Thông tin chung:
Công trình: Địa điểm khảo cổ Mycenae và Tiryns (Archaeological Sites of Mycenae and Tiryns)
Địa điểm: Quận Argolis, Vùng Peloponnesos, Hy Lạp (N37 43 60 E22 45 0)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Diện tích Di sản 190ha
Năm xây dựng:
Giá trị: Di sản thế giới (1999; hạng mục i; ii; iii; iv; vi)
Hy Lạp (Greece) là một quốc gia nằm ở Đông Nam Châu Âu, cực nam của Balkans; ngã tư của Châu Âu, Châu Á và Châu Phi. Hy Lạp có chung biên giới đất liền với Albania về phía tây bắc, North Macedonia và Bulgaria về phía bắc, Thổ Nhĩ Kỳ về phía đông bắc; giáp biển Aegean ở phía đông, biển Ionian ở phía tây, biển Cretan và Địa Trung Hải ở phía nam.
Hy Lạp có diện tích 131957km2, dân số khoảng 10,41 triệu người (năm 2023).
Hy Lạp ngày nay được phân thành 7 vùng, 14 quận (khu) với 332 thành phố. Athens là thành phố thủ đô và lớn nhất, thuộc khu vực Attica.
Hy Lạp được coi là cái nôi của nền văn minh phương Tây, là nơi sinh của nền dân chủ, triết học, văn học, nghiên cứu lịch sử, khoa học chính trị, toán học và một số ngành khoa học khác; đề tài cho nhiều bộ phim phương Tây và Thế vận hội Olympic.
Từ thế kỷ 8 trước Công nguyên (TCN), Hy Lạp gồm nhiều thị quốc (thành bang) độc lập, được gọi là poleis (số ít là polis - thành phố; chữ polis trong Acropolis có ý nghĩa như vậy), kéo dài tới vùng Địa Trung Hải và Biển Đen.
Các thị quốc Hy Lạp liên kết thành Liên minh Delian (Delian League, thành lập năm 478 TCN).
Vào thế kỷ 4 TCN, vua Argead Philip II (trị vì năm 359–336 TCN) của tiểu quốc Macedonia đã thống nhất phần lớn đất nước Hy Lạp ngày nay. Con trai của ông là Alexander Đại đế (Alexander the Great, trị vì năm 336- 323 TCN) nhanh chóng chinh phục mở rộng lãnh thổ, từ đông Địa Trung Hải đến Ấn Độ, tạo ra một trong những đế chế lớn nhất thời bấy giờ. Từ đây mở ra một thời kỳ đỉnh cao của văn hóa Hy Lạp, ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa La Mã cổ đại và vẫn còn tác động nên các nền văn minh phương Tây.
Hy Lạp bị Cộng hòa La Mã (Roman Republic, tồn tại năm 509 – 27 TCN) thôn tính vào thế kỷ 2 TCN, trở thành một phần không thể thiếu của Đế chế La Mã (Roman Empire, tồn tại năm 27 TCN – 476) và vương quốc tiếp theo là Đế chế Byzantine (Byzantine Empire, tồn tại năm 395–1453). Cả hai đế chế này đều sử dụng ngôn ngữ và văn hóa Hy Lạp.
Về tôn giáo, Chính Thống giáo Hy Lạp (Greek Orthodox Church) xuất hiện trong thế kỷ 1, đã góp phần hình thành bản sắc của Hy Lạp hiện đại và lan truyền văn hóa Hy Lạp tới các vùng đất theo Chính Thống giáo Hy Lạp.
Thế kỷ 15, Hy Lạp nằm dưới sự thống trị của Đế chế Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ (Ottoman Empire, tồn tại năm 1299–1922). Hy Lạp giành lại độc lập vào năm 1830.
Hy Lạp (Hellenic Republic) là một quốc gia có hệ thống di tích lịch sử phong phú, phản ánh một phần qua 19 Di sản Thế giới được UNESCO công nhận (đến năm 2023).
Bản đồ Hy Lạp và vị trí quận Argolis, Peloponnese
Bản đồ Đông Địa Trung Hải và Trung Đông trong thế kỷ 14 TCN; Vùng đất Mycenaean Hy Lạp màu tím
Địa điểm khảo cổ Mycenae và Tiryns, nằm trong quận Argolis ở đông bắc vùng Peloponnese (là một trong 14 đơn vị hành chính cấp 2 của Hy Lạp). Quận có diện tích 2154km2, dân số khoảng 97 ngàn người (2011), thủ phủ là thành phố Nafplio.
Địa điểm khảo cổ Mycenae, cùng với Địa điểm khảo cổ Tiryns gần đó, là trung tâm của nền văn minh Mycenaean (Mycenaean civilization) và là minh chứng cho sự phát triển của Nền văn minh Hy Lạp.
Địa điểm khảo cổ Mycenae và Tiryns, được coi là đỉnh cao của giai đoạn đầu của Nền văn minh Hy Lạp, là minh chứng độc đáo về sự phát triển chính trị, xã hội và kinh tế; về nghệ thuật, kiến trúc và công nghệ của Nền văn minh Mycenaean, truyền cảm hứng cho cả nền văn minh châu Âu.
Địa điểm khảo cổ Mycenae và Tiryns là tàn tích hùng vĩ của hai thị quốc lớn nhất của Nền văn minh Mycenaean, nổi tiếng về những thành tựu kỹ thuật và nghệ thuật cũng như sự giàu có về tinh thần, lan rộng khắp thế giới Địa Trung Hải trong khoảng thời gian từ năm 1600 đến 1100 TCN và đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của văn hóa Hy Lạp cổ điển (Classical Greek culture).
Hệ thống hành chính nguy nga, kiến trúc hoành tráng, những đồ tạo tác ấn tượng và những bằng chứng đầu tiên về ngôn ngữ Hy Lạp, Linear B, là những yếu tố độc đáo của văn hóa Mycenaean (Mycenaean culture); một nền văn hóa đã truyền cảm hứng cho nhà thơ vĩ đại Homer sáng tác những bài thơ sử thi nổi tiếng của ông.
Cổng Sư Tử, Kho báu Atreus (Lăng mộ Agamemnon) và các bức tường của Thành cổ Tiryns là những ví dụ về kiến trúc đáng chú ý, được tìm thấy ở Mycenae và Tiryns. Cấu trúc và bố cục của những di tích này thể hiện tài năng sáng tạo của con người thời bấy giờ.
Thành cổ Mycenae (Citadel of Mycenae), với vị trí chiến lược để kiểm soát Đồng bằng Argolid (Argolid Plain), là vương quốc của Agamemnon thần thoại (Mythical Agamemnon), là trung tâm nguy nga quan trọng và giàu có nhất của Thời kỳ Đồ đồng muộn (Late Bronze Age) ở Hy Lạp. Tên của nó được đặt cho một trong những nền văn minh vĩ đại nhất thời tiền sử Hy Lạp, nền văn minh Mycenaean (Mycenaean civilization). Trong đó, những huyền thoại liên quan đến lịch sử, những người cai trị và gia tộc của họ đã truyền cảm hứng cho các nhà thơ, nhà văn và nghệ sĩ, qua nhiều thế kỷ, từ cổ đại đến hiện đại.
Thành cổ Tiryns, nằm cách Thành cổ Mycenae 20 km về phía đông bắc trên một ngọn đồi thấp gần vịnh Argolic (Argolic Gulf), là một ví dụ điển hình khác về Nền văn minh Mycenaean. Những bức tường ấn tượng được xây bằng đá, còn lớn hơn cả Thành cổ Mycenae, được coi là một thành tựu vượt xa khả năng con người, và được cho là xây dựng bởi Cyclops, những người khổng lồ thần thoại.
Địa điểm khảo cổ Mycenae và Tiryns tại Argolis, Hy Lạp được UNESCO tôn vinh là Di sản thế giới (năm 1999) với tiêu chí:
Tiêu chí (i): Kiến trúc và xây dựng tại Địa điểm khảo cổ Mycenae và Tiryns, như Cổng Sư tử, Kho báu Atreus và các bức tường của Thành cổ Tiryns, là những ví dụ nổi bật về tài năng sáng tạo của con người.
Tiêu chí (ii): Nền văn minh Mycenaean (Mycenaean civilisation), minh họa qua Mycenae và Tiryns, có ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của kiến trúc, thiết kế đô thị và các hình thức văn hóa đương đại.
Tiêu chí (iii): Mycenae và Tiryns là bằng chứng độc đáo cho sự phát triển chính trị, xã hội và kinh tế của Nền văn minh Mycenaean, đại diện cho đỉnh cao giai đoạn đầu của Nền văn minh Hy Lạp.
Tiêu chí (iv): Cả hai địa điểm đều là ví dụ nổi bật về những thành tựu của Nền văn minh Mycenaean trong lĩnh vực nghệ thuật, kiến trúc và công nghệ, đặt nền móng cho sự phát triển của các nền văn hóa châu Âu sau này.
Tiêu chí (vi): Mycenae và Tiryns có mối liên hệ mật thiết với sử thi Homeric, Iliad và Odyssey, đã ảnh hưởng sâu sắc đến văn học và nghệ thuật châu Âu trong hơn ba thiên niên kỷ.
Nền văn minh Mycenaean
Mycenae là một chế độ quân chủ. Vương quốc Mycenae là liên minh giữa các thị quốc.
Vào thiên niên kỷ thứ hai TCN, Mycenae là một trong những trung tâm lớn của Nền văn minh Hy Lạp, một thành trì quân sự thống trị phần lớn miền nam Hy Lạp, đảo Crete, nhóm đảo Cyclades và một phần phía tây nam Anatolia (Tiểu Á, thuộc Thổ Nhĩ Kỳ).
Nền văn minh Mycenaean thuộc giai đoạn cuối của Thời đại Đồ đồng ở Hy Lạp cổ đại, kéo dài từ khoảng năm 1750 đến năm 1050 TCN. Nó đại diện cho Nền văn minh Hy Lạp và sự khác biệt đầu tiên ở lục địa Hy Lạp với các thị quốc nguy nga, quy hoạch đô thị, tác phẩm nghệ thuật và hệ thống chữ viết.
Người Mycenaean đã đưa ra một số đổi mới trong lĩnh vực kỹ thuật, kiến trúc và cơ sở hạ tầng; giao lưu thương mại trên các khu vực rộng lớn của Địa Trung Hải để tạo sức mạnh cho nền kinh tế. Hệ thống chữ viết âm tiết của họ (Linear B), cung cấp những ghi chép đầu tiên bằng văn bản về ngôn ngữ Hy Lạp. Tôn giáo của họ, gồm các vị thần, cũng được lưu danh trong đền thờ Olympic.
Nền văn minh Mycenaean được thống trị bởi một xã hội tinh hoa chiến binh và bao gồm một mạng lưới các thị quốc; Phát triển các hệ thống phân cấp, chính trị, xã hội và kinh tế tập trung (tập quyền); Đứng đầu xã hội là nhà vua (lãnh chúa, được gọi là wanax), giám sát hầu như tất cả các khía cạnh của cuộc sống trong cung điện, từ tiệc tùng, tôn giáo và lễ vật đến việc phân phối hàng hóa, thợ thủ công và quân đội.
Nền văn minh Mycenaean (Mycenaean civilization/ Mycenaean Greece) còn nổi bật bởi các đặc trưng: Tôn giáo gắn với hệ thống các vị thần Hy Lạp; Hệ thống hành chính, kinh tế và văn hóa tập quyền lấy cung điện làm trung tâm; Khối xây kiểu Cyclopean; Các bản chạm khắc chữ Linear B; Sử thi Homeric.
Tôn giáo Mycenaean gắn với hệ thống các vị thần Hy Lạp và liên quan đến lễ vật và hiến tế cho các vị thần.
Khối xây kiểu Cyclopean (Cyclopean masonry) tạo lên các di tích chính như Cổng Sư tử, Kho báu Atreus và các bức tường thành bảo vệ cung điện ở Mycenae và Tiryns. Khối xây kiểu Cyclopean là một loại cấu trúc được xây dựng bằng những tảng đá vôi khổng lồ, không đều nhau, được xếp chồng lên nhau không cần vữa (Dry stone). Thuật ngữ Cyclopes xuất phát từ niềm tin của người Hy Lạp cổ điển rằng chỉ có người Cyclopes thần thoại mới có đủ sức mạnh để di chuyển những tảng đá khổng lồ, tạo nên các bức tường của Thành cổ Mycenae và Tiryns.
Linear B là một hệ thống chữ viết âm tiết (Syllabary) được sử dụng để viết bằng tiếng Hy Lạp Mycenaean, dạng ngôn ngữ Hy Lạp được chứng thực sớm nhất. Chữ viết này có trước bảng chữ cái Hy Lạp vài thế kỷ. Những ví dụ sớm nhất được biết đến có niên đại khoảng năm 1400 TCN. Nó được chuyển thể từ chữ Linear A trước đó. Linear B, được tìm thấy chủ yếu trong kho lưu trữ cung điện ở Knossos, Kydonia, Pylos, Thebes và Mycenae, biến mất cùng với sự sụp đổ của nền văn minh Mycenaean cuối Thời kỳ Đồ đồng.
Linear B bao gồm khoảng 87 ký hiệu âm tiết và hơn 100 ký hiệu tượng hình. Những chữ tượng hình hoặc dấu hiệu biểu hiện này tượng trưng cho đồ vật hoặc hàng hóa. Chúng không có giá trị ngữ âm và không bao giờ được sử dụng làm dấu hiệu từ trong văn bản. Một khi các cung điện bị phá hủy, chữ viết cũng biến mất.
Thời kỳ Mycenaean đã trở thành bối cảnh lịch sử của nhiều nền văn học và thần thoại Hy Lạp cổ đại.
Vương quốc Mycenae huyền thoại gắn với nhiều truyền thuyết liên quan đến sự mở mang bờ cõi của người Hy Lạp, cuộc chiến chống cướp biển và các cuộc tranh giành quyền lực trong nội bộ. Mycenae và Tiryns được kết nối chặt chẽ với sử thi Homeric (nhà thơ Hy Lạp Homer, thế kỷ thứ 8 TCN), được coi là tác giả của hai bài thơ sử thi nổi tiếng Iliad và Odyssey; những câu truyện về các vị vua của Mycenae, trong đó có Triều đại Perseid (mở đầu của Vương quốc Mycenae); Triều đại Atreid (liên quan đến việc tranh giành quyền lực trong vương tộc). Những bài thơ sử thi của Homer đã định hình các khía cạnh của văn hóa và giáo dục Hy Lạp cổ đại, nuôi dưỡng lý tưởng về chủ nghĩa anh hùng, vinh quang và danh dự; truyền cảm hứng cho nhiều tác phẩm văn học, âm nhạc, nghệ thuật và điện ảnh.
Nền văn minh Mycenaean diệt vong cùng với sự sụp đổ của văn hóa Thời đại Đồ đồng ở phía đông Địa Trung Hải. Tiếp theo là Thời kỳ đen tối của Hy Lạp (Greek Dark Ages, năm 1100 - 750 TCN). Đây là thời kỳ xảy ra những thay đổi đáng kể, từ các hình thức tổ chức kinh tế xã hội tập trung sang phi tập trung; cung điện và các thị quốc của người Mycenaen bị phá hủy hoặc bỏ hoang. Trong vòng ba trăm năm này, người dân Hy Lạp sống thành từng nhóm nhỏ di chuyển liên tục phù hợp với lối sống mục vụ và nhu cầu chăn nuôi mới của họ.
Có nhiều quan điểm khác nhau về sự sụp đổ của nền văn minh Mycenaean: Chiến tranh với các quốc gia bên ngoài; Tranh dành nội bộ; Do hệ thống xã hội bị bị phân cấp và hệ tư tưởng của các lãnh chúa không theo kịp với tư tưởng của dòng người di cư; Biến đổi khí hậu và động đất…
Vào thời điểm thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên, khu vực này đã chỉ còn lại tàn tích của các bức tường và cổng. Những tàn tích này còn được nhìn thấy vào thế kỷ 5, sau đó rơi vào quên lãng cho đến thế kỷ 17 mới được khám phá.
Vào thế kỷ 19, nhiều tàn tích của Mycenae và Tiryns được khám phá. Công việc khai quật, nghiên cứu vẫn tiếp tục cho đến ngày nay.
Địa điểm khảo cổ Mycenae
Địa điểm khảo cổ Mycenae (Archaeological Site of Mycenae) nằm gần Mykines ở khu vực Argolis, đông bắc bán đảo Peloponnese, Hy Lạp (N37 43 60,00; E22 45 0,00). Địa điểm này nằm cách Athens khoảng 120 km về phía tây nam, cách Vịnh Saronic 19 km và được xây dựng trên một ngọn đồi cao 274m so với mực nước biển. Diện tích Di sản 120 ha.
Nằm ở góc đông bắc của đồng bằng Argive, Mycenae dễ dàng nhìn ra toàn bộ khu vực và có vị trí lý tưởng để trở thành trung tâm quyền lực, đặc biệt là vì nó khống chế mọi tuyến đường đến dải đất hẹp Isthmus (Isthmus of Corinth nối bán đảo Peloponnese với phần còn lại của lục địa Hy Lạp, gần thành phố Corinth. Bên cạnh vị trí chiến lược và phòng thủ vững chắc, nơi đây còn có đất nông nghiệp tốt và nguồn cung cấp nước đầy đủ.
Vào Thời kỳ Đồ đá mới (khoảng 5000– 4000 TCN) nơi này đã có người định cư.
Vào thiên niên kỷ thứ hai TCN, Mycenae là một trong những trung tâm lớn của Nền văn minh Hy Lạp, một thành trì quân sự thống trị phần lớn miền nam Hy Lạp, đảo Crete, nhóm đảo Cyclades và một phần phía tây nam Anatolia (Tiểu Á, thuộc Thổ Nhĩ Kỳ).
Thời kỳ lịch sử Hy Lạp từ khoảng năm 1600 TCN đến khoảng năm 1100 TCN được gọi là Mycenaean liên quan đến Mycenae. Vào thời kỳ đỉnh cao năm 1350 TCN, thị quốc Mycenae có dân số 30.000 người và diện tích 32 ha.
Vào Thời kỳ Đồ đồng sớm và giữa (khoảng năm 3200 TCN – năm 1050 TCN, dân số đã tăng lên đáng kể.
Vào Thời kỳ Đồ đồng muộn, Mycenae đã phát triển thành một cường quốc (khoảng 1550 – khoảng 1450 TCN) và đã trở thành trung tâm chính của Nền văn minh Aegean trong suốt thế kỷ 15 TCN. Trong khoảng thời gian hai trăm năm kể từ khoảng 1400 TCN - 1200 TCN được gọi là Thời đại Mycenaean.
Sự mở rộng của Mycenaean ra khắp vủng biển Aegean không bị cản trở, cho đến khi có sự gián đoạn xã hội lớn vào nửa đầu thế kỷ 12 TCN chấm dứt Nền văn minh Mycenaean và lên đến đỉnh điểm là sự hủy diệt của chính Thành cổ Mycenae vào khoảng năm 1150 TCN.
Nguyên nhân có thể đến từ sự tấn công từ bên ngoài, xung đột nội bộ và các thảm họa thiên nhiên như động đất. Thành cổ Mycenae đã được xây dựng lại một phần sau sự phá hủy này, mặc dù nó không còn là trung tâm của một bộ máy quan liêu tập trung. Sau thời kỳ này, Thành cố Mycenaean vẫn có dân cư thưa thớt cho đến thời kỳ Hy Lạp hóa và bị bỏ hoang.
Tàn tích của Mycenae được phát hiện vào vào năm 1802, được khai quật vào năm 1874–1876.
Các cuộc khai quật ở Thành cổ Mycenae đã cho thấy nhiều vũ khí, kiếm, khiên, đồ gốm và các công cụ sinh hoạt hàng ngày, hiện được trưng bày tại Bảo tàng Khảo cổ học Mycenae.
Sơ đồ vị trí các di tích chính tại Địa điểm khảo cổ Mycenae, Argolis, Hy Lạp: 1) Cổng Sư Tử; 2) Vòng tròn mộ A; 3) Vòng tròn mộ B; 4) Lăng mộ Clytemnestra; 5) Lăng mộ Agamemnon hay Kho báu Atreus, 6) Cung điện Mycenae; 7) Hố chứa nước; 8) Bảo tàng Khảo cổ học Mycenae.
Tường thành Mycenae
Tường thành Mycenae (Fortifications of Mycenae) là những bức tường bao quanh Thành cổ Mycenae, tạo thành một thành lũy (Acropolis) có vai trò phòng thủ, còn gọi là vệ thành. Tòa thành được xây dựng trên một ngọn đồi với các sườn dốc và có các bức tường vòng tròn bao quanh. Tòa thành không chỉ bảo vệ cho tầng lớp thượng lưu sống bên trong mà còn cho những nông dân thuộc tầng lớp thấp hơn ở các khu vực xung quanh ẩn náu khi có chiến tranh.
Vệ thành Mycenae, một trong những trung tâm hàng đầu của Nền văn hóa Mycenaean, được xây dựng trên một ngọn đồi phòng thủ ở độ cao 128 m so với mực nước biển và có diện tích 30.000 m2.
Tường thành được xây dựng kiểu Cyclopean (Cyclopean masonry), bằng những tảng đá vôi khổng lồ, không đều nhau, được xếp chồng lên nhau không cần vữa (Dry stone). Những tảng đá thường có vẻ chưa được gia công, nhưng một số có thể đã được gia công thô bằng búa và khoảng trống giữa các tảng đá được lấp đầy bằng những khối đá vôi nhỏ hơn.
Vào cuối Thời kỳ Đồ đồng, bức tường thành đã được mở rộng đáng kể với việc tạo ra Cổng Sư tử và Cổng Hậu, là cổng phía sau để người dân khu vực xung quanh vào thành khi bị tấn công.
Phần lớn bức tường thành Mycenae, bao gồm cả cổng, được xây dựng trong quá trình mở rộng thành trì lần thứ hai vào thế kỷ 13 TCN.
Sơ đồ vị trí tường thành giai đoạn đầu, Địa điểm khảo cổ Mycenae, Argolis, Hy Lạp
Tàn tích tường thành được xây dựng theo kiểu Cyclopean (không cần vữa); Địa điểm khảo cổ Mycenae, Argolis, Hy Lạp
Cổng Sư Tử
Cổng Sư Tử (Lions Gate) là một trong tàn tích chính của quần thể Di sản Địa điểm khảo cổ Mycenae.
Cổng Sư tử là lối vào chính của Thành cổ Mycenae.
Công trình được xây dựng vào khoảng năm 1250 TCN ở phía tây bắc của thành.
Tên của Cổng thời hiện đại được đặt tên theo tác phẩm điêu khắc phù điêu hai con sư tử cái trong tư thế đứng phía trên lối vào.
Cánh cổng là tác phẩm điêu khắc hoành tráng duy nhất còn sót lại của tác phẩm điêu khắc Mycenaean, cũng như tác phẩm điêu khắc lớn nhất còn sót lại ở khu vực Aegean thời tiền sử. Đây là tượng đài duy nhất của Hy Lạp Thời kỳ Đồ đồng có họa tiết biểu tượng tồn tại mà không bị chôn vùi dưới lòng đất; là hình ảnh phù điêu duy nhất được mô tả trong văn học cổ điển và được biết đến nhiều trước cả khảo cổ học hiện đại.
Cổng được tiếp cận bằng một đoạn đường dốc một phần tự nhiên, một phần được thiết kế trên trục tây bắc -đông nam.
Ở phía tây của cổng là một pháo đài hình chữ nhật dài 14,80m và rộng 7,23 m, được xây dựng bằng đá không cần vữa (Cyclopean).
Giữa bức tường và pháo đài, lối đi thu hẹp lại thành một khoảng sân nhỏ rộng mở có kích thước 15m × 7,23m. Ở cuối lối đi là cổng thành.
Cổng là một công trình đồ sộ và hoành tráng, rộng 3,10m và cao 2,95m, được xây dựng bằng đá không cần vữa.
Dầm hay lanh tô trên cổng là hai tảng đá nguyên khối lớn. Phía trên lanh tô, các khối xây tạo thành một lỗ hở hình tam giác, giúp giảm nhẹ trọng lượng tường phía trên lanh tô. Trong hình tam giác đặt bức chạm khắc hai con sư tử cái đối đầu nhau.
Cánh cổng hùng vĩ với hình ảnh những con sư tử cái là biểu tượng cho quyền lực của các vị vua Mycenaean. Người ta cũng cho rằng sư tử cái là biểu tượng của nữ thần Hera.
Bên ngoài cổng và bên trong thành là một sân có mái che với một căn phòng nhỏ, có chức năng như một trạm canh gác. Ở bên phải, sát bức tường, là một kho thóc.
Hai bên Cổng Sư Tử, Địa điểm khảo cổ Mycenae, Argolis, Hy Lạp
Vòng tròn mộ A
Vòng tròn mộ A (Grave Circle A) là nghĩa trang hoàng gia có từ thế kỷ 16 TCN, nằm ở phía nam Cổng Sư tử.
Khu nghĩa trang này ban đầu được xây dựng bên ngoài các bức tường của Thành cổ Mycenae và cuối cùng lại nằm trong vòng thành khi thành được mở rộng trong thế kỷ 13 TCN.
Vòng tròn mộ A cùng với Vòng tròn mộ B (Grave Circle B, bên ngoài các bức tường Thành cổ Mycenae), đại diện cho một trong những đặc điểm quan trọng của giai đoạn đầu của Nền văn minh Mycenaean.
Vòng tròn mộ A là khu vực có tường bao quanh.
Địa điểm này được khai quật vào năm 1876 –1877. Lần an táng cuối cùng diễn ra vào khoảng năm 1500 TCN.
Ngay sau lần an táng cuối cùng, những người cai trị địa phương đã từ bỏ những ngôi khối mộ để chuyển sang các dạng lăng mộ mới và hoành tráng hơn.
Lăng mộ nằm trên một gò đất cao 174m so với mực nước biển.
Xung quanh mộ là một bức tường với hai vòng tròn được xây dựng. Vòng tròn có đường kính 27,5 m. Bên trong là sân và chứa 6 hầm mộ (Shaft tomb, được ký hiệu từ I đến IV), là một cấu trúc chôn cất hình chữ nhật, có sàn bằng đá cuội, tường xây bằng gạch, đá và mái nhà làm bằng ván gỗ. Hầm mộ lớn nhất có kích thước 6,4m x 4,5m. Hầm mộ nhỏ nhất có kích thước 3,5m x 3,0m. Độ sâu của mỗi hầm mộ từ 1m – 4m. Trên mỗi hầm mộ được đắp một gò đất và dựng bia để tưởng nhớ những người cai trị Mycenaean được chôn cất ở đó; 3 trong số bia đó mô tả cảnh xe ngựa.
Tổng cộng có 19 hài cốt (8 đàn ông, 9 phụ nữ và 2 trẻ em) được chôn cất ở đây. Mỗi hầm mộ có từ 2 đến 5 hài cốt. Trong số những món quà tang lễ được tìm thấy có một loạt mặt nạ thần chết bằng vàng, một bộ vũ khí, gồm kiếm, dao găm, mũi giáo, đầu mũi tên trang trí công phu, đồ trang sức bằng vàng cũng như những chiếc cốc bằng vàng và bạc.
Những món quà tang lễ được tìm thấy ở đây quý hơn những món quà tang lễ ở Mộ vòng tròn B và có nguồn gốc từ nhiều địa điểm bên ngoài Mycenae.
Người ta ước tính rằng Vòng tròn mộ A chứa tổng cộng khoảng 15 kg vàng (không phải tất cả đều có độ tinh khiết cao).
Tất cả 21 tấm bia được tìm thấy ở Vòng tròn mộ A đều được cắt từ đá vôi nguyên khối, một loại vật liệu được sử dụng trong nhiều công trình xây dựng Mycenaean khác. Hình tượng được mô tả trên những tấm bia này bao gồm cảnh xe ngựa , cảnh săn bắn và các thiết kế hình tròn và xoắn ốc đặc trưng của Thời kỳ Mycenaean của Hy Lạp.
Sơ đồ Vòng tròn mộ A với 6 hầm mộ, Địa điểm khảo cổ Mycenae, Argolis, Hy Lạp
Phối cảnh Vòng tròn mộ A và lối vào Thành cổ, Địa điểm khảo cổ Mycenae, Argolis, Hy Lạp
Phối cảnh Vòng tròn mộ A nhìn từ Cổng Sư Tử, Địa điểm khảo cổ Mycenae, Argolis, Hy Lạp
Bản vẽ phục dựng Vòng tròn mộ A (của Piet de Jong), Địa điểm khảo cổ Mycenae, Argolis, Hy Lạp
Chiếc bình sơn tại Hầm mộ I, Vòng tròn mộ A, Mycenae, Argolis, Hy Lạp
Đồ vàng khai quật từ Hầm mộ III, Vòng tròn mộ A, Mycenae, Argolis, Hy Lạp
Đầu bò tại Hầm mộ IV, Vòng tròn mộ A, Mycenae, Argolis, Hy Lạp
Cảnh săn bắn trên con dao găm vào thế kỷ 16 TCN tại Hầm mộ IV, Vòng tròn mộ A, Mycenae, Argolis, Hy Lạp
Mặt nạ tang lễ - “Mặt nạ Agamemnon” bằng vàng tại Hầm mộ V, Vòng tròn mộ A, Mycenae, Argolis, Hy Lạp
Trang trí trên Tấm bia mộ tại Hầm mộ V, Vòng tròn mộ A, Mycenae, Argolis, Hy Lạp
Vòng tròn mộ B
Vòng tròn mộ B (Grave Circle B / Grabkreis II von Mykene) là nghĩa trang Hoàng gia, được xây dựng vào khoảng năm 1675/1650 – 1550 TCN, nằm bên ngoài thành, cuối Thời kỳ Đồ đồng. Vòng tròn mộ B nằm tại phía tây của Vòng tròn mộ A, cách khoảng 140m.
Vòng tròn mộ B sau đó bị bỏ hoang để nhường chỗ cho Vòng tròn mộ A, nơi chôn cất của tầng lớp thượng lưu.
Vòng tròn mộ B được phát hiện một cách tình cờ vào năm 1951 và khai quật ngay sau đó.
Số lượng đặc biệt của mộ cũng như việc không bị cướp phá, đã cho phép các nhà khảo cổ học rút ra được phân tích chi tiết về xã hội Mycenaean vào thời điểm đó. Hài cốt được tìm thấy trong Vòng mộ B nhìn chung ở trạng thái bảo quản tốt.
Vòng tròn mộ B có đường kính 28 m, được bao bọc bởi một bức tường đá hình tròn, dày 1,55m và cao 1,20m. Vòng tròn có tổng cộng 26 ngôi mộ (được đánh dấu theo chữ cái Hy Lạp); 14 trong số đó là hầm mộ (Shaft tomb), còn lại là hố mộ đơn sơ.
Tổng cộng có 38 hài cốt được chôn cất ở đây. 6 hầm mộ là lăng mộ gia đình.
Hầu hết các hầm mộ đều được đánh dấu bằng một đống đá và phía trên 4 hầm mộ có tấm bia. Có bia cao đến 2m. Tấm bia trên mộ Alpha và Gamma có khắc cảnh săn bắn.
Những hầm mộ tại Vòng tròn mộ B cũng như Vòng tròn mộ A là những lăng mộ còn nhỏ bé, với những đồ tang lễ còn đơn sơ. Những lăng mộ xây dựng sau này lớn hơn và nhiều đồ tang lễ hơn.
Sơ đồ Vòng tròn mộ B, Địa điểm khảo cổ Mycenae, Argolis, Hy Lạp
Ghi chú: 1. Sơ đồ Vòng tròn mộ B (Grave circle B), 2. Lăng mộ Clytemnestra (Tomb of Clytemnestra), 3. Mộ phòng bên ngoài Vòng tròn mộ (Chamber grave outside of grave circle)
Một góc Vòng tròn mộ B; Địa điểm khảo cổ Mycenae, Argolis, Hy Lạp
Gò và bia Mộ A (Alpha), Vòng tròn mộ B, Địa điểm khảo cổ Mycenae, Argolis, Hy Lạp
Mặt nạ tử thần bằng kim loại từ Mộ Γ (Gamma), Vòng tròn mộ B, Địa điểm khảo cổ Mycenae, Argolis, Hy Lạp
Mặt cắt ngang Mộ Ρ (Rho), Vòng tròn mộ B, Địa điểm khảo cổ Mycenae, Argolis, Hy Lạp
Các di vật tìm thấy từ Mộ Γ (Gamma) và Mộ Δ (Delta), Vòng tròn mộ B, Địa điểm khảo cổ Mycenae, Argolis; Lưu giữ tại Bảo tàng Khảo cổ Quốc gia ở Athens, Hy Lạp
Lăng mộ Clytemnestra
Lăng mộ Clytemnestra (Tomb of Clytemnestra, Mycenae) nằm tại khoảng giữa Vòng tròn mộ A và Vòng tròn mộ B, là một ngôi mộ kiểu Mycenaean Tholos (Beehive tomb với một mái vòm), được xây dựng vào khoảng năm 1250 TCN. Lăng mộ Clytemnestra với mặt tiền hùng vĩ cùng với Lăng mộ Agamemnon (Kho báu Atreus) là ngôi mộ hoành tráng nhất thuộc loại đó.
Ngôi mộ được đặt theo tên của Clytemnestra, vợ của vua Agamemnon, người cai trị huyền thoại của Mycenae và là thủ lĩnh của người Hy Lạp trong cuộc chiến thành Troy.
Những ngôi mộ kiểu Tholos xuất hiện ở Mycenaean vào khoảng năm 1500-1450 TCN, là nơi an nghỉ của các gia đình hoàng gia địa phương. Chúng bao gồm các phòng chôn cất hình tròn lớn có mái vòm cao và lối vào thẳng (dromos) được lót bằng đá.
Sơ đồ mặt bằng, mặt cắt Lăng mộ Clytemnestra, Địa điểm khảo cổ Mycenae, Argolis, Hy Lạp
Lối vào Lăng mộ Clytemnestra, Địa điểm khảo cổ Mycenae, Argolis, Hy Lạp
Bên trong Lăng mộ Clytemnestra, Địa điểm khảo cổ Mycenae, Argolis, Hy Lạp
Lăng mộ Agamemnon hay Kho báu Atreus
Lăng mộ Agamemnon (Tomb of Agamemnon) hay Kho báu Atreus (Treasury of Atreus) nằm đơn độc ở phía tây của con đường hiện đại dẫn vào thành, cách Cổng Sư Tử khoảng 450 m về phía nam- tây nam.
Đây là một lăng mộ kiểu Mycenaean Tholos được xây dựng từ năm 1300 đến 1250 TCN, lớn nhất và phức tạp nhất được biết và là một trong những ngôi mộ cuối cùng được xây dựng ở khu vực Argolid.
Người ta biết rất ít về những người chôn cất trong mộ. Có thể là của Atreus và Agamemnon, những người cai trị và đại diện cho quyền lực của Mycenae vào cuối Thời đại Đồ đồng.
Trong thần thoại Hy Lạp, Atreus là vua của khu vực Pisa cổ xưa, ở phía tây bán đảo Peloponnese, Hy Lạp. Agamemnon và Menelaus là con trai sinh đôi của vua Atreus. Agamemnon sau này trở thành vua của Mycenae.
Ngôi mộ được khai quật lần đầu tiên vào thế kỷ 19.
Lăng mộ nằm theo hướng đông - tây, gồm các phần chính: Hành lang hẹp (dromos); Ô cửa sâu (stomion); Phòng chôn cất (thalamos).
Hành lang hay lối đi hẹp (dromos): Tính từ giới hạn bên ngoài đến cửa lăng mộ dài khoảng 35m. Hai bên hành lang được bao bọc bởi những bức tường đá trầm tích (conglomerate), loại đá trầm tích vụn, được cấu tạo bởi các khối sỏi và vữa đất sét lấp đầy kẽ hở giữa các viên sỏi, thường được sử dụng tại Mycenaean. Chiều cao của bức tường tăng từ 0,5m ở đầu phía đông lên 10m ở lối vào hầm mộ, với độ dày từ 2 - 3m. Tổng khối lượng xây dựng của hai bức tường đá là 600m3, tương đương với trọng lượng 1200 tấn.
Ô cửa sâu (stomion) hay mặt tiền của Lăng mộ: Có độ cao 10,5m. Cửa vào hầm cao 5,4m, rộng 2,7m và sâu 5,4m. Phía trên ô cửa này là hai khối lanh tô. Khối trong cùng dài 8m, rộng 5m và dày 1,2 m, trọng lượng khoảng 120 T. Đây là khối xây đơn lẻ nặng nhất được biết đến từ thời cổ đại của kiến trúc Hy Lạp. Có thể phải cần đến 1000 người để vận chuyển dầm đá này đến Lăng mộ. Phía trên ô cửa là một cửa sổ hình tam giác, được làm để giảm trọng lượng của bức tường lên khối lanh tô cửa. Ô cửa tam giác này được trang trí bằng các tác phẩm điêu khắc.
Hai bên cánh cửa là các trụ cột bằng đá cẩm thạch màu xanh lá cây (tại hai cột lớn) và màu đỏ (tại hai cột nhỏ). Bề mặt cột được trang trí các họa tiết (có thể là ký hiệu âm tiết và chữ tượng hình Linear B) và chạm khắc hình ảnh những con bò đực
.
Phòng chôn cất (thalamos ) hình tròn, đường kính 14,5m, cao 13,2m, được bao bọc bởi một mái vòm có hình chuông, được xây dựng bằng gạch. Mái vòm được phủ đất.
Tại phía bắc của Phòng chôn cất có một ô cửa cao 2,5m dẫn vào môt phòng nhỏ hình vuông mỗi chiều rộng 6m, cao 2,5m. Người ta vẫn còn tranh luận về mục đích sử dụng của phòng nhỏ này.
Đất đắp trên đỉnh phòng mộ cao khoảng 1,5m và được hỗ trợ bởi một bức tường chắn bằng đá được khai thác gần đó.
Người ta tính toán rằng việc xây dựng Lăng mộ cần ít nhất 20.000 ngày công lao động và phải huy động đến 1600 người làm trong một năm.
Ngôi mộ được khám phá vào đầu thế kỷ 19. Tại đây người ta đã phát hiện những bộ xương bọc vàng, đá quý và các đồ vật vàng bạc khác. Lăng mộ và khu vực xung quanh tiếp tục được nghiên cứu, khám phá.
Sơ đồ mặt bằng, mặt cắt Lăng mộ Agamemnon (vẽ năm 1921-1923), Địa điểm khảo cổ Mycenae, Argolis, Hy Lạp
Sơ đồ cấu trúc Lăng mộ Agamemnon, Địa điểm khảo cổ Mycenae, Argolis, Hy Lạp
Cổng hầm mộ, Lăng mộ Agamemnon, Địa điểm khảo cổ Mycenae, Argolis, Hy Lạp
Cửa bên trong hầm mộ, Lăng mộ Agamemnon, Địa điểm khảo cổ Mycenae, Argolis, Hy Lạp
Nội thất và mái vòm hầm mộ, Lăng mộ Agamemnon, Địa điểm khảo cổ Mycenae, Argolis, Hy Lạp
Hình vẽ mặt tiền Lăng mộ Agamemnon, Địa điểm khảo cổ Mycenae, Argolis, Hy Lạp
Di vật Cây cột tại mặt tiền Lăng mộ Agamemnon, Địa điểm khảo cổ Mycenae, Argolis, Hy Lạp (Bảo tàng Khảo cổ Quốc gia Athens)
Cung điện Mycenae
Cung điện Mycenae (Palace of Mycenae), nằm trên đỉnh đồi (cao 290m so với mực nước biển), nằm tại phía đông Vòng tròn lăng mộ A khoảng 125m.
Địa điểm này là nơi sinh sống đầu tiên của những người định cư Thời kỳ Đồ đá mới vào thiên niên kỷ thứ 3. Cung điện là kiến trúc tiêu biểu nhất cho đỉnh cao của Nền văn minh Mycenaean diễn ra vào năm 1400–1200 TCN.
Sơ đồ Cung điện Mycenae, Địa điểm khảo cổ Mycenae, Argolis, Hy Lạp
Lối vào Cung điện, hiện bắt đầu từ Cổng Sư Tử. Cung điện chỉ còn lại tàn tích, bao gồm các di tích chính:
Cổng Cung điện (hình vẽ ký hiệu A): Từ đây có một cầu thang nhỏ dẫn lên các căn hộ của Cung điện.
Bệ đá của Cổng phía tây (hình vẽ ký hiệu B): Là lối váo trang trọng của Cung điện, dẫn đến căn hộ gia đình trên đỉnh đồi và dẫn tới Phòng chính, nơi đặt ngai vàng.
Cầu thang lớn (hình vẽ ký hiệu C): Dẫn từ Cung điện đến Trung tâm nghi lễ với các dãy phòng dành cho khách hoặc văn phòng cho các quan chức trong Cung điện.
Sân trước Cung điện (hình vẽ ký hiệu D): Có kích thước 11m x 15m.
Hàng hiên (Portico, hình vẽ ký hiệu E): Đối diện với Sân trước, có mái che với hai cột mở, được trang trí bằng các bức tường thạch cao sơn màu.
Sảnh hay Phòng chờ (prodomos) hình vẽ ký hiệu F): Kề liền hàng hiên, được trang trí bằng những bức bích họa nhưng đã bị hư hại nghiêm trọng do trận hỏa hoạn và chỉ còn lại những mảnh vỡ nhỏ.
Phòng chính (domos, ký hiệu G) hay Phòng hội trường: Có kích thước 12,95m x 11,5m. Trung tâm của Phòng chính là lò sưởi, đường kính 3,4m, được xây bằng một vòng đá trát vữa dày và được bao quanh bởi 4 cột gỗ trên nền đá. Phần dưới của bức tường được bao phủ bởi các tấm thạch cao, phía trên có những bức bích họa, trong khi sàn nhà bằng vữa, được chia bằng các đường sơn thành các ô vuông. Ngai vàng bên trong Phòng chính, nằm dựa vào bức tường phía nam.
Phối cảnh tổng thể tàn tích Cung điện Mycenae, Địa điểm khảo cổ Mycenae, Argolis, Hy Lạp
Bức tranh phục dựng nội thất Phòng hội trường Cung điện Mycenae, Địa điểm khảo cổ Mycenae, Argolis, Hy Lạp
Tàn tích bậc thang lên Sân trước Phòng hội trường Cung điện Mycenae, Địa điểm khảo cổ Mycenae, Argolis, Hy Lạp
Tàn tích Sân trước Phòng hội trường Cung điện Mycenae, Địa điểm khảo cổ Mycenae, Argolis, Hy Lạp
Tàn tích Vòng tròn lò sưởi Phòng hội trường Cung điện Mycenae, Địa điểm khảo cổ Mycenae, Argolis, Hy Lạp
Hố chứa nước
Hố chứa nước (Subterranean Cistern of Mycenae) nằm tại phía đông bắc của Thành cổ Mycenae, là nguồn cấp nước cho Thành cổ.
Hố nằm sát cổng phía bắc, được xây dựng vào thế kỷ 13 TCN.
Đường hầm dẫn xuống hố rộng 1m, cao 4 - 5m với mái vòm nhọn, gồm 100 bậc. Ánh sáng chỉ chiếu được tới một phần ba của đường hầm. Nước được lưu giữ tại đây từ một con suối nằm cách địa điểm khoảng 300m, nằm trên độ cao hơn Thành cổ khoảng 13m. Nước được dẫn vào bể và vận chuyển theo đường ống đến các vị trí trong thành. Ngoài bể chứa tập trung, tại các tòa nhà còn có các bể chứa nước từ trên mái.
Lối vào bể chứa nước, Địa điểm khảo cổ Mycenae, Argolis, Hy Lạp
Bể chứa nước, Địa điểm khảo cổ Mycenae, Argolis, Hy Lạp
Địa điểm khảo cổ Tiryns
Địa điểm khảo cổ Tiryns (Archaeological Site of Tiryns) nằm cách Di sản Mycenae 20 km về phía đông nam, trên một ngọn đồi thấp gần vịnh Argolic (N37 36 0,00; E22 48 0,00); Diện tích Di sản 70ha.
Di sản Địa điểm khảo cổ Tiryns là một ví dụ điển hình khác của Nền văn minh Mycenaean, một nền văn minh tích hợp nhiều truyền thuyết và thần thoại anh hùng. Truyền thuyết Hy Lạp liên kết ba trung tâm của vùng Argolic với ba anh hùng thần thoại: Acrisius, một trong những vị vua của thị quốc Argos, người sáng lập thuộc địa Doric của Argos; anh trai ông là Proetus, người sáng lập thị quốc Tiryns; và cháu trai của ông là Perseus, người sáng lập thị quốc Mycenae.
Ngoài ra, địa điểm này còn gắn liền với huyền thoại Heracles, anh hùng thần thánh trong thần thoại Hy Lạp, con trai của Zeus và Alcmene; Thần sức mạnh và các anh hùng; Người bảo vệ thiêng liêng của nhân loại và người bảo trợ của nhà thi đấu. Đây được cho là nơi sinh của người anh hùng Heracles.
Tòa thành được xây dựng trên ngọn đồi, được hoàn thành vào cuối thế kỷ 13 TCN. Vào thời điểm này, thị quốc có số dân 10000 người, diện tích 20 - 25ha.
Bất chấp việc cung điện bị phá hủy vào năm 1200 TCN, dân số thành phố vẫn tiếp tục tăng và đến năm 1150 TCN, dân số thành phố đã lên tới 15.000 người.
Địa điểm này đã suy tàn vào cuối thời kỳ Mycenaean và hoàn toàn bị bỏ hoang vào thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên.
Tòa thành được khai quật lần đầu tiên vào năm 1831 và được khai quật nhiều lần sau đó.
Địa điểm khảo cổ Tiryns, nhờ tình trạng bảo tồn tốt, là một ví dụ điển hình về kiến trúc và pháo đài nguy nga của nền văn minh Mycenaean.
Sơ đồ mặt bằng Di sản Địa điểm khảo cổ Tiryns, Argolis, Hy Lạp
Ghi chú: 1) Đường dốc vào thành (Sloping access road); 2) Cổng pháo đài (Fortress gates); 3) Tầng hầm (Casemates); 4) Cổng ra sân (Hofpoorten); 5) Quảng trường Cung điện Trung tâm (Central Palace Square); 6) Các tòa nhà (House/ "Megaron" and adjoining buildings); 7) Cổng thoát hiểm (Exit gate); 8) Lâu đài giữa (Middenburcht); 9) Lâu đài phía dưới (Lower castle/flight castle).
Tàn tích Địa điểm khảo cổ Tiryns, Argolis, Hy Lạp
Hình ảnh phục dựng Thành cổ Tiryns, Argolis, Hy Lạp
Di tích Tường thành Tiryns
Các bức tường đồ sộ tại Tiryns lần đầu tiên được đề cập đến bởi nhà thơ Homer (người Hy Lạp, khoảng thế ký 8 TCN, tác giả của Iliad và Odyssey, hai sử thi có vai trò nền tảng của văn học Hy Lạp cổ đại).
Các bức tường bao quanh Thành cổ Tiryns (Walls of Tiryns) có tổng chu vi khoảng 750m, được xây bằng đá, dày tới 6- 8m và cao 9 - 13m; còn lớn hơn cả Tường thành Mycenae. Chúng có thể được coi là một sự sáng tạo vượt xa quy mô của con người. Bức tường với những viên đá khổng lồ được cho là xây dựng bởi Cyclops, người khổng lồ thần thoại đến từ Lycia.
Dọc theo các bức tường là các cổng hay các đường hầm đi xuyên qua. Đường hầm sử dụng làm nơi ẩn náu cho cư dân của phần phía dưới thành khi gặp nguy hiểm đến từ bên ngoài.
Thành có hai cổng. Cổng chính vào từ phía đông và cổng thoát hiểm tại phía tây.
Cổng chính của thành có hình dáng tương tự như Cổng Sư tử tại thành cổ Mycenae.
Từ cổng ngoài vào bên trong phải qua một hành lang hẹp (chiều dài bằng bề rộng tường thành), có khả năng tăng cường phòng thủ.
Tường thành và Bậc lớn dẫn đến cổng thành, Địa điểm khảo cổ Tiryns, Argolis, Hy Lạp
Hành lang hẹp từ cổng thành vào bên trong thành, Địa điểm khảo cổ Tiryns, Argolis, Hy Lạp
Cung điện Tiryns
Di tích Cung điện Tiryns là một khu định cư tiền Hy Lạp, nằm trên một ngọn đồi, dài 300m rộng 45 - 100m, cao 18m so với địa hình xung quanh.
Quần thể gồm các hạng mục công trình chính:
Tòa nhà chính của Cung điện Tiryns là hội trường (Megaron). Hội trường có bố cục tương tự như Hội trường tại Cung điện Mycenae, có kích thước 11,8m × 9,8m, gồm 3 không gian chính: Hàng hiên hay cổng ngoài (Portico) với hai cột; Sảnh hay Phòng chờ (Prodomos); Phòng chính (Domos) có một ngai vàng đặt sát bức tường phía đông, một lò sưởi tròn nằm tại trung tâm, được bao quanh bởi 4 cột gỗ đỡ mái và thông hơi qua một cửa trên mái nhà.
Trang trí các bức tường cung điện rất phong phú, gồm phần dưới được bao phủ bởi các tấm thạch cao chạm khảm hoa hồng, phía trên là những bức bích họa.
Sàn nhà cũng được trang trí lộng lẫy với các chủ đề khác nhau ở khu vực xung quanh các bức tường và khoảng trống giữa các cột của lò sưởi. Mái của nhà được làm từ ngói nung.
Có 3 cánh cửa dẫn đến Sảnh hay Phòng chờ và 1 cửa dẫn đến Phòng chính.
Các gian bên của Cung điện dường như có tầng hai.
Dưới sân của Cung điện Mycenaean, có một tầng hầm hình tròn, đường kính 28m, là nơi ẩn náu của vị vua và hoàng gia.
Tại đây, người ta còn phát hiện tàn tích của một ngôi đền Doric nhỏ.
Phối cảnh tàn tích Cung điện và Sân lớn, Địa điểm khảo cổ Tiryns, Argolis, Hy Lạp; được bao quanh bởi các bức tường dày 8m.
Hệ thống đập, kênh và bể chứa
Cách thành 5 km về phía đông, người ta đã tìm thấy một thành tựu kỹ thuật độc đáo của thời cổ đại. Đó là một bờ đập khổng lồ, ban đầu được lót bằng những tảng đá ở hai đầu, hiện vẫn còn tàn tích.
Bờ đập được xây dựng để chuyển hướng nước mưa của dòng chảy Manesis, hạn chế chảy về phía Tiryns.
Song song với việc xây dựng con đập, một kênh dẫn nước đã được mở về phía tây nam.
Hệ thống đập, kênh có niên đại vào thế kỷ 13 TCN, vào thời kỳ hoàng kim của Tiryns, thuộc loại công trình thoát nước quy mô lớn của người Mycenaeans.
Trong thành có hệ thống bể chứa nước, được cấp từ 3 con suối, là nguồn nước dự trữ khi thành bị vây hãm.
Địa điểm khảo cổ Mycenae và Tiryns là tàn tích hùng vĩ của hai thị quốc lớn nhất của Nền văn minh Mycenaean, thống trị thế giới phía đông Địa Trung Hải từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 12 TCN và đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của văn hóa Hy Lạp cổ điển. Hai địa điểm này có mối liên hệ chặt chẽ với sử thi Homeric, Iliad và Odyssey, đã ảnh hưởng to lớn đến nghệ thuật và văn học châu Âu những năm sau này.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
https://whc.unesco.org/en/list/941/
https://en.wikipedia.org/wiki/Greece
https://en.wikipedia.org/wiki/Argolis
https://en.wikipedia.org/wiki/Mycenaean_Greece
https://en.wikipedia.org/wiki/Linear_B
https://en.wikipedia.org/wiki/Greek_Dark_Ages
https://en.wikipedia.org/wiki/Homer
https://en.wikipedia.org/wiki/Hellenistic_period
https://en.wikipedia.org/wiki/Cyclopean_masonry
https://en.wikipedia.org/wiki/Mycenae
https://en.wikipedia.org/wiki/Fortifications_of_Mycenae
https://en.wikipedia.org/wiki/Lion_Gate
https://en.wikipedia.org/wiki/Grave_Circle_A,_Mycenae
https://de.wikipedia.org/wiki/Gr%C3%A4berrund_A
https://en.wikipedia.org/wiki/Grave_Circle_B,_Mycenae
https://de.wikipedia.org/wiki/Gr%C3%A4berrund_B
https://en.wikipedia.org/wiki/Tomb_of_Clytemnestra#:~:text=
The%20Tomb%20of%20Clytemnestra%20was,the%20Greek%20and%20Latin%20world.
https://en.wikipedia.org/wiki/Treasury_of_Atreus
https://en.wikipedia.org/wiki/Ashlar
https://www.odysseyadventures.ca/articles/mycenae/article_mycenae05-siteplan.html
https://en.wikipedia.org/wiki/Tiryns
https://visitworldheritage.com/en/eu/the-archaeological-site-of-tiryns/2413784a-f003-4bf6-a528-ab8b52c45d49
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi
|