Tuần 16 - Ngày 22/11/2024
|
|
|
|
Thông tin định kỳ
|
|
|
Lịch sử Kiến trúc
Trạm bơm hơi nước D.F. Woudagemaal, Lemmer, Hà Lan |
13/02/2024 |
Thông tin chung:
Công trình: Trạm bơm hơi nước D.F. Wouda (Ir.D.F. Woudagemaal /D.F. Wouda Steam Pumping Station)
Địa điểm: Lemmer, thành phố Lemsterland, tỉnh Friesland, Hà Lan (N52 50 44.988 E5 40 44.004)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Diện tích Di sản 7,32ha; diện tích vùng đệm 20,68ha
Năm thực hiện: 1920
Giá trị: Di sản thế giới (năm 1998; hạng mục i, ii, iv)
Hà Lan (Netherland) là một quốc gia chủ yếu nằm ở Tây Âu và một phần ở Caribe (châu Mỹ). Ở châu Âu, Hà Lan gồm 12 tỉnh, có biên giới với Đức ở phía đông, Bỉ ở phía nam, và Biển Bắc ở phía tây bắc; có đường biên giới hàng hải ở Biển Bắc với các quốc gia trên và Vương quốc Anh. Ở Caribe, nó bao gồm ba thành phố tự trị đặc biệt: các đảo Bonaire, Sint Eustatius và Saba.
Ngôn ngữ chính thức của đất nước là tiếng Hà Lan (Dutch language), với tiếng West Frisian là ngôn ngữ chính thức phụ ở tỉnh Friesland; tiếng Anh và tiếng Papiamentu là ngôn ngữ chính thức phụ ở Caribe Hà Lan.
Amsterdam là thủ đô và là thành phố lớn nhất Vương quốc Hà Lan.
Netherland có nghĩa đen là "vùng đất thấp" và địa hình bằng phẳng với chỉ khoảng 50% diện tích đất cao 1m trên mực nước biển và gần 17% nằm dưới mực nước biển.
Hà Lan có diện tích khoảng 41.865 km2, dân số khoảng 17,4 triệu người (năm 2020).
Dấu vết con người lâu đời nhất tìm thấy tại đây được cho là khoảng 25000 năm trước. Vùng đất này đã trải qua nhiều nền văn hóa. Đây là nơi, người ta cho rằng nhiều người chết trong cuộc đấu tranh chống lại nước hơn là trong cuộc đấu tranh chống lại loài người.
Vào năm 57 TCN – 53 TCN, một phần của Hà Lan bị Đế chế La Mã (Roman Empire, tồn tại năm 27TCN – năm 476) chinh phục. Sau khi Đế chế La Mã trong khu vực sụp đổ, tại miền nam Hà Lan hình thành Vương quốc Frankis (Kingdom of the Franks, tồn tại năm 481–843); tại miền bắc hình thành Vương quốc Frisian (Frisian Kingdom, tồn tại năm 600–734). Từ năm 600 đến khoảng năm 719, thường xảy ra tranh giành giữa người Frisia và người Frank. Vào đầu thế kỷ thứ 9, Vương quốc Frankis mở rộng tại miền tây và trung châu Âu và trở thành Đế chế Carolingian (Carolingian Empire, tồn tại năm 800–888).
Đế chế Carolingian mô phỏng theo Đế chế La Mã và kiểm soát phần lớn Tây Âu. Kể từ năm 843, Đế chế được chia thành ba phần - Đông , Trung và Tây Francia. Phần lớn đất nước Hà Lan ngày nay thuộc Vương quốc Trung Francia (Middle Francia, tồn tại năm 843–855). Vào năm 855, Vương quốc này bị chia cắt. Các vùng đất phía bắc của dãy Alps thuộc quyền cải quản của Vương triều Lotharingia, được phân thành Thượng và Hạ Lotharingia, trở thành một phần của Vương quốc East Francia (tồn tại năm 843- 962) vào năm 870 và nằm dưới sự kiểm soát của người Viking. Sau đó, Vương quốc East Francia tan rã và tại đây hình thành các quốc gia bán độc lập.
Dưới thời cai trị của Đế chế La Mã Thần thánh (Holy Roman Empire, tồn tại năm 800/962 –1806) và vua Tây Ban Nha (Habsburg Spain, tồn tại năm 1516–1700), các vùng đất của Hà Lan được hợp nhất thành 17 tỉnh, bao gồm cả Bỉ, Luxembourg và một số vùng đất liền kề thuộc Pháp và Đức ngày nay.
Các cuộc chiến tranh giành lãnh thổ và bành trướng tôn giáo làm cho vùng đất này luôn trong tình trạng bị chia cắt.
Năm 1581, Cộng hòa Hà Lan (Dutch Republic, tồn tại năm 1581–1795) được thành lập. Đây là nhà nước tiền thân của Hà Lan và nhà nước Hà Lan hoàn toàn độc lập đầu tiên.
Năm 1648, Cộng hòa Hà Lan độc lập được cộng nhận chính thức tại Hiệp ước (Peace of Münster) giữa Hà Lan và Đế chế Tây Ban Nha (Spanish Empire#Conflicts in northern Europe). Tiếp sau đó là sự hình thành Đế chế Hà Lan (Dutch Empire). Đế chế này đã phát triển, trở thành một trong những cường quốc kinh tế và đi biển lớn, cùng với Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp và Anh.
Khoa học, quân sự và nghệ thuật (đặc biệt là hội họa ) tại đây nằm trong số những lĩnh vực được hoan nghênh nhất trên thế giới. Đến năm 1650, người Hà Lan sở hữu 16.000 tàu buôn. Công ty Đông Ấn Hà Lan (Dutch East India Company) và Công ty Tây Ấn Hà Lan (Dutch West India Company) đã thành lập các thuộc địa và trạm buôn bán trên khắp thế giới.
Năm 1795, Cộng hoà Batavian (Batavian Republic, tồn tại năm 1795–1806) được thành lập, kế tục Cộng hòa Hà Lan.
Năm 1806, Vương quốc Hà Lan (Kingdom of Holland, tồn tại năm 1806–1810) được Hoàng đế Pháp Napoléon Bonaparte lập ra để kiểm soát Hà Lan tốt hơn.
Năm 1813, những người chiến thắng trong cuộc Chiến tranh Napoléon (kéo dài năm 1803–1815) đã lập Công quốc có chủ quyền của Hà Lan (Sovereign Principality of the United Netherlands, tồn tại năm 1813–1815).
Năm 1815, Vương quốc Hà Lan (United Kingdom of the Netherlands, tồn tại năm 1815–1839) được thiết lập.
Năm 1839, Bỉ ly khai khỏi Vương quốc Hà Lan và Luxembourg trở thành một quốc gia độc lập.
Năm 1954, Hiến chương cho Vương quốc Hà Lan (Charter for the Kingdom of the Netherlands) ra đời.
Bản đồ Hà Lan và vị trí tỉnh Friesland
Từ xa xưa, Hà Lan đã gắn liền với việc quản lý nước. Phần lớn đất nước nằm ở hoặc dưới mực nước biển. Việc giữ cho các trang trại, thị trấn và thành phố Hà Lan khô ráo là cực kỳ quan trọng. Người dân địa phương đã đào kênh, đê và hồ chứa từ thế kỷ 14 trong nỗ lực kiểm soát nước. Công trình mang tính biểu tượng nhất của Hà Lan là cối xay gió, cũng chỉ là một phần của quá trình đó, ví dụ như Công trình cối xay gió ở Kinderdijk và Beemster Polder (cũng được UNSECO tôn vinh là Di sản thế giới).
Máy bơm nước chạy bằng hơi nước xuất hiện lần đầu tiên vào khoảng năm 1825 và mang lại những cải tiến lớn so với các phương pháp bơm nước truyền thống. Đến cuối thế kỷ 19, tại Hà Lan đã có hơn 700 trạm bơm nước chạy bằng hơi nước đã được xây dựng.
Một trong những bước nhảy vọt về công nghệ lớn nhất trong quản lý nước diễn ra vào năm 1920 với việc khai trương Trạm bơm hơi nước DF Wouda (Ir. DF Woudagemaal/ D.F. Wouda Steam Pumping Station) tại thị trấn Lemmer, thuộc đô thị De Fryske Marren, tỉnh Friesland, tại phía bắc của Hà Lan. Trạm bơm được xây dựng để bơm lượng nước dư thừa ra khỏi vùng đất lấn biển Friesland.
Trạm bơm được đặt theo tên của Ir. DF Wouda (kiến trúc sư, kỹ sư người Hà Lan, năm 1880- 1961), kỹ sư trưởng của Cơ quan thoát nước tỉnh Friesland.
Đây là trạm bơm chạy bằng hơi nước lớn nhất vẫn đang hoạt động trên thế giới với công suất vượt trội là 4000m3/phút.
Trạm bơm Wouda được cung cấp năng lượng hoàn toàn bằng than, vận chuyển bằng thuyền và được công nhân vận chuyển thủ công từ bến cảng bằng xe cút kít.
Nhà máy đã chuyển đổi từ than sang nhiên liệu diesel hiệu quả hơn vào cuối những năm 1960 và được chuyển sang chế độ chờ, hoạt động một hoặc hai lần một năm. Khi có mưa, bão lớn, Trạm bơm DF Wouda lại hoạt động, hút một lượng nước khổng lồ từ đất nông nghiệp xung quanh và đưa nó trở lại biển.
Chân dung Ir. DF Wouda, người chịu trách nhiệm xây dựng Trạm bơm mang tên ông
Trạm bơm D.F. Wouda là một kiệt tác của các kỹ sư và kiến trúc sư thủy lực người Hà Lan, những người có đóng góp đáng kể trong lĩnh vực này. Đây là trạm bơm hơi nước lớn nhất và có công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới vào thời điểm nó được xây dựng và vẫn giữ nguyên vị trí đó cho đến nay.
Trạm bơm DF Woudagemaal gồm: Nhà nồi hơi với ống khói và kho chứa than (ngày nay là bãi chứa thùng dầu); Nhà đặt máy bơm; Cống và cửa tiếp nhận nước tại Teroelsterkolk; Kênh thoát nước (Afwateringskanaal); Cửa xả phía trước trạm bơm; Đê biển dọc theo IJsselmeer như một rào chắn trên biển và vùng đất đồng cỏ rộng lớn xung quanh. Hệ thống có giá trị vượt trội về tổng thể và có chất lượng hình ảnh cao so với cảnh quan xung quanh.
Trạm bơm D.F. Wouda (Ir. DF Woudagemaal) tại Lemmer, tỉnh Friesland, Hà Lan đã được UNESCO tôn vinh là Di sản thế giới (năm 1998) với tiêu chí:
Tiêu chí (i): Sự ra đời của hơi nước như một nguồn năng lượng đã cung cấp cho các kỹ sư Hà Lan một công cụ mạnh mẽ trong nhiệm vụ quản lý nước hàng nghìn năm của họ và trạm bơm bằng động cơ hơi nước tại Wouda là công trình lớn nhất thuộc loại này từng được chế tạo; là một tuyệt tác về tài năng sáng tạo của con người.
Tiêu chí (ii): Trạm bơm D.F. Wouda đại diện cho đỉnh cao của kỹ thuật thủy lực Hà Lan, nơi đã cung cấp các mô hình công nghệ và đặt ra tiêu chuẩn cho toàn thế giới trong nhiều thế kỷ.
Tiêu chí (iv): Hệ thống bơm của Wouda là bằng chứng đặc biệt về sức mạnh của động cơ hơi nước trong việc kiểm soát các thế lực tự nhiên, đặc biệt khi được các kỹ sư Hà Lan áp dụng vào việc xử lý nước.
Sơ đồ phạm vi Di sản Trạm bơm hơi nước D.F. Wouda, Lemmer, Hà Lan
Tổng mặt bằng Khu vực Di sản Trạm bơm D.F. Wouda, Lemmer, Hà Lan
Tổng mặt bằng Trạm bơm D.F. Wouda, Lemmer, Hà Lan: 1) Nhà đặt máy bơm; 2) Nhà nồi hơi; 3) Ống khói; 4) Cửa nhận nước; 5) Cửa xả; 6 Kênh dẫn nước; 7) Kho nhiên liệu
Phối cảnh phía bắc Trạm bơm D.F. Wouda, Lemmer, Hà Lan
Phối cảnh phía nam Trạm bơm D.F. Wouda, Lemmer, Hà Lan
Công nghệ kỹ thuật của Trạm bơm
Công nghệ kỹ thuật bên trong trạm bơm gồm: 4 động cơ hơi nước đặt trong Nhà nồi hơi với những nồi hơi khổng lồ và hàng chục đường ống, ống mềm, bánh xe và van. Mỗi động cơ tạo ra công suất 500 mã lực (Indicated horsepower/ IHP).
Gắn với mỗi động cơ này là một cặp máy bơm ly tâm hút đôi, quay với tốc độ khoảng 110 vòng/phút và có khả năng bơm 500m3/phút.
Cung cấp năng lượng cho các động cơ hơi nước là nồi hơi đốt than sau đó chuyển sang dùng dầu nhiên liệu nặng vào năm 1967.
Thời bấy giờ, để đưa Trạm bơm hoạt động hoàn toàn, tất cả 4 động cơ hơi nước và 8 máy bơm cần được kích hoạt riêng lẻ. Toàn bộ quá trình này mất hơn 6 giờ và cần một nhóm gồm ít nhất 11 người quản lý (tốn nhiều công sức so với trạm bơm hiện đại ngày nay).
Ống khói không chỉ có tác dụng thải khí khói mà còn chủ yếu tạo ra gió lùa trong nồi hơi, cần thiết cho cả việc nạp khí đốt và trao đổi nhiệt hiệu quả trong nồi hơi.
Một con kênh đặc biệt, "Stroomkanaal", được đào để dẫn nước cho Trạm bơm.
Cửa tiếp nhận nước phía bắc, Trạm bơm D.F. Wouda, Lemmer, Hà Lan
Cửa xả phía nam, Trạm bơm D.F. Wouda, Lemmer, Hà Lan
Kênh "Stroomkanaal" dẫn nước tới Trạm bơm D.F. Wouda, Lemmer, Hà Lan
Kiến trúc của Trạm bơm Wouda
Bên cạnh công nghệ ấn tượng, Trạm bơm Wouda còn là tổ hợp nhà công nghiệp có kiến trúc đẹp thời bấy giờ.
Tổ hợp bao gồm: Nhà đặt nồi hơi (boiler house); Nhà đặt máy bơm (machine hall); Ống khói (smokestack).
Nhà đặt nồi hơi và Nhà đặt máy bơm bố trí vuông góc tạo thành hình chữ L.
Nhà nồi hơi là nơi đặt 4 động cơ hơi nước. Công trình dài khoảng 31m, rộng 16m, có mặt cắt ngang với cửa mái nhô cao.
Nhà đặt máy bơm là nơi đặt 8 máy bơm. Công trình dài khoảng 61m, rộng 16m, có mặt cắt ngang rộng tương tự như Nhà nồi hơi, song không có cửa mái chạy dọc nhà mà có 6 cửa mái dạng tam giác, như hình thức một công trình dân dụng.
Tất cả được thiết kế bởi kiến trúc sư trưởng DF Wouda theo phong cách Chủ nghĩa Duy lý (Rationalism) hay Chủ nghĩa Quốc tế (International Style). Thiết kế của ông tập trung vào sự đơn giản với những đường nét sắc nét và gọn gàng, mặt tiền tinh tế cũng như các yếu tố đối xứng.
Trạm bơm phần lớn được làm bằng gạch nâu, đá tự nhiên, kết cấu gỗ và các giàn thép.
Công trình nằm hài hòa giữa khung cảnh xanh tươi bằng phẳng của vùng đồng bằng ven biển Friesland.
Ống khói cao khoảng 60m gắn liền với trạm bơm là một trong những công trình kiến trúc cao nhất trong phạm vi rộng lớn xung quanh. Trong nhiều năm qua, ống khói như là ngọn hải đăng dẫn đường quan trọng cho các thủy thủ trên vùng vịnh IJsselmeer liền kề.
Nội thất Nhà nồi hơi, Trạm bơm D.F. Wouda, Lemmer, Hà Lan
Nội thất Nhà đặt máy bơm, Trạm bơm D.F. Wouda, Lemmer, Hà Lan
Di sản Trạm bơm D.F. Wouda tại Lemmer, tỉnh Friesland, Hà Lan được coi là một cột mốc quan trọng và mang tính đột phá trong quản lý nguồn nước của Hà Lan, là trạm bơm hơi nước lớn nhất từng được xây dựng và vẫn đang hoạt động. Công trình thể hiện sự đóng góp cao độ của các kỹ sư và kiến trúc sư Hà Lan trong việc bảo vệ người dân và đất đai trước thế lực tự nhiên của nước.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn:
https://whc.unesco.org/en/list/867/
https://en.wikipedia.org/wiki/Netherlands
https://nl.wikipedia.org/wiki/Dirk_Wouda
https://en.wikipedia.org/wiki/Rationalism_(architecture)
https://en.wikipedia.org/wiki/Wouda_pumping_station
https://exploringthenetherlands.com/wouda-steam-pumping-station/
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi
|
Cập nhật ( 13/02/2024 )
|
Tin mới đưa:- Hang động Vân Cương, Đại Đồng, Sơn Tây, Trung Quốc
- Công trình Villa d'Este, Tivoli, Rome, Ý
- Cột Chúa Ba Ngôi ở Olomouc, Czech
- Thung lũng Loire giữa Sully-sur-Loire và Chalonnes, Pháp
- Quần thể Tu viện Ferapontov, Vologda, Nga
- Nhà thờ St James ở Šibenik, Croatia
- Mỏ đá lửa Thời kỳ Đồ đá mới ở Spiennes, Mons, Bỉ
- Lăng mộ Hoàng gia của triều đại nhà Minh và nhà Thanh, Trung Quốc
- Hang động Long Môn, Lạc Dương, Hà Nam, Trung Quốc
- Vương cung thánh đường San Francesco và địa điểm khác của Dòng Phanxicô tại Assisi, Ý
- Công trình Villa Adriana, Tivoli, Rome, Ý
- Địa điểm khảo cổ Mycenae và Tiryns tại Argolis, Hy Lạp
- Di tích Thời kỳ Đồ đá mới ở Orkney, Scotland, Vương quốc Anh
- Vùng đất lấn biển Beemster, tỉnh Noord-Holland, Hà Lan
Tin đã đưa:- Khu Khảo cổ Nghệ thuật đá thời Tiền sử ở Thung lũng Côa (Bồ Đào Nha) và Siega Verde (Tây Ban Nha)
- Nhà hát Catalana và Bệnh viện Sant Pau, Barcelona, Tây Ban Nha
- Hệ thống cối xay gió ở Kinderdijk – Elshout, Hà Lan
- Quần thể Maritime Greenwich, Luân Đôn, Anh
- Dinh thự Hoàng gia Savoy, Turin, Ý
- Công trình Villa Romana del Casale, Sicily, Ý
- Su Nuraxi di Barumini, Sardinia, Ý
- Nhà thờ, Tháp Civica và Quảng trường lớn tại Modena, Ý
- Cung điện Hoàng gia Caserta, Cầu máng Vanvitelli và Quần thể San Leucio, Ý
- Khu khảo cổ Agrigento, Ý
- Khu Khảo cổ Las Médulas, Tây Ban Nha
- Lonja de la Seda de Valencia (Sàn giao dịch Tơ lụa Valencia), Tây Ban Nha
- Trung tâm lịch sử thành phố Pienza, Ý
- Lâu đài Monte tại Puglia, Ý
- Cảnh quan Văn hóa Lednice-Valtice, Sec
|