và đài phun nước.
Các bề mặt công trình đều được trang trí sống động bằng những loại đá quý nhất.
Biệt thự Hadrian được xây dựng gắn liền với việc sử dụng nước, nên nằm thấp hơn so với các tuyến kênh dẫn nước xung quanh. Tại đây có tới 100 hệ thống thủy lực.
Ngoài bố cục chung ấn tượng, các công trình trong Quần thể có hình thức kiến trúc rất khéo léo nhờ sự đối xứng phức tạp của sơ đồ mặt bằng và được coi là vô song cho đến khi kiến trúc Baroque xuất hiện vào những năm 1600 do Francesco Borromini (kiến trúc sư người Ý, năm 1599 – 1667), khởi xướng, người được cho đã lấy cảm hứng từ chính Villa Adriana.
Trong thời kỳ suy tàn của Đế chế La Mã vào thế kỷ thứ 4, Khu Biệt thự dần không còn được sử dụng và bị hủy hoại. Những bức tượng và đá cẩm thạch có giá trị đã bị cướp đi. Công trình bị sử dụng làm nhà kho. Cấu kiện đá của công trình bị phá dỡ để làm vật liệu xây dựng cho các công trình khác.
Công trình được biết đến vào cuối thế kỷ 15 và vẫn là địa điểm để khai thác đá xây dựng.
Từ thế kỷ 16- 19, các cuộc khai quật tại Khu vực Di sản được nhân rộng. Hơn 300 di vật lớn được tìm thấy (tượng, phù điêu, tác phẩm điêu khắc, tranh khảm) và đã bị phân tán trong các bộ sưu tập tư nhân và bảo tàng trên một nửa quốc gia châu Âu.
Chỉ từ cuối thế kỷ 19, Biệt thự Hadrian mới bắt đầu được nghiên cứu một cách khoa học.
Bức tranh khảm "Trận chiến của nhân mã và quái vật hoang dã" được thực hiện cho phòng ăn của Khu Biệt thự Hadrian; Bảo tàng Altes Berlin, Đức
Phù điêu cảnh săn bắn tại Villa Adriana Tivoli, Ý
Bức tượng bán thân trang trí tại Khu Biệt thự Hadrian, Bảo tàng Antinous Hermitage
Những trang trí vẫn còn nguyên vẹn tại Villa Adriana, Tivoli, Ý
Khu vực Di sản được phân thành 4 nhóm công trình. Sơ đồ mặt bằng của các công trình được đánh số theo sơ đồ dưới đây:
Sơ đồ các di tích chính tại Villa Adriana Tivoli, Ý
1) Nhóm di tích thứ nhất
Nhóm di tích thứ nhất là các công trình Hy Lạp, nằm tại phía bắc Khu vực Di sản, gồm các di tích:
Nhà hát Hy Lạp
Nhà hát Hy Lạp (Greek Theatre/ Teatro Greco, vị trí tại hình vẽ ký hiệu 1) nằm ngay cạnh cổng ra vào (Entrance), tại phía bắc của Khu vực Di sản.
Nhà hát có có mặt bằng hình bầu dục, quy mô khoảng 2.900 - 3.600 chỗ. Công trình gồm:
Dàn nhạc (Orchestra) hình bán nguyệt, rộng 32m.
Sân khấu (Stage) và Hàng hiên (Scenae) phía trước Sân khấu. Phía dưới Sân khấu là các phòng chứa đạo cụ.
Khán đài (Cavea/ Seating area) với hai khối ghế, giữa là lối đi. Chiều rộng khán đài 55m với tổng cộng 12 hàng bậc ngồi; chiều sâu của khán đài 36m, theo hướng đông bắc. Phía trên cùng khán đài có một phòng dành riêng cho Hoàng gia (Pulvinar), hai bên là hàng hiên, mỗi hàng hiên có 14 cột và trụ cột bằng đá cẩm thạch.
Hiện Nhà hát Hy Lạp chỉ còn tàn tích của những chỗ ngồi thấp nhất, một số bậc thang bằng đá cẩm thạch của cầu thang trung tâm; mảnh cột và kè bằng đá cẩm thạch.
Nhà hát trang trí bởi những bức tượng lớn bằng đá cẩm thạch. Rất ít đồ trang trí còn sót lại.
Phía tây bắc của Nhà hát Hy Lạp là một bệ sân (Piazza del Teatro Greco, hình vẽ ký hiệu 1b), có hình chữ nhật và được bao quanh bởi một cổng vòm.
Sơ đồ mặt bằng Nhà hát Hy Lạp, Villa Adriana, Tivoli, Ý
Mô hình Nhà hát Hy Lạp, Villa Adriana, Tivoli, Ý
Tàn tích Nhà hát Hy Lạp, Villa Adriana, Tivoli, Ý
Tàn tích cột, bậc ngồi, Nhà hát Hy Lạp, Villa Adriana, Tivoli, Ý
Đền thờ Thần Vệ nữ
Đền thờ Thần Vệ nữ (Tempio di Venere, hình vẽ ký hiệu 4) hay còn gọi là Đền thờ Cnidian Aphrodite (Temple of Cnidian Aphrodite) nằm ngay tại phía nam của Nhà hát Hy Lạp. Ngoài địa điểm là nơi cung cấp tầm nhìn toàn cảnh ra xung quanh, đây còn là nơi để ăn uống, thư giãn.
Đền thờ nằm trên một bệ cao, bao gồm:
Một hành lang hình bán nguyệt (NF3) với dãy cột bao quanh.
Tiếp đó là một sân trong (NF2).
Trung tâm sân trong là một một ngôi đền tròn (Tholos/ NF1), được bao quanh bởi hàng cột theo phong cách Doric. Hiện dãy cột chỉ còn lại 4 cột. Ở giữa Đền tròn, người ta tìm thấy một bức tượng thần Vệ nữ của người Cnidian (Cnidian Venus).
Các dãy phòng nằm bên ngoài hành lang tròn: Tại mặt phía tây (NF5 - NF9), tại mặt bắc (NF10) và mặt phía nam (NF11- NF14).
Ở phần tầng thấp hay tầng bệ có hành lang hay lối đi ngầm (Cryptoporticus) đào sâu vào trong lòng nền đất, được tạo bởi các loại đá sa thạch (Tuff) và một bể chứa nước (Natatio). Phần tầng trên và phần bệ được nối với nhau bằng cầu thang.
Hành lang hình bán nguyệt có sàn khảm đá màu theo kiểu Opus sectile (vật liệu được cắt và khảm vào tường, sàn nhà để tạo thành hoa văn hoặc bức tranh).
Bên trong Đền có các tượng bán thân của các vị thần.
Trần trát vữa của một số tàn tích vẫn còn tồn tại.
Sơ đồ mặt bằng Đền thờ Thần Vệ nữ, Villa Adriana, Tivoli, Ý
Mô hình Đền thờ Thần Vệ nữ, Villa Adriana, Tivoli, Ý
Tàn tích Đền thờ Thần Vệ nữ, Villa Adriana, Tivoli, Ý
Trang trí trần Đền thờ Thần Vệ nữ, Villa Adriana, Tivoli, Ý
2) Nhóm di tích thứ hai
Nhóm di tích thứ hai nằm tại trung tâm của Khu vực Di sản, là các tòa nhà dành riêng cho hoàng đế và triều đình, gồm các di tích chính:
Nhà hát Hàng hải
Nhà hát Hàng hải (Maritime Theatre/ Teatro Marittim, hình vẽ ký hiệu 26) thực chất là một biệt thự nhỏ bên trong Khu Biệt thự Adriana (Villa Adriana). Chính các bức phù điêu miêu tả cảnh biển trang trí tại tiền sảnh của công trình mà Biệt thự có tên như vậy. Công trình được thiết kế tinh xảo, là một kiệt tác của kiến trúc La Mã, một trong những tòa nhà độc đáo và đặc biệt nhất của Villa Adriana.
Phía trước của Nhà hát Hàng hải là bệ sân rộng (Terrazza, hình vẽ ký hiệu 27).
Khu vực này có lẽ đã được hoàng đế sử dụng làm nơi nghỉ dưỡng sau cuộc sống bận rộn ở triều đình.
Tổ hợp công trình có cấu trúc chính hình tròn, đường kính 40m, bao gồm:
Lối vào từ phía bắc, là một tiền sảnh dạng hiên (Terrazza) với 4 cột Ionic (TM1).
Sảnh chính (TM2) hình chữ nhật. Hai bên có hai hốc hình chữ nhật (TM3 và TM4).
Hàng hiên tròn (TM5) với hàng cột Ionic (loại cột không có rãnh cột).
Tiếp đó là một Hào nước hình tròn (TM6), rộng 4,8m. Chỉ có hai cây cầu gỗ bắc qua vào khối Biệt thự bên trong. Cầu có thể kéo lên, để kiểm soát người ra vào.
Biệt thự thu nhỏ được xây dựng trên một hòn đảo nhân tạo nằm ở trung tâm của một con kênh hình tròn, gồm các không gian chính:
Tiền sảnh (Entrance/ TM7) có mặt bằng tạo bởi 2 đường cong. Bên trong phòng trang trí các hình ảnh về biển;
Giếng trời (TM33) có mặt bằng được tạo bởi 4 đường cong và mái cổng cong, nằm tại trung tâm của đảo. Tại đây có một khu vườn nhỏ và một đài phun nước.
Các phòng đều có một mặt giáp Giếng trời và một mặt giáp với Hào nước (Tablinum), bao gồm: Phòng khách, phòng trưng bày nghệ thuật, thư viện, phòng ngủ, phòng vệ sinh, phòng tắm nước nóng, bể chứa nước...
Công trình được xây dựng bằng đá cẩm thạch, theo phong cách Ionic cổ điển.
Sơ đồ mặt bằng Nhà hát Hàng hải, Villa Adriana, Tivoli, Ý
Mô hình Nhà hát Hàng hải, Villa Adriana, Tivoli, Ý
Hình ảnh phục dựng một góc Nhà hát Hàng hải, Villa Adriana, Tivoli, Ý
Phối cảnh tổng thể tàn tích Nhà hát Hàng hải, Villa Adriana, Tivoli, Ý
Một góc tàn tích Nhà hát Hàng hải, Villa Adriana, Tivoli, Ý
Thư viện
Thư viện (Biblioteche) là một cụm công trình. Có quan điểm cho rằng đây không phải là thư viện (do không tìm thấy dấu vết của các giá sách trong các hốc tường), mà chỉ là phòng ăn (Triclinium) mùa hè hoặc chỉ là khối sảnh hoành tráng, tạo lối vào riêng của Villa Adriana, là biểu tượng của sự giàu có và sang trọng của hoàng gia.
Cụm Thư viện hiện được phân thành hai di tích: Thư viện Hy Lạp (Biblioteca Greca, hình vẽ ký hiệu 14) và Thư viện La tinh (Latin Library, hình vẽ ký hiệu 15).
Phía bắc của hai thư viện là một sân rộng như một sân thượng (Terrazza, hình vẽ ký hiệu 13). Phía đông nam của hai thư viện là một Sân trong rộng (Palazzo/ Library Courtyard, hình vẽ ký hiệu 18).
Mô hình Cụm thư viện Villa Adriana, Tivoli
Thư viện Hy Lạp nằm kề liền phía bắc của Nhà hát Hàng hải, là khối nhà cao 3 tầng. Công trình có hai phòng lớn hình vuông, nối tiếp nhau, được trang trí bằng các hốc tường hình chữ nhật. Ở phía đông nam có các phòng với mặt bằng đa dạng nối Thư viện Hy Lạp với Sân Thư viện. Thư viện Hy Lạp có hệ thống sàn sưởi ấm.
Lối vào Thư viện Hy Lạp có hai cầu thang đôi (BG1 và BG2) dẫn đến Phòng hình tứ giác lớn BG3 từng được bao phủ bởi một mái vòm chéo. Phòng này có 3 hốc tường hình chữ nhật ở hai bên (BG3a-bc). Hốc thứ tư mở ra phòng hình chữ nhật (BG9). Phòng này cũng có 3 hốc tường (9a- 9b), bên trên là mái vòm chéo.
Dọc theo phía tây là một hành lang kéo dài, như một bậc nền gắn với cầu thang đi xuống Nhà hát Hàng hải.
Từ một sảnh nhỏ (BG10) dẫn đến một loạt phòng với mặt bằng đa dạng tại phía đông, nối Thư viện với Sân Thư viện.
Thư viện Hy Lạp được lát đá theo kiểu Opus sectile (vật liệu được cắt và khảm vào tường, sàn nhà để tạo thành hoa văn hoặc bức tranh). Trong đó một số mảnh vỡ vẫn còn tồn tại, đặc biệt tại Sảnh BG10.
Trên tàn tích trần nhà và tường vẫn còn lưu lại các bức bích họa.
Trong tòa nhà còn có tàn tích của hệ sưởi ấm. Có khả năng đây là nơi ở của Hoàng đế vào mùa đông.
Sơ đồ mặt bằng Thư viện Hy Lạp, Villa Adriana, Tivoli, Ý
Tàn tích lối vào Thư viện Hy Lạp, Villa Adriana, Tivoli, Ý
Tàn tích Thư viện Hy Lạp, Villa Adriana, Tivoli, Ý
Thư viện Latinh có cấu trúc tương tự như Thư viện Hy Lạp, cao 3 tầng, song quy mô nhỏ hơn. Công trình có trục chính bố cục theo hướng bắc - nam và nối với Thư viện Hy Lạp qua hành lang có mái che tại phía tây (A và B) của Sân Thư viện.
Công trình cũng có hai phòng tứ giác lớn (BL1 và BL3), được trang trí bởi các hốc tường và bao phủ bởi các mái vòm.
Phòng BL1, có hai hốc ở hai bên (BL1a và BL1c) và một hốc tường bán tròn ở phía bắc.
Phòng BL3 nối với Phòng BL1 qua hai hành lang (BL2 và BL4) và một hốc tường bán tròn tại phía nam. Trên bức tường này vẫn còn lưu giữ các tẩm phẩm điêu khắc và phần còn lại của các bức bích họa.
Tại phía đông của Thư viện có nhiều phòng phục vụ. Trong đó có một nhà vệ sinh hai chỗ ngồi (BL18) phục vụ cho cả hai thư viện.
Trang trí của Thư viện La tinh tương tự như tại Thư viện Hy Lạp.
Sơ đồ mặt bằng Thư viện La tinh, Villa Adriana, Tivoli, Ý
Tàn tích Thư viện La tinh, Villa Adriana, Tivoli, Ý
Tàn tích phòng vệ sinh, Thư viện La tinh, Villa Adriana, Tivoli, Ý
Sân thượng (Terrazza) nằm tại phía bắc của Thư viện, gắn liền với tường chắn đất, được trang trí bởi các hốc tường hình bán nguyệt và chữ nhật. Sân được bố trí như một vườn hoa và được trang trí bằng đài phun nước.
Tàn tích đài phun nước tại Sân thượng Thư viện, Villa Adriana, Tivoli, Ý
Sân Thư viện (Palazzo/ Library Courtyard) nằm tại phía nam Thư viện, rộng dài 66m, rộng 51m, được bao quanh bởi bức tường xây dựng theo kiểu đá thô (Opus incertum, một kỹ thuật xây dựng điển hình của người La Mã thời bấy giờ, sử dụng các viên đá thô để xây dựng, khác với công nghệ Opus reticulatum, sử dụng các viên đá đẽo thành dạng điển hình). Công trình gồm các hạng mục chính:
Sảnh vào chính (CB3), là lối vào từ Thư viện Hy Lạp và Thư viện La tinh. Bên trong có hốc đặt tượng và vòi nước.
Hành hiên hình chữ nhật (CB2), một bên là tường bao, một bên là dãy cột với hàng 19 cột ở cạnh dài và 14 cột tại cạnh ngắn. Hiên được lát bằng vật liệu khảm (Opus sectile). Dọc theo Hàng hiên là cầu thang và lối đi dẫn tới các hạng mục công trình khác như Nhà hát Hàng hải, Nhà tắm.
Sân trong (CB1) là vườn cây.
Sơ đồ mặt bằng Sân thư viện, Villa Adriana, Tivoli, Ý
Phối cảnh tàn tích Sân thư viện, Villa Adriana, Tivoli, Ý
Quảng trường Vàng
Quảng trường Vàng (Golden Square/ Piazza di Oro, hình vẽ ký hiệu 8) nằm tại phía đông của Khu vực Di sản.
Tên của cụm công trình cũng như các cụm công trình khác trong Khu vực Biệt thự chỉ mang tính truyền thuyết, có thể liên quan đến Cỗ xe vàng của Hoàng đế Hadrian. Cụm công trình còn được cho là thư viện của Khu Biệt thự Adriana.
Cụm công trình bao gồm nhiều hạng mục công trình, gồm:
Lối vào (hình vẽ ký hiệu PO1) và Cổng vào chính (PO2) nằm tại phía bắc của cụm công trình, có hàng hiên hình bát giác với mái vòm. Hai bên Cổng chính là hai tháp dạng hốc (Exedrae, PO2 và PO4) có mặt bằng hình bán tròn, mái vòm.
Sân trong nằm tại phía nam Cổng vào chính, được giới hạn bởi tường tại mặt bắc và nam và hành lang với hàng cột Doric tại mặt phía tây (PO8 và đông (PO45). Bức tường của hành lang có nhiều hốc tường hình chữ nhật. Bên trong sân trong là các ô vườn (PO6) và bồn nước (PO7).
Ba mặt bắc, nam và đông của Sân trong bố trí các công trình.
Phía đông của Sân trong là Phòng ăn mùa hè (Triclinium, PO39;42;44) rộng lớn, với một hồ bơi hình bầu dục phía trước (PO41) nhìn ra toàn cảnh về phía thung lũng.
Phía nam của Sân trong là một cụm các phòng đa chức năng. Trong đó có Phòng hình tứ giác lớn (PO20), là căn phòng hoành tráng nhất của cụm công trình. Phía nam của phòng này là một phòng có mặt bằng hình elip với các hốc tường được trang trí bởi các hàng cột, trán tường bằng đá cẩm thạch. 4 góc của Phòng hình tứ giác lớn là 4 đài phun nước với các tia nước chảy vào bồn và dẫn tới bồn dài chứa nước tại Sân trong.
Phía dưới Quảng trường Vàng là một tuyến đường hầm, thuộc hệ thống đường hầm Grand Trapezio.
Các công trình có sàn nhà được làm bằng đá cẩm thạch quý và khảm nhiều màu; các các hàng cột Doric và Corinthian được làm bằng đá cẩm thạch trắng.
Tại đây vẫn còn lưu giữ nhiều mảnh tàn tích điêu khắc bằng đá cẩm thạch miêu tả các cảnh săn bắn.
Sơ đồ mặt bằng Cụm công trình Quảng trường Vàng, Tivoli, Ý
Mô hình Cụm công trình Quảng trường Vàng, Villa Adriana, Tivoli, Ý
Phối cảnh tổng thể tàn tích Cụm công trình Quảng trường Vàng, Villa Adriana, Tivoli, Ý
Tàn tích Cụm công trình Quảng trường Vàng, Villa Adriana, Tivoli, Ý
Tàn tích mái vòm tại Sảnh vào, Quảng trường Vàng, Villa Adriana, Rome, Ý
Sân vận động Nympheaum
Sân vận động Nympheaum (Stadio/ Nymphacum- Stadium, hình vẽ ký hiệu 32) là một tòa nhà có bố cục theo hướng bắc - nam, có mặt bằng chữ nhật, đầu phía nam hình bán tròn. Đây không phải là sân vận động thông thường, mà có chức năng nghỉ ngơi giải trí.
Quần thể chia thành 3 dải chức năng:
Dải chức năng phía nam (Quadriportico): Là một không gian mở, 4 phía có hành lang bao quanh. Tại đây có Đài phun nước hình bán nguyệt (NS20) với các bậc nước (tương tự như trong Cung điện Hoàng gia) dẫn đến đài phun nước nhỏ (NS21); Hàng hiên không mái che (Triclinio estivo/ NS17) là không gian với các cây cột đỡ mái dạng Ionic lộng lẫy bằng đá phiến và đá cẩm thạch trắng.
Dải chức năng chính giữa (Edificio con Tre Esedre) là khu vườn nội bộ rộng với mặt bằng hình vuông (NS15). Có hai hành lang tại mặt bắc và nam (NS14 và NS16) dẫn tới các tòa nhà lân cận.
Dải chức năng phía bắc (Pecile) là một tòa nhà có mái che. Bên trong có đài phun nước (NS12) cùng tác phẩm điêu khắc. Kề liền là khu vườn với bồn nước (NS9, 10, 11). Cuối phía bắc là 3 hốc tường (exedra) với hốc lớn đặt tại trung tâm (NS2).
Các bức bức bích họa trên tường và sản có màu sắc rực rỡ và được bảo quản tốt.
Sơ đồ mặt bằng Sân vận động, Villa Adriana, Tivoli, Rome, Ý
Hình ảnh phục dựng Bậc nước, tại Sân vận động, Villa Adriana, Tivoli, Rome, Ý
Tàn tích Sân vận động, Villa Adriana, Tivoli, Rome, Ý
Cung điện Mùa Đông
Cung điện Mùa Đông (Winter Palace/ Palazzo di Inverno, hình vẽ ký hiệu 33) theo chiều cao phân thành 3 cấp độ khác nhau với nhiều lối tiếp cận, gồm các hạng mục công trình chính:
Tầng dưới nằm bên dưới, ngang với Sân vận động Nymphaeum (Nymphacum- Stadium, hình vẽ ký hiệu 32), bao gồm các dãy phòng (PE2 đến PE9). Trong đó có phòng lớn nhất là PE6 với mái vòm rộng. Các phòng này được tiếp cận bằng lối vào từ Sân vận động Nymphaeum bằng 3 bậc thang (PE2, 4 và 9). Tất cả các phòng đều mở ra khu vườn của Sân vận động. Các phòng được lát theo kiểu Opus sectile (vật liệu được cắt và dát vào tường, sàn để tạo thành các bức tranh hoặc hoa văn) và hành lang (PE10) được khảm trên nền.
Tầng trung gian bao gồm 2 bệ nền (Terrapieno), được bao quanh bởi các hành lang có mái che lớn (Cryptoporticus) và các phòng phụ trợ (PE13 đến PE20). Bệ nền phía trên được bao quanh bởi 4 hành lang rộng (PE29-32) với các bức bích họa trang trí trên các bức tường. Tại đây có cầu thang (PE33 và PE34) dẫn lên tầng trên.
Tâng trên có một bồn nước lớn (được gọi là Peschiera, PI37), được bao quanh bởi 4 hành lang rộng (PI36) với các hốc hình bán nguyệt, hình chữ nhật xen kẽ nhau (là nơi đặt các bức tượng) và 4 hành lang ngoài cùng (PI35). Lối đi được khảm bằng đá trắng. Sàn Hành lang PI35 được lát theo kiểu Opus sectile, tường được phủ bằng đá cẩm thạch và trang trí cột kiểu Corinth.
Phía tây của công trình là một cụm các phòng phụ trợ rộng lớn và hoành tráng. Tất cả các phòng đều có hệ thống sưởi ấm vào mùa đông. Tại phòng PI39 và PI40 vẫn còn lưu lạt một số mảng nền lát đá cẩm thạch theo kiểu Opus sectile. Từ phòng trung tâm PI56 có thể ngắm nhìn toàn cảnh trên cao về phía Vườn Pecile. Tại phòng PI52 còn lưu lại tàn tích của 4 nhà vệ sinh nhỏ.
Cung điện Mùa Đông có thể là nơi ở riêng của hoàng đế và hoàng gia.
Sơ đồ mặt bằng tầng dưới Cung điện Mùa Đông, Villa Adriana, Tivoli, Rome, Ý
Sơ đồ mặt bằng tầng trên Cung điện Mùa Đông, Villa Adriana, Tivoli, Rome, Ý
Mô hình Cung điện Mùa Đông, Villa Adriana, Tivoli, Rome, Ý
Phối cảnh tàn tích Cung điện Mùa Đông, Villa Adriana, Tivoli, Rome, Ý
Tàn tích hành lang ngầm, Cung điện Mùa Đông, Villa Adriana, Tivoli, Rome, Ý
Cung điện Hoàng gia
Cung điện Hoàng gia (Imperial Palace/ Palazzo, hình vẽ ký hiệu 19) nằm giữa một cụm di tích: Phía bắc là Sân Thư viện (Palazzo/ Library Courtyard, hình vẽ ký hiệu 18); phía đông là Khu vườn rộng (Peristilio Esterno, hình vẽ ký hiệu 21); Phía nam là Tòa nhà có hàng cột Doric (Edifico con Pinastri Dorici, hình vẽ ký hiệu 22).
Cung điện Hoàng gia là một quần thể có bố cục trải dài theo hướng bắc nam, gồm nhiều không gian bố trí quanh các sân trong. Quần thể có các hạng mục công trình chính:
Phía đông của Cung điện, gồm: Hàng hiên chính thứ nhất (PI1, Peristilio Esterno) là lối vào vào từ phía đông, kề liền với Khu vườn rộng với các hàng cột bao quanh. Tiếp theo là Sảnh chính thứ nhất (PI3, Corte scoperta) là một không gian rộng và cao, được lát đá kiểu Opus spicatum (theo dạng xương cá). Phía nam của Sảnh là một không gian với các bậc nước bố trí theo dạng bán tròn (PI2, Ninfeo a gradoni). Phía bắc của Sảnh là một không gian bán tròn thông với Sân trong (PI29, Peristilio) với hàng hiên 4 phía bao quanh (PI28). Phía đông của Sân trong (PI29) là một dãy phòng, trong đó có thư viện.
Phía tây của Cung điện, gồm: Sân trong rộng (PI27), được giới hạn bởi các bức tường tại phía tây; phía tây bắc là dãy phòng riêng của hoàng đế, bao gồm phòng ngủ (PI8) và nhà vệ sinh riêng (PI10, 12). Bên trong Sân có vườn cây và đài phun nước.
Phía bắc của Cung điện, gồm: Sảnh chính thứ hai (PI 56, PI57) được tiếp cận từ 3 cầu thang lên từ phía Sân Thư viện. Ba mặt của Sảnh có hành lang PI62 và Hành lang PI55, dẫn vào khối trên. Sảnh có bố cục như một sân trong. Bên trong sân có các hàng cột và không gian phụ trợ. Hai bên của Sảnh chính thứ hai là các khối nhà phụ trợ. Khối phía nam bao gồm các dãy phòng bao quanh một sân trong (PI63); Sảnh chính thứ ba (PI48) có những phòng dành cho nhân viên và dịch vụ bên cạnh, trong đó có phòng PI46 và PI47 là một phòng ăn lớn mang tên Triclinio Centauri với hàng cột bên trong.
Trong cuộc khai quật vào năm 1779, đã phát hiện tại đây nhiều bức tranh tượng hình nhỏ được khảm rất tinh xảo.
Các bức tường phần lớn được xây dựng theo kiểu hỗn hợp (Opus mixtum), sử dụng đá xen kẽ với các lớp gạch thông thường.
Sơ đồ mặt bằng Cung điện Hoàng gia, Villa Adriana, Tivoli, Rome, Ý
Mô hình Cung điện Hoàng gia, Villa Adriana, Tivoli, Rome, Ý
Phối cảnh tổng thể tàn tích Cung điện Hoàng gia, Villa Adriana, Tivoli, Rome, Ý
Tàn tích Cung điện Hoàng gia, Villa Adriana, Tivoli, Rome, Ý
Vườn Pecile
Vườn Pecile (hình vẽ ký hiệu 28) là một khu vườn khép kín khổng lồ với một bồn nước lớn ở trung tâm. Công trình được mô phỏng theo quần thể Stoa Poikile ở Athens, một thành phố được Hoàng đế Hadrian ưa chuộng. Tại đây, các cấu trúc tự do kết hợp các yếu tố truyền thống của Hy Lạp và La Mã hiện đại.
Khu vườn bố cục theo hướng đông nam - tây bắc, có kích thước 232m x 97m, và là công trình có quy mô diện tích lớn nhất tại Khu biệt thự. Hai đầu của Khu vườn có dạng bán tròn.
Quần thể nằm trên một sân thượng, có các hạng mục công trình chính:
Phía bắc của Khu vườn, gồm Cổng đôi (PC1, PC2) với 2 hành lang, trong đó bức tường trung tâm xây dựng bằng hỗn hợp đá tuff và gạch, hiện vẫn đứng vững với các lỗ cho dầm mái.
Phía tây nam của Khu vườn là là cấu trúc kè chắn khổng lồ cao 15m, được gọi là Cento Camerelle; Kề liền là tuyến hành lang PC3.
Phía đông của Khu vườn là một hốc tường (PC5), là nơi đặt tượng và là lối vào phía đông của Khu vườn.
Phía đông nam của Khu vườn là cụm công trình mang tên Edificio con Tre Esedre (Triple Exedra Complex) với 3 hốc hình bán nguyệt; phần còn lại hình chữ nhật, bên trong là bể bơi.
Trung tâm của tổ hợp là một Hồ bơi rộng (PC4). Dọc theo 4 phía Hồ bơi là một hành lang với các cột và tường đỡ mái.
Bên dưới Hồ bơi là một tầng hầm, cao 4 tầng, phân thành 100 phòng nhỏ, kích thước tương tự nhau. Người ta cho rằng, các phòng này sử dụng làm nơi ở của nô lệ hoặc là kho lưu trữ hàng hóa phục cho người sống trong biệt thự.
Sơ đồ mặt bằng Vườn Pecile, Villa Adriana, Tivoli, Rome, Ý
Sơ đồ mô hình Vườn Pecile, Villa Adriana, Tivoli, Rome, Ý
Phối cảnh nhìn từ phía đông tàn tích Vườn Pecile, Villa Adriana, Tivoli, Rome, Ý
Phối cảnh nhìn từ phía tây tàn tích Vườn Pecile, Villa Adriana, Tivoli, Rome, Ý với kè chắn Hundred Chambers
3) Nhóm di tích thứ ba
Nhóm di tích thứ ba nằm kề liền phía nam Nhóm di tích thứ hai, gồm các di tích chính:
Nhà tắm lớn
Nhà tắm lớn (Grandi Terme/ Large Baths, hình vẽ ký hiệu 37) là một quần thể, có các hạng mục công trình chính:
Phòng tập thể dục có sân trung tâm (GT1), bao quanh là hành lang với hệ thống cột vòm, sàn lát đá. Có hai lối vào từ phía bắc và phía nam.
Sảnh chờ (GT7), mở ra phía trước, hai bên là hai hốc (GT5 và GT9) với mái vòm (Exedras) và hai hành lang (GT14 và 16) dẫn đến hệ thống spa với môi trường nóng và lạnh.
Phòng lạnh (Frigidarium/ GT22), là một trong ba buồng tắm chính của nhà tắm La Mã: Phòng ấm (Tepidarium), phòng nóng (Caldarium) và phòng lạnh (Frigidarium). Phòng lạnh có hai bồn nước lạnh (GT15 và GT 23), từng được bao phủ bởi những tấm đá cẩm thạch lớn màu trắng và có thể đi lên bằng các bậc thang. Trong bồn nước lạnh ký hiệu GT23 có hai cột lớn bằng đá cẩm thạch với đầu cột dạng Ionic. Phòng lạnh vẫn còn lưu lại tàn tích một phần vòm chữ thập, một phần vữa trát trần.
Phòng nóng (Caldarium/ GT26,27,28,30) nằm tại phía tây bắc của Nhà tắm.
Phòng tắm hơi hình tròn (Tholos o sudatio / GT34) nằm tại phía tây nam, được bao phủ bởi mái vòm, nằm kề liền Phòng nóng. Trong Phòng hình tròn vẫn còn vết tích của các bức bích họa trong hai hốc tường.
Phòng vệ sinh nằm tại hành lang (GT11).
Tại đây còn lưu lại hệ thống sưởi ấm dưới sàn và hành lang dịch vụ ngầm (GT33, 36, 41, 42), nơi đặt các lò đun nước.
Toàn bộ Nhà tắm lớn được lát hoàn toàn bằng khảm trắng không trang trí, được đóng khung bởi một hoặc nhiều dải màu đen.
Người ta cho rằng Nhà tắm lớn dành cho người phục vụ của Biệt thự.
Sơ đồ mặt bằng Nhà tắm lớn, Villa Adriana, Tivoli, Rome, Ý
Mô hình Nhà tắm lớn, Villa Adriana, Tivoli, Rome, Ý
Tàn tích Phòng tắm lạnh, Nhà tắm lớn, Villa Adriana, Tivoli, Rome, Ý
Tàn tích Bể bơi, Nhà tắm lớn, Villa Adriana, Tivoli, Rome, Ý
Phòng tắm nhỏ
Phòng tắm nhỏ (Piccole Terme/ Small Baths, hình vẽ ký hiệu 36) nằm cạnh Phòng tắm lớn. Kề liền là không gian Tiền sảnh (Vestibolo). Đây là một trong những tòa nhà phức tạp và đặc biệt nhất của Villa Adriana, với các phòng có hình dạng và kích thước khác nhau được bao phủ bởi các mái vòm có hình dạng đa dạng nhất.
Nhà tắm nhỏ có các hạng mục công trình chính:
Lối vào chính từ phía tây của Quần thể (PT14, PT16) gắn liền với hành lang PT13, nơi vẫn còn một bức bích họa tuyệt đẹp với các dải màu đỏ.
Phòng thay đồ (PT17) cạnh Hành lang PT13. Gần đó có một nhà vệ sinh PT15.
Lối vào chính từ phía bắc dẫn vào Phòng tập thể dục (PT2), được bao quanh bởi mái cổng có cột trụ.
Phòng lạnh (Frigidarium, PT3) có lối vào từ Phòng tập thể dục. Phòng lạnh được lát bằng các tấm đá đỏ tạo thành các bức tranh (Opus sectile). Phòng lạnh có hai bể lớn chứa nước lạnh (PT4, PT5), được bao phủ bằng đá cẩm thạch trắng.
Hành lang PT16 và PT7 tại phía bắc của Phòng lạnh (PT5) vẫn còn giữ lại một số phần của bức tranh khảm (Opus sectile) thuộc loại đẹp nhất trong Biệt thự.
Phòng bát giác (PT19) là một trong những kiệt tác của kiến trúc Hadrianic. Phòng có 4 cạnh phẳng và 4 cạnh lồi, bên trên là một mái vòm lớn. Từ Phòng bát giác có lối đi tới các phòng xung quanh, là loại phòng có hệ thống sưởi.
Phòng nóng (PT 24,26,27) có bể chứa nước nóng với các bồn tắm nhỏ chứa nước nóng. Trong phòng PT28 còn lưu lại tàn tích dấu vết của một nồi hơi để đun nóng nước. Tại phòng PT22 có một bồn tắm nước nóng lớn. Các phòng nóng được phục vụ bởi một loạt các hành lang ngầm, nơi đặt các lò đun nước nóng.
Phòng tắm nhỏ được cho là phục vụ cho Hoàng đế và hoàng gia.
Sơ đồ mặt bằng Nhà tắm nhỏ, Villa Adriana, Tivoli, Rome, Ý
Mô hình Nhà tắm nhỏ, Villa Adriana, Tivoli, Rome, Ý
Phối cảnh tàn tích Nhà tắm nhỏ, Villa Adriana, Tivoli, Rome, Ý
Tàn tích mái vòm bên trong Nhà tắm nhỏ, Villa Adriana, Tivoli, Rome, Ý
Ngoài Phòng tắm lớn, Phòng tắm nhỏ tại đây còn có Phòng tắm được sưởi ấm bằng năng lượng mặt trời (Thermae with Heliocaminus)
Hồ Canopo
Hồ Canopo (Canopus, hình vẽ ký hiệu 51) nằm tại phía tây của Khu vực Di sản, tiếp giáp với bậc thềm sân phía tây (West Terrace). Công trình được bố trí trong một thung lũng nhỏ, dài, được bao bọc bởi bức tường ở phía đông và các công trình phụ dành cho nhân viên phục vụ ở phía đối diện.
Công trình lấy tên từ một hòn đảo trên sông Nile ở Ai Cập, nơi tôn thờ vị thần Hy Lạp - Ai Cập là Serapis, thần Địa ngục. Ngoài ra, được cho là lấy cảm hứng từ kênh Canopus nổi tiếng gần thành phố Alexandria, Ai Cập, nơi tổ chức những bữa tiệc hoành tráng vào mùa hè và ban đêm. Công trình còn như một đền Hy Lạp (Serapeum).
Hồ Canopo được xây dựng vào năm 123-124 sau Công Nguyên.
Cụm công trình gồm hai khối chính:
Khối Hồ (Canopus/ Euripo): Có chiều dài 121,4m, rộng 18m. Hồ được bao quanh bởi một dãy cột theo kiểu Corinthian tại phía đông và dạng người phụ nữ (Caryatids) và đàn ông (Sileni) ở phía tây. Giữa các cột là các bức tượng điêu khắc Hy Lạp, trong đó có tượng thần Hermes (là một trong 12 vị thần trên đỉnh Olympus của thần thoại Hy Lạp). Xung quanh Hồ được trang trí bởi các hốc, đài phun nước.
Khối các công trình (Serapeum): Tập trung tại phía nam của Khối Hồ, có chức năng là nhà ăn mùa hè (Triclinium). Phòng chính (CA2) của Nhà ăn có hình bán nguyệt, được bao phủ bởi một mái vòm có các đoạn, lõm và phẳng xen kẽ nhau, được khảm trang trí. Chính giữa phòng là chiếc ghế hình bán nguyệt (stibadio) để khách ngồi nghỉ bên dòng nước chảy xung quanh. Xung quanh phòng là các hốc hình bán nguyệt (CA3 – CA10), bên trong đặt tượng.
Nguồn nước cho công trình đến từ tuyến kênh nằm trên mái của phòng mang tên Antro (CA1). Nước được tích tụ vào Bể chứa hình bán nguyệt tại CA2, dẫn tới Bể chứa hình chữ nhật CA31 và dẫn tới Hồ bơi.
Giữa Bể chứa CA2 và CA31 là một hành lang rộng (CA21 – CA25) và các phòng phục vụ (CA26 – 30) tại phía tây và các phòng phục vụ (CA32- 36) tại phía đông với bố cục hoàn toàn đối xứng.
Tại phía tây là hành lang có mái che (Cryptoporticus CA11) dạng bán ngầm, trần dạng vòm thùng với các lỗ lấy ánh sáng hình tứ giác. Hành lang được trang trí bằng các bức bích họa.
Công trình được trang trí như một kiến trúc hang động. Sàn được lát chủ yếu theo kiểu Opus sectile (vật liệu được cắt và dát vào tường, sàn để tạo thành các bức tranh hoặc hoa văn). Các bồn rửa, đài phun nước và kênh dẫn nước được bao phủ bằng đá cẩm thạch trắng. Các bức tường được bao phủ bằng đá cẩm thạch và mái vòm có dấu vết khảm màu.
Công trình Hồ Canopo nhấn mạnh tầm quan trọng của không gian trong quy hoạch của người La Mã. Đồng thời có thể thấy tầm quan trọng của tính đối xứng và hình khối trong thiết kế kiến trúc, nơi các vòm và đường thẳng được kết hợp để tạo nên một thiết kế hài hòa.
Sơ đồ mặt bằng Hồ bơi Canopo, Villa Adriana, Tivoli, Rome, Ý
Phối cảnh tổng thể tàn tích Hồ bơi Canopo, Villa Adriana, Tivoli, Rome, Ý
Một góc tàn tích Hồ bơi Canopo, Villa Adriana, Tivoli, Rome, Ý
Tượng thần Hermes nằm giữa hai cột, Hồ bơi Canopo, Villa Adriana, Tivoli, Rome, Ý
4) Nhóm di tích thứ tư
Nhóm di tích thứ tư bao gồm:
Tháp Roccabruna
Tháp Roccabruna (Roccabruna Tower/ Torre di Roccabruna, hình vẽ ký hiệu 53) nằm tại phía tây nam Khu vực Di sản, trên một sườn núi, thống trị cảnh quan vùng nông thôn xung quanh.
Phía nam của Tháp là cụm công trình Học viện (Academy), như một sân thượng kéo dài.
Hiện đây chỉ còn lại tàn tích của một ngôi tháp nhỏ.
Tháp cao 2 tầng, gồm tầng bệ và tầng tháp.
Tầng bệ: Là một cụm các không gian chính: Lối vào chính tầng bệ là một hành lang (trong hình vẽ ký hiệu Rb2 và Rb5). Hai bên hành lang là hai phòng (Rb3-4) có mặt bằng hình vuông, một phần dạng bán vòm, bên tên có mái vòm lớn. Trung tâm của tầng bệ là một phòng (Rb6) có 4 hốc hình bán nguyệt và 4 hốc hình chữ nhật. Bên trong các hốc tường đặt tượng. Bên trên làm một mái vòm đỡ sàn của tầng tháp. Tại góc phía nam có một nhà tiêu (Rb8). Phía đông nam của phần bệ là bờ kè với các hốc tường (Rb10 - Rb20) và cầu thang lên tầng trên (Rb9, Rb23). Tại phía đông bắc của phần bệ có một bậc dài dẫn lên tầng tháp.
Tầng tháp: Là một ngôi nhỏ, có mặt bằng hình bát giác với 16 cột Doric bao quanh.
Bên dưới Tháp có một đường hầm dành riêng cho người phục vụ nối từ Tháp Roccabruna đến Học viện (Academy) và tuyến đường ngầm lớn mang tên Great Trapezium.
Ngoài vai trò là tháp quan sát, Tháp Roccabruna còn được cho là đài thiên văn, liên quan đến việc bố cục của tòa tháp nghiêng một góc 23,44 độ (độ nghiêng tối đa của Trái đất đối với Mặt trời) là ngày có thời gian sáng dài nhất. Không một công trình nào của Quần thể có bố cục nghiêng như vậy.
Tháp cũng được cho là đền thờ thần Isis (nữ thần bảo trợ các vị vua theo tín ngưỡng Ai Cập, Hy Lạp và La Mã).
Các phòng và hành lang của tòa tháp đều được lát khảm.
Sơ đồ mặt bằng Tháp Roccabruna, Villa Adriana, Tivoli, Rome, Ý
Mô hình Tháp Roccabruna, Villa Adriana, Tivoli, Rome, Ý
Tàn tích lối vào chính Tháp Roccabruna, Villa Adriana, Tivoli, Rome, Ý
Học viện
Học viện (Academy, hình vẽ ký hiệu 55) nằm tại rìa phía nam Khu vực Di sản. Hiện công trình chỉ còn lại tàn tích.
Công trình được bao quanh bởi các bức tường chắn tại phía đông và được tiếp cận bởi nhiều lối đi.
Học viện là một cụm công trình bao quanh một sân trong, gồm các công trình chính:
Sân trong trung tâm là khu vườn rộng lớn với các bức tường bao cao, tạo cho nơi đây trở thành một khu vườn bí mật, khép kín. Bốn phía của vườn là hàng hiên với các hàng cột.
Phía đông của Sân trong là Đền thờ Apollo, là cấu trúc được bảo tồn tốt nhất và quan trọng nhất của cụm di tích. Công trình có mặt bằng hình tròn, đường kính 12m, với các hốc tường hình chữ nhật, bên trong có những bức tranh khảm. Các bức tường được bao phủ hoàn toàn bằng đá cẩm thạch.
Phía nam của Đền thờ Apollo là một căn phòng rộng lớn có mái vòm, được gọi là Zooteca.
Phía đông bắc của Sân trong là một cụm công trình gắn với Đền thờ Apollo.
Phía bắc của Sân trong là một công trình mang tên Padiglione, có mặt bằng được tạo bởi các đường tròn và bán tròn.
Phía nam của Sân trong là các cụm phòng, hiện đã bị san phẳng.
Tại đây người ta đã phát hiện được các lối đi ngầm bên dưới công trình.
Sơ đồ mặt bằng Học viện, Villa Adriana, Tivoli, Rome, Ý
Mô hình Học viện, Villa Adriana, Tivoli, Rome, Ý
Phối cảnh tàn tích Học viện, Villa Adriana, Tivoli, Rome, Ý
Tàn tích Đền thờ Apollo, Học viện, Villa Adriana, Tivoli, Rome, Ý
5) Nhóm các di tích khác
Cấu trúc ngầm
Cấu trúc ngầm bao gồm các hầm lưu trữ và các phòng trưng bày dưới lòng đất.
Nổi bật trong số đó là công trình ngầm mang tên Great Trapezium, gồm 4 đoạn dài 350m, 300m, 125 m và 100m, cao và rộng gần 4m. Đây là không gian ngầm dành cho lưu trữ thực phẩm, rượu, dầu thắp đèn, trang thiết bị ngôi nhà, củi để đốt lò sưởi và lối đi dành cho người phục vụ. Từ đây nối với mạng lưới đường hầm khác dẫn đến các tòa nhà trong Khu Biệt thự.
Sơ đồ 4 nhánh Đường hầm Great Trapezium, Villa Adriana, Tivoli, Rome, Ý
Tàn tích bên trong Đường hầm Great Trapezium, Villa Adriana, Tivoli, Rome, Ý
Di sản Villa Adriana tại Tivoli, Rome, Ý là một khu phức hợp đặc biệt, gồm các tòa nhà cổ điển được tạo ra vào thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên bởi hoàng đế La Mã Hadrian. Di sản tích hợp những yếu tố tốt nhất của văn hóa kiến trúc Ai Cập, Hy Lạp và La Mã dưới hình thức một "Thành phố lý tưởng" là một kiệt tác độc đáo, đồng bộ hóa được những biểu hiện cao nhất của nền văn hóa vật chất của thế giới Địa Trung Hải cổ đại. Việc nghiên cứu Di sản có một vai trò quan trọng trong việc khám phá lại các yếu tố kiến trúc thời Phục hưng và Baroque. Di sản có ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều kiến trúc sư và nhà thiết kế sau này.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn:
https://whc.unesco.org/en/list/907/
https://en.wikipedia.org/wiki/Italy
https://it.wikipedia.org/wiki/Villa_(storia_romana)
https://en.wikipedia.org/wiki/Hadrian%27s_Villa
https://it.wikipedia.org/wiki/Villa_Adriana
https://villa-adriana.net/plastics.aspx?id=39&descCat=PLANIMETRIE&sez=pi
https://nanquick.com/2018/02/18/the-treasures-of-tivoli-italy-part-one-explorations-of-the-archaeological-complex-at-villa-adriana/
http://vwhl.soic.indiana.edu/villa/greektheater.php
https://ancienttheatrearchive.com/theatre/tibur-tivoli-rome-greek-theatre/
https://www.miaroma.it/antica-roma-villa-adriana/venere
http://web.mit.edu/21h.405/www/hadrian
https://villa-adriana.net
https://everything-everywhere.com/villa-adriana-tivoli-italy/
https://www.bomarzo.net/villa_adriana_piazza_oro_it.html
https://www.tibursuperbum.it/ita/monumenti/villaadriana/TempioVenere.htm
https://www.youtube.com/watch?v=Kcnf_UfppOU
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi
|