Tuần 50 - Ngày 17/07/2024
SỰ KIỆN TRONG TUẦN
Hỏi:

Em cảm thấy vô hướng quá  

Em chào thầy ạ, em là 1 sinh viên đang theo học tại trường Đại học Xây dựng Hà Nội và cũng đang học trong lớp Kiến trúc Công nghiệp của thầy ạ. Em có 1 số vấn đề nội tâm rất mong muốn được thầy giúp đỡ và mách bảo ạ. 
Vấn đề chính em đang gặp phải là em cảm thấy rất vô hướng như trong tiêu đề ạ. Em thấy bản thân mình không có tý năng lực nào để mai sau có thể hành nghề kiến trúc sư. Hiện tại em bị nản chí và cũng lo sợ nữa. Em vào trường cũng vì ước mơ có thể xây ngôi nhà do chính mình thiết kế và hành nghề. Nhưng em cảm thấy mình không đủ năng lực để có thể hành nghề, kiến thức trên trường là vô cùng lớn mà dù e đã học rồi nhưng lại bị quên lãng chỉ sau 1 học kỳ. Em cũng không giỏi vẽ và vẽ rất xấu nếu vẽ tay thì nhìn rất trẻ con và thiếu chuyên nghiệp, nhìn các bạn khác em cảm thấy rất tự ti, Em cũng không biết mình còn có thể đủ trình độ để đi thực tập không nữa. Chuyên môn của em em tự đánh giá là khá tệ, em rất suy sụp và cố gắng học những gì có thể mà chuyên ngành cần. Thầy có thể cho em xin ý kiến và liệu có giải pháp khắc phục không ạ, em rất sợ rằng nếu hành nghề thì bản thân không giỏi giang thì kinh tế làm ra sẽ bị thấp, không đủ sống. Vậy em phải làm sao ạ. 


Trả lời:

Thày đã nhận được thư.

Năng lực tự thân thời điểm này là kết quả của năng lực tự rèn luyện giai đoạn trước. Như em nêu trong thư, năng lực tự thân yếu, trước hết thể hiện:
i) Kiến thức chuyên môn còn nhiều khoảng trống và ngày càng rộng ra, do việc học không chăm chỉ;
ii) Trình bày bản vẽ kiến trúc xấu, do không cẩn thận khi thiết kế;
iii) Mất niềm tin vào chính mình, nản chí và dẫn đến lo sợ cho tương lai. 
Phải thấy đó là điều không tốt đẹp do chính em gây ra, để có trách nhiệm mà sửa mình. 
Được gia đình hỗ trợ, có sức khỏe và năng lực để học đến năm thứ 3, là may mắn lắm, khi so sánh với rất nhiều thanh niên người Việt khác. 

Một số việc phải làm ngay: 
i) Thay đổi ngay nhận thức cũ: Ta phải trở thành người tài với cả kỹ năng cứng và mềm phù hợp để cạnh tranh và hợp tác, không chỉ trong kiến trúc mà cả lĩnh vực liên quan khác mà xã hội đang cần và tạo ra giá trị gia tăng;
ii) Sử dụng thời gian hợp lý: Một ngày ngủ đủ 6- 7 tiếng để tái tạo sức lao động. Thời gian còn lại dành cho: Học ngoại ngữ và chuyển đổi số; Đi học đầy đủ và lắng nghe bài giảng; Đọc sách và tài liệu bổ sung kiến thức; Chủ động trao đổi chuyên môn với giảng viên và bạn bè;
iii) Chăm chỉ tự học tập: Lời chê ghê gớm nhất là Kẻ lười nhác. Từ Kẻ lười nhác đến Kẻ hèn hạ và vô dụng rất gần nhau. Không phải lúc nào cũng có người bên cạnh mà học hỏi, mà phải có kế hoạch tự học, từ trong sách vở đến mạng xã hội và thực tế;
iv) Mở ra với thế giới bên ngoài: Tìm người có đức, có tài mà chơi để học kiến thức và sự đồng thuận; Ra với môi trường tự nhiên mà hòa vào trong đó. Sẵn sàng trải nghiệm làm những điều tốt đẹp; 
v) Còn 2 năm nữa mới ra trường. Phải học để tốt nghiệp đại học, điểm khởi đầu sự nghiệp của một người tri thức. Đây là thời gian đủ để em tìm lại sự cân bằng cảm xúc và tận tâm thay đổi chính mình.

Nếu có vấn đề gì về việc học tập có thể trao đổi với thày. Thày sẵn sàng đồng hành.

Ngày 4/11/2023; Thày Phạm Đình Tuyển 
Hỏi:

Em kính chào thầy ạ.
Em đang đọc lần 2 quyển sách Nghĩ giàu làm giàu, xuất bản lần đầu năm 1937. Quyển sách được viết từ 90 năm trước nhưng nó vẫn đang phản ánh nhiều thực tế.
Em đã đọc được rằng "các cơ sở giáo dục cần có trách nhiệm hơn nữa trong việc định hướng nghề nghiệp cho sinh viên".
Em nghĩ đó là việc các thầy đang làm không ngừng. 
Em viết mail này để cảm ơn công việc của thầy ạ.

Em cảm ơn thầy đã đọc ạ.
Sinh viên 60KD3


Trả lời:

Thày đã nhận được thư của em.
Rất cám ơn về những dòng chia sẻ, động viên. 
Định hướng nghề nghiệp cho sinh viên không chỉ liên quan đến việc đào tạo kỹ năng cứng mà còn phải là kỹ năng mềm, liên quan trước hết đến năng lực đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. 
Cuốn sách "Nghĩ giàu, làm giàu" chỉ là một trong những nội dung mà thế hệ trẻ quan tâm.
Điều lớn lao hơn là họ phải có năng lực tự thân và năng lực tự rèn luyện để hình thành sự nghiệp và trở thành người tốt cho gia đình, cộng đồng và xã hội, phù hợp với chuẩn mực chung của loài người trong thế kỷ 21. 
Sinh viên là tương lai của thày.
Thày cùng các thày cô giáo khác đang nỗ lực hết sức để biến tương lai tốt đẹp đó thành hiện thực. 
Thày đang viết một cuốn sách với tiêu đề: 'Nâng cao năng lực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho sinh viên (và cựu sinh viên) trong lĩnh vực xây dựng'. Dự kiến tháng 5/2023 xuất bản. 
Chúc mọi điều tốt lành. 
Ngày 8/3/2023; Thày Phạm Đình Tuyển 

 
 
Hỏi:

 

Thưa thầy, em xin gửi kết quả bigfive mới của bản thân, qua đây em cũng xin cảm ơn thầy vì thông qua bài khảo sát bigfive và những lời thầy nói, em đã cố gắng khắc phục những yếu điểm của bản thân và cũng như trau dồi thêm kiến thức để khai phá bản thân, và thực tế đã có những chuyển biến tích cực trong cuộc sống và công việc của em, tuy vậy bản thân em cũng vẫn còn những thiếu sót, những điều em chưa thay đổi đc, em mong thầy thông cảm và trân thành cảm ơn thầy đã lắng nghe em.

 

Sinh viên Khóa 53KD, Khoa Kiến trúc Quy hoạch, ĐHXD Hà Nội

 


Trả lời:

 

Đã nhận được kết quả Big Five. Nên ghép thêm kết quả của những sinh viên khác, người khác để có thể so sánh và rút ra được nhận xét ta là ai và từ đó tự sửa mình. 

Kết quả cho thấy: Tính cách (hay kỹ năng mềm) thuộc loại trung bình. Yếu về tính hướng ngoại. 

Từng bước, từng bước mà cố gắng hơn. 

 

Ngày 3/2/2023, thày Phạm Đình Tuyển 

 


Hỏi:  Em gửi thầy kết quả Big Five ạ.




Trả lời: Thày đã nhận được kết quả đánh giá Big Five của em. 
Sau một năm tự nhìn nhận mình là ai và đã có những thay đổi . 
Tính cách Tận tâm và Hướng ngoại được cải thiện so với trước. 
Tính cách Cân bằng cảm xúc vẫn yếu như cũ. Theo các nghiên cứu mà thày được biết, tính cách Cân bằng cảm xúc là cốt lõi. Mọi năng lực hoạt động chuyên môn, xã hội của một con người đều dựa vào đây mà ra cả. 
Ta có mặt trên đời này đều có nguyên cớ tốt đẹp nào đó.  Phải tự tin hơn nữa vào chính mình, trước hết là từ công việc chuyên môn, nay chính là đồ án tốt nghiệp. 
Thày sẽ hỗ trợ chuyên môn để em có kết quả tốt nhất trong việc thực hiện học phần Đồ án tốt nghiệp. 
Ngày 10/6/2022. Thày Phạm Đình Tuyển.  
 

Hỏi: E chào thầy ạ! E là Thắng ,sinh vien nhận đồ án tốt nghiệp nhóm thầy, nhóm mình có nhóm zalo riêng hay thế nào để trao đổi về đồ án k ạ ? Em tìm sđt thầy để add Zalo nhưng không được ạ! Em cảm ơn thầy.
Trả lời: Trao đổi trực tiếp với thày qua mail. 
 
Một số nội dung chính thực hiện trong 4 tuần đầu tiên: :
 
1) Đọc kỹ các yêu cầu về nội dung Học phần đồ án tốt nghiệp của Khoa và Bộ môn KTCN; in thành một bộ hồ sơ, khi đi thông qua mang theo (hoàn thành ngay trong tuần thứ 1)  
2) Báo cáo về tên đề tài tốt nghiệp, vị trí cụ thể khu đất dự kiến theo tỷ lệ 1/500 (hoàn thành trong tuần thứ 1)
3) Chuản bị các quy định, tiêu chuẩn thiết kế có liên quan đến đề tài; in thành một bộ hồ sơ, khi đi thông qua mang theo (hoàn thành trong tuần thứ 2)
4) Tìm 5 ví dụ trên thế giới về các công trình tương tự với loại hình dự kiến trong đề tài tốt nghiệp; nhận xét và đánh giá, kết luận rút ra để có thể ứng dụng cho đề tài (4 tuần phải hoàn thành); 
5) Đọc lại các nguyên lý thiết kế kiến trúc đã được học (phải làm ngay và liên tục cho đến khi bảo vệ đề tài);
6) Nên tự đánh giá Ta là ai. Đánh giá theo phần mềm  Big Five- tính cách sinh viên, để thày biết rõ hơn về sinh viên. 
Phần mềm đánh giá: http://talaai.com.vn/   (talaai.com.vn)
Sau đó gửi ngay kết quả đánh giá tính cách cho thày, để có thể hỗ trợ. 
 
Gặp nhau 2 tuần/lần. Mỗi lần gặp cần chuẩn bị sẵn câu hỏi để có thể trao đổi tối đa những vấn đề liên quan đến đề tài tốt nghiệp mà không tự trả lời được. 
Địa điểm gặp: Chiều thứ tư hàng tuần, từ 16h - 17h30 tại Văn phòng Bộ môn KTCN. 
 
Đồ án tốt nghiệp là một sự kiện quan trọng của đời người lao động trí óc. 
Phải nỗ lực hết sức và dành tất cả thời gian, nguồn lực cho đồ án. Từ đây mới có kết quả tốt nhất, để trải nghiệm, hình thành năng lực cần thiết chuẩn bị cho việc ra trường và làm việc với vô số những người tài khác trong xã hội. 
 
2/6/2022. Thày Phạm Đình Tuyển. 
 

Hỏi:  Em chào bộ môn ạ, em là Hoàng Đức Dương lớp 66XD8 msv-0013966 đang làm bài tiểu luận về công trình dân dụng ạ em thấy bộ môn có đăng bài về công trình galaxy soho ở Trung Quốc vậy em muốn xin bộ môn cho em bài đăng đó được không ạ, em xin cảm ơn bộ môn,em chào bộ môn ạ.


Trả lời: Trang WEB bmktcn.com được thành lập với mục tiêu chính là phục vụ sinh viên. Đương nhiên là em được đăng lại các bài viết trên trang WEB này. 
Chủ  biên: TS. Phạm ĐÌnh Tuyển 

Hỏi:

Em gửi thày bài Trắc nghiệm tính cách – Big Five (talaai.com.vn)


Trả lời:

Thày đã nhận được biểu tượng Big Five của em. Đây là Big Five rất điển hình của sinh viên. Em còn là người mạnh về Hướng ngoại, một tính cách rất được coi trọng trong Thời đại liên kết và hội nhập. 
Do còn trong giai đoạn là sinh viên gắn với Học hỏi, Học tập là chính và chưa có Học hành, nên tính cách Tận tâm của em còn thiếu mạnh mẽ so với tính cách khác.  
Khi làm việc trong doanh nghiệp hay tổ chức nào đó, người sử dụng lao động đánh giá trước hết tính cách Tận tâm và là kỹ năng mềm cơ bản của mỗi nhân viên. 
Không đợi đến lúc ra trường, ngay từ bây giờ em dành quan tâm hơn cho tính cách này. Nếu làm được như vậy, sẽ thuận lợi hơn khi thử việc và nhiều cơ hội hơn trong sự nghiệp. 
Khi trắc nghiệm Big Five, Tận tâm cũng là tính cách nổi trội của thày. Trong công việc, thày luôn có thiện cảm với những người Tận tâm. 
Chúc em sớm trở thành con người thật sự Tận tâm. 

Ngày 24/4/2021, Thày Phạm Đình Tuyển. 


Hỏi:

Em thưa thầy, thầy có thể cho em hỏi làm sao mình có thể kết nối làm quen với những người giỏi hơn mình ạ, em cảm ơn thầy.


Trả lời:

Thày đã nhận được thư của em.
Đối với một đất nước: Hiền tài như nguyên khí quốc gia. Mạnh hay yếu từ đó mà ra cả.
Đối với một cá nhân: Suốt cả đời gắn với việc học: Học cái gì và học thày nào. Và sự học luôn đi cùng với sự sang trọng và thịnh vượng.
Những người giỏi hay người hiền tài có thể thức tỉnh cho ta học cái gì một cách hiệu quả và qua đó họ cũng trở thành thày của ta.
Người tài giỏi là người làm những việc mang lại giá trị gia tăng cao mà người thường không làm được. Người hiền tài là người mang tài của mình ra giúp xã hội.
Vị thế xã hội cấp độ nào thì có người tài, người hiền tài cấp độ đó, ví như người tài giỏi trong lớp, trong trường, trong ngành, trong vùng, trong quốc gia và thế giới.
Mỗi người thường tìm và chơi với người giỏi phù hợp với vị thế của họ. Khi tiến bộ, sang một vị thế mới cao hơn, lại tìm thày giỏi tương xứng ở vị thế đó mà học.
Khi đã tài giỏi trong một vị thế, chính ta lại trở thành người thày để dẫn dắt những người khác chưa có điều kiện giỏi bằng ta. Từ đây ta cũng có được phẩm cách của người chủ và người lãnh đạo.  
Khi đã hiểu được sự cần thiết của việc tìm người giỏi hay người hiền tài để học và hành, thì tất yếu ta sẽ tự thay đổi để tìm được cách kết nối với họ.
Những hiền tài luôn mong muốn làm những điều tốt đẹp. Vậy hãy thể hiện cho họ thấy tính cách của ta cũng luôn mạnh mẽ hướng về điều đó.
Là sinh viên, trước hết hãy tìm thày hay người giỏi trong lớp, khoa, trường; trong gia đình và dòng họ để học.
Thày chúc em sớm thành công.

Ngày 19/4/2021. Thày Phạm Đình Tuyển


Hỏi:

Em thưa thầy (cô). Trong quá trình làm đồ án thì trong lớp có nhóm không hoà đồng được và bạn trong nhóm xin sang nhóm khác. Vậy bạn đó đề xuất chuyển nhóm với thầy trong buổi thông tới luôn được không ạ? Em cảm ơn ạ!


Trả lời:

Bộ môn đã nhận được thư của em. 
Học kỹ năng mềm phối hợp với các thành viên có liên quan trong hoạt động tư vấn là một trong những mục tiêu của việc Làm đồ án theo nhóm. 
Ai cũng phải nỗ lực tự học điều này để đình hình được nhận thức: Sức mạnh và vị thế của một tổ chức chủ yếu được xây dựng trên nền tảng của việc "Cùng nghĩ,Cùng làm".Từ đó mới mong công việc đạt được hiệu quả cao nhất.
23/4/2019. Thày Phạm Đình Tuyển 


Hỏi:

Em chào thầy, các câu trả lời của thầy khiến em thấy rất hữu ích. Em muốn hỏi thầy khi thầy gặp những bế tắc hay thất bại trong cuộc sống thầy đã tự khắc phục như thế nào, có khi nào thầy cảm thấy mệt mỏi với công việc của mình không. Hiện tại có những lúc em cảm thấy kém cỏi so với  người khác, xin thầy cho em lời khuyên được không ạ?

Em cảm ơn thầy rất nhiều. 
Trả lời:


Thày đã nhận được thư của em 
Chắc chắn trong cuộc đời không có ai chỉ toàn thành công cả. 
Trong hoạt động chính trị, thất bại là gắn với tính mạng. 
Trong hoạt động kinh tế, thất bại là gắn với thiệt hại về kinh tế và thời gian.
Trong hoạt động xã hội, thất bại là mất niềm tin và vị thế… 

Trong thời đại hội nhập ngày nay, con người phải cạnh tranh với những đối thủ rất mạnh mà trong nhiều trường hợp ta còn chưa biết nhiều về họ; giống như đi thi Olimpic mà không biết sẽ phải thi môn gì; đến đó mới rõ. 
Chính vì vậy, xã hội bây giờ cần những người: i) Tư tưởng tiến bộ; ii) Yêu tự do; iii) Hoạt động đa năng và biết liên kết với nhiều người để làm nhiều việc; trong đó đặc biệt với em là nhân tố thứ ba. 

Nếu một người chỉ chăm chăm làm một việc; việc đó thất bại có nghĩa là mất tất cả. 
Nếu một người làm ba việc; một việc thành công, hai việc thất bại, điều đó cũng chấp nhận được.
Nếu một người làm năm việc; ba việc thành công, hai việc thất bại, điều đó được coi như đã thành công.  

Đã đi học được đến bậc đại học, chắc chắn em có cơ hội hơn rất nhiều người không có điều kiện đi học ngoài xã hội kia (thậm chí nhiều người còn khuyết tật). 
Hãy học và rèn luyện trở thành người đa năng, nghĩa là tập làm nhiều việc một lúc (ưu tiên là việc theo chuyên môn giỏi nhất của mình, tiếp đến là việc mà xã hội đang cần và cuối cùng là việc mà mình yêu thích). Cũng chính từ đây em sẽ tìm được những mặt mạnh của mình.
Đối với những người tri thức, trong tâm thức của họ không có chỗ cho từ “bế tắc” và “mệt mỏi”, chỉ có từ “khó khăn” và “sáng tạo” để vượt qua mà thôi. (Tất nhiên, trong cuộc sống ai cũng phải chịu những nỗi đau buồn, ví như sự mất mát của người thân, bạn bè, đồng loại). 
Một điều nữa em cũng cần biết: Sức mạnh để làm những điều khác biệt và sẽ thành công, không phải chỉ xuất phát từ bản thân em, từ thế giới thực tại này, mà còn được khởi nguồn từ sức mạnh tinh thần của tiền nhân, tổ tiên và dòng họ gia đình em. Vì vậy, phải tìm hiểu, học để phát huy cho được sức mạnh tinh thần này, thậm chí biến thành niềm tin cốt lõi của mình.  

Chúc em trở thành con người đa năng và thành công.  

Ngày 4/12/2018. Thày Phạm Đình Tuyển  

 


Thông tin định kỳ
+ Câu hỏi ôn thi môn học Kiến trúc CN - DD
+ Câu hỏi ôn thi môn học KTCN
+ Bảng giờ lên lớp
+ Giải thưởng Loa Thành
+ Quyết định số 1982/QĐ-TTg phê duyệt Khung trình độ quốc gia Việt Nam
+ Quy định mới về Quy chế đào tạo ĐH hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ của Trường ĐHXD
+ Chương trình khung môn học học phần tiến sỹ chuyên ngành Kiến trúc Công nghiệp
+ Dạy học theo tiếp cận “CDIO” trong đào tạo đại học
+ Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ban hành Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam
+ NQ số 44/NQ-CP ban hành Chương trình hành động về đổi mới căn bản, toàn diện GD & ĐT
+ Bộ Xây dựng cung cấp 37 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4
+ NĐ 109/2022/NĐ-CP quy định về hoạt động KHCN trong cơ sở giáo dục ĐH
+ Công bố Báo cáo Việt Nam 2035
+ Hệ thống tài liệu phục vụ thực hiện học phần Đồ án KTCN và Công trình đầu mối HTKT
+ Danh mục các video trên WEB bmktcn.com
+ Truyền thuyết Kiến trúc kho báu Chùa Một Cột
+ Danh mục các dự án quy hoạch KCN tại VN
+ Danh mục dự án QH các KKT ven biển Việt Nam
+ Danh mục dự án QH các KKT cửa khẩu tại VN
+ Danh mục hệ thống Văn bản quy phạm pháp luật trên WEB bmktcn.com
Tin tức chung
Người Đức đã giàu lên như thế nào
28/12/2010



Người Đức đã giàu lên như thế nào

(Bài viết từ tiasang.com.vn)
 

1) Các bà sơ ở Florence chạy máy in

Theo F.A.S. 20/09/2009 - Rainer Hand

Sự thần kỳ kinh tế ở châu Âu đã ra đời kể từ khi sách được in chứ không còn phải chép tay, cũng từ đấy châu Âu ngày càng thịnh vượng. Nhờ in được sách, mọi thông tin được truyền bá rộng rãi và những ý tưởng hay, bổ ích đã hái ra tiền.

Bước quá độ từ thời trung cổ tiến lên hiện đại: Những con chữ di động của Gutenberg

Khi ông Johannes Gensfleisch, còn có tên là Gutenberg, vào giữa thế kỷ 15, ở thành phố Mainz bắt đầu in sách bằng cách xếp các con chữ kim loại lại với nhau thì ông hoàn toàn không thể lường được hết ý nghĩa, tầm vóc công việc mà ông đã làm. Thực ra thời kỳ đó người ta không còn ngạc nhiên về việc có thể in sách chứ không cần phải chép tay như trước đây. Công lao của Gutenberg là ở chỗ ông đã chế tạo được một công cụ để đúc hàng loạt con chữ khác nhau vừa nhanh, vừa tạo được chữ đẹp hơn hẳn so với trước đó. Sáng chế của Gutenberg đã tạo bước đột phá trong công nghệ in ấn.
Sáng chế này và hàng loạt ý tưởng của nhiều người khác đã tạo tiền đề để nhân loại thoát ra khỏi thời kỳ trung cổ tiến vào thế giới hiện đại. Hơn nữa những sáng chế, phát minh này có tác động quyết định đến lịch sử phồn vinh của nhân loại. Sự giàu có của chúng ta ngày nay dựa trên nền tảng đó. Không phải vô cớ khi báo F.A.S. đăng tải một loạt bài mang tiêu đề "Chúng ta đã giàu lên như thế nào" lại bắt đầu bằng phát minh ra công nghệ in. Vì khả năng nhân bản gần như vô tận mọi loại ý tưởng bằng chữ viết hoặc bằng hình ảnh nhờ công nghệ in ấn đã tạo điều kiện cho sáng chế, phát minh nẩy nở và hoàn thiện vô vàn sản phẩm hữu ích khác. Mọi ý tưởng ngay cả những dù không giống với quan niệm chung, phổ cập rộng rãi trong xã hội vẫn có thể được truyền bá hết sức rộng rãi và nhanh chóng. Chi phí để học hỏi những điều mới mẻ giảm đi rõ rệt, giá một cuốn sách in rẻ hơn rất nhiều so với biết bao công sức mà con người phải bỏ ra để chép tay những cuốn sách đó.
Phát minh ra chiếc máy in tạo ra một chất lượng hoàn toàn khác so với các sáng chế, phát minh kỹ thuật thông thường khác. Nó tạo ra một cuộc cách mạng về ý tưởng và tiếp theo nó là một cuộc cách mạng về năng suất lao động. Những ý tưởng được nhân lên gấp bội và điều này là tiền đề cho sự ra đời của chủ nghĩa tư bản. Cuốn sách in trở thành một kho lưu trữ kiến thức và là nơi kích thích sự ra đời của các ý tưởng mới đối với các dân tộc. Triết gia người Anh Francis Bacon ra đời sau Gutenberg 100 năm nhưng dường như ông đã cảm nhận được ý nghĩa to lớn của công nghệ in ấn khi ông viết, có ba thành tựu đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt của thế giới, đó là: thuốc súng, chiếc la bàn và nghề in sách.

Một chiến dịch chống mù chữ hiếm thấy

Kể từ thế kỷ 15 ngành xuất bản ở châu Âu đã hình thành một cách nhanh chóng. Thành phố Frankfurt và hội chợ sách đóng một vai trò quan trọng, vì sách đã dịch chuyển từ các tu viện, các hoàng cung tới các trung tâm thương mại. Ngay từ năm 1469 sách đã được in ấn ở Venice. Trước đó những người thợ viết phải nắn nót chép tay và trang trí kinh thánh hoặc họ phải dịch những cuốn sách chép tay từ tiếng Latin hay tiếng Hy lạp. Tiêu thụ những cuốn sách này là một nhóm các nhà sưu tầm tư nhân, các tu viện hoặc cơ quan lưu trữ của những thành phố lớn. Vào thời kỳ đó chỉ có một số ít tu sỹ ưu tú được đào tạo và có hiểu biết về văn học trong khi ngay cả những người thuộc tầng lớp trên ở châu Âu, các giám mục, linh mục và cả các bậc vua chúa cũng không biết đọc, biết viết chứ đừng nói gì đến quảng đại quần chúng ở thành thị cũng như nông thôn. Nhưng giờ đây học đọc, học viết bỗng trở thành một nhu cầu vì con người có điều kiện tiếp cận với sách nhiều hơn. Nghề in sách đã tạo nên phong trào xóa nạn mù chữ.
Giá in sách giảm mạnh trong khi sự đa dạng, phong phú của sách lại tăng lên rõ rệt. Cũng không có gì lạ vì kỹ thuật in đã làm tăng năng suất rõ rệt trong lĩnh vực sản xuất sách. Nhà in sách Ripoli ở Florence, thành lập năm 1476, vậy mà đến năm 1483 đã in trên 1.000 cuốn sách của Platon nhan đề "Dialogen". Trước đây để hoàn thành một cuốn như vậy một người thợ viết phải cặm cụi một năm liền mới xong. Phát minh ra máy in đã tăng tăng năng suất làm tăng lợi nhuận tới 200 lần. Đây là tính toán của nhà nghiên cứu lịch sử Mỹ bà Elizabeth Eisenstein, từ đó chúng ta có thể thấy câu chuyện rất hấp dẫn về cuộc cách mạng của ngành in ấn.
Người ta có thể ít nhiều nhận thấy sự tương đồng của cuộc cách mạng này với phát minh ra Interrnet trong nửa cuối của thế kỷ 20. Trong cả hai trường hợp đều diễn ra sự giảm giá mạnh mẽ đối với sản xuất tri thức thông qua cấu trúc hoàn thiện mới và hệ thống phát hành, từ đó tạo điều kiện để mọi người đều có thể tiếp cận tri thức mới dễ dàng, thuận lợi hơn điều mà trước đó chẳng mấy ai nghĩ có thể đạt được. Internet cũng như ngành in sách đều tạo cho các nhà cung cấp dịch vụ phát hiện được các lỗ hổng trên thị trường vì luôn có những người mò mẫm tìm các ý tưởng mới mẻ và nhờ có một thị trường to lớn , nhờ hệ thống phát hành trải rộng cũng như những cỗ máy tìm kiếm, nhất định người ta sẽ tiếp tục tìm ra các ý tưởng ngày càng mới mẻ hơn.

Rất nhiều điểm tương đồng với Internet

Ngày nay giấy in lâm vào tình trạng thụ động cũng không khác gì điều đã từng xảy ra với loại giấy pergament (giấy làm từ da súc vật). Ngay từ hồi thế kỷ 15 nhà tu Johannes Trithemius trong bài viết "Ngợi ca người thợ viết" đã khẳng định rằng, những gì người ta viết trên giấy pergament có độ bền hàng nghìn năm, trong khi loại giấy in bằng máy móc chỉ có thể dùng trong một thời gian ngắn. Tương tự như vậy, phải chăng ngày nay người ta cũng tìm cách hạ uy thế của Internet?
Ngay từ thời xa xưa các nữ tu đã tỏ ra khôn ngoan và có đầu óc kinh doanh hơn hẳn các thầy tu: Các nữ tu ở "Heiligen Jakobus thuộc Ripoli" ngay từ hồi xa xưa đó đã điều hành nhà in Ripoli ở Florence. Họ đã biết cách thích nghi nhanh chóng với thời đại.
Đến giữa thế kỷ 16 ngành in ấn ở Venice mỗi năm ra 20.000 ấn phẩm gồm sách nhạc, sách in bản đồ, sách y học hay sách thuộc diện không mấy thanh cao khác. Bản thân các nhà xuất bản cũng sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Sự vươn lên trong lĩnh vực hàn lâm nay trở nên hấp dẫn, so với trước ngày nay người ta chú ý nhiều hơn đến thể diện cũng như các khoản thu nhập. Ngành in ấn kích thích cung và cầu về ý tưởng: cung cấp kiến thức trở thành một lĩnh vực kinh doanh hấp dẫn đầy thú vị.

"Sự thần kỳ kinh tế châu Âu"

Người ta thường viết rằng tư tưởng dị giáo của Luther hay Galileo Galilei sẽ không bao giờ có thể thành công nếu như không có ngành in ấn. Tuy nhiên ngành in ấn không chỉ góp phần vào việc tuyên truyền rộng rãi tư tưởng cải cách của nhà cải cách người Đức Luther. Chính ngành in ấn còn là tiền đề để Luther phát triển quan niệm thần học của ông: Không được tiếp cận với những bản in kinh thánh cũng như những tác phẩm của các chức sắc hàng đầu trong giáo hội thì Luther sẽ không bao giờ có thể đưa ra được những ý tưởng mới mẻ của mình. Kể từ khi có ngành in ấn những kẻ bị coi là dị giáo dễ bề hoạt động hơn. Những quan niệm dị giáo của ngày hôm nay có thể là chủ thuyết trong tương lai. Ngành in ấn là một phát minh phục vụ sự tiến bộ, nó tạo điều kiện để cất giữ những suy nghĩ trước đây dưới dạng in ấn ở trong các thư viện hoặc kho tàng và qua đó cũng tạo ra khoảng cách với những tư tưởng đó.
Tuy nhiên bản thân sáng chế, phát minh chưa phải là sự bảo đảm để tạo ra một cuộc cách mạng mang lại sự thịnh vượng. Rõ ràng la bàn, thuốc súng và nghề in ấn đã xuất hiện từ lâu ở Trung Quốc, độc lập với châu Âu. Vậy thì tại sao những sáng chế phát minh đó lại không được tận dụng ở châu Á trong khi người châu Âu lại biết cách khai thác chúng để mang lại lợi ích cho mình? Để hiểu được "sự thần kỳ kinh tế ở châu Âu“ (Eric Jones) là mục đích của loạt bài báo mang tiêu đề "Chúng ta đã trở nên giàu có như thế nào".

 2) Bí mật của thương hiệu Đức

Theo F.A.S. 20/9/2009 - Winand von Petersdorff

Chất lượng, đáng tin cậy và lâu bền: cho đến tận ngày nay đây là những đặc điểm mà người nước ngoài vẫn đánh giá đối với các sản phẩm in mác "Made in Germany". Để đạt được sự tin cậy này, nước Đức đã trải qua một đoạn đường dài.

Dấu hiệu về chất lượng Đức là phát minh của người Anh

Một giáo sư lừng danh về cơ khí chế tạo máy của Đức đã rất thất vọng khi tham dự Triển lãm thế giới năm 1876 diễn ra ở Philadelphia. Vị giáo sư khả kính tên là Franz Reuleaux, một người am hiểu về lĩnh vực công việc của mình. Ông được giao nhiệm vụ nhận xét, đánh giá về sự đóng góp của nước Đức đối với cuộc triển lãm công nghiệp được coi là lớn nhất thế giới thời đó. Ông nói: "Nước Đức thực hiện nguyên tắc cơ bản là rẻ và tồi."
Báo chí Đức đã đăng tải bản nhận xét, đánh giá cay đắng của giáo sư Reuleaux và kích động, tạo ra một cuộc tranh luận vô cùng gay gắt về vấn đề này. Đánh giá của giáo sư Reuleaux hoàn toàn không phù hợp với hình ảnh của một đế quốc còn non trẻ đang muốn vươn lên và tinh thần yêu nước đang được tụng ca một cách thái quá. Nhưng đánh giá đó lại hoàn toàn chính xác. Cho đến giữa thế kỷ 19 những sản phẩm hàng hóa của Đức được thế giới đánh giá là rẻ tiền và kém chất lượng. Những sản phẩm này thuộc loại chóng hỏng, không có gì đặc biệt và thường là bản sao của nước ngoài.
Thời đó đế quốc Anh được coi là khuôn mẫu, quá trình công nghiệp hóa ở Anh diễn ra rất sôi động và ở vị trí hàng đầu. Các nhà doanh nghiệp Anh luôn gây được sự chú ý kèm theo nỗi lo sợ vì họ luôn tung ra thị trường những kỹ thuật, công nghệ và sản phẩm mới mẻ, hấp dẫn.
Trong khi đó các doanh nghiệp ở Solingen (Đức) lại là một ví dụ điển hình trái ngược và cũng khá phổ biến về cung cách làm ăn của nước Đức thời đó. Các xưởng sản xuất ở đây bán ra thị trường các loại dao, kéo rẻ tiền làm bằng gang thay vì sử dụng nguyên liệu thép có chất lượng cao, do đó giá thành cũng rẻ hơn. Tuy nhiên người ta "nâng cấp" sản phẩm chất lượng kém này bằng cách in đại nhãn mác Sheffield và xuất khẩu hàng loạt sản phẩm này với giá rẻ ra khắp thế giới.
Một sai lầm lớn đối với người Anh
Tất nhiên lối ăn cắp mẫu mã, nhãn mác này không thể không bị phản đối. Sheffield là niềm tự hào của nước Anh, thành phố này nổi tiếng về gia công kim loại và các loại dao kéo của Sheffield vừa sắc, vừa bền vì được làm bằng thép tốt. Các nhà doanh nghiệp Anh rất bực bội khi phải chứng kiến trên thị trường nước mình những sản phẩm nhái chất lượng kém nhưng lại mang nhãn mác "Sheffield made" hay "Sheffield", thường các sản phẩm nhái này đều xuất sứ từ Solingen hay Remscheid (Đức), đôi khi cũng có nguồn gốc từ Mỹ.
Các doanh nghiệp Anh yêu cầu chính phủ của họ giúp đỡ. Đương nhiên chính phủ Anh hỗ trợ và bảo vệ nền công nghiệp của mình và năm 1883 đã có một thỏa thuận quốc tế giữa các quốc gia thương mại hàng đầu thế giới về việc cấm ghi sai xuất sứ hàng hóa. Những sản phẩm mang tên Sheffield phải là sản phẩm được sản xuất tại địa phương này. Tuy nhiên nước Đức từ chối không ký thỏa thuận này, lý do vì sao cũng dễ hiểu.
Nước Anh bất bình và đã phản ứng. Nghị viện Anh ban hành luật Merchandise Marks Act ngày 23/4/1887, theo luật này mọi hàng hóa muốn được nhập khẩu vào nước Anh đều phải ghi rõ xuất sứ. Qua đó ta thấy nhà lập pháp Anh đã hỗ trợ cho sự ra đời dấu ấn "Made in Germany".
Giá cả phải chăng và chất lượng chấp nhận được
Bộ luật này của Anh thực chất nhằm chủ yếu vào các đối thủ cạnh tranh ở Đức. Nhưng với luật này nước Anh đã phạm một sai lầm lớn ở hai phương diện. Trái với mong muốn của các nhà sản xuất ở Anh một số sản phẩm của Đức vẫn lọt được vào thị trường Anh mà không ghi xuất sứ, chính các nhà nhập khẩu Anh lại đính nhãn mác sản xuất tại Anh lên những sản phẩm nhập lậu đó.
Nhưng điều làm cho người Anh đau đầu hơn lại chính là những sản phẩm ghi đúng xuất sứ "Made in Germany". Người tiêu dùng trên thế giới nhờ nhãn mác này bỗng nhận ra rằng rất nhiều vật dụng mà họ sử dụng hàng ngày đều mang nhãn hiệu "Made in Germany", và những hàng hóa sản xuất ở Đức này giá cả vừa rẻ và chất lượng cũng có thể chấp nhận được. Cuối cùng người tiêu dùng mua hàng Đức.
Nhà kinh tế học và xã hội học người Đức Robert Wuttke hồi đó đã khoái chí nhận định "Giới công nghiệp Anh chẳng được lợi lộc gì nhờ vào luật (Merchandise Marks Act), đã thế ánh hào quang của họ còn bị rạn nứt". Những sản phẩm của Đức sản xuất ngày càng tốt hơn và được nhận biết ngay là hàng hóa của Đức. Từ đó sự thăng tiến của "Made in Germany" thật thuận buồm xuôi gió.
Hai mươi năm sau bản báo cáo đánh giá đầy lo ngại từ cuộc triển lãm ở Philadelphia và gần mười năm sau khi ban hành luật Merchandise Marks Act nhà báo người Anh Ernest E. Williams đã viết một cuốn sách nhan đề "Made in Germany", nhằm cảnh báo sự suy tàn của đế chế Anh.
Từ vết nhơ trở thành thương hiệu
Trong cuốn sách này tác giả đề cập đến việc các sản phẩm của Đức đã thâm nhập như thế nào vào cuộc sống hàng ngày của các gia đình ở Anh, trang phục của người Anh được dệt ở Đức, các loại đồ chơi, búp bê, truyện cổ tích đều có xuất sứ từ Đức. Ngay đến giấy để in tờ báo giàu lòng ái quốc rất được người Anh ưa chuộng đến cây đàn piano, đồ gốm sứ và đồ lưu niệm về địa điểm du lịch nổi tiếng của Anh Margate cũng nhất nhất xuất sứ từ nước Đức. Tác giả Williams đã viết với bạn đọc người Anh "Ngay cả những nhận xét u ám mà các bạn ghi lại trong nhật ký cũng bằng chiếc bút chì Made in Germany ". Các sản phẩm của Đức đã gặt hái thành công đầu tiên ngay trên cường quốc kinh tế Anh và sau đó lan tỏa ra khắp thế giới, cuộc chơi bị đảo ngược. Khoảng đầu thế kỷ trước các nhà sản xuất Anh lại tìm cách gắn lậu nhãn mác "Made in Germany" lên sản phẩm của họ để tung ra thị trường.
Nước Anh, quốc gia công nghiệp hàng đầu bị nước Đức qua mặt. Đầu những năm 1860 Liên minh Đức chiếm khoảng 5% sản lượng công nghiệp thế giới, trong khi nước Anh chiếm gần 20%. Năm 1913 Đức vươn lên 14% còn Anh chỉ chiếm 13,6 %. Quốc gia công nghiệp số một khi đó là Mỹ.
Sự phát triển của "Made in Germany" đi từ một vết nhơ tới thương hiệu phản ánh con đường đi lên khá phổ biến của những quốc gia nghèo đói: sự phát triển đó bắt đầu từ ăn cắp ý tưởng và chống lại cái đó là sự bảo hộ. Nhưng trong vụ này thì biện pháp chống trả đã bị thất bại. Cho đến tận ngày nay đối với nước ngoài dòng chữ "Made in Germany" vẫn là biểu thị cho chất lượng cao, đáng tin cậy và "nồi đồng cối đá". Dấu ấn đó vẫn tiếp tục phát huy tác dụng.

 

 3) Tủ lạnh đưa thực phẩm đi xa

Theo F.A.S. 03/10/2009 - Rainer Hand

Trong một nhà bếp hiện đại thì cái tủ lạnh quan trọng hơn bản thân cái bếp. Trước khi có tủ lạnh, con người hàng ngày phải lo mua sắm thực phẩm tươi sống. Nhưng bỗng nhiên cái lạnh ùa ra từ ổ điện.

Thực đơn gia đình phong phú hơn
Nhà văn Peter Kurzeck đã kể lại rất hấp dẫn về thời niên thiếu của mình khi cuộc chiến tranh mới kết thúc trong cuốn sách "Một mùa hè, mãi mãi ở lại": Khi đó giá bơ rẻ không tưởng tượng nổi. Rồi xuất hiện tủ lạnh, thiên hạ cần có chúng, nếu không thì làm sao có thể ăn hết một lúc khối lượng bơ rẻ tiền đó.
Hơn nữa thời đó bắt đầu xuất hiện các Trung tâm thương mại nằm ở khu vành đai gần nông thôn. Ở đấy có tất cả, không phải chỉ có bơ rẻ, mà nhiều thứ đều khá rẻ và người ta cần có phương tiện để bảo quản. Từ đó xuất hiện trên thị trường các loại tủ đá. Thời đó cũng bắt đầu xuất hiện các đường tránh vào các khu đô thị, thế là người ta đánh xe ô tô đi các nơi để khảo giá, và để cho bõ bèn với công sức, tiền bạc đã bỏ ra khi khảo giá trên thị trường, người ta mua thật nhiều thứ cùng một lúc để tích trữ trong tủ đá ăn dần…
Một đặc trưng của lịch sử phát triển công nghiệp là đôi khi có những sáng chế phát minh gây những tác động nhiều mặt mà trước đó không mấy ai ngờ tới. Cái tủ lạnh là một trong những sáng chế có đặc trưng đó. Một trong những kỹ thuật, văn hóa cổ xưa nhất là văn hóa bảo quản thực phẩm, từ phơi, sấy khô cho đến ướp muối, hong khói cho tới ủ lên men, đến cuối thế kỷ 18 thì những công việc này thuộc diện công việc nội trợ. Nhưng những loại công việc mang tính chất tự lực cánh sinh này dẫn đến hai sự thay đổi: thứ nhất là một loạt kỹ thuật bảo quản này dần dần không còn là công việc của người nội trợ nữa. Ngày càng có nhiều loại thực phẩm được tung ra thị trường ở dạng dễ bảo quản hơn. Điều này có ý nghĩa đối với tổng sản phẩm xã hội vì những gì thuộc phạm vi nội trợ đều không thuộc diện tổng sản phẩm xã hội vì chúng không tạo nên giá trị.
Năm 1804 ông Nicholas Appert, một chuyên gia về sản xuất bánh ngọt và bảo quản hương liệu đã suy nghĩ nhiều về việc phải làm gì để có thể bảo quản thực phẩm mà không để hương vị và cấu trúc của chúng bị ảnh hưởng, từ đó ra đời nhà máy đồ hộp đầu tiên. Năm 1827 xuất hiện lần đầu tiên sữa đặc có đường trên thị trường.
Mặt khác với sự phát triển của môn vật lý và cơ khí người ta suy nghĩ có thể làm gì để các hộ gia đình có thể tự bảo quản được thực phẩm. Nói khác đi thì không phải chỉ có khâu sản xuất mà cả khâu tiêu dùng cũng cần phải được đầu tư nhiều hơn.
Đắt gấp đôi chiếc xe ô tô đầu tiên
Như vậy là con người phải trải qua một quá trình gồm 4 bước: Đầu tiên kiến thức cho chúng ta biết cái gì có thể góp phần vào việc bảo quản như nhiệt độ thấp giúp cải thiện khả năng bảo quản, mặc dù khi đó chưa có sự giải thích khoa học về vấn đề này.
Sau đó là khoa học và giải pháp công nghệ giúp giải quyết khâu cơ khí hóa quá trình này. Trước khi phát minh ra máy làm lạnh người ta chỉ biết tích trữ nước đá thiên nhiên trong các nhà hầm hoặc trong hang động. Các nhà kho của Carl Bolle ở Köpenick, một nhà buôn sữa và kem, hồi cuối thế kỷ 19 có thể chứa tới 3 triệu m3 nước đá. Giờ đây có thể lấy cái lạnh từ ổ cắm điện.
Sau đó có ai đó đã nghĩ đến việc không chỉ sử dụng những máy móc cỡ lớn phục vụ công nghiệp mà làm máy cỡ nhỏ phù hợp với việc sử dụng ở các hộ gia đình. Năm 1911 bản quyền sáng chế đầu tiên của tu sỹ người Pháp Marcel Audiffren được ứng dụng, khi đó máy lạnh không còn nặng cỡ tấn nữa nhưng giá lại gấp 2 chiếc xe ô tô du lịch đầu tiên thời đó và tương đương 1/5 khoản lương bình quân trong một năm của một người.
Phần lớn công việc nội trợ thường không được chuyên môn hóa. Như vậy là quá trình này bước vào bước thứ tư: các loại sản phẩm như bánh pizza đông lạnh hay mỳ sợi "tươi" đông lạnh được bán trên thị trường. Những thứ đó phải đun nóng nhưng không dùng người giúp việc mà là thực hiện tại các nhà máy, các hãng. Trên thị trường xuất hiện máy làm đông lạnh và máy làm tan giá để hoàn thiện sản phẩm cuối cùng.
Thay đổi toàn diện cấu trúc khu dân cư
Nhà y học William Cullen người Scottland là người đầu tiên, từ năm 1756 đã phát hiện ra rằng thông qua bốc hơi có thể tạo ra lạnh, ông biết khi đưa khí Dimethylether vào hệ thống chân không sẽ bị bốc hơi và tạo ra lạnh. Đầu thế kỷ 19 xuất hiện bằng sáng chế đầu tiên về hệ thống làm lạnh, năm 1834 xuất hiện máy nén khí đầu tiên, sau khi khí bị nén lại và trở lại dãn nở bình thường sẽ tạo ra lạnh. Hai anh em người Pháp tên là Carré đã tiến hành thử nghiệm đầu tiên với khí làm lạnh là Ammoniak. Nguyên tắc này đã được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1851 và hiện vẫn còn ứng dụng đối với các quầy rượu trong gia đình (minibar). Năm 1895 Carl von Linde đã có bản quyền sáng chế về việc biến một lượng lớn khí hỗn hợp thành chất lỏng. Linde đã phối hợp với các nhà máy sản xuất bia chế tạo loại thiết bị làm lạnh này.
Việc làm lạnh bằng thiết bị máy móc ảnh hưởng lớn nhất đến không gian kinh tế (Raumökonomie). Vì tủ lạnh không những chỉ khắc phục được nhiệt độ tự nhiên mà chủ yếu còn ảnh hưởng tới khoảng cách của tuyến đường. Nhờ nó tiết kiệm được thời gian. Nếu như không có phát minh ra tủ lạnh thì cấu trúc đô thị của xã hội hiện đại chỉ có thể duy trì được, khi chúng ta lại quay trở lại với lối sống tự cung tự cấp về sản phẩm nông nghiệp. Không có kỹ nghệ lạnh thì làm sao có thể có nền thương mại thế giới đối với hàng thực phẩm: điều gì sẽ xảy ra nếu như New Zealand không có thiết bị lạnh? Ngay từ năm 1876 một người Pháp tên là Charles Tellier đã đố ai có thể chuyển một súc thịt cừu vượt Đại tây dương nhưng vẫn bảo đảm để có thể ăn được, khi đó chiếc tầu biển chạy bằng hơi nước "Frigorifique" đã được trang bị máy nén khí và đã có phòng lạnh. Vậy mà cuối cùng tảng thịt cừu đó khi tới đích vẫn bị nặng mùi. Nhưng khoảng từ 1900 thì công nghệ lạnh đã được cải thiện đáng kể làm cho ngành chế biến thịt phát triển đến mức chưa từng có. Cơ sở làm lạnh ở Chicago "Meat-Packers" mỗi ngày có thể làm đông lạnh tới 90.000 tấn thịt.
Chỉ cần xem thời hạn sử dụng, không cần nếm
Đầu những năm 30 của thế kỷ 20 tủ lạnh trở thành dụng cụ dùng trong gia đình đã được sản xuất hàng loạt. Loại tủ lạnh "Monitor-Top" của hãng General Electric đã bán được hơn 1 triệu chiếc. Cùng thời gian đó đã có công nghệ làm máy điều hòa nhiệt độ, thoạt đầu thiết bị được lắp đặt ở các nhà hát, rạp chiếu phim. Trong khoảng thời gian từ 1926 đến 1929 số tủ lạnh bán ra đã tăng từ 315.000 lên 1,7 triệu chiếc. Đến năm 1955 đã có khoảng 80% hộ gia đình ở Mỹ có tủ lạnh còn hiện nay thì không nhà nào không có tủ lạnh.
Nhờ có tủ lạnh nên các hộ gia đình không còn bị lệ thuộc vào các mảnh vườn. Chỉ riêng điều này cũng đã làm thay đổi bộ mặt thành phố. Năm 1939 tạp chí "Fortune" khi đề cập tới sự phát triển vũ bão của "Fridges" (tủ lạnh) đã từng viết "Giờ đây các mùa trong năm hay vị trí địa lý không còn mấy ý nghĩa". Việc mua sắm không còn gắn vào thời hạn và nhu cầu, các gia đình cũng ít phải lên kế hoạch như trước. Trong một nhà bếp hiện đại thì không phải cái bếp mà tủ lạnh mới thực sự là trung tâm. Nhà xã hội học người Pháp Jean-Claude Kaufmann quan niệm như vậy. Từ khi có tủ lạnh người ta cũng không còn cần phải biết nhiều về thực phẩm. Thay cho nhìn ngó, lật đi lật lại thậm chí nếm thử, ngày nay người tiêu dùng chỉ còn cần để mắt tới thời hạn sử dụng.

4) Chỉ người nông dân tự do mới nuôi nổi nhân loại

Theo F.A.S. 10. 10.2009

Werner Plumpe,- Giáo sư về Lịch sử kinh tế ĐHTH Frankfurt

Khi người nông dân không có ruộng đất để làm ăn thì họ chỉ phát huy được một nửa sức lực của mình. Chính vì thế ngay từ năm 1810 Vua Phổ Friedrich Wilhelm Đệ tam đã giải phóng người nông dân. Từ đó nạn đói biến mất.

Vua Friedrich Wilhelm Đệ tam muốn xóa bỏ tình trạng lệ thuộc của nông nô ở các địa phương thuộc nước Phổ nên đã ban hành chỉ dụ quyền tư hữu về ruộng đất. Nhà vua nhận thức được rằng sau khi hòa bình được tái lập thì phải chăm lo đến đời sống đang bị sa sút nghiêm trọng của thần dân.
Ông cũng thấy rõ muốn xây dựng lại cuộc sống tốt đẹp thì không phải cứ chia tiền cho người dân là đủ. Ông càng hiểu trong điều kiện đất nước bị kiệt quệ, cùng quẫn sau chiến tranh thì nhà nước cũng không có tiền bạc cũng như phương tiện để hỗ trợ cho dân chúng. Và điều mà nhà nước phải làm là xóa bỏ mọi sự cản trở để người dân có điều kiện phát huy hết khả năng của mình mà vươn lên.
Nhà vua đã nhận ra được điều gì là vật cản chủ yếu đối với người nông dân và ban hành chính sách xóa bỏ những trở lực - đó là sự lệ thuộc của người nông dân và họ không được canh tác trên mảnh đất của chính mình.
Cách mạng thể chế
Theo chỉ dụ tháng 10 thì ngay từ năm 1810 nước Phổ không còn nông nô. Ít lâu sau, nhà vua lại ban hành chỉ dụ tự do kinh doanh và hủy bỏ chế độ cưỡng bức lao động trong các phường hội. Hoạt động sản xuất kinh doanh là quyền tự do của người dân, miễn là người đó chịu đóng thuế kinh doanh.
Những cải cách đó thực chất không khác gì một cuộc cách mạng về thể chế. Trước đó theo luật pháp, nước Đức không có quyền tự do lao động và tự do sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên ngay từ thời kỳ đó ở nhiều địa phương, giới thợ thủ công và nông dân đã không chấp hành những quy định ngặt nghèo của nhà nước hoặc tìm mọi cách để lách luật. Song khi các luật lệ, quy định khắc nghiệt nói trên chính thức bị hủy bỏ, đã xuất hiện các điều kiện để tiến hành tiền công nghiệp hóa. Sự kiện nước Phổ bị Napoleon đánh bại cũng là chất xúc tác dẫn đến những thay đổi này.
Cuộc cải cách ở nước Phổ sẽ không thể diễn ra nếu không có tác động mạnh mẽ của chủ nghĩa kinh tế tự do và trường phái coi trọng đất đai nông nghiệp và tài nguyên (Physiokratismus) ở nước Anh cũng như cuộc tranh luận sôi nổi diễn ra ở Đức xoay quanh chủ đề bản chất kinh tế của con người.
Chống đối quyết liệt
Lời mở đầu cho chỉ dụ tháng 10 không chỉ đề cập tới những điều hữu ích mà còn phê phán phần lớn những tập tục, truyền thống lạc hậu, cổ hủ. Những tập quán cổ hủ này ngăn cản con người phát huy các khả năng sinh lợi đối với tài sản của mình.
Thời kỳ này xuất hiện ở Phổ vấn đề nhân học kinh tế, một khái niệm mới mẻ và hiện đại. Điều này lại xuất hiện vào thời điểm chưa có gì chứng minh hoặc bảo đảm những luật lệ và tổ chức mới có thể đem lại thành công về kinh tế. Đây là sự đầu tư cho tương lai, nhưng tất cả vẫn còn là một ẩn số, và chuyện thành, bại chỉ có thể khẳng định qua trải nghiệm thực tế.
Lúc đầu cuộc cải cách ở nước Phổ đã vấp phải sự phản đối hết sức quyết liệt, trước hết là của tầng lớp quý tộc. Lực lượng này coi đây là sự vi phạm quyền sở hữu của họ về đất đai. Nhưng cốt lõi của vấn đề lại xoay quanh lực lượng lao động ở nông thôn. Trước kia khi là nông nô, họ bị lệ thuộc nhiều vào chúa đất, với luật lệ mới giới chúa đất sẽ không dễ dàng gì sai khiến, thuê mướn họ với giá nhân công bèo bọt như trước.
Việc thực hiện sở hữu tư nhân về ruộng đất nói chung được nhiệt liệt hoan nghênh vì thông qua đó việc vay tín dụng đã được cải thiện một cách cơ bản... Lúc này ở nông thôn có tình trạng thiếu lao động và tiền công lao động cũng tăng lên khá rõ rệt.
Tranh cãi kéo dài
Sau khi nước Phổ bị thua trong cuộc chiến chống Napoleon, quá trình ban hành luật về cải cách diễn ra vô cùng trầy trật, dai dẳng nhất là đối với vấn đề “điều tiết”, tức sự bồi thường thiệt hại cho giới địa chủ về việc người nông dân được miễn chế độ lao dịch. Mãi đến năm 1859 vấn đề này mới được luật hóa. Giới địa chủ được đền bù tài sản. Người nông dân được tự do song phải đền bù cho các ông chủ của mình dưới dạng đất đai hoặc tiền bạc.
Sự than phiền của giới địa chủ về việc thiếu nhân công giá rẻ cũng sớm yên ắng vì phần lớn diện tích đất đai tích tụ trong thời kỳ này giúp hình thành các trang trại với diện tích ngày càng lớn hơn và thúc đẩy hiện đại hóa nông nghiệp  Thời đó dân số ở nông thôn dư thừa, giá nhân công ở nông thôn rẻ rúng. Mãi đến cuối thế kỷ mới xuất hiện tình trạng “khan hiếm nhân công” vì lao động ở nông thôn đua nhau ra các khu đô thị, nơi đang diễn ra quá trình công nghiệp hóa rất nhanh chóng để tìm việc làm vì lương cao hơn và điều kiện lao động cũng khá hơn.
Sự nghiệp giải phóng người nông dân và ban hành luật “điều chỉnh” là tiền đề cho hiện đại hóa, điều này bắt đầu xuất hiện lẻ tẻ từ thế kỷ 18, sau đó phát triển mạnh mẽ và kết thúc vào nửa cuối thế kỷ 19, đó là thời kỳ chủ nghĩa tư bản nông nghiệp.
Chuyển đổi nền kinh tế
Sự điều chỉnh quan hệ sở hữu dẫn đến sự tích tụ ruộng đất từ đó đem lại thành công về kinh tế. Từ chỗ sản xuất nông nghiệp mang tính chất tự cấp tự túc nay xuất hiện nghề kinh doanh buôn bán trên cơ sở sản xuất nông nghiệp. Nhờ hủy bỏ chế độ công thổ, trước đó công thổ là của chung, nên diện tích đất canh tác tăng đáng kể. Giới địa chủ tăng cường đầu tư ở nông thôn.
Từ đó năng suất cây trồng, vật nuôi và sản lượng sữa tăng lên. Trong khi năng suất lao động và hiệu quả sử dụng ruộng đất tăng thì các yếu tố đầu vào lại giảm. Dân số tăng lên, giá cả giảm nên mọi người đều no đủ. Từ đó phần tăng lên của tổng sản phẩm xã hội được sử dụng để phát triển công nghiệp. Kết quả này khẳng định hiện đại hóa nông nghiệp là điều kiện cơ bản để thay đổi cấu trúc nền kinh tế. Mãi đến khi hình thành chủ nghĩa tư bản nông nghiệp, nạn nhân mãn, tình trạng đói kém và khủng hoảng ở châu Âu mới được chấm dứt. Trong quá trình cải cách này nước Phổ hoàn toàn không đơn độc; quá trình này diễn ra cùng với sự vận động, phát triển ở khăp châu Âu. Sự hủy bỏ chế độ lao dịch ở nông thôn và tư nhân hóa ruộng đất ở Anh diễn ra khá sớm. Cuộc cách mạng Pháp đã thủ tiêu nhanh chóng nền nông nghiệp cũ cũng như các đặc quyền của giới quý tộc. Những vùng chịu sự cai quản của Napoleon tiếp thu luật pháp kinh tế tiên tiến của Pháp. Riêng chỉ có nước Áo và Nga là vẫn lẹt đẹt đi sau. Mãi đến năm 1860, người nông dân Nga mới được giải phóng.
Ở khắp mọi nơi trên thế giới, cuộc giải phóng người nông dân luôn là điều kiện quyết định để chuyển đổi kinh tế qua đó mới khắc phục được tình trạng đói kém triền miên từ đời này sang đời khác.

 

5) John D. Rockefeller, một con người vĩ cuồng

Theo F.A.S. 17. 10. 2009

Von Lisa Nienhaus

John D. Rockefeller từng là người giầu nhất nước Mỹ. Ông kiếm tiền nhờ dầu mỏ với một ý tưởng đầy khôn ngoan: Kẻ nào muốn kiếm được nhiều tiền, cần có một tập đoàn khổng lồ. Ngay từ hồi xa xưa ông đã nhận thức được rằng, hoặc là lớn lên – hay là chìm xuồng.

Lối sống khắc khổ
Dầu mỏ làm cho người ta giầu có, ngày nay ai cũng hiểu điều đó là tất nhiên. Nhưng vào lúc John D. Rockefeller còn là một đứa trẻ, những năm 40 của thế kỷ 19 thì hầu hết người Mỹ không hề biết điều này. Người ta kinh hãi khi thấy dầu mỏ trồi lên khỏi mặt đất ở Pennsylvania, gây ô nhiễm nguồn nước và làm cho đất đai không thể trồng trọt được. Không ai ngờ chỉ ít lâu sau nguồn dầu này mang lại sự giầu có dường như vô tận - và John D. Rockefeller đã trở nên vô cùng giầu có nhờ dầu mỏ.
Giữa thế kỷ 19, một nhà khoa học phát hiện có thể dùng dầu mỏ để thắp đèn, từ đó diễn ra cuộc chạy đua săn tìm dầu mỏ, khi đó John D. Rockefeller còn là một thiếu niên. Ở tuổi 16, ông bắt đầu làm nghề kế toán. John say mê các con số và yêu thích sự chính xác của cái nghề này - vả lại ngay từ bé ông được rèn về kỷ luật và trật tự, ông quen với lối sống khắc khổ và tiết kiệm. Sau ba năm làm việc ông thấy tiền công mà người ta trả cho mình không tương xứng với công sức mình bỏ ra vì thế năm 1858 ở tuổi 19, ông cộng tác với Maurice Clark mở một hãng buôn riêng. Họ kinh doanh thịt và ngũ cốc và đến năm 1862 đã thu được một khoản lợi nhuận là 17.000 đôla.
Tuy nhiên khoản tiền này không là gì so với việc kinh doanh dầu mỏ mà sau đó ông bắt đầu nhập cuộc. Đầu tiên ông mua một cơ sở lọc dầu cỡ nhỏ. Tuy vậy cơ sở lọc dầu này sinh lời nhanh đến mức ông liên tục vay tín dụng để ngày càng mở rộng kinh doanh, sản xuất hơn nữa. Các ngân hàng rất chuộng người khách hàng kỹ tính, sòng phẳng luôn thanh toán cả lãi lẫn vốn rất đúng hạn. Nhưng người cộng tác cùng góp vốn với ông lại cảm thấy choáng ngợp vì mọi chuyện diễn ra quá nhanh chóng. Ông ta đòi bạn phải hãm đà tăng trưởng.
Rockefeller tuy là người rất kỹ tính và cẩn thận, nhưng ông cũng thấy đây là thời cơ vô cùng quý báu nhất thiết phải chớp lấy, ông quan niệm, hoặc là tăng trưởng hoặc bị nhấn chìm. John cắt quan hệ hợp tác với Clark, tậu một nhà máy cũ sau một cuộc đấu thầu và ở tuổi 27 ông cộng tác kinh doanh với đồng nghiệp mới là Henry Flagler. Henry không những là người mạnh bạo, can đảm mà còn rất khôn ngoan trong việc đàm phán, thương lượng. John Rockefeller đã chọn đúng người cộng tác với mình và cũng từ đây công việc kinh doanh dầu mỏ phát triển ngày một nhanh hơn, hoàn toàn đúng với mong muốn của Rockefeller.

Đối với nhà doanh nghiệp trẻ Rockefeller thì lao động là điều quan trọng nhất. Là một tín đồ Tin lành ngoan đạo ông coi việc thành đạt trong nghề nghiệp là nghĩa vụ và trách nhiệm của mình trước Chúa. Sau này ông từng nói “năng khiếu kiếm ra tiền là năng khiếu do Chúa ban cho, ta phải biết làm sao để đồng tiền mà ta có sinh sôi nẩy nở nhiều nhất.” Ông đã thực hiện đúng tâm nguyện này. Ông xa lánh mọi thú vui trần tục. Ông xa lạ với lối sống nhởn nhơ, lười biếng, không bao giờ khoe khoang và rất ghét thói nhậu nhẹt. Ông coi việc tham gia khiêu vũ, đi xem kịch, nghe âm nhạc hoặc các sinh hoạt, hội họp đông người khác là vô bổ, lãng phí thời gian. Đối với ông, mục đích tối thượng là làm giầu.
Đánh bật mọi đối thủ cạnh tranh
Rockefeller nhận thức rất sớm thị trường dầu mỏ là thị trường có rất nhiều cơ hội. Nhưng đây là một thị trường còn non trẻ, ở nước Mỹ hồi đó có rất nhiều cơ sở lọc dầu bé nhỏ cạnh tranh với nhau. Dầu dù ở cơ sở lọc dầu nào thì cũng vẫn là dầu và người ta có thể dễ dàng thay thế bằng một sản phẩm của một hãng lọc dầu khác. Vấn đề quyết định là: ai làm ra dầu với giá rẻ nhất, kẻ đó là người thắng cuộc.
Rockefeller sớm nhận ra rằng, đối với việc kinh doanh dầu, nếu muốn làm ăn lớn thì bản thân mình phải lớn lên. Chỉ có thế mới có thể mua vào với điều kiện tốt hơn, sản xuất thuận lợi hơn và cuối cùng mới có thể bán ra với giá thấp hơn, đó là con đường để nuốt đối thủ cạnh tranh – và qua đó lại càng lớn mạnh hơn. Rockefeller là người đã phát hiện mô hình kinh doanh cho mình và mô hình này hiện vẫn được tiếp tục sao chép và nhờ nó nhiều người đã phất lên và trở nên giầu có. Phải lớn lên thật nhanh trên các thị trường mới và đánh bật mọi đối thủ: Đây là bí quyết dẫn đến thành công. Tuy nhiên bí quyết này không phải không gây ra nhiều tranh cãi. Các tập đoàn kếch xù khác, như Microsoft, cũng áp dụng bí quyết này chỉ có điều với phương pháp ít nhiều khác nhau.
Rockefeller theo đuổi mục tiêu không ngừng lớn lên đôi khi khá tàn bạo. Tập đoàn của ông không ngần ngại sử dụng điệp viên và cũng không nề hà khi phải đút lót. Đặc biệt ngay từ rất sớm ông đã biết liên kết với các ông chủ lọc dầu khác tạo Kartell để đòi giảm giá cước vận chuyển dầu mỏ, hồi đó việc vận chuyển dầu mỏ chủ yếu thông qua đường sắt. Tất nhiên chủ trò trong các vụ thương lượng này là hãng dầu Standard Oil của Rockefeller, đương nhiên qua đó ông cũng là kẻ thu được nhiều lợi nhất. Hầu như tất cả các hãng lọc dầu lớn dần dà đều liên kết với nhau để dìm giá.
Tham lam vô độ, nhưng lại rất sùng đạo
Kartell này trở thành một tập đoàn lớn, vì Standard Oil chỉ trong một năm đã thâu tóm mọi đối thủ cạnh tranh trong khu vực. Rockefeller thanh toán cho các đối tác bằng tiền mặt hoặc cổ phần, những người khôn ngoan chọn cách thứ hai. Họ sẽ cùng phất lên với Standard Oil. Ngay từ năm 1870 Standard Oil đã nắm 10% ngành lọc dầu ở Mỹ. Nhưng điều này chưa làm Rockefeller thỏa mãn. Trong những năm 70 Standard Oil liên kết với các công ty vận tải thành lập Kartell vận tải, mục đích của việc làm này là ngăn chặn mọi đối thủ cạnh tranh. Việc làm này tuy phạm luật nhưng tạm thời Standard Oil vẫn lách được và chỉ mười năm sau đó Standard Oil đã trở thành một siêu tập đoàn và thực chất trở thành tập đoàn độc quyền. Cùng với các cổ đông “lặng lẽ” cuối cùng Standard Oil đã nắm trong tay 90 % thị trường dầu mỏ ở Hoa kỳ.
Dân Mỹ cũng như chính giới Mỹ rất phẫn nộ trước cách làm thô bạo và phạm luật của siêu tập đoàn này. Những vụ kiện tụng kéo dài đến tận năm 1911, với phán quyết của tòa án Standard Oil buộc phải chia ra thành nhiều bộ phận khác nhau với những cái tên vẫn còn tồn tại đến tận ngày nay như Exxon, Chevron và Amoco. Trong khi đó Rockefeller vẫn tiếp tục giầu lên. Vào những năm 1890, ông không còn tham gia kinh doanh và khoản tài sản của ông đã lên đến 200 triệu đôla (so với ngày nay khoảng 3,5 tỷ); Năm 1930 ông trở thành tỷ phú (so với ngày nay khoảng 30 tỷ). Sự giầu có kếch sù này không phải không làm lương tâm ông bị cắn rứt.
Tuy là kẻ tham lam vô độ nhưng Rockefeller lại là một tín đồ rất ngoan đạo. Vì vậy ông chỉ dành một phần tài sản của mình cho con cháu và dành hàng trăm triệu đôla cho các hoạt động từ thiện khác nhau như lập các quỹ hỗ trợ trường học, thư viện và các trường đại học. Nhờ việc làm này ông phần nào gột rửa được danh tiếng đã bị hoen ố của mình. Nhờ đó ngày nay Rockefeller không còn mang tiếng là một kẻ giầu nứt đố đổ vách với những phương thức làm ăn tàn bạo. Nói đến ông người ta nghĩ đến những hoạt động từ thiện và giờ đây gia đình ông cũng như các quỹ do ông tạo dựng vẫn tiếp tục thu được những khoản lợi nhuận to lớn.

 

6) Cạnh tranh thúc đẩy tiến hóa

Theo F.A.S. 26.10. 2009

Thomas Straubhaar - Giám đốc Viện Kinh tế thế giới ở Hamburg (HWWI)

Trong kinh tế cũng như trong tự nhiên, những ý tưởng mới mẻ luôn muốn gạt bỏ những gì cổ hủ, lạc hậu. Tuy nhiên mọi sự đột biến đều phải trải qua một quá trình chọn lọc. Những ý tưởng cơ bản về sự tiến hóa có thể áp dụng đối với nền kinh tế. Tuy nhiên ở đây vấn đề không xoay quanh học thuyết Darwin xã hội một cách thô thiển.

Điều gì đã tác động vào một phân tử đơn giản sau một quá trình tiến hóa đã tạo ra con người? Do một kế hoạch tổng thể? Do ngẫu nhiên? Do tất yếu? Hay tất cả các yếu tố đó cùng tác động: ngẫu nhiên và tất yếu, ở đây phải chăng sự ngẫu nhiên chịu sự điều khiển của một kế hoạch tổng thể? Biết bao nhiêu triết gia, các nhà sinh vật học, hóa học, vật lý học, thần học và các nhà khoa học nhân văn đã nghiền ngẫm và nghiên cứu vấn đề trọng tâm này. Câu trả lời ở từng khía cạnh thật vô cùng phong phú nhưng nhìn tổng thể thì thấy rằng, tiến hóa là một quá trình diễn ra liên tục, không bao giờ ngừng nghỉ, thoái lui mà chỉ tiến lên phía trước.
Trên con đường tiến hóa dài dằng dặc đó đôi khi xẩy ra những nhiễu loạn hết sức ngẫu nhiên và những biến đổi có tính tự phát. Mọi sự đột biến đều chịu tác động của quá trình chọn lọc. Sự chọn lọc này hoàn toàn không ngẫu nhiên và càng không thể tùy tiện. Nó diễn ra theo một nguyên tắc đánh giá hết sức rõ ràng, đó là khả năng tồn tại của hệ thống vĩ mô.
Trong khoảng thời gian kéo dài hàng tỷ năm từ một sinh vật đơn bào đầu tiên hình thành một tổ chức để rồi trải qua một quá trình tiến hóa rất dài con người mới ra đời. Mỗi bước ngắn ngủi trên con đường mòn dài dường như vô tận này, trạng thái vi mô lại hình thành một cách ngẫu nhiên. Tuy nhiên quá trình chọn lọc cũng có nghĩa là quá trình tiến hóa lại là một sự tất yếu không thể lảng tránh. Đây hoàn toàn không phải là một sự đấu tranh sinh tồn, như người ta thường lầm tưởng và cho rằng đó là quan niệm của Darwin. Thực ra đây là một diễn biến thầm lặng, ôn hòa, một sự cạnh tranh liên tục không ngừng nghỉ. Từ hàng tỷ đột biến diễn ra trong một khoảng thời gian dài vô tận ắt không thể không dẫn đến một sự thay đổi, và sự thay đổi này tạo nên khả năng thích nghi và tái sản xuất một cách hợp lý nhất của hệ thống vĩ mô.
"Cạnh tranh là một quá trình khám phá"

Những ý tưởng tiến hóa cơ bản về sinh vật học có thể áp dụng thành công đối với kinh tế, xã hội và doanh nghiệp. Đây đơn giản không phải là học thuyết Darwin về mặt xã hội, điều này từ lâu đã được kiểm chứng trong thực tiễn và đã bị bác bỏ. Đây là sự tiến hóa về kinh tế, đó là sự nỗ lực, sự hành động của từng cá nhân nhằm đạt được những giải pháp tốt hơn để có khả năng tồn tại đối với cả xã hội nói chung.
Mọi nền kinh tế, các doanh nghiệp cũng như mỗi con đều người nhất thiết phải tìm cách để thích nghi với những điều kiện mới, phải thay đổi để có thể tồn tại. Mancur Olson khi xem xét khía cạnh kinh tế đã đề cập đến điều này trong cuốn sách của ông nhan đề "Sự thăng tiến và tàn lụi của một quốc gia" và lấy nước Anh làm ví dụ để chứng minh rằng, khi xã hội bị xơ cứng, khi các nhóm lợi ích chỉ nghĩ một cách đầy ích kỷ về nồi cơm của mình và coi mọi sự tiến bộ là sự tấn công vào cuộc sống của họ, chỉ nỗ lực dành lợi ích kinh tế vi mô sẽ dẫn đến sự tàn lụi của kinh tế vĩ mô. Đối với những xã hội ở trong tình trạng như vậy thì sự cạnh tranh có tác dụng như một sự thay máu. Nó giúp cải thiện khả năng thích nghi và qua đó tăng cường khả năng tồn tại của nền kinh tế.
Adam Smith, cha đẻ của học thuyết kinh tế hiện đại, coi tác động tiến hóa của cạnh tranh là một vấn đề trọng tâm. Smith nhận thấy cấu trúc ganh đua trên thị trường cạnh tranh là một sức mạnh hết sức năng động, nó như một cỗ máy khổng lồ thúc đẩy cả xã hội vươn lên. Bàn tay vô hình của thị trường sẽ biến những hành động ích kỷ thành những hệ quả vị tha mang lại lợi ích cho mọi người.
Ngày nay dù ai đó phê phán, chỉ trích thị trường và cạnh tranh như thế nào đi nữa – nhưng thực tế đã chứng minh, tư duy cạnh tranh xét về mặt lịch sử thì thấy, lúc đầu quá trình tăng trưởng có bị chậm lại nhưng trong thế kỷ vừa qua quá trình này ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn. Sự cạnh tranh đã làm cho nền kinh tế của những nước tuân thủ nguyên tắc cạnh tranh trở nên giầu có. Ludwig Erhard (cựu Thủ tướng Đức) từng diễn đạt như sau: "thịnh vượng cho tất cảthịnh vượng thông qua cạnh tranh là hai yếu tố không thể tách rời nhau; định đề trước nói lên mục tiêu, định đề thứ hai chỉ ra con đường dẫn đến mục tiêu đó."
Cạnh tranh không có mắt, nó mù tịt về chính trị, xã hội
Sự cạnh tranh giúp phát hiện các giải pháp tiến hóa về kinh tế. Nó sàng lọc vô vàn kiến nghị về sự đổi mới để chọn ra những giải pháp tinh túy phù hợp nhất với sự tiến bộ của nhân loại.

"Cạnh tranh không những chỉ ra những gì có thể làm tốt hơn, mà nó còn buộc tất cả những ai có thu nhập từ thị trường, phải thực hiện những sự cải thiện này, vì thế đây là lý do chính tại sao cạnh tranh lại bị phản đối. Cạnh tranh buộc mọi người phải thay đổi hành vi của mình mà không một chỉ thị hoặc mệnh lệnh nào có thể làm được." Friedrich August von Hayek, nhà khoa học người Đức, từng được giải thưởng Nobel đã phát biểu như vậy về sức mạnh tiến hóa của cạnh tranh trong bài phát biểu rất nổi tiếng của ông ở Kiel năm 1968.
Cũng như trong các cuộc đua thể thao con người cố gắng huy động toàn bộ sức lực của mình quyết đoạt thắng lợi, thì các nhà doanh nghiệp trong hoạt động kinh tế cũng ra sức nỗ lực để dành khách hàng, tăng lợi nhuận, sẵn sàng chấp nhận rủi ro và quyết tìm ra các ý tưởng, giải pháp mới mẻ. Những kẻ đi đầu và sớm phát hiện ra các xu hướng phát triển của thị trường sẽ được trả công hậu hĩnh. Những kẻ bám lấy kỹ thuật lạc hậu, chọn sai hướng đi, hay sản xuất quá đắt ắt bị thua lỗ và phải trả giá đắt và đau đớn.
Cạnh tranh không có mắt, nó mù tịt về chính trị, xã hội. Nó không thể nói trước, cái gì tốt, cái gì dở. Vì thế đối với người này nó bị coi là khó chịu, đối với kẻ khác nó bị coi là tàn bạo. Nhưng đối với toàn xã hội thì sự để ngỏ kết quả của cạnh tranh lại chính là động lực cơ bản thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế. Không có sự thay đổi nào hay đổi mới nào được hưởng sự ưu ái trước. Mọi cái đều phải trải qua sự thử thách khốc liệt của thực tế. Chỉ có những gì đứng vững được trước phản ứng của dư luận, cái đó mới có thể tồn tại.
Thị trường phải để mở và có thể bị tấn công
Nhà kinh tế người Áo Joseph Alois Schumpeter từ khá lâu đã phát hiện ra sức mạnh tiến hóa của cạnh tranh. Những nhà doanh nghiệp năng động nỗ lực hết mình vì mục đích lợi nhuận, vì ý chí quyết thắng, vì niềm vui trong quá trình phấn đấu, xây dựng để vươn lên hàng đầu. Nhờ các công nghệ mới họ có khả năng tạo vị trí độc quyền cho mình. Những đổi mới sáng tạo của họ nếu nhận được sự hâm mộ, hưởng ứng của khách hàng họ sẽ nhận được phần thưởng vì đã dũng cảm đi tiên phong. Do bị thôi thúc "bởi động cơ lợi nhuận" sẽ có nhiều người lao vào cuộc để bắt chước. Từ đó tạo ra một cú hích về sự đổi mới sáng tạo. Những nhà máy lỗi thời, kém hiệu quả sẽ biến mất. Như máy hơi nước đã bị động cơ điện làm bật bãi, máy bay cánh quạt bị thay thế bởi máy bay phản lực và điện thoại di động đa năng hạ bệ điện thoại bàn.
Cũng như quá trình tiến hóa đối với các loài sinh vật, nỗ lực dành lợi nhuận trong kinh tế vi mô của từng nhà doanh nghiệp nếu gộp lại có thể tạo nên một sự thành công về kinh tế vĩ mô dưới dạng nâng cao mức sống của người dân nói chung. Nhưng một điều kiện quyết định để có được sự may mắn đối với kinh tế vĩ mô là phải để ngỏ thị trường độc quyền và thị trường đó phải chấp nhận tranh chấp. Nếu đối thủ cạnh tranh gặp khó khăn hay không thâm nhập được thị trường thì chỉ có những kẻ dành được độc quyền là vui mừng vì thu được nhiều lợi nhuận trên cơ sở gây thiệt thòi cho khách hàng. Chính vì lí do này nước Đức thành lập Cơ quan Chống độc quyền (Kartellamt), Ủy ban Độc quyền (Monopolkommission) và Cơ quan mạng lưới Liên bang (Bundesnetzagentur) để bảo đảm cạnh tranh.
Để cạnh tranh trở thành động lực thúc đẩy tiến hóa kinh tế tối ưu nhất cần phải có một sự tương tác thành công giữa hai cấp. Một mặt xã hội cần có những nhà doanh nghiệp luôn có quyết tâm cao và không hài lòng với hiện trạng đang diễn ra và luôn tìm cách phá vỡ để vươn tới những bến bờ mới. Mặt khác cần có những điều kiện khung về chính trị, xã hội và thể chế tạo không gian mở cho phép các nhà doanh nghiệp năng động có thể phát huy khả năng sáng tạo, đổi mới của họ. Như vậy có nghĩa là khả năng thích nghi vĩ mô về kinh tế của xã hội trước những sự thay đổi và khả năng cạnh tranh vi mô về kinh tế của các nhà doanh nghiệp năng động tạo ra một sự tác động qua lại, cái này là tiền đề của cái kia. Cuối cùng thì cả hai điều kiện này đều góp phần tiếp tục phát triển nền kinh tế của đất nước trong quá trình tiến hóa về kinh tế vì sự phồn vinh của mọi thành phần trong xã hội.

 Nguyễn Xuân Hoài dịch (nguồn tiasang.com.vn)

 

Cập nhật ( 24/10/2014 )
 
Tin mới đưa:
Tin đã đưa:

“Mỗi người đảng viên, mỗi người cán bộ từ trên xuống dưới đều phải hiểu rằng: mình vào Đảng để làm đầy tớ cho nhân dân chứ không phải là “quan” nhân dân.”

 
Trí thức trẻ là người tốt nghiệp đại học, tuổi từ 39 trở xuống. Do thu nhập sau ra trường hạn hẹp, thị trường nhà ở giá rẻ khan hiếm, nên điều kiện về an cư để lạc nghiệp còn khó khăn. Các bạn trí thức trẻ ước muốn gì về nơi ở của riêng mình (không phải do thừa kế, đi thuê):
 
 
 
Trong thời đại CMCN 4.0, Chuyển đổi số không còn là điều tốt đẹp nên có, mà là điều bắt buộc đối với tất cả tổ chức và doanh nghiệp, gắn với Chính quyền số, Kinh tế số, Xã hội số. Trong bối cảnh đô thị hóa, ngành XD có vai trò tiên phong trong Chuyển đổi số đế nâng cao năng lực cạnh tranh. Người ta còn cho rằng "QH đô thị là bệ phóng cho Chuyển đổi số". Lãnh đạo, người lao động trong doanh nghiệp XD phải chấp nhận và thích ứng dần với quá trình Chuyển đổi số. Các bạn SV, cựu SV trong lĩnh vực XD - Công dân kỹ thuật số trong tương lai, nghĩ gì về nhu cầu đào tạo nâng cao năng lực Chuyển đổi số trong cơ sở đào tạo ĐH:
 
 
Thông báo

   Liên kết website
 
  • Sơ đồ trang 
  • Bản quyền thuộc Bộ môn Kiến trúc Công nghệ - Khoa Kiến trúc Quy hoạch - Trường Đại học Xây dựng
    Địa chỉ liên hệ: Phòng 404 nhà A1 - Số 55 đường Giải Phóng - TP Hà Nội
    Điện thoại: (04) 3869 7045     Email: bmktcn@gmail.com
    Chủ biên: TS. Phạm Đình Tuyển - Phụ trách: TS. Nguyễn Cao Lãnh & cộng sự
    Powered by vnDIC.com