Phát triển khu công nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long bên cạnh những thành tựu đang đặt ra nhiều thách thức. Hướng đi nào thích ứng với yêu cầu của thời hội nhập là một câu hỏi lớn. Chủ đề này đang rất cần sự tiếp cận từ nhiều phía.
Trong những năm qua, xây dựng khu công nghiệp (KCN) đã là ước muốn của nhiều tỉnh thành, và việc này đã dẫn đến tình trạng "trăm hoa đua nở". Do vậy, đối với một số địa phương, sự đua nở này cũng đã đưa đến những thất bại tất yếu, khiến cho việc xây dựng KCN trở thành việc làm dang dở, không mang lại những kết quả mong muốn khi quy hoạch. Thế nhưng tổng kết lại, phải thừa nhận một cách khách quan là các KCN đã đóng một vai trò chủ yếu trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tích cực đóng góp vào việc phát triển của nền kinh tế nước nhà. Nhìn chung, có thể kết luận rằng tỉnh thành nào thực hiện tốt việc xây dựng các KCN thì nơi ấy, công cuộc công nghiệp hóa được tiến hành tốt, mang lại công ăn việc làm cho nhiều người, và thu nhập của địa phương cũng tăng nhanh. ở phía Nam chúng ta có thể dễ dàng nhận ra các điều này ở thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và một số địa phương khác. Sự thật hiển nhiên này lại làm cho ao ước phát triển KCN ở các tỉnh còn nghèo ngày càng mãnh liệt hơn.
Để có một cái nhìn khách quan và một cơ sở quy chiếu nhằm đánh giá khả năng thành công của việc thành lập một KCN, tôi xin thảo luận trong bài báo này những điều kiện quan trọng trong việc hình thành KCN, những khái niệm mới phát sinh do các yêu cầu của việc hội nhập quốc tế, và cuối cùng xem xét việc quy hoạch - xây dựng các KCN trên địa bàn đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Các yếu tố cần thiết cho một khu công nghiệp
Như trên đã nói, tỉnh thành nào xây dựng thành công các KCN thì nơi ấy có nguồn thu nhập cho địa phương cũng như cho người dân được nâng cao đáng kể. Thêm vào đó, người ta còn dễ dàng nhận ra rằng, việc xây dựng KCN không đòi hỏi một loại hình công nghiệp nào hiện đại cả, và thế đã khiến cho nhiều người nghĩ là mình hoàn toàn có thể xây dựng thành công các KCN. Bởi thế, ngay bây giờ, vẫn còn có rất nhiều địa phương mong muốn xây dựng nhiều KCN, trong khi chưa chắc có đủ các điều kiện tất yếu. Muốn cho một KCN được thành công, ta phải đặc biệt chú ý đến các yếu tố sau đây:
- Vị trí
- Hệ thống giao thông
- Lao động
- Nguyên vật liệu
- Ngành công nghiệp chính
- Chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng và tiện ích.
Xin lưu ý là từ khu chế xuất (export processing zone) là một KCN đặc biệt, nên được xem là một bộ phận của KCN, nơi đó, hàng hóa sản xuất nhằm cho việc xuất khẩu toàn bộ ra nước ngoài. Tuy nhiên, từ ngày nước ta hình thành khái niệm doanh nghiệp khu chế xuất (export processing enterprise) thì vai trò của khu chế xuất bị lu mờ hẳn. Thế rồi do việc gia nhập WTO, khái niệm khu chế xuất xem chừng khó có thể tồn tại, vì lẽ mức thuế xuất thu nhập thấp áp dụng cho các công ty đặt trong khu chế xuất "bị" xem như một hình thức trợ cấp từ chính phủ Việt Nam để làm cho hàng sản xuất của các công ty này có lợi thế cạnh tranh tốt hơn trên thương trường quốc tế.
Trong kinh doanh, vị trí (location) đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Thế nhưng, yếu tố vị trí không phải tự nó mà có. Trái lại, vị trí phụ thuộc vào những yếu tố khác như loại nền đất (cứng, mềm), diện tích có đủ rộng lớn hay không cho việc mở rộng trong tương lai, có thuận tiện giao nối vào hệ thống giao thông (đường bộ, đường sắt, đường sông, đường biển, đường hàng không,...), vấn đề lực lượng lao động có thể cung ứng cho vị trí đó, việc cung ứng nguyên vật liệu, nguồn điện, nguồn nước, sự thuận tiện trong việc xả nước thải ra môi trường sau khi đã xử lý đúng theo yêu cầu bảo vệ môi trường. Chọn lựa một khu đất để làm KCN còn phải xem xét thật kỹ các công nghiệp chính yếu sẽ được thu hút vào khu ấy. Thí dụ như ta muốn xây dựng một KCN đặc biệt cho công nghiệp dệt nhuộm thì vị trí khu đất thích ứng chắc chắn không nên chọn gần khu dân cư vì những khó khăn và tốn kém trong việc xử lý màu cho nước thải ...
Một điểm cũng cần phải đặc biệt lưu ý là khu đất chọn làm KCN phải là khu đất có ít người dân sinh sống trên đó. Việc đền bù - giải tỏa là một việc làm "đau khổ", gây nhiều "thương tích" cho mọi bên liên quan. Đối với nước ta, đây là một việc làm mà không mấy ai sốt sắng, đặc biệt là về phía chính quyền. Bởi vậy, cách tốt nhất vừa đỡ tốn kém tiền của và thời gian cũng như tránh những mối bất hòa với cộng đồng dân cư quanh KCN là không nên chọn khu có đông người cư ngụ làm KCN.
Hệ thống giao thông
Ở giai đọan đầu, khi xem xét quy hoạch thành KCN cho một khu đất, ta phải xem các hệ thống giao thông "ngoài hàng rào", nối khu đất đó với hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không có thuận tiện hay không. Nếu khu đất ở xa đường bộ, hay đường thủy, ta sẽ gặp nhiều khó khăn trong công tác xây dựng cơ sở hạ tầng ngay từ lúc ban đầu và trong việc đi lại của cán bộ và nhân viên, cũng như việc chuyên chở vật liệu xây dựng, hay khối lượng khổng lồ đất cát để san lấp như thực tế những gì diễn ra ở ĐBSCL.
Hệ thống giao thông trong hàng rào - chủ yếu là đường bộ, nhưng đường thủy cũng quan trọng như ở khu vực ĐBSCL. Trong KCN, cũng cần phải quy hoạch chu đáo, để có thể đáp ứng cả ba mục đích, đó là việc giao thông dễ dàng thuận tiện, việc tiết kiệm kinh phí đầu tư xây dựng, và tiết kiệm quỹ đất công nghiệp. Nếu ta xây nhiều đường hơn so với sự cần thiết, ta phải tốn nhiều tiền và thời gian xây dựng, đồng thời ta sẽ còn lại ít đất để cho các nhà đầu tư thuê xây dựng nhà máy... Như thế, chi phí sẽ tăng nhiều trong khi tiềm năng thu nhập lại bị giảm đi.
Nguồn lao động
Một trong những yếu tố thúc đẩy các công ty nước ngoài (Mỹ, Nhật, châu Âu,...) đầu tư vào nước ta là nguồn lao động dồi dào và tương đối rẻ. Đó là chưa nói đến các đặc điểm khác của lực lượng lao động Việt Nam, như sự năng động, ham học hỏi và học nhanh để tiến thân, sẵn sàng làm thêm giờ để có thêm thu nhập.
Vì thế khi chọn một khu đất làm KCN, ta phải nghĩ ngay đến nguồn lao động. Liệu ta có đủ lao động để cung ứng cho các nhà máy, xí nghiệp sắp đặt cơ sở sản xuất trên khu đất đó không? Điều lý tưởng là KCN không ở xa các thành phố, các thị trấn đông dân (khoảng cách từ 5 đến 8 km là vừa đẹp).
Kinh nghiệm trong việc phát triển KCN trong những năm qua cho thấy, thật ra lực lượng lao động chủ yếu trong các KCN ở các tỉnh thành có nhiều KCN (miền Đông Nam Bộ) không hẳn là do các địa phương lân cận cung ứng, mà họ đến từ các tỉnh phía Bắc, miền Trung hay từ ĐBSCL. Tuy nhiên, các địa phương lân cận đã có sẵn những yếu tố khách quan khác đủ để hấp dẫn lực lượng lao động từ các nơi khác đổ về đó là cuộc sống với đầy đủ tiện nghi, vui chơi giải trí, cũng như nhiều cơ hội để học hỏi thêm, kiếm tiền thêm...
Tuy nhiên, những điều vừa nói chỉ đúng với những KCN được xây dựng trong những năm trước. Những năm gần đây, đã có các KCN mọc lên ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung và ở ĐBSCL, tạo ra yêu cầu về lao động ngay ở các tỉnh này. Nói một cách khác, lực lượng lao động từ các địa phương này đã có sự lựa chọn giữa "đi xa lập nghiệp" và "ở lại quê nhà" làm ăn. Sự chọn lựa này không đơn giản chút nào cả, thường thay đổi theo từng hoàn cảnh và sở thích của mỗi người. Còn đối với các KCN được xây dựng ở miền Đông Nam Bộ, một yêu cầu mới đã nảy sinh. Đó là việc xây dựng các khu nhà tập thể cho công nhân, đặc biệt là công nhân từ các vùng khác di chuyển đến.
Cũng xin nói thêm việc nước ta trở thành thành viên của WTO, đã có nhiều ý kiến, đề nghị thành lập nhiều KCN ở các vùng quê nhằm chế biến nông sản, thủy sản hay canh tân nông nghiệp để theo đó ta có thể giảm bớt độ cách biệt về phát triển giữa nông thôn và thành thị. Các ý tưởng này xem có vẻ hợp lý, hợp tình, nhưng chưa chắc đã thực hiện được. Bởi lẽ ngoài những khó khăn thu hút đầu tư - yếu tố tất yếu để dự án thành công, ta cần phải lưu ý rằng những người dân quê mà ta định phục vụ thông qua việc xây dựng KCN ở địa phương của họ chưa chắc đã bằng lòng ở lại để tiếp tục làm nông. Cuộc sống ở thành thị với tiện nghi và nhiều cơ hội vẫn có những mời gọi đặc biệt cho những người sẵn sàng chịu thử thách để tiến thân... Thành ra ta phải thận trọng, xem xét nhiều yếu tố khác nữa khi định xây dựng KCN, nếu không những ý tưởng đó rất dễ trở thành duy ý chí.
Ngành công nghiệp chính
Khi xây dựng một KCN, ta nên nghĩ là khu đất đã chọn thích hợp cho ngành nghề nào, hoặc nhiều khi, ta chọn khu đất để xây KCN theo những yêu cầu của một vài ngành công nghiệp đã chọn sẵn. Thí dụ như ta muốn xây dựng một KCN để thúc đẩy việc chế biến nông sản, thế thì ta phải chọn khu đất ở nơi có sự cung ứng dồi dào các nông sản cần được chế biến. Ta còn phải nghĩ xa hơn nữa về các yếu tố đã nêu trên đây liên quan đến việc chuyên chở nông sản đến KCN bằng đường bộ, đường sắt, hay đường thủy, cũng như phân phối sản phẩm sau khi chế biến đến thị trường trong nước và ngoài nước.
Trong những năm qua, nhiều KCN tổng quát đã được xây dựng ở nước ta. Các KCN này thường được quy hoạch để đón nhận nhiều ngành nghề khác nhau, theo yêu cầu thực tế của các nhà đầu tư. Kinh nghiệm thu thập được trong hơn 10 năm xây dựng KCN ở nước ta cũng cho thấy rằng việc quy hoạch - phân khu trong mỗi KCN thường không áp dụng được. Phần lớn các nhà đầu tư thường có những tiêu chí riêng khi chọn lô đất cho họ, không khớp với những điều mà nhà xây dựng KCN đã nghĩ ra khi làm quy hoạch. Nếu ta áp dụng cứng nhắc theo quy hoạch, vô hình trung, ta "đẩy" nhà đầu tư đi nơi khác và khả năng thành công của việc phát triển KCN trở nên khó khăn hơn.
Khu công nghiệp thời hội nhập
Trong thời hội nhập, ta phải chuẩn bị tham gia vào một sân chơi quốc tế, theo những ràng buộc mà nước ta đã cam kết với WTO và các đối tác. Trong bối cảnh đó, việc khai thác các ưu thế của mỗi khu vực, mỗi nước sẽ trở nên vô cùng năng động và mang nhiều tính cạnh tranh gay gắt. Thêm vào đó, tác dụng tương hỗ giữa các nước, các nền kinh tế sẽ được thể hiện rõ rệt hơn và khó có nước nào có thể tạo ra bức tường chắn để ngăn chặn hữu hiệu ảnh hưởng từ nước ngoài. Cũng vì thế mà KCN trong thời đại này cũng phải khác đi so với trước đây.
Các thành phần cơ bản:
Một KCN trong thời hội nhập cần mang tính tích hợp, có khả năng cao trong việc đáp ứng cung - cầu, theo nghĩa là một khu như vậy có thể phát sinh những nhu cầu và đáp ứng những nhu cầu đó. Một KCN như thế cần phải được hình thành trên một khu đất tương đối rộng, quy mô hàng ngàn hec-ta để có chỗ cho mọi người (enough room for every body), dễ thực hiện tính tự cung tự cầu. Có lẽ một khu như thế nên được gọi là một thành phố công nghiệp (industrial city), bao gồm các thành phần cơ bản như sau:
- Khu công nghiệp
- Khu công nghệ cao
- Khu kho bãi
- Khu bảo thuế
- Khu dân cư - thương mại
Để bảo đảm việc cung cấp điện ổn định với độ tin cậy cao, thành phố công nghiệp (TPCN) nên có một nhà máy điện riêng, cũng như một hệ thống đường ống cung cấp khí đốt đến tận nơi. Ngoài việc cung cấp điện ổn định, nhà máy điện còn có một vai trò quan trọng khác nữa trong việc bảo vệ môi trường: một phần lớn của nước thải, sau khi được xử lý, sẽ được dùng vào việc làm nguội nhà máy phát điện, theo đó, nước sẽ nóng lên và bốc hơi... khiến cho lượng nước thải xả ra môi trường gần như không đáng kể.
Sau đây, tôi xin đề cập vắn tắt về các thành phần cơ bản vừa nêu.
Khu công nghiệp trong một thành phố công nghiệp, thường chiếm một phần lớn diện tích, chính là nơi các nhà đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất thành phẩm công nghiệp cho thị trường nội địa hay để xuất khẩu. Toàn bộ những khái niệm liên quan đến KCN đã đề cập đều có thể áp dụng được ở đây. Chỉ có điều khác biệt cơ bản là KCN không còn đứng riêng rẽ nữa mà được hỗ trợ bằng những thành phần khác nằm sát bên cạnh.
Khu công nghệ cao (KCNC) không nên hiểu theo nghĩa cổ điển như là nơi xây dựng vườn ươm, thực hiện công tác nghiên cứu và phát triển (viết tắt là R&D) trong đó có công đoạn thương mại hóa các thành quả nghiên cứu khoa học. Ta nên hiểu KCNC theo ý nghĩa thực tế, tức là nơi đón nhận các công nghệ tân tiến, các công nghệ với sản phẩm có giá trị cao so với thể tích, trong đó có thể có công tác R&D. Do vấn đề bảo toàn "bí mật nhà nghề", ta không thể xây dựng KCNC theo ý tưởng cổ điển vì các công ty lớn sẽ không đưa việc nghiên cứu và phát triển đến "xứ lạ" được, và do đó việc thu hút đầu tư sẽ thất bại. Trong bối cảnh của sự tiến triển nhanh chóng về khoa học và công nghệ, KCNC nên nằm kề KCN trong thành phố công nghiệp. Những công ty Công nghệ cao thường cần những hỗ trợ, những cung ứng của các công nghệ "không cao" liên hệ.
Khu kho bãi - khu bảo thuế - khu phi thuế quan
Chắc rằng trong thời kỳ sắp tới, các nhà đầu tư, đặc biệt là các công ty đa quốc gia, sẽ khai thác triệt để giá cả nguyên vật liệu cần dùng trong sản xuất từ mọi thị trường, từ mọi nước. Bởi vậy, khi quy hoạch một thành phố công nghiệp, ta phải chuẩn bị các khu vực để hỗ trợ cho các hoạt động này, như khu kho bãi, khu bảo thuế.
ở một khu bảo thuế, hàng hóa nhập vào khu chỉ cần niêm phong, không có thủ tục khai báo thuế. Nếu hàng hóa này lại được xuất khẩu sau đó thì trong phần lớn trường hợp, chủ nhân cũng không cần khai báo thuế. Chỉ khi nào hàng hóa đó được đem ra bán trong thị trường nội địa thì chừng ấy mới có vấn đề khai báo thuế.
Gần đây, một số nước đề xướng khái niệm khu phi quan thuế. Đối với một khu như thế, hàng hóa, dịch vụ được sản xuất và tiêu thụ trong khu sẽ không phải đóng thuế, còn hàng hóa dịch vụ nhập khẩu từ nước ngoài vào khu sẽ được xử lý theo các cơ chế đặc biệt về các thủ tục xuất nhập khẩu, thuế xuất nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt.
Khu dân cư - thương mại
Với quy mô lớn của thành phố công nghiệp, nhu cầu về nhà ở cho cán bộ, công nhân viên, lực lượng lao động chắc chắn sẽ phát sinh. Để tạo sự thuận lợi cho các nhà điều hành, thành phố công nghiệp cũng cần có cả khu biệt thự hoặc chung cư cao tầng sang trọng để họ và gia đình có thể cư trú. Tiếp theo đó là nhu cầu mua sắm gần nhà, học tập của con em,... sẽ phát sinh ra khu thương mại , khu giải trí, trường học, bệnh viện... Nói khác đi, do những nhu cầu khởi phát từ KCN, dần dà việc xây dựng KCN trở thành xây dựng thành phố công nghiệp, có nhiều thành phần khác nhau, tạo mọi sự thuận tiện và hài hòa giữa việc làm và cuộc sống, trong một môi trường xanh sạch.
Trường hợp đồng bằng sông Cửu Long
Những khái niệm đã trình bày trên đây có thể phải cân nhắc thêm khi áp dụng vào việc xây dựng mô hình KCN cho ĐBSCL, đó là:
- Hệ quả của hiệu ứng lồng kính
- Đắp nền cao: thiếu đất, cát
- Vật liệu xây dựng
- Cảng nước sâu
- Sân bay
Hiệu ứng lồng kính
Theo nhiều nghiên cứu, kể cả chương trình nghiên cứu của cơ quan môi trường Hoa Kỳ, thì hiện nay đang có hiện tượng ấm toàn cầu, do sự phóng thích nhiều khí Carbonic (carbon dioxide) từ các nhà máy nhiệt điện, từ xe hơi, thế nên băng hà ở hai cực đang tiếp tục tan ra, và lượng nước khổng lồ này đang dần chảy về khu vực gần đường xích đạo, dẫn đến mực nước biển sẽ dâng lên. ở ĐBSCL, mức dâng đó có thể từ 0,5 m trở lên. Do địa hình vốn đã thấp, ĐBSCL sẽ trở nên thấp hơn do việc dâng nước biển này.
Nền khu công nghiệp
Xin lưu ý là các nhà máy đặt trong các KCN thường có giá trị cao, nếu khu vực nhà máy bị ngập nước, sự thiệt hại sẽ rất đáng kể. Do vậy, KCN phải có vị trí với địa hình tương đối cao, và đây là một trở ngại cho ĐBSCL trong việc chọn địa điểm làm KCN.
Nếu phải đắp nền cao, ta lại gặp phải một khó khăn khác. Đó là thiếu đất, cát để san lấp. Vì ĐBSCL không có nhiều đồi núi, tại nhiều tỉnh, việc chuyên chở đất từ xa đến để san đắp nền sẽ rất tốn kém. Ta nên nghĩ đến việc lấy cát từ các sông lân cận - sau khi xem xét các hệ quả, để dùng vào việc này. Nhưng lấy cát ở sông sẽ làm xê dịch dòng chảy, gây nhiều bất lợi về thủy văn của toàn vùng.
Vật liệu xây dựng
Ngoài đất cát để san lấp, vật liệu xây dựng (sắt thép, xi măng, ...) cũng là một điều đáng quan ngại cho việc xây dựng KCN ở ĐBSCL. Ngoài việc chuyên chở bằng đường bộ (thường tốn kém cao), ta nên nghĩ đến việc vận tải bằng đường thủy (sông, biển) để làm giảm giá thành cho việc xây dựng KCN cho các nhà đầu tư xây dựng nhà máy trong các KCN.
Cảng nước sâu
Để giảm thiểu tiền chuyên chở đường xa, đặc biệt từ nước ngoài, việc dùng tàu với trọng tải lớn xem như là lời giải thích ứng. Điều này đặt ra vấn đề xây dựng cảng nước sâu để đón nhận các tàu có trọng tải lớn. Đây cũng là một vấn đề quan trọng đối với ĐBSCL vì hiện nay, vùng đồng bằng không có nhiều địa điểm thích hợp cho việc xây dựng cảng nước sâu.
Sân bay quốc tế
Hiện nay trên toàn ĐBSCL, chỉ có sân bay Trà Nóc ở thành phố Cần Thơ là có thể được nâng cấp để trở thành sân bay quốc tế. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc đi lại của các nhà đầu tư nước ngoài và đặc biệt là việc chuyên chở linh kiện và hàng hóa công nghệ cao.
Từ thực tế trên đây xin kiến nghị:
Dựa trên những điều đã trình bày, việc quy hoạch - xây dựng KCN cho ĐBSCL nên được thực hiện theo các nguyên tắc sau đây:
- Trong 5 năm tới, nên tiếp tục quy hoạch - xây dựng KCN theo mô hình cũ (trên diện tích từ 100 đến 500 ha), xem như là mở rộng việc làm này từ kinh nghiệm của Thành phố Hồ Chí Minh vào thành phố Cần Thơ. Trong trường hợp cần thiết như để hỗ trợ việc chế biến nông sản hay thủy sản, ta cũng nên xem xét việc quy hoạch - xây dựng các KCN nhỏ (độ 50 - 100 ha) ở một vài địa phương thật sự có yêu cầu.
- Với thành phố Cần Thơ, nên xem xét khả năng xây dựng khu công nghệ cao gần KCN hiện có. Trong trường hợp này, cần lưu ý thu hút các ngành công nghệ sinh học để phục vụ nông nghiệp và ngư nghiệp. Các ngành công nghệ tự động, vi điện tử, na-nô, công nghệ chính xác có thể từ từ phát triển sau (vì thành phố Cần Thơ không thể cạnh tranh với Thành phố Hồ Chí Minh về các mặt này ngay bây giờ). Tập trung phát triển theo chiều hướng biến thành phố Cần Thơ, các KCN, khu công nghệ cao,... thành một thành phố công nghiệp với quy mô lớn.
- Nên xem xét khả năng mở rộng khu vực nhà máy Khí - Điện - Đạm Cà Mau thành một KCN tích hợp trong vài thập niên tới.
Tóm lại, phát triển KCN tại đồng bằng sông Cửu Long là một quá trình cần phải được đầu tư xem xét cẩn trọng và nghiêm túc. Do sự tiến bộ nhanh chóng của khoa học và công nghệ, ngay cả trong trường hợp đã quyết định rồi cũng nên tiếp tục cân nhắc xem xét, nếu cần vẫn phải tiếp tục điều chỉnh, làm cho mọi bước phát triển phải gắn với những tiến bộ của khoa học công nghệ hiện đại và tương thích với chiến lược phát triển chung của cả nước./.
Huỳnh Ngọc Phiên
GS, nguyên Hiệu trưởng Trường Công nghệ Cao, Viện AIT, Tổng Giám đốc Công ty Amata |