Thông tin chung:
Công trình: Di tích Thời kỳ Đồ đá mới ở Orkney (Heart of Neolithic Orkney)
Địa điểm: Orkney, Scotland, Vương quốc Anh và Bắc Ai len (N58 59 45,8 W3 11 19,2)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Diện tích Di sản 15 ha; diện tích vùng đệm 6258 ha
Năm hình thành:
Giá trị: Di sản thế giới (năm 1999, sửa đổi nhỏ ranh giới năm 2015; hạng mục i, ii, iii, iv)
Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (United Kingdom of Great Britain and Northern Ireland) thường được gọi là Vương quốc Anh (United Kingdom) nằm ở ngoài khơi bờ biển phía tây bắc lục địa châu Âu.
Vương quốc Anh bao gồm đảo Anh, phần đông bắc của đảo Ireland.
Vương quốc Anh bao gồm bốn quốc gia: Anh, Scotland, Wales và Bắc Ireland; thủ đô lần lượt là London, Edinburgh, Cardiff và Belfast.
Bắc Ireland có chung biên giới trên bộ với Ireland. Ngoài biên giới trên bộ, Vương quốc Anh được bao quanh bởi Đại Tây Dương, gồm biển Bắc ở phía đông, eo biển Manche ở phía nam, biển Celtic ở phía tây nam.
Vương quốc Anh có diện tích 242.500 km2; dân số 67 triệu người (năm 2020); thủ đô và thành phố lớn nhất của cả vương quốc là London.
Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len còn có một số lãnh thổ hải ngoại và các lãnh thổ còn đang tranh chấp.
Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len có một lịch sử phát triển lâu đời, từ khoảng 30000 năm trước đây; là quốc gia công nghiệp hóa đầu tiên trên thế giới; cường quốc đứng đầu thế giới trong thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20.
Ngày nay, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland vẫn là một đại cường quốc với các ảnh hưởng đáng kể về kinh tế, văn hóa, quân sự, khoa học và chính trị trên quy mô toàn cầu.
Bản đồ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len; vị trí quần đảo Orkney, Scotland
Đảo Mainland, hòn đảo lớn nhất trong Quần đảo Orkney
Quần đảo Orkney nằm cách bờ biển Scotland 15km về phía bắc. Tại đây tồn tại một nhóm di tích Thời kỳ Đồ đá mới (Neolithic Age) với các địa điểm chôn cất, nghi lễ và nhà ở liên quan, tạo thành một cảnh quan văn hóa còn sót lại với quy mô lớn, mô tả sinh động cuộc sống cách đây 5.000 năm, trên một quần thể đảo xa xôi.
Các di tích nằm ở hai khu vực: Skara Brae và Brodgar – Stenness Area, cách nhau khoảng 6,6 km trên đảo Mainland, hòn đảo lớn nhất trong quần đảo.
Nhóm di tích tại Orkney, được mệnh danh là “Trái tim của Thời kỳ Đồ đá mới” (Heart of Neolithic Orkney), chắc chắn là một trong những địa điểm Thời kỳ Đồ đá mới quan trọng nhất ở Tây Âu.
Nhóm di tích “Trái tim của Thời kỳ Đồ đá mới” gồm 4 di tích:
Di tích Lăng mộ Maeshowe với nhiều ngăn bằng đá. Nơi có hành lang chiếu sáng cho bức tường phía sau của phòng mộ chính vào ngày Đông chí (Winter solstice).
Di tích Vòng tròn đá Stenness (Standing Stones of Stenness/ Ring of of Stenness Henge) với 4 tảng đá đứng còn sót lại trong vòng tròn hình elip và các con mương, bờ của vòng tròn Henge.
Di tích Vòng tròn đá Borgar (Ring of Brogar Henge) với 36 viên đá còn sót lại cùng với 13 gò đất Thời kỳ Đồ đá mới và Thời kỳ Đồ đồng (Bronze Age).
Di tích Khu định cư Skara Brae với những ngôi nhà xây bằng đá, được nối với nhau bằng những lối đi có mái hẹp. Di tích này cùng với Di tích Nhà kho bằng đá (Barnhouse Stone) và Tháp đá Watch Stone tại khu vực kề liền, đóng vai trò như một minh chứng của nền văn hóa cự thạch vô song tại Tây Bắc Châu Âu.
4 di tích “Trái tim của Thời kỳ Đồ đá mới” tại Orkney là đặc trưng của văn hóa nông nghiệp phổ biến từ trước 4000 năm trước Công nguyên (TCN) ở Tây Bắc Châu Âu.
Di tích cung cấp bằng chứng đặc biệt và thể hiện một cách hoàn chỉnh các tập tục trong nước, nghi lễ và chôn cất của một nền văn hóa 5.000 năm tuổi đã biến mất và minh họa các tiêu chuẩn vật chất, cấu trúc xã hội và lối sống của thời kỳ tiền sử năng động này, nền văn hóa đã sinh ra Di sản thế giới Avebury (Vòng tròn đá tại Avebury ở Wiltshire, Anh) và Stonehenge (Vòng tròn đá tại Salisbury ở Wiltshire, Anh); Di sản thế giới Bend of the Boyne (Lăng mộ tại Thung lũng Boyne, Meath, Ireland) và Carnac (Viên đá đứng thẳng theo hàng/Menhir ở Morbihan, Pháp).
Các di tích trên bán đảo Brodgar và Stenness được đặt trong một vùng địa hình rộng lớn, hình thành bởi một loạt các đường viền núi nối liền với nhau kéo dài từ Hoy đến Greeny Hill và ngược lại.
Các di tích cũng được liên kết trực quan với các di tích đương đại.
Nhóm di tích tại Orkney tạo thành một phần cơ bản của một cảnh quan khảo cổ rộng lớn và phức tạp, trải dài trên phần lớn Orkney.
Cảnh quan hiện tại, rộng mở và tương đối chưa phát triển xung quanh các di tích cho phép hiểu được mối liên hệ rõ ràng giữa các di tích và bối cảnh tự nhiên của chúng. Cảnh quan phong phú của các khu lăng mộ và cư trú hiện đại xung quanh khu vực di tích tạo thành một cảnh quan văn hóa đặc biệt, hỗ trợ giá trị của các khu di tích chính.
Di tích Thời kỳ Đồ đá mới ở Orkney, Scotland, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len được UNESCO tôn vinh là Di sản thế giới (năm 1999) với tiêu chí:
Tiêu chí (i): Các di tích chính: Lăng mộ Maeshowe có nhiều ngăn bằng đá, Vòng tròn đá Stenness, Vòng tròn đá Borgar và Khu định cư Skara Brae, thể hiện sự tinh tế cao nhất trong thành tựu kiến trúc; chúng là tuyệt tác về tài năng sáng tạo của con người với sự khéo léo và hoành tráng về mặt công nghệ.
Tiêu chí (ii): Di tích Thời kỳ Đồ đá mới ở Orkney thể hiện sự giao lưu quan trọng giữa các giá trị của nhân loại, trong quá trình phát triển kiến trúc của các khu phức hợp nghi lễ lớn tại Quần đảo Anh, Ireland và Tây Bắc Châu Âu.
Tiêu chí (iii): Thông qua sự kết hợp giữa các địa điểm nghi lễ, tang lễ và sinh hoạt, Di tích Thời kỳ Đồ đá mới ở Orkney là một bằng chứng độc đáo về truyền thống văn hóa phát triển rực rỡ từ khoảng năm 3000 TCN đến năm 2000 TCN. Tình trạng bảo tồn tại di tích Khu định cư Skara Brae là chưa từng có trong số các địa điểm định cư Thời kỳ Đồ đá mới ở Bắc Âu.
Tiêu chí (iv): Di tích Thời kỳ Đồ đá mới ở Orkney là một ví dụ nổi bật về quần thể kiến trúc và cảnh quan minh họa cho một giai đoạn quan trọng của lịch sử loài người khi các di tích nghi lễ lớn đầu tiên được xây dựng.
Vị trí Khu vực Di sản Di tích thời kỳ đồ đá mới ở Orkney, Scotland với 2 khu vực: Brodgar – Stenness Area và Skara Brae
Phạm vi khu vực Di sản Brodgar – Stenness Area, Orkney, Scotland
Phạm vi khu vực Di sản Skara Brae, Orkney, Scotland
Quần thể Di sản Thời kỳ Đồ đá mới ở Orkney, Scotland, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len bao gồm 4 di tích:
1. Di tích Lăng mộ Maeshowe
Di tích Lăng mộ Maeshowe (Maeshowe Chambered Cairn) nằm tại Khu vực Brodgar – Stenness Area, trung tâm của đảo chính Mainland, thuộc quần đảo Orkney (N58 59 48.18 W3 11 18); diện tích di sản 1ha, diện tích vùng đệm 4638ha. Di tích nằm cách phía đông bờ hồ Harray Loch (Loch of Harray) khoảng 500m.
Di tích Maeshowe được xây dựng trên một khu đất bằng phẳng, cách khoảng 15 m - 21m là một con mương rộng tới 14m.
Công trình được xây dựng vào năm 2750 TCN, cùng thời với Standing Stones và Skara Brae.
Di tích Maeshowe đã bị đột nhập từ trên cao bởi một nhóm người Viking vào thế kỷ 12, và họ đã để lại hơn 20 bộ chữ rune được khắc trên tường của phòng mộ chính để ghi lại chiến công của họ.
Địa điểm này được khai quật vào năm 1861. Trong hầm mộ chỉ có một mảnh sọ người và một số xương ngựa, không có đồ tạo tác.
Việc không tìm thấy hài cốt bên trong đã dẫn đến một số ý kiến cho rằng, đây không phải là các ngôi mộ mà được sử dụng làm đài thiên văn quan sát, lịch và dành cho các nghi lễ tôn giáo, tương tự như phòng mộ chính của Đại kim tự tháp Giza (Great Pyramid of Giza, được xây dựng sau đó, vào khoảng năm 2575- 2560 TCN).
Ngày nay, người ta vẫn chưa thể đoán được cách thức bố trí ban đầu, vì nhiều tảng đá đứng và các cấu trúc khác đã bị phá hủy. Song chắc chắn rằng, những người xây dựng đã có tầm nhìn và mục đích rõ ràng khi xây dựng công trình. Các nghi lễ đã được tổ chức ở đây, bao gồm những nghi lễ dành cho người chết, nhưng cũng có những nghi lễ dành cho người sống và liên quan đến mặt trời. Một số nhà khảo cổ học tin rằng Maeshowe ban đầu được bao quanh bởi một vòng tròn đá lớn.
Maeshowe được nhà nước quản lý vào năm 1910, khi mái bê tông được thêm vào để bảo vệ di tích.
Từ năm 2012, Di tích Maeshowe được tái tạo bằng cách sử dụng công nghệ kỹ thuật số tiên tiến, máy quét laser 3D.
Phạm vi Di tích Maeshowe, Orkney, Scotland
Phối cảnh tổng thể Di tích Maeshowe, Orkney, Scotland
Phối cảnh cửa vào Di tích Maeshowe, Orkney, Scotland
Hình ảnh Cấu trúc của Di tích Maeshowe được tái tạo bằng máy quét laser 3D
Cấu trúc xây dựng
Trong khảo cổ học Scotland, khi lăng mộ được phủ bằng đất được gọi là Tumulus; Lăng mộ có phòng mộ (Passage grave) hay có vách ngăn được xây dựng bằng đá được là Chambered Cairn.
Loại này được tìm thấy trên khắp nước Anh và Ireland, với số lượng lớn nhất ở Scotland.
Thông thường, tại các ngôi mộ có phòng mộ chứa nhiều vật chôn cất, gồm xương và cả tro hỏa táng. Hầu hết các gò mộ đều nằm gần một khu định cư và được coi là "nghĩa địa" của cộng đồng đó.
Gò và tháp đá trên mộ được xây dựng nhằm đánh dấu lăng mộ, cũng là tượng đài tưởng niệm. Các tháp đá, tượng đài này là một ví dụ quan trọng về nghề thủ công thời kỳ Đồ đá mới.
Di tích Maeshowe là ví dụ lớn nhất và phức tạp nhất về loại lăng mộ Chambered Cairn và có thể là ngôi mộ cuối cùng thuộc loại này.
Maeshowe là một lăng mộ dạng Chambered Cairn với nhiều vách ngăn bằng đá (Chambered) và các tháp đá, ụ đá (Cairn). Bên trong có các phòng mộ (Passage grave).
Lăng mộ được xây dựng vào khoảng 3000 năm TCN với khoảng 39 ngàn công.
Gò mộ có đường kính 35 m và cao tới 7,3m. Bao quanh gò đắp bằng đá dăm và đất sét.
Lăng mộ bên trong gò đất gồm các lối đi và phòng mộ, làm bằng những tấm đá phiến, được chế tác cẩn thận và nặng tới 30 tấn. Phòng mộ bố trí sao cho bức tường phía sau của phòng mộ chính được chiếu sáng vào ngày Đông chí (Winter solstice, giữa mùa Đông, ngày ngắn nhất, đêm dài nhất). Điều này diễn ta tương tự ở ngôi mộ Newgrange nổi tiếng ở Ireland.
Gò mộ Maeshowe có lối vào dài 14,5m, cao 1,4m, được lót bằng những phiến đá khổng lồ, tấm lớn nhất nặng trên 30T
Lối vào dẫn đến Phòng mộ trung tâm với mặt bằng hình vuông kích thước 4,6m x4,6m; Mái nhà hình vòm, mép dưới cao 3,8m, đỉnh vòm cao 4,6m.
Phòng mộ được xây dựng bằng những phiến đá phẳng. Nhiều tấm trải dài gần như toàn bộ chiều dài của bức tường. Ở mỗi góc đều có những cột trụ vươn lên đến mái vòm. Ở độ cao khoảng 0,91m, các tấm đá chồng lên nhau tạo thành mái vòm hình tổ ong.
Ngoài Phòng mộ chính, Gò mộ còn có 3 Phòng mộ nhỏ nằm ẩn bên trong các bức tường, được bịt kín bởi các khối đá hiện nằm trên sàn.
Gò mộ được thiết kế và xây dựng rất chú trọng đến từng chi tiết, các tấm đá lớn được ghép lại với nhau một cách khéo léo và hoàn thiện bởi các thợ đá bậc thầy.
Công trình ít bị hư hại mặc dù đã tồn tại khoảng 5000 năm.
Sơ đồ mặt bằng, mặt cắt Di tích Maeshowe, Orkney, Scotland
Sơ đồ cấu trúc xây dựng Di tích Maeshowe, Orkney, Scotland
Lối vào Phòng mộ chính, Di tích Maeshowe, Orkney, Scotland
Bên trong Phòng mộ chính, Di tích Maeshowe, Orkney, Scotland
Chiếu sáng
Vào ngày Đông chí, mặt trời lặn chiếu thẳng xuống lối đi Maeshowe, chiếu sáng bức tường phía sau và lối đi một cách ấn tượng. Điều này luôn tạo ra nhiều suy đoán và thu hút việc tiếp tục nghiên cứu.
Tấm đá chặn lớn ở lối vào dường như được thiết kế để đóng từ bên trong, nhưng cũng sẽ chừa một khoảng trống khoảng 20 cm để cho ánh sáng xuyên qua. Nền hành lang dốc lên để nước chảy ra ngoài về phía cửa. Một số tảng đá lớn bố trí tập trung ở lối vào và có vai trò như một tấm phản xạ, làm tăng đáng kể khả năng chiếu sáng bên trong.
Từ giữa tháng 11 đến giữa tháng 1, mặt trời chiếu vào căn phòng lúc hoàng hôn và chiếu sáng bức tường phía sau vào khoảng 14h40 đến 15h05.
Ánh sáng chiếu vào bên trong Phòng mô chính ngày Đông chí, Di tích Maeshowe, Orkney, Scotland
Các tấm đá lớn như tấm gương phản xạ tăng khả chiếu sáng bên trong, Di tích Maeshowe, Orkney, Scotland
Chạm khắc
Maeshowe cũng nổi tiếng với những dòng chữ runic thời Viking.
Người Viking (tên gọi dùng để chỉ những nhà thám hiểm, thương nhân, chiến binh, hải tặc đến từ bán đảo Scandinavia, lãnh thổ các nước Đan Mạch, Na Uy, Thuỵ Điển. Từ cuối thế kỷ 8 – 11, người Viking đã đột cướp phá, buôn bán và định cư khắp các vùng Iceland và Phần Lan và vươn tới Địa Trung Hải, Bắc Phi, Trung Đông và Greenland) đã đến Maeshowe vào thế kỷ 12 và đã để lại một trong những bộ sưu tập rune lớn nhất ở bất cứ đâu, cũng như các tác phẩm chạm khắc về rồng, rắn và hải mã.
Có 30 chữ khắc trong căn phòng trung tâm, khiến đây trở thành một trong những bộ sưu tập chữ khắc lớn nhất và nổi tiếng nhất ở châu Âu.
Maeshowe có một trong những nhóm chữ khắc cổ Bắc Âu lớn nhất được biết đến. Chúng phổ biến khắp Scandinavia và các thuộc địa Bắc Âu, có niên đại sớm nhất từ khoảng năm 200 sau Công Nguyên. Nhóm chữ khắc khác được tạo vào khoảng năm 700 sau Công nguyên, dạng chữ khắc (rune, cách khắc các chữ cái vào gỗ, xương hoặc đá bằng cách sử dụng một lưỡi dao hoặc dụng cụ tương tự) được người Viking sử dụng.
Có khoảng 30 dòng chữ viết về tên người, miêu tả sự việc…
Ngoài chữ khắc, tại đây còn có các hình chạm khắc. Nổi bật có hình chạm khắc con rồng Maeshowe.
Các bức chạm khắc trên bức tường phía đông bắc tại Phòng mộ chính, Di tích Maeshowe, Orkney, Scotland
Hình chạm khắc con rồng tại Phòng mộ chính, Di tích Maeshowe, Orkney, Scotland
2. Di tích Vòng tròn đá Stenness
Di tích Vòng tròn đá Stenness (Standing Stones of Stenness/ Ring of of Stenness Henge) nằm tại Khu vực Brodgar – Stenness Area, trung tâm của đảo chính Mainland, thuộc quần đảo Orkney; phía tây của Di tích Maeshowe (N58 59 39.05 W3 12 29.01); diện tích di sản 0,8ha; diện tích vùng đệm 4638ha.
Di tích Vòng tròn đá Stenness được xây dựng vào khoảng năm 3100 TCN, có thể là một trong những địa điểm Henge lâu đời nhất ở Vương quốc Anh.
Henge là một cấu trúc bằng đất Thời kỳ Đồ đá mới được bao quanh bởi bờ và mương hình vòng. Đây không phải là công trình phòng thủ. Có 3 dạng Henge:
Vòng tròn Henge: Gồm một bờ đất gần như hình tròn hoặc hình bầu dục với một rãnh bên trong, bao quanh một khu vực bằng phẳng ở trung tâm có đường kính hơn 20m). Bên trong có thể chứa các cấu trúc như vòng tròn đá, vòng tròn gỗ và các nhóm tháp đá đứng tập trung dày đặc (Cove/ standing stones).
Tượng đài Hengiform (Hengiform monument): Giống như Henge thông thường, ngoại trừ khu vực bằng phẳng ở trung tâm có đường kính hẹp từ 5 đến 20m (còn gọi là Vòng tròn đá nhỏ/ Minihenge).
Khu vực Henge (Henge enclosure): Là một vòng tròn Henge với đường kính đến 300m (còn được gọi là Vòng tròn đá lớn/ Super-henge). Bên trong có nhiều cấu trúc xây dựng.
Di tích Stones of Stenness thuộc dạng thứ nhất của Henge. Di tích Stones of Stenness được bao quanh bởi một con mương. Con mương được khoét vào đá cao tới 2 m và rộng 7 m, được bao quanh bởi bờ đất, với một lối vào duy nhất ở phía bắc.
Bên trong Vòng tròn chứa các viên đá thẳng đứng (kiểu Menhir, chôn trong đất, thường thon dần về phía trên, thường gắn với các công trình nghi lễ, lăng mộ). Những viên đá là những phiến mỏng, dày khoảng 30cm với phần đỉnh có góc nhọn.
Ban đầu, một vòng tròn đá có tới 12 tháp đá cự thạch, đặt cách đều nhau, thành một hình elip. Các cuộc khai quật cho thấy chỉ có 10 tháp đá được dựng lên. Khối cự thạch còn thiếu được bổ sung bằng các gốc cây hoặc những tảng đa. Các tháp đá được chôn sâu 0,7- 1,2m vào lòng đất.
Hiện tại chỉ còn 4 tháp đá cao khoảng 5 m – 6m và tàn tích một số tháp đá đổ nằm trên mặt đất.
Di tích được cho là nơi thực hành các nghi lễ.
Trung tâm của Vòng tròn đá là một hốc vuông (monumental hearth), rộng 2m, được cho là một lò sưởi, khi công trình được sử dụng cho mục đích khác, như nhà ở trong giai đoạn sau này. Bên trong chứa tro, xương cháy, than củi và đồ gốm vỡ, có niên đại vào khoảng năm 50 TCN đến năm 300 sau Công nguyên.
Di tích Vòng tròn đá Stenness cùng với Di tích Vòng tròn đá Borgar và Di tích Lăng mộ Maeshowe không chỉ là những cấu trúc độc lập, mà có thể liên hệ trực tiếp với nhau tạo thành một khu vực nghi lễ ngoài trời với gò núi Ward Hill trên đảo Hoy tại phía sau (là điểm cao nhất của Quần đảo Orkney với độ cao 481m so với mực nước biển). Hiện người ta còn dự đoán về một con đường nghi lễ được đắp cao nối liền Di tích Vòng tròn đá Stenness và Di tích Vòng tròn đá Borgar.
Sơ đồ vị trí 12 tháp đá tại Di tích Vòng tròn đá Stenness, Orkney, Scotland
Phối cảnh tàn tích 4 tháp đá còn lại tại Di tích Vòng tròn đá Stenness, Orkney, Scotland
Phối cảnh tàn tích hố vuông tại trung tâm Vòng tròn đá Stenness, Orkney, Scotland
Mối quan hệ giữa Di tích Vòng tròn đá Stenness và Di tích Lăng mộ Maeshowe
3. Di tích Vòng tròn đá Brogar
Di tích Vòng tròn đá Borgar (Ring of Brogar Henge) nằm tại Khu vực Brodgar – Stenness Area, trung tâm của đảo chính Mainland, thuộc quần đảo Orkney (N59 0 3.8 W3 13 50.2); diện tích di sản 13ha.
Di tích Vòng tròn đá Borgar là vòng tròn đá Henge gần như hoàn hảo, nằm trên một eo đất nhỏ giữa hồ Stenness và Harray. Địa điểm này được xây dựng từ năm 2500 TCN - năm 2000 TCN.
Vòng tròn đá Borgar có đường kính 104m, lớn thứ ba ở Quần đảo Anh.
Ban đầu bao gồm 60 tháp đá đặt trong một rãnh tròn sâu tới 3m và rộng 10m.
Chỉ còn 27 viên còn tồn tại cho đến cuối thế kỷ 20. Những viên đá cao nhất nằm ở phía nam và phía tây của Di tích. Các tháp đá được chạm khắc từ đá sa thạch theo phương pháp của cư dân cổ xưa. Người ta ước tính rằng phải cần đến 80.000 giờ công để xây dựng công trình.
Cuộc khảo sát chính thức đầu tiên về Vòng tròn đá Brodgar và các cổ vật xung quanh được thực hiện vào năm 1849. Các cuộc khai quật tiếp sau đã phát hiện ra một số tòa nhà, cả nghi lễ và gia đình. Đồ gốm, xương, dụng cụ bằng đá và đầu chùy bằng đá đánh bóng cũng đã được phát hiện. Phát hiện quan trọng nhất là tàn tích của một bức tường đá lớn có thể dài 100m và rộng tới 6m. Nó dường như đi ngang qua toàn bộ bán đảo nơi tọa lạc và có thể là một rào cản mang tính biểu tượng giữa khung cảnh nghi lễ của Vòng tròn đá Brogar và thế giới trần tục xung quanh.
Việc kiểm tra các khu vực xung quanh cho thấy sự tập trung của các địa điểm cổ xưa, tạo nên một cảnh quan nghi lễ quan trọng. Trong vòng 5,2 km2 có hai vòng tròn, ngôi mộ 4 ngăn, nhóm đá đứng, đá đơn, mộ đá và gò đất. Khu vực gần đó cũng có một số đầu mũi tên bằng đá lửa và đầu chùy bằng đá vỡ dường như có niên đại từ Thời đại Đồ đồng (Bronze Age).
Phạm vi Di tích Vòng tròn đá Borgar, Orkney, Scotland
Phối cảnh tổng thể Di tích Vòng tròn đá Borgar, Orkney, Scotland
Phối cảnh một số hàng cột đá tại Di tích Vòng tròn đá Borgar, Orkney, Scotland
Tàn tích Hệ thống mương đất bao quanh Di tích Vòng tròn đá Borgar, Orkney, Scotland
4. Di tích Khu định cư Skara Brae
Di tích Khu định cư Skara Brae là một trong hai khu vực di tích, nằm trên bờ vịnh Skaill, trên bờ biển phía tây của đảo chính Mainland, thuộc quần đảo Orkney (N59 2 55.77 W3 20 29.79); diện tích di sản 0,5h, diện tích vùng đệm 1620ha.
Di tích Khu định cư Skara Brae là một cụm 10 ngôi nhà tạo nên ngôi làng Thời kỳ Đồ đá mới (khoảng năm 3180 TCN đến khoảng năm 2500 TCN), được bảo tồn tốt nhất ở Bắc Âu.
Phạm vi khu vực Di sản Skara Brae, Orkney, Scotland
Di tích được phát hiện vào năm 1850, do một cơn bão lớn quét qua vùng đất, làm lộ ra một ngôi làng với những ngôi nhà nhỏ không có mái. Địa điểm được khai quật vào năm 1868 và được nghiên cứu vào năm 1927.
Cư dân của ngôi làng chủ yếu là những người chăn nuôi gia súc, cừu, làm nông nghiệp và đánh bắt hải sản.
Với số lượng 10 nhà, ngôi làng có khoảng 50 người sinh sống.
Những ngôi nhà được dựng làm bằng đá phiến và đất, được xây chìm trong lòng đất. Điều này mang lại sự ổn định cho những ngôi nhà và cũng đóng vai trò như vật liệu cách nhiệt chống lại khí hậu mùa đông khắc nghiệt của vùng Orkney. Trung bình, mỗi ngôi nhà có diện tích 40m2 với một căn phòng hình vuông lớn có lò sưởi (Hearth) bằng đá dùng để sưởi ấm và nấu ăn đặt tại trung tâm. Một số ngôi nhà còn có phòng phụ nhỏ.
Mỗi ngôi nhà có một cửa ra vào thấp với một cánh cửa bằng đá có thể đóng lại.
Các ngôi nhà có một số đồ nội thất được làm bằng đá, bao gồm tủ quần áo, ghế ngồi và hộp đựng đồ; phòng vệ sinh và cống thoát nước đổ ra biển.
Nguyên liệu cho lò sưởi có thể là than bùn, phân động vật, rong biển khô.
Khoảng năm 2500 TCN, khí hậu thay đổi, trở nên lạnh và ẩm ướt hơn hoặc liên quan đến một cơn bão lớn mà người dân tại khu định cư đã vội vàng di dời, bỏ lại nhiều tài sản quý giá.
Năm 1972, tại đây đã tiến hành một đợt khai quật mới và phát hiện ra một số đồ vật liên quan, ví dụ như: Quả bóng bằng đá được chạm khắc chữ rune; những cục đất son đỏ dùng để vẽ lên cơ thể; dụng cụ làm từ động vật như xương cá voi, ngà voi và hải mã…
Sơ đồ mặt bằng Di tích Skara Brae, Orkney, Scotland gồm 10 ngôi nhà với lò sưởi đặt tại trung tâm
Tổng mặt bằng Di tích Skara Brae, Orkney, Scotland
Phối cảnh tổng thể Di tích Skara Brae, Orkney, Scotland
Tàn tích Nhà số 1 (N01) tại Di tích Skara Brae, Orkney, Scotland
Tàn tích Nhà số 2 (N02) tại Di tích Skara Brae, Orkney, Scotland
Tàn tích Nhà số 8 (N08) tại Di tích Skara Brae, Orkney, Scotland
Chữ khắc tìm thấy tại Di tích Skara Brae, Orkney, Scotland
Quần thể Di sản Thời kỳ Đồ đá mới ở Orkney, Scotland, đại diện cho sự tập trung của các địa điểm Thời kỳ Đồ đá mới tại Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len. Những địa điểm này là biểu tượng hữu hình cho những thành tựu của những dân tộc sơ khai cách xa các trung tâm văn minh truyền thống.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn:
https://whc.unesco.org/en/list/514/
https://en.wikipedia.org/wiki/United_Kingdom
https://en.wikipedia.org/wiki/Heart_of_Neolithic_Orkney
https://en.wikipedia.org/wiki/Maeshowe
https://en.wikipedia.org/wiki/Chambered_cairn
https://en.wikipedia.org/wiki/Cairn
https://en.wikipedia.org/wiki/Passage_grave
https://frontiersmagazine.org/maeshowe-on-the-internet/
http://www.ancient-wisdom.com/scotlandmaeshowe.htm
http://viking.archeurope.com/settlement/britain/orkney/maeshowe/
https://frontiersmagazine.org/maeshowe-on-the-internet/
https://en.wikipedia.org/wiki/Stones_of_Stenness
https://en.wikipedia.org/wiki/Henge
https://en.wikipedia.org/wiki/Ring_of_Brodgar
https://en.wikipedia.org/wiki/Skara_Brae
https://en.wikipedia.org/wiki/Barnhouse_Settlement
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi
|