“Đào tạo theo tín chỉ phản ánh một triết lý giáo dục chứ không phải là một phương pháp giảng dạy. Và vì thế, nó có thể có ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo ĐH từ quan điểm “toàn cục” hơn là từ quan điểm “cục bộ”. – GS Vũ Quốc Phóng. Đăng ký học: rộng đường; đăng ký tốt nghiệp: bắt buộc | Ảnh: Lê Anh Dũng | Phần lớn các sinh viên đều chọn cho mình một chuyên ngành (major) hoặc trường con (college or school) ngay khi nộp đơn vào trường, tuy nhiên điều này không bắt buộc. Nếu sinh viên chưa chọn cho mình một chuyên ngành nào, thì họ được gọi là “chưa quyết định” (undecided). Ở ĐH Ohio, sinh viên có thể chọn trường con và ngành bất kỳ lúc nào trong hai năm đầu đại học, và phải chọn trước khi tích lũy được 90 TC (tức là khoảng gần ½ khối lượng TC tối thiểu để tốt nghiệp). Mỗi sinh viên có một thông báo kiểm tra bằng cấp mà ở trường ĐH Ohio (và phần lớn các trường khác) gọi là DARS (viết tắt của degree audit report system). Cứ sau mỗi học kỳ thì nội dung của DARS lại được thay đổi để phản ánh những kết quả học tập sinh viên đã đạt được, để chỉ ra sinh viên còn cần phải đáp ứng những yêu cầu nào để tốt nghiệp. Tuy sinh viên được tự do đăng ký môn học, nhưng muốn đăng ký một môn nào đó sinh viên phải thỏa mãn một số yêu cầu, trong đó có yêu cầu tiên định (prerequisite). Do đó các giảng viên phải chấm bài và nộp điểm nhanh sau khi cho thi cuối kỳ, để sinh viên có thể đăng ký học tiếp, vì việc đăng ký một số môn học phụ thuộc vào kết quả các môn học trước đó có tốt hay không. Có những quy định cụ thể về thời hạn đăng ký môn học trong một học kỳ. Ví dụ, ở trường Ohio, sinh viên được tự đăng ký vào (add) hoặc đăng ký ra (drop) bất kỳ lúc nào trước 15 ngày sau khi học kỳ bắt đầu. Nếu đăng ký muộn hơn quy định trên thì phải được phép của giảng viên môn học đồng ý, và phải nộp một khoản lệ phí nhỏ. Nếu sinh viên không tự đăng ký vào một lớp nào đó được vì một lý do nào đó, ví dụ như vì không thỏa mãn được các yêu cầu tiên định, hoặc vì lớp đã kín chỗ, đã hết hạn tự đăng ký,…, thì sinh viên vẫn có thể đăng ký được nếu giảng viên của lớp đồng ý. Thậm chí, có một số ít môn học chỉ có thể đăng ký vào học được sau khi nhận được giấy đồng ý của giảng viên. Sinh viên khi đã tích lũy được gần đủ số tín chỉ để tốt nghiệp có thể kiểm tra DARS của mình để biết được đã hội đủ các điều kiện để tốt nghiệp chưa, và đăng ký xin tốt nghiệp (apply for graduation, or declare candidacy for graduation). Việc đăng ký này giúp phòng giáo vụ của trường (registrar office) kiểm tra chính thức quá trình học của sinh viên để kết luận là đã đủ tiêu chuẩn để tốt nghiệp chưa. Ngay cả trong trường hợp sinh viên đã hội đủ mọi tiêu chuẩn để tốt nghiệp, nếu không đăng ký xin tốt nghiệp thì vẫn chưa tốt nghiệp được và chưa được cấp bằng. Tuy vậy, điều này không ảnh hưởng gì đến việc sinh viên đi làm hoặc xin học tiếp cao học, vì ở Mỹ bằng chỉ là hình thức, còn bảng điểm chính thức (official transcript) mới quan trọng. Khi xin việc hoặc khi xin học tiếp cao học, nói chung người ta chỉ yêu cầu bảng điểm chứ không yêu cầu bằng. Trong một số trường hợp mà họ yêu cầu bằng thì chỉ cần một thư xác nhận của trường, nói rằng SV này đã thỏa mãn mọi tiêu chuẩn để cấp bằng, là được. “Thầy đọc trò chép” vẫn có chất lượng cao? Nói chung, đào tạo theo tín chỉ phản ánh một triết lý giáo dục chứ không phải là một phương pháp giảng dạy, và, vì thế, nó có thể có ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo ĐH từ quan điểm “toàn cục” hơn là từ quan điểm “cục bộ”. Cụ thể hơn, một số ưu điểm mà có một số người gắn cho hệ tín chỉ, thực ra vẫn có thể tồn tại trong hệ niên chế, và một số nhược điểm được gắn cho hệ tín chỉ không đúng. Ví dụ, nếu nói rằng cách giảng dạy “thầy đọc trò chép” là nhược điểm của hệ niên chế, và cách giảng dạy chú trọng tranh luận, lôi cuốn sinh viên, là ưu điểm của hệ tín chỉ là không đúng. Thứ nhất, phương pháp Socrates như là một phương pháp sư phạm hiệu quả đã tồn tại từ thời cổ. Người Trung Quốc cũng có câu châm ngôn đại ý “nói cho tôi biết, tôi sẽ quên; chỉ cho tôi thấy, tôi sẽ nhớ; cho tôi cùng làm, tôi sẽ hiểu”. Ở các trường ĐH danh tiếng ở các nước Nga, Pháp, Đức,… tuy không theo hệ tín chỉ, nhưng không thể nói là các giáo sư ở đó dạy theo kiểu “thầy đọc trò chép” được, mà ngược lại, khó có thể tìm thấy ở đâu có những lớp học lôi cuốn sinh viên hơn. Thứ hai, nhiều môn học hoặc nhiều lớp học, do tính chất của nó, chủ yếu vẫn được dạy theo cách “thầy đọc trò chép” hay “thầy diễn thuyết trò nghe”, kể cả ở các trường ĐH lớn ở Mỹ. Ưu điểm vẫn được “đặt” ở phương pháp Ở các trường ĐH ở Mỹ thường các giảng viên đều cho sinh viên biết đề cương môn học (syllabus) vào đầu mỗi học kỳ, thường kiểm tra sinh viên giữa kỳ, cho và chấm các bài tập về nhà hoặc đề án cá nhân, đề án nhóm,… và thường phải duy trì giờ văn phòng (có mặt ở văn phòng khoảng 3-5 giờ trong một tuần để sinh viên có thể gặp nếu họ muốn). Tuy nhiên, chỉ có hai việc là cho sinh viên biết đề cương học và duy trì giờ văn phòng là nhiều ít mang tính bắt buộc, còn việc cho thi giữa kỳ bao nhiêu lần, cho điểm đi học và tham gia thảo luận không, với tỷ lệ bao nhiêu,…, các giảng viên đều có thể tự quyết định, vì tất cả những điều này đều có thể lý giải là thuộc phạm trù tự do hàn lâm (academic freedom). Trên thực tế, như là một truyền thống tốt và thường xuyên được các hiệu trưởng, trưởng khoa kêu gọi thực hiện, là việc các giảng viên hay cho thi giữa kỳ khoảng 2 lần, nhất là với các lớp học không có đồ án và các lớp mức thấp. Sinh viên cũng thích như vậy vì họ sợ nếu tất cả dồn vào kỳ thi cuối kỳ, thì tuần cuối cùng phải học ôn quá nhiều và độ rủi ro sẽ cao hơn. Việc sinh viên có quyền đánh giá giảng viên tự động dẫn đến là tuy không bắt buộc nhưng giảng viên nào cũng cho thi giữa kỳ; nhiều người còn cho điểm cho các hoạt động khác như đi học đều, chăm phát biểu, các đề án phụ hoặc cho thi lại, cho điểm thưởng,v.v.... Một số giảng viên lại còn áp dụng phương pháp cho điểm mang tên là curving , mà theo đó điểm của sinh viên trong một lớp phải có một “phân phối chuẩn”, mà trên thực tế có nghĩa là nếu như không may gặp phải một lớp toàn sinh viên lười học (hãy tin tôi là có những lớp như thế), thì cũng phải cho nhiều điểm A, một số điểm B, còn điểm C, D hoặc F thì không nên cho, mà nếu có thì chỉ ít thôi [i] . Nhìn chung, nếu cộng tất cả lại thì những cách dạy như nêu trên là ưu điểm, vì nó quan tâm đến sinh viên và đề cao trách nhiệm của giảng viên. Nhưng đó là ưu điểm của một phương pháp giảng dạy chứ không phải là của hệ tín chỉ, vì những phương pháp đó cũng có thể áp dụng trong hệ niên chế (và không áp dụng trong hệ tín chỉ). Mặt khác, nói rằng “cắt vụn kiến thức” [ii] là nhược điểm của hệ tín chỉ cũng không hoàn toàn đúng, bởi vì trên thực tế thì các môn học trong hệ tín chỉ và hệ niên chế nói chung là không khác nhau. Nếu một lĩnh vực mà không đủ trình bày trong một môn học (như là trong một half course ở ĐH Harvard hay một môn 3-4 TC ở các trường khác), thì có thể trình bày trong 2 hoặc 3 môn (như full course ở ĐH Harvard, hoặc các môn học nằm trong một chuỗi, ví dụ như MATH263A-D ở ĐH Ohio). Hệ tín chỉ có một số ưu điểm thực sự so với hệ niên chế Ví dụ, nó cho phép sinh viên học nhanh chậm theo khả năng và/hoặc điều kiện cá nhân, hoặc chuyển đổi trường (transfer) dễ dàng. Những việc này nếu muốn thì vẫn có thể làm được trong hệ niên chế, nhưng rất bất tiện và không linh động như trong hệ tín chỉ. Nhưng điểm quan trọng hơn của hệ tín chỉ là nó nhấn mạnh tính đa dạng của nền tri thức, đề cao phương pháp để tìm hiểu thế giới (vật chất và tinh thần) hơn là những kiến thức cụ thể hoặc những thông tin cụ thể trong những lĩnh vực nào đó. Và trên cơ sở đó, cho phép sinh viên có những sự lựa chọn chương trình học theo sở thích của mình (nhưng không hoàn toàn tùy ý mà phải theo một số quy tắc). Một điểm nổi bật của các trường ĐH dạy theo hệ tín chỉ ở Mỹ là sự đa dạng, phong phú của các môn học khác nhau. Ở ĐH Ohio, tổng số các môn học khác nhau có thể tìm thấy trong niên giám là khoảng 5 nghìn môn [iii] ; ở các trường ĐH lớn khác của Mỹ số lượng các môn học có trong niên giám cũng nhiều tương tự. Tất nhiên, không phải năm học nào tất cả các môn đó cũng được dạy. Có những môn 2, 3 hoặc 4 năm mới dạy một lần, với số lượng sinh viên rất ít, và có những môn năm nào cũng có hàng chục lớp với hàng nghìn sinh viên. Sinh viên trong một lớp ít hay nhiều, phần lớn là do tính chất của môn học đó chứ không phải do chất lượng giảng dạy của giảng viên. Nhiều trường ĐH lớn ở Mỹ có những lớp có 400-500 sinh viên, thậm chí có lớp hơn 1000 sinh viên [iv] , trong khi đó cũng có những lớp chỉ có 3 sinh viên. Số sinh viên trong lớp nhiều hay ít còn phụ thuộc vào thời gian học có thuận tiện cho đa số sinh viên hay không, giảng viên cho điểm dễ hay khó, v.v... Các trường ĐH ở Mỹ không trả lương cho giảng viên dựa trên số lượng sinh viên vì, trên thực tế, thời gian giảng bài cho 1000 sinh viên cũng bằng thời gian giảng bài cho 3 sinh viên. Việc đánh giá sinh viên (chấm bài, cho điểm,…) trong những lớp có đông sinh viên thường được phân công cho các sinh viên cao học. Có thể, những giảng viên dạy những lớp lớn sẽ được cho thêm điểm (và như vậy là thêm một chút lương) vào các kỳ đánh giá hàng năm, sẽ được xem xét để giảm bớt số lớp phải dạy (ví dụ, chỉ phải dạy 1 lớp thay cho 2 lớp). Nói tóm lại, các công việc giảng dạy được phân công một cách công bằng nhất có thể, và tiêu chuẩn quan trọng nhất là giảng viên đó cần phải dành bao nhiêu thời gian cho công việc giảng dạy của mình. Ngoài các trường lớn, ở Mỹ có rất nhiều trường ĐH cỡ vừa và nhỏ, và tất cả đều đào tạo theo hệ tín chỉ. Tất nhiên, ở những trường chỉ có một vài nghìn sinh viên, với dăm bảy chục giảng viên, thì cuốn niên giám của họ mỏng hơn nhiều, và họ không thể có nhiều môn học như ở các trường lớn được. Hệ quả là sinh viên có ít lựa chọn hơn. Nhưng điều đó không thật quan trọng, miễn là sinh viên vẫn được tự chọn, tự xây dựng cho mình một chương trình học vừa đáp ứng được sở thích riêng, trong phạm vi có thể, vừa đáp ứng được các yêu cầu của giáo dục kiến thức rộng và yêu cầu chuyên ngành. Thực tế là ở Mỹ có rất nhiều trường ĐH nhỏ có số lượng sinh viên và giảng viên không nhiều, và như vậy không có nhiều lựa chọn các môn học, nhưng có chất lượng giảng dạy rất tốt. Nói chung, các trường đều khuyến khích giảng viên đề xuất các môn học mới. Giảng viên nào cũng có quyền đề xuất môn học mới. Có những quy định chi tiết về các thủ tục phải làm, theo các mẫu có sẵn, khi giảng viên muốn đề xuất một môn học mới, trong đó có tên gọi và mã của môn học, nội dung tóm tắt, sách giáo khoa sẽ sử dụng (nếu có), v.v… Nếu môn học được thông qua, nó sẽ được bổ sung vào niên giám và, tùy theo nhu cầu của sinh viên cũng như quyết định của trưởng khoa, có thể được dạy cho sinh viên. Mặt khác, nếu một môn học nào quá lâu không được dạy, và trường cũng không còn giảng viên có thể dạy được môn đó nữa, thì các tiểu ban về chương trình học của các khoa có thể đề nghị bỏ ra khỏi niên giám. |