Thông tin chung:
Công trình: Công trình Villa d'Este
Địa điểm: Quận Tivoli, tỉnh Rome, vùng Latium, Italia (N41 57 50,1 E12 47 46,5)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Diện tích Di sản 4,5ha; Diện tích vùng đệm 7ha
Năm hình thành:
Giá trị: Di sản thế giới (năm 2001 hạng mục i, ii, iii, iv, vi)
Ý (Italia) là một quốc gia bao gồm một bán đảo được giới hạn bởi dãy Alps và một số hòn đảo xung quanh.
Ý nằm ở trung tâm Nam Âu và được coi là một phần của Tây Âu, có chung biên giới trên bộ với Pháp, Thụy Sĩ, Áo, Slovenia và các khu vực bao quanh của Thành phố Vatican và San Marino. Ý còn có vùng lãnh thổ ở Campione, Thụy Sĩ và Lampedusa (vùng biển Tunisia).
Quốc gia này có diện tích 301.340 km2, dân số 60,317 triệu người (năm 2020), thủ đô là Rome.
Do vị trí địa lý trung tâm ở Nam Âu và Địa Trung Hải, Ý là nơi sinh sống của vô số dân tộc và nền văn hóa.
Vào thời Cổ đại (năm 750 - 200 trước Công nguyên/TCN), đây là nơi cư trú chủ yếu của các dân tộc nói ngôn ngữ Ấn-Âu (Indo-European language, có nguồn gốc từ từ Tây và Nam Á - Âu).
Bắt đầu từ thời Cổ điển (thế kỷ 8 TCN - thế kỷ 6 sau Công nguyên, chủ yếu gồm nền văn minh Hy Lạp và La Mã cổ đại), người Phoenicia (tồn tại năm 2500 TCN – 539 TCN) và người Carthage (Đế chế Carthage, tồn tại năm 814 TCN – 146 TCN) đã thành lập các thuộc địa chủ yếu ở khu vực nội địa Ý.
Người Hy Lạp (Ancient Greece) đã thành lập các khu định cư Magna Graecia tại miền nam nước Ý, trong khi người Etruscans (tồn tại năm 900 TCN –27 TCN) và người Celt lần lượt sinh sống ở miền trung và miền bắc nước Ý.
Một bộ tộc người Ý, được gọi là người Latins (Italic tribe), đã thành lập Vương quốc La Mã (Roman Kingdom, tồn tại năm 753 TCN – 509 TCN) vào thế kỷ thứ 8 TCN, sau này trở thành nước Cộng hòa La Mã (Roman Republic, tồn tại năm 509 TCN – 27 TCN).
Cộng hoà La Mã ban đầu chinh phục và đồng hóa các nước láng giềng trên bán đảo Ý, cuối cùng mở rộng và chinh phục các vùng đất của Châu Âu, Bắc Phi và Châu Á.
Vào thế kỷ 1 TCN, Đế chế La Mã (Roman Empire, tồn tại năm 27 TCN - 476 sau Công nguyên) nổi lên như một quyền lực thống trị khu vực Địa Trung Hải và trở thành một trung tâm văn hóa, chính trị và tôn giáo hàng đầu, hình thành nền văn minh La Mã Cổ đại (Pax Romana), một giai đoạn hơn 200 năm phát triển của luật pháp, công nghệ, kinh tế nghệ thuật và văn học Ý.
Trong suốt thời kỳ Trung Cổ, Ý vẫn là quê hương của con người và Đế chế La Mã, mà di sản của nó về văn hóa, thể chế, Kitô giáo và tiếng Latinh lan truyền khắp toàn cầu.
Vào đầu thời kỳ Trung Cổ, Ý phải chịu đựng sự sụp đổ của Đế chế Tây La Mã (Western Roman Empire, tồn tại vào năm 395–476/480), với việc lãnh thổ bị phân chia thành các tiểu quốc và các cuộc di dân của các bộ tộc Germanic, Huns, Slavs (Early Slavs) và Pannonian Avars.
Tại miền bắc và một phần miền trung nước Ý, vào thế kỷ 11, nhiều thị quốc (Italian City-states) và nước cộng hòa hàng hải (Maritime Republics) đã vươn lên thịnh vượng thông qua thương mại và ngân hàng, đặt nền móng cho chủ nghĩa tư bản hiện đại. Các thị quốc độc lập này đóng vai trò là trung tâm giao lưu thương mại chính của châu Âu với châu Á và Cận Đông, thường được hưởng một mức độ dân chủ cao hơn so với các quốc gia phong kiến trong các chế độ quân chủ đang thịnh hành khắp châu Âu thời bấy giờ. Một phần miền trung nước Ý nằm dưới sự kiểm soát của các quốc gia Giáo hoàng (Papal States; thần quyền Nhà nước của Giáo hội).
Phần lớn miền nam nước Ý vẫn là chế độ phong kiến cho đến thế kỷ 19. Đây là kết quả của sự kế thừa nền văn minh của người Byzantine, Arab, Norman, Angevin, Aragonese và từ các cuộc chinh phục của các quốc gia bên ngoài.
Tại miền đông nước Ý, tồn tại Đế quốc Byzantine hay Đế chế Đông La Mã (Byzantine Empire/ Eastern Roman Empire, tồn tại năm 330/395–1453), là sự tiếp nối của Đế chế La Mã trong thời kỳ Hậu Cổ đại và Trung cổ, khi thủ đô của nó là Constantinople (Thổ Nhĩ Kỳ). Trong khi phần phía tây của Đế chế La Mã đã trải qua quá trình Latinh hóa, thì phần phía đông của Đế chế (Byzantine) vẫn duy trì ở mức độ lớn nền văn hóa Hy Lạp. Sự sụp đổ của Đế chế Byzantine vào tay người Ottoman (Ottoman Empire, tồn tại năm 1299 – 1922) đôi khi được dùng để đánh dấu sự kết thúc của thời Trung cổ và sự khởi đầu của thời kỳ Hiện đại.
Thời kỳ Phục hưng (Renaissance, một giai đoạn lịch sử châu Âu, chuyển đổi từ thời Trung cổ sang Hiện đại, vào thế kỷ 15, 16) bắt đầu ở Ý và lan sang phần còn lại của châu Âu, mang lại mối quan tâm mới về chủ nghĩa nhân văn, khoa học, văn học và nghệ thuật.
Nền văn hóa Ý phát triển mạnh mẽ, sản sinh ra các nhà khoa học, nghệ sĩ và tư tưởng nổi tiếng.
Trong thời Trung cổ, các nhà thám hiểm người Ý đã khám phá ra những tuyến đường mới đến Viễn Đông và Tân thế giới, mở ra Kỷ nguyên Khai sáng (Age of Discovery) của Châu Âu.
Sau nhiều thế kỷ can thiệp và chinh phục từ bên ngoài cùng với sự cạnh tranh giữa các thị quốc nội bộ, nước Ý bị chia rẽ về mặt chính trị, tiếp tục bị chinh phục và phân chia bởi nhiều cường quốc châu Âu.
Vào giữa thế kỷ 19, chủ nghĩa dân tộc của Ý đã trỗi dậy.
Sau nhiều thế kỷ bị ngoại bang thống trị và chia rẽ, Ý gần như hoàn toàn thống nhất vào năm 1861, cùng với việc thành lập Vương quốc Ý (Kingdom of Italy, tồn tại năm 1861–1946).
Từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, miền bắc nước Ý nhanh chóng công nghiệp hóa, giúp quốc gia này trở thành một Đế quốc thuộc địa. Trong khi đó, tại miền nam nước Ý, phần lớn vẫn là cảnh nghèo đói. Sau Chiến tranh thế giới 2, Ý bãi bỏ chế độ quân chủ, thành lập chính thể cộng hòa dân chủ và trở thành một quốc gia phát triển.
Ý ngày nay được phân thành 20 khu vực (vùng) và 107 tỉnh, thành phố.
Bản đồ Italia và vị trí quận Tivoli, tỉnh Rome
Villa d'Este ở Tivoli, miền trung nước Ý, được Pirro Ligorio (kiến trúc sư người Ý, năm 1500-1583) thiết kế thay mặt cho Hồng y Ippolito II d'Este xứ Ferrara (1509-1572), người sau khi được bổ nhiệm làm thống đốc Tivoli vào năm 1550 với mong muốn xây dựng một cung điện phù hợp với địa vị mới của mình.
Quần thể bao gồm Cung điện và Khu vườn tạo thành một hình tứ giác không đều và bao phủ một diện tích khoảng 4,5 ha.
Khu vườn là một trong những minh họa đáng chú ý và toàn diện nhất về văn hóa Phục hưng ở mức tinh tế nhất. Nhờ thiết kế sáng tạo và bố cục khéo léo của các thành phần kiến trúc (đài phun nước, bồn hoa trang trí …), đây thực sự là một khu vườn nước và là ví dụ độc đáo về một khu vườn Ý thế kỷ 16. Nơi đây trở thành một trong những khu vườn kỳ quan (Giardini delle meraviglie) hàng đầu, đóng vai trò là hình mẫu và có ảnh hưởng quyết định đến sự phát triển của các khu vườn ở Châu Âu.
Cung điện được thiết kế không theo một phong cách nào, vì kiến trúc sư buộc phải sử dụng một số phần của tòa nhà tu viện trước đó.
Kiến trúc của Cung điện rất đơn giản, gồm một khối chính dài, cao 3 tầng, được đánh dấu bằng các dải, hàng cửa sổ và các không gian nhô ra ngoài. Mặt tiền đồng nhất này bị ngắt quãng bởi một loggia thanh lịch ở giữa, với 2 tầng và các đường dốc cầu thang.
Bắt đầu từ năm 1560, công việc trước tiên là tạo ra nguồn cấp nước cho đài phun nước. Sau khi nguồn cung cấp nước được đảm bảo và dòng chảy của nước được tạo ra nhờ lực hấp dẫn tự nhiên do các tầng khác nhau của khu vườn tạo ra, công việc tiếp theo là xây dựng đài phun nước, hồ, hang động và bố trí cảnh quan.
Khu vườn Villa d'Este trải dài trên hai sườn dốc, từ Cung điện đi xuống một sân hiên phẳng theo kiểu đấu trường. Loggia của Cung điện đánh dấu trục trung tâm theo phương dọc của Khu vườn. 5 trục trung tâm theo phương ngang, mỗi trục kết thúc ở một trong những đài phun nước của Khu vườn.
Sự sắp xếp các trục dọc và ngang này này được áp dụng để che giấu ranh giới không đều của Khu vườn, điều chỉnh mối quan hệ giữa chiều ngang, chiều dọc và để đảm bảo cho Cung điện một vị trí trung tâm.
Các đài phun nước trong Khu vườn là một kiệt tác của kỹ thuật thủy lực, về bố cục chung của mặt bằng, hệ thống phân phối nước phức tạp, cũng như nhiều trò chơi nước với sự ra đời của các máy tự động thủy lực đầu tiên từng được chế tạo.
Hiệu ứng nước trong Khu vườn được tạo ra bởi thác nước lớn chảy ra từ một hốc (krater) nằm giữa hiên có mặt bằng hình bán nguyệt (tại phía đông bắc của Khu vườn).
Nhấn mạnh trục trung tâm theo phương dọc của Villa d'Este là Đài phun nước Bicchierone (Fontana del Bicchierone), được xây dựng theo thiết kế của Gian Lorenzo Bernini (nhà điêu khắc, kiến trúc sư người Ý, năm 1598- 1680) vào năm 1660 – 1661. Đài phun nước này có hình dạng của một chiếc cốc răng cưa. Từ đây có một tia nước cao phun ra và rơi xuống một bể chứa nước.
Cung điện và Khu vườn Biệt thự và khu vườn năm 1560–1575, Villa d'Este, Tivoli, Rome, Ý
Công trình Villa d'Este, quận Tivoli, tỉnh Rome, vùng Latium, Italia được UNESCO tôn vinh là Di sản thế giới (năm 2001) với tiêu chí:
Tiêu chí (i): Villa d'Este là một trong những ví dụ nổi bật nhất của nền văn hóa Phục Hưng ở thời kỳ đỉnh cao.
Tiêu chí (ii): Khu vườn của Villa d'Este có ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển thiết kế cảnh quan sân vườn trên khắp châu Âu.
Tiêu chí (iii): Các nguyên tắc thiết kế và thẩm mỹ thời Phục hưng được minh họa một cách đặc biệt qua Khu vườn của Villa d'Este.
Tiêu chí (iv): Khu vườn của Villa d'Este là một trong những khu vườn kỳ quan (giardini delle meraviglie) sớm nhất và đẹp nhất; tượng trưng cho sự phát triển rực rỡ của nền văn hóa Phục Hưng.
Tiêu chí (vi): Villa d'Este, với Cung điện và Khu vườn, là minh chứng đặc biệt cho cho thời kỳ Phục hưng Ý và là nguồn cảm hứng nghệ thuật kể từ khi được xây dựng.
Phạm vi Di sản Công trình Villa d'Este, Tivoli, Rome, Ý
Tổng mặt bằng Villa d'Este, Tivoli, Rome, Ý
Sơ đồ mặt bằng Villa d'Este, Tivoli, Rome, Ý
Ghi chú trong hình vẽ: 1. Cung điện (Palace); 2. Đài phun nước Venus tại Sân trong; 3.Hang Leda; 4. Gran Loggia; 5. Đài phun nước Tripod; 6. Loggia Pandora; 7. Đài phun nước Bicchierone; 8. Đài phun nước Hercules; 9. Đài phun nước Dragon; 10. Đài phun nước Eropa; 11. Hang Aesculapius; 12. Hang Igrea; 13. Đài phun nước Pegasus; 14. Hang Diana; 15. Đài phun nước Tivoli (hay Oval); 16. Hang Venus; 17. Đài phun nước Bacchus; 18. Hang Pomona; 19. Đường trăm đài phun nước; 20. Hang Flora; 21. Đài phun nước Rometta’; 22. Đài phun nước Prosperina; 23. Đài phun nước Owl; 24. Cầu thang của Đài phun nước Bubbling; 25. Hang Sibyl; 26. Đài phun nước Organ; 27. Đài phun nước Venus; 28. Đài phun nước Neptune; 29. Hồ cá; 30. Vòng tròn cây bách; 31. Đài phun nước Đại bàng; 32. Đài phun nước "Mete"; 33. Đài phun nước Thiên nga; 34. Đài phun nước Nữ thần Ephesian Diana
Năm 1538, Ippolito II d' Este được Giáo hoàng Paul III phong làm Hồng y và năm 1550 được bổ nhiệm làm Thống đốc Tivoli.
Tivoli đã là một nơi nghỉ mát mùa hè phổ biến kể từ thời La Mã cổ đại, do độ cao, nhiệt độ mát mẻ và gần Biệt thự Hadriana (hay Villa Adriana, Di sản thế giới), nơi nghỉ mát mùa hè của Hoàng đế Hadrian I vĩ đại (Hoàng đế La Mã/ Roman emperor, trị vì từ năm 117 – 138). Hồng y Ippolito II d' Este chọn nơi đây làm nơi xây dựng một cung điện tráng lệ cho các buổi tiệc chiêu đãi xa hoa nhằm mục đích mở rộng mối quan hệ trong tầng lớp tinh hoa.
Công trình Villa d'Este nằm trên đất một tu viện cũ của dòng tu Benedictine, được xây dựng vào thế kỷ thứ 9 trên địa điểm của một biệt thự La Mã cũ. Năm 1256, Tu viện này được tặng cho dòng tu Phanxicô.
Villa d'Este không đủ lớn cho gia đình của một Hồng y nổi tiếng như d'Este, nhưng có tầm nhìn rộng ra vùng nông thôn bên dưới, bao gồm cả Biệt thự của Hoàng đế Haadrian (Tàn tích này còn trở thành nơi cung cấp đá cẩm thạch, tượng trang trí cho công trình) và nguồn cung cấp nước tự nhiên dồi dào cho các đài phun nước và vườn hoa.
Địa điểm này được Đức Hồng y Ippolito II d' Este gọi là “Valle Gaudente” (“Thung lũng của những thú vui”). Thung lũng dốc xuống những vườn nho và ô liu với những con đường nông thôn và những ngôi nhà gỗ nhỏ màu trắng giản dị có mái màu đỏ cùng một nhà thờ nhỏ.
Villa d'Este là một quần thể gồm Cung điện và Khu vườn.
Công trình nổi tiếng với những bức bích họa tuyệt đẹp trong Cung điện và đặc biệt hơn là hiệu ứng của vô số thác nước và đài phun nước trong Khu vườn.
Kiến trúc sư và nhà khảo cổ học người Neapolitan Pirro Ligorio (1500-1583) được giao nhiệm vụ thiết kế và chỉ đạo dự án. Việc xây dựng Villa d'Este bắt đầu vào năm 1550 và mất khoảng 20 năm để hoàn thành.
Đức Hồng y Ippolito II d' Este (1509-1572)
Pirro Ligorio (1500-1583), một trong những kiến trúc sư quan trọng của thế kỷ XVI
Kiến trúc sư Ligorio đã đào một kênh đào dài 600m bên dưới thị trấn Tivoli để đưa nước từ sông Aniene đến lưu vực phía trên đài phun nước Oval (hình vẽ ký hiệu 15). Sử dụng lực hấp dẫn tự nhiên do các tầng khác nhau của khu vườn, ông đã tạo ra những màn trình diễn nước tuyệt vời mà có thể chiêm ngưỡng cho đến ngày nay. Kênh đào của Ligorio cung cấp nước cho đài phun nước của Quần thể với tốc độ khoảng 0,3m3 mỗi giây.
Sau cái chết của Hồng y Ippolito vào năm 1572, Villa d'Este trải qua nhiều chủ sở hữu và tiếp tục được xây dựng bổ sung một số đài phun nước và hoàn thiện Khu vườn còn dang dở.
Với chi phí cao để duy trì, công trình xuống cấp trong thời gian dài. Vào thế kỷ 18, nhiều đồ đạc và tác phẩm điêu khắc bị bán cho các nhà sưu tập. Quần thể phần lớn bị bỏ hoang.
Vào thế kỷ 19, Công trình dần được khôi phục lại.
Sau Thế chiến thứ nhất, Villa d'Este đã được Nhà nước Ý mua lại, bắt đầu một cuộc trùng tu lớn vào năm 1922.
Cung điện bị hư hại do bom vào năm 1944, trong Thế chiến thứ hai.
Ít có khu vườn nào được nhiều nghệ sĩ nổi tiếng vẽ hoặc trang trí như Villa d'Este, đặc biệt là trong thời kỳ Phục hưng và thế kỷ 19. Các đặc điểm của Khu vườn đã ảnh hưởng và được bắt chước ở các khu vườn khác trên khắp châu Âu, từ Anh đến Nga.
Vào thời kỳ Phục hưng, Khu vườn được coi là nơi trưng bày nghệ thuật cổ điển và công nghệ mới. Cuối thế kỷ 18, Khu vườn bị cây cối mọc um tùm và đổ nát, song lại góp phần tạo nên hình ảnh của khu vườn lãng mạn đẹp như tranh vẽ.
Hiện tại, Di sản được khôi phục lại nhằm trùng tu và bảo tồn nguyên vẹn các đặc điểm nổi tiếng của Cung điện và Khu vườn.
Tranh vẽ Villa d'Este của Pierre-Athanese Chauvin (1811)
Công trình Villa d'Este là một quần thể có bố cục chính theo hướng tây bắc – đông nam.
Các hạng mục công trình chính trong Khu vực Di sản:
1. Cung điện
Cung điện (Palace, hình vẽ ký hiệu 1) nằm tại phía đông nam của Quần thể, có bố cục dài theo hướng tây bắc – đông nam, gồm các cánh nhà bao quanh sân trong. Ban đầu, Sân trong thuộc về Tu viện.
Sân thượng
Sân thượng nằm tại mặt phía tây bắc Cung điện, được gọi là Vialone, nằm giữa Cung điện và Khu vườn, dài khoảng 200m. Sân thượng được xây dựng từ năm 1568 - 1569. Các Hồng y đã sử dụng không gian này để bắn pháo hoa, chơi trò chơi, xem biểu diễn và lễ hội.
Ở giữa Sân thượng, gắn liền với mặt tiền của Cung điện, là Loggia đôi (Double loggia), được làm vào năm 1566 –1577 bằng đá travertine. Tại đây có 2 cầu thang dẫn đến sảnh vào các phòng nghi lễ ở tầng trệt và tạo thành sân thượng cho căn hộ của Hồng y.
Sân thượng được bao quanh ở một đầu bởi Đài phun nước Europa (hình vẽ ký hiệu 10), và ở đầu kia là một loggia và sân ngắm cảnh (Belvedere) rộng lớn có hình dạng như một mái vòm khải hoàn gọi là Cenacolo (Gran Loggia, hình vẽ ký hiệu 4). Cấu trúc này cung cấp bóng râm bên dưới vào mùa hè, cũng như có tầm nhìn bao quát ra xung quanh. Ban đầu, khối nhà sân ngắm cảnh được dự định trang trí bằng vữa trát dát vàng và bích họa, nhưng chưa được hoàn thành.
Chính giữa phía tây bắc của Sân thượng là Đài phun nước Tripod (hình vẽ ký hiệu 5) và Loggia Pandora (hình vẽ ký hiệu 6), nhấn mạnh trục trung tâm dọc của Quần thể và là nơi có thể ngắm nhìn toàn cảnh Khu vườn phía bên dưới. Tại Loggia Pandora có một bức tượng gắn với tượng nữ thần Pandora, tay cầm bình đổ nước ra, như một dạng đài phun nước ẩn.
Ở tầng Sân thượng còn có Hang Leda (Grotto of Leda, hình vẽ ký hiệu 3), nơi có đài phun nước và tượng thần thần Jupiter, nữ thần Leda và 4 đứa trẻ thiên thần. Nước phun ra từ một chiếc bình do Leda cầm.
Loggia đôi của Cung điện, Villa d'Este, Tivoli, Rome, Ý
Đài phun nước Tripod và Loggia Pandora, Villa d'Este, Tivoli, Rome, Ý
Gran Loggia ở cuối Sân thượng, Villa d'Este, Tivoli, Rome, Ý
Nhà thờ Santa-Maria Maggiore
Nhà thờ Santa-Maria Maggiore (Church of Santa-Maria Maggiore) nằm tại phía nam của Cung điện.
Ngày nay, lối vào Cung điện được mở từ một lối vào trên Quảng trường Trento (Piazza Trento), bên cạnh lối vào Nhà thờ Santa-Maria Maggiore. Vào thời Đức Hồng y Ippolito d'Este, lối vào này hiếm khi được sử dụng. Du khách đến cuối Khu vườn và từng bước leo lên Cung điện, ngắm đài phun nước và tượng.
Tại tiền sảnh, cánh cửa hiện tại có từ năm 1521 (trước thời kỳ Hồng y Ippolito d'Este).
Sân trong
Sân trong nằm tại phía tây nam của Cung điện, đặt tại nơi có Tu viện ban đầu. Sân được xây dựng vào năm 1566–1567 và hiện được bao quanh bởi các cánh nhà.
Điểm nhấn của Sân trong là Đài phun nước Venus (Fountain of Venus, hình vẽ ký hiệu 2). Đây là đài phun nước duy nhất trong Cung điện vẫn giữ được hình dáng và trang trí ban đầu. Đài phun nước được thiết kế bởi Raffaelo Sangallo vào năm 1568–1569. Công trình được giới hạn bởi 2 cột Doric mỗi bên và phía trên là tượng bán thân bằng đá cẩm thạch thế kỷ thứ 4 của Hoàng đế Constantine.
Trung tâm của Đài phun nước là bức tượng La Mã mô tả thần Venus đang ngủ, được làm vào thế kỷ thứ 4 hoặc thứ 5.
Phía trên của Đài phun nước là một bức tường. Bề mặt chạm khắc cảnh một đền thờ Hy Lạp với những trang trí nhánh cây, hoa, chim xung quanh.
Phần đế của Đài phun nước được trang trí bằng phù điêu trát vữa, từng được dát vàng, mô tả huy hiệu màu trắng với những con đại bàng của Đức Hồng y Ippolito d'Este.
Sân trong Cung điện với Đài phun nước Venus, Villa d'Este, Tivoli, Rome, Ý
Đài phun nước Venus, Sân trong Cung điện, Villa d'Este, Tivoli, Rome, Ý
Cung điện
Cung điện có mặt tiền được thiết kế trang nhã với những đường nét đơn giản. Điểm nổi bật là một loggia lớn ở trung tâm.
Tòa nhà cao 3 tầng, hai đầu có hai khối nhà nhô ra.
Tiền sảnh từng được phủ đầy tranh mô tả cảnh tượng trong kinh Cựu Ước. Các bức tranh phần lớn đã bị phá hủy bởi vụ đánh bom trong Thế chiến II.
Sảnh có niên đại từ năm 1563 - 1565.
Salon ở tầng trệt là phòng đầu tiên trong các căn hộ riêng của Đức Hồng y Ippolito. Phòng này được sử dụng để tiếp khách và có tầm nhìn bao quát ra khu vườn bên dưới và vùng nông thôn phía xa, cả Di sản Biệt thự Hadrian.
Các bức tường, ngày nay để trống, được phủ bằng da với trang trí bằng các họa tiết màu vàng và xanh lá cây cùng biểu tượng gia huy đại bàng của gia tộc d'Este. Trần nhà hình vòm của căn phòng được phủ bằng một bức phù điêu và những bức bích họa về chủ đề đức hạnh, thể hiện 20 nhân cách khác nhau. Những bức tranh này được thiết kế bởi Livio Agresti (họa sĩ người Ý, năm 1508- 1580) vào năm 1568 và được tạo ra bởi một nhóm nghệ sĩ và thợ làm vữa trát. Các chủ đề khác bao gồm phong cảnh với những ngôi đền đổ nát, lấy cảm hứng từ vùng nông thôn Tiburtine.
Một tiền sảnh nhỏ bên cạnh Salon có một bức phù điêu và mái vòm được trang trí bằng nhiều biểu tượng về đức hạnh. Từ đây có lối đi dẫn đến Phòng ngủ của Hồng y, được xây dựng vào năm 1576.
Tầng trệt bên dưới căn hộ riêng của Đức Hồng y có một loạt các hội trường (sảnh) được trang trí công phu, theo một chủ đề cụ thể, ví dụ như Sảnh Noah (Hall of Noah); Sảnh Moses (Hall of Moses); Sảnh Venus (Hall of Venus); Sảnh Tiburtine thứ nhất (First Tiburtine Hall) và Sảnh Tiburtine thứ hai (Second Tiburtine Halls); Sảnh Đài phun nước (Hall of the Fountain); Sảnh Hercules (Hall of Hercules); Sảnh Quý tộc (Hall of Nobility); Sảnh Vinh quang (Hall of Glory); Sảnh săn bắn (Hall of the Hunt)... Tất cả đều liên quan đến tự nhiên, thần thoại và nước.
Các phòng tại tầng trệt ít trang trọng hơn so với các phòng ở căn hộ phía trên. Chúng được sử dụng cho những khoảnh khắc riêng tư trong cuộc sống của Đức Hồng y; nghe nhạc hoặc thơ; trò chuyện, đọc sách và suy ngẫm về tôn giáo.
Các phòng tại tầng trệt được tiếp cận bằng một cầu thang nghi lễ lớn, đi xuống từ sân trong và được kết nối với nhau bằng một hành lang dài hẹp với trần nhà hình vòm cao, nhận ánh sáng từ một loạt các ô cửa mở ra sân trong. Trần của hành lang được trang trí bằng những bức tranh ghép từ cuối thế kỷ 16, mô phỏng một giàn hoa với nhiều loài chim đầy màu sắc sinh sống. Hành lang cũng có 3 đài phun nước tinh xảo, chứa các hang động thu nhỏ được đóng khung bằng các cột và mái vòm phía trên.
Tầng trên là nơi ở (“Appartamento vecchio”) dành riêng cho Hồng y, bao gồm các phòng ở cùng một tầng với Sân trong, có trần nhà hình vòm được Livio Agresti và xưởng của ông vẽ bích họa.
Phòng trung tâm, được gọi là Phòng ngai vàng (Throne Room), mở ra sân hiên, từ đó có thể ngắm nhìn quang cảnh ngoạn mục của Khu vườn.
Trần của Phòng ngai vàng được chia thành 4 phần, bao gồm 2 góc nhìn ra sông Aniene, 1 góc nhìn ra đền "Tosse" và 1 góc nhìn ra đền nhỏ Vesta. Ở cuối tầng này, sau thư viện của Hồng y và phòng ngủ của ông. Các bức tường phòng ngủ ban đầu được phủ bằng da dát vàng và bạc.
Lối vào hiện tại của Cung điện (bên cạnh Nhà thờ Santa-Maria Maggiore, bên phải ảnh), Villa d'Este, Tivoli, Rome, Ý
Mặt tiền Cung điện, Villa d'Este, Tivoli, Rome, Ý
Bức bích họa trong Sảnh Noah, Villa d'Este, Tivoli, Rome, Ý
Trang trí bên trong Sảnh Tiburtine thứ nhất tại Cung điện, Villa d'Este, Tivoli, Rome, Ý
Bức bích họa trên trần của Sảnh Tiburtine thứ hai, với các cảnh trong thần thoại và lịch sử La Mã, Villa d'Este, Tivoli, Rome, Ý
Bức bích họa trên trần của Sảnh Hercules, Villa d'Este, Tivoli, Rome, Ý
Bức bích họa trên trần của Sảnh Vinh Quang, Villa d'Este, Tivoli, Rome, Ý
2. Khu vườn với đài phun nước, hang động
Quần thể Di sản có 51 đài phun nước, 64 thác nước và 220 bồn chứa. Nước được cung cấp nước bởi 875m kênh đào, thác nước. Tất cả đều hoạt động hoàn toàn nhờ lực hấp dẫn, không cần máy bơm.
Đài phun nước Great Chalice/ “Bicchierone”
Đài phun nước Great Chalice/“Bicchierone” (Great Chalice/“Bicchierone” Fountain, hình vẽ ký hiệu 7) nằm tại trục trung tâm của Khu vực Di sản, nối từ Cung điện xuống Khu vườn.
Hồng y Rinaldo d’Este đã giao cho kiến trúc sư Gian Lorenzo Bernini thiết kế một đài phun nước, hình dạng như một chiếc cốc lớn. Chiếc cốc được đỡ bằng một cấu trúc như vỏ con sò.
Đài phun nước được khánh thành vào năm 1661. Sau đó, Bernini đã giảm chiều cao của tia nước vì nó che khuất một phần tầm nhìn tới Pandora’s Loggia.
Đài phun nước Great Chalice/“Bicchierone” nhìn từ phía trên, Villa d'Este, Tivoli, Rome, Ý
Đài phun nước Great Chalice/“Bicchierone” nhìn từ phía dưới, Villa d'Este, Tivoli, Rome, Ý
Đài phun nước rồng
Đài phun nước Rồng (Dragon Fountain, hình vẽ ký hiệu 9) nằm tại trục trung tâm của Khu vườn, ngay bên dưới.
Đường trăm đài phun nước. Công trình được Pirro Ligorio (kiến trúc sư người Ý, năm 1512- 1583) thiết kế để minh họa cho câu chuyện về thần Herculesh lấy cắp những quả táo vàng của Vườn Hesperides, được rồng Ladon canh giữ. Câu chuyện tương tự cũng được thể hiện trong các bức bích họa trang trí nội thất của Cung điện.
Nước phun ra từ miệng của 4 con rồng có cánh.
Trước đây, Đài phun nước được trang trí bằng các nhóm tác phẩm điêu khắc khác tượng trưng cho các di tích chính của La Mã, chẳng hạn như Khải Hoàn Môn Titus, Cột Trajan, Đền Pantheon và Đấu trường La Mã. Ngày nay không còn dấu vết của những di tích này.
Đài phun nước rồng Villa d'Este, Tivoli, Rome, Ý
Đài phun nước Pegasus
Đài phun nước Pegasus (Pegasus fountain, hình vẽ ký hiệu 13) nằm tại phía đông bắc Khu vườn, gồm một bể chứa nước hình tròn. Ở giữa có một tảng đá, bên trên có một bức tượng ngựa có cách huyền thoại Pegasus.
Đài phun nước Pegasus, Villa d'Este, Tivoli, Rome, Ý
Đài phun nước Oval hay Tivoli
Đài phun nước Oval hay Tivoli (Oval or Tivoli Fountain, hình vẽ ký hiệu 15) nằm tại phía đông bắc của Quần thể. Đài phun nước được đặt tên như vậy vì hình dạng của một bể chứa (exedra/portico) hình oval kề liền. Nước từ kênh đào đưa nước sông Aniene đổ vào bể chứa trên cao này, tạo áp lực cho đài phun nước trong các khu vườn tại tầng dưới.
Đài phun nước có các bức tượng đại diện cho các anh hùng thần thoại tôn vinh triều đại Este và sự vĩ đại của vùng đất Tivoli.
Đài phun nước Oval hay Tivoli, Villa d'Este, Tivoli, Rome, Ý
Đường Trăm Đài Phun Nước
Đường Trăm Đài Phun Nước (Hundred Fountains Avenue, hình vẽ ký hiệu 19) dài khoảng 100m, tạo thành 1 trục trung tâm theo phương ngang, theo hướng tây nam – đông bắc. Dọc theo đường là hàng cây ở một bên và 3 tầng đài phun nước ở bên đối diện. Nước chảy róc rách, phun ra từ khoảng một trăm đài phun nước được chạm khắc với nhiều kiểu dáng khác nhau, bao gồm hoa loa kèn, đại bàng, tháp nhọn và thuyền buồm. Nước đổ vào các máng dài, tạo thành các dòng chảy dọc theo 3 tầng tượng trưng cho 3 con sông: Albuneo, Aniene và Ercolaneo. Những "con sông" này chảy xuống từ những tảng đá ở tầng trên của Đài phun nước Oval (hình vẽ ký hiệu 15) và hội tụ tại Đài phun nước "Rometta" (hình vẽ ký hiệu 21) với một kênh đào tượng trưng cho sông Tiber.
Đường trăm đài phun nước, Villa d'Este, Tivoli, Rome, Ý
Đài phun nước "Rometta"
Đài phun nước "Rometta" ("Rometta" Fountain, hình vẽ ký hiệu 21) nằm tại đầu phía tây nam của Đường trăm đài phun nước, được cho là đại diện cho thành Rome cổ đại và chứa các phiên bản thu nhỏ của nhiều tòa nhà và biểu tượng của thành phố, bao gồm cả con sói cái đang cho cặp song sinh Romulus và Remus bú, và một nhân cách hóa của thành Rome dưới hình dạng một người phụ nữ đội mũ sắt cầm một ngọn giáo và có một kênh đào (sông Tiber) chảy dưới chân. Chiếc thuyền trên kênh đào đại diện cho Đảo Tiber (Isola Tiberina). Đài phun nước ngày nay không còn như ban đầu, vì đã bị phá hủy một phần vào thế kỷ 19.
Đài phun nước "Rometta", Villa d'Este, Tivoli, Rome, Ý
Đài phun nước Proserpina
Đài phun nước Proserpina (Proserpina Fountain, hình vẽ ký hiệu 22) nằm ngay bên dưới Đài phun nước "Rometta" (hình vẽ ký hiệu 21) và phía trên của Đài phun nước Owl (hình vẽ ký hiệu 23). Có một cấu thang nối hai đài phun nước lại. Đài phun nước được thiết kế và xây dựng bởi Alberto Galvani vào năm 1569–1570.
Đài phun nước Proserpina kết nối với Đài phun nước Rometta (hình vẽ ký hiệu 21) ở trên bằng hai cầu thang (hiện chỉ còn lại một cầu thang) có lan can đỡ các kênh nước.
Đài phun nước được đặt trong một vòm khải hoàn giữa các cầu thang. Vòm được đóng khung bằng các cột xoắn. Hốc trung tâm chứa tượng nữ thần sinh sản Persephone bị thần Pluto bắt cóc, được đặt ở đó vào khoảng năm 1640. Bức tượng Persephone đã biến mất; Pluto vẫn còn, được đặt trên một chiếc vỏ sò được hai con ngựa biển nâng đỡ. Các hốc ở hai bên có tượng thần Triton cưỡi cá heo và thổi kèn.
Đài phun nước Proserpina, Villa d'Este, Tivoli, Rome, Ý
Đài phun nước Owl
Đài phun nước Owl (Owl Fountain/ chim cú), hình vẽ ký hiệu 23) nằm ở phía tây nam của Khu vườn, bên dưới Đài phun nước Rometta và Đài phun nước Persephone. Ba đài phun nước này tạo thành một khu vực đài phun nước. Các sân thượng của chúng được kết nối bằng cầu thang và tượng các nữ thần (nymphaeum).
Đài phun nước Owl được xây dựng từ năm 1565 - 1569 bởi Giovanni del Duca. So với những đài phun nước khác trong vườn, đài phun nước này rất trang trọng, được đặt trên một sân thượng được bao quanh bởi các bức tường có hốc, được trang trí bằng biểu tượng đại bàng trắng và hoa loa kèn của Gia tộc Este. Bản thân đài phun nước là một cấu trúc riêng biệt, hoàn toàn được phủ bằng gạch nhiều màu. Phía trên hốc, là huy hiệu của Gia tộc Este, được 2 thiên thần nâng đỡ. Hốc được bao quanh bởi các cột kiểu ionic. Ban đầu, nó chứa các bức tượng của 2 thanh niên cầm một tấm da dê đổ nước vào một cái chậu do 3 thần rừng nâng đỡ.
Đài phun nước này cũng tạo ra âm nhạc, nhờ một máy tự động do kỹ sư người Pháp Luc Leclerc chế tạo và được lắp đặt vào năm 1566. Đài phun nước có 20 con chim bằng đồng được sơn đặt trong hốc, tạo dáng trên hai cành ô liu bằng kim loại. Mỗi con chim hót một bài hát riêng, được tạo ra bởi nước và không khí. Một con cú máy xuất hiện và những con chim ngừng hót. Sau đó, tất cả các con chim lại cùng hót. Đặc điểm âm nhạc này được ngưỡng mộ và sao chép ở các khu vườn khác ở châu Âu và hoạt động cho đến cuối thế kỷ 17. Đài phun nước phải sửa chữa liên tục do tác động của nước lên cơ chế tạo âm thanh tinh tế của nó và đến thế kỷ 19 đã bị phá hủy hoàn toàn.
Đài phun nước Owl, Villa d'Este, Tivoli, Rome, Ý
Đài phun nước đàn Organ
Đài phun nước đàn Organ (Water Organ Fountain, hình vẽ ký hiệu 26) nằm tại phía bắc của Khu vườn, được xây dựng bằng đá từ năm 1568 – 1611, lấy cảm hứng từ phong cách Baroque, rất khác so với phong cách Phục hưng của phần còn lại của Cung điện.
Đài phun nước Organ là một trong những địa điểm nổi tiếng nhất của Khu vườn, được mô tả và mô phỏng trên khắp châu Âu.
Đài phun nước được xây dựng bởi kỹ sư người Pháp Luc Leclerc và cháu trai của ông là Claude Venard. Sau khi Leclerc qua đời, Venard đã phát minh ra cơ chế khéo léo của đàn organ nước, được lắp đặt vào năm 1571.
Đây là đài phun nước đầu tiên thuộc loại này và đã làm kinh ngạc tất cả những ai chứng kiến.
Một mái vòm xây bằng đá lớn phía sau Đài phun nước, che giấu bể chứa nước và máy móc thủy lực của Đài phun nước. Thiết kế ban đầu có một hang động trong hốc của mái vòm gắn với 22 ống của đàn organ. Phía trước mái vòm là một bức tượng của Mẹ Thiên nhiên được đặt vòm vào năm 1569.
Nước tạo ra âm nhạc đầu tiên đi qua một loạt các xoáy nước, trộn không khí với nước; sau đó chảy vào một đường ống tới buồng gió, nơi không khí và nước được tách ra; nước quay một bánh xe, xoay một xi lanh mở van của 22 ống đàn để không khí có thể đi qua các ống và tạo ra âm nhạc.
Cơ chế của đài phun nước cực kỳ tinh vi và đòi hỏi phải vệ sinh và bảo dưỡng liên tục. Đài phun nước được phục hồi vào đầu thế kỷ 18 bởi Hồng y Alessandro d'Este, người đã thêm biểu tượng đại bàng trắng của Gia tộc Este lên đỉnh của tháp nước và trang trí mặt tiền bằng các bức tượng của một số vị thần.
Đàn organ đã được phục hồi vào thế kỷ 17, nhưng đến cuối thế kỷ 18, đã bị hư hỏng.
Mãi đến năm 2003, Đài phun nước đàn Organ mới được phục hồi lại.
Đài phun nước Organ, Villa d'Este, Tivoli, Rome, Ý
Đài phun nước Neptune
Đài phun nước Neptune (Neptune fountain, hình vẽ ký hiệu 28) nằm tại phía bắc của Khu vườn. Đây là đài phun nước duy nhất được xây dựng trong thế kỷ 20, biến đổi thác nước Bernini vốn đã bị hư hại không thể phục hồi sau gần hai thế kỷ bị bỏ quên.
Vào khoảng năm 1930, kiến trúc sư Attilio Rossi được giao nhiệm vụ thực hiện công việc phục hồi. Với sự giúp đỡ của kỹ sư Emo Salvati, Rossi đã tái cấu trúc độ dốc giữa Đài phun nước Organ và các Hồ cá (hình vẽ ký hiệu 29) bên dưới, tạo ra đài phun nước. Tượng bán thân của thần Neptune chỉ có thể thoáng thấy, phía sau một bức màn nước.
Đài phun nước Neptune, Villa d'Este, Tivoli, Rome, Ý
Đài phun nước Đại bàng
Đài phun nước Đại bàng (Fountain of the Eagles, hình vẽ ký hiệu 31) gồm có một nhóm 4 đài phun nước nhỏ, gắn với biểu tượng đại bàng trắng của gia tộc d'Este.
Đài phun nước đại bàng, Villa d'Este, Tivoli, Rome, Ý
Đài phun nước Mete
Đài phun nước Mete (Rustic Foutains/ ”Mete”, hình vẽ ký hiệu 32), nằm ở góc tây bắc của Khu vườn, gồm một nhóm 2 đài phun nước.
Đài phun nước Mete được tạo ra vào năm 1568 – 1569.
Chúng được thiết kế trông giống như mỏm đá tự nhiên với các hang động và hốc.
Một đài phun nước thô sơ nhỏ hơn, được gọi là Fontana Rustca dell'Inverno, chứa một bức tượng Mùa đông thế kỷ 16 ban đầu được đặt ở Gran Loggia.
Đài phun nước Mete, Villa d'Este, Tivoli, Rome, Ý
Đài phun nước Nữ thần thiên nhiên
Đài phun nước Nữ thần thiên nhiên (Goddess of Nature fountain, hình vẽ ký hiệu 34) nằm tại phía tây bắc của Khu vườn. Đây là bản sao bằng đá travertine địa phương của bức tượng nổi tiếng Diana of Ephesus.
Công trình được nhà điêu khắc người Flemish Gillis van den Vliete thực hiện vào năm 1568, mô phỏng theo bức tượng Diana cổ điển của La Mã trong Đền Artemis (tại Ephesus, một thành phố ở Hy Lạp cổ đại, ngày nay thuộc tỉnh İzmir, Thổ Nhĩ Kỳ).
Tượng nằm trong một hang động. Những tia nước phun ra từ bầu ngực của nữ thần.
Đài phun nước Nữ thần thiên nhiên, Villa d'Este, Tivoli, Rome, Ý
Hang động
Trong Khu vực Di sản có nhiều hang động, gồm:
Hang Aesculapius (Grotto of Aesculapius, hình vẽ ký hiệu 11);
Hang Igrea (Grotto of Igrea, hình vẽ ký hiệu 12);
Hang Diana (Grotto of Diana, hình vẽ ký hiệu 14) được trang trí hoàn toàn bằng tranh ghép và đá, vữa trát và phù điêu. Sàn được lát bằng đồ sành nhiều màu sắc;
Hang Venus (Grotto of Venus, hình vẽ ký hiệu 16);
Hang Pomona (Grotto of Pomona, hình vẽ ký hiệu 18);
Hang Flora (Grotto of Flora, hình vẽ ký hiệu 20);
Hang Sibyl (Grottoes of the Sibyls, hình vẽ ký hiệu 25).
Hang Diana, Villa d'Este, Tivoli, Rome, Ý
Mặt nạ phun nước trong Hang Pomona, Villa d'Este, Tivoli, Rome, Ý
3. Các công trình khác
Hồ cá và Mảnh vườn bên dưới
Trong Khu vực Di sản có 3 hồ nuôi cá (hình vẽ ký hiệu 29).
Ban đầu, chúng được dùng để cung cấp cá tươi, vịt và thiên nga cho bàn tiệc của Hồng y. Theo quy hoạch của kiến trúc sư Pirro Ligorio, các hồ này được dùng để kết nối 2 đài phun nước: Đài phun nước Organ (hình vẽ ký hiệu 26) và Đài phun nước Neptune (hình vẽ ký hiệu 28).
Ở giữa các hồ, ban đầu kiến trúc sư Ligorio có kế hoạch tạo ra một hồ trung tâm với các đài phun nước hoành tráng. Tuy nhiên, khi Đức Hồng y Ippolito mất năm 1572, chỉ có hai hồ được hoàn thành. Vào cuối thế kỷ 16, các hồ được bố trí 16 trụ cao phun ra những luồng nước hình quạt.
Phía dưới Hồ cá là một Mảnh vườn, được xây dựng vào thế kỷ 16.
Trung tâm của Mảnh vườn được chia thành 116 ô vuông lớn, với một giàn hoa ở giữa mỗi phần, được bao quanh bởi những luống thảo mộc, hoa làm thuốc và chậu cây ăn quả lớn.
Những con đường chính phân chia Mảnh vườn được phủ bằng giàn nho và hoa nhài.
Ở giữa Mảnh vườn có 4 đài phun nước nhỏ (Đài phun nước Đại bàng, hình vẽ ký hiệu 31) và 2 đài phun nước lớn hơn (Đài phun nước "Mete"; hình vẽ ký hiệu 32).
Các giàn nho và hoa đã bị phá hủy vào đầu thế kỷ 17 và được thay thế bằng hệ thống các cây cao cung cấp bóng mát cho du khách đến thăm khu vườn.
Hồ cá nhìn từ Đài phun nước Organ, Villa d'Este, Tivoli, Rome, Ý
Vòng tròn cây bách Cypress Rotunda
Vòng tròn cây bách (Cypress Rotunda/ Cypress Circle hình vẽ ký hiệu 30) nằm trên trục dọc chính của Quần thể.
Vòng tròn là sân tròn có ghế ngồi, bao quanh là những cây bách, được cho là cây lâu đời nhất ở Ý.
4 phía Vòng tròn là 4 Đài phun nước Đại bàng (Fountain of the Eagles, hình vẽ ký hiệu 31) gắn với biểu tượng đại bàng trắng của gia tộc d'Este.
Vòng tròn cây bách, Villa d'Este, Tivoli, Rome, Ý
Chuồng ngựa Este
Chuồng ngựa Este (Este Stables) là nằm bên ngoài tường thành thị trấn, trên đất do thị trấn nhượng lại.
Công trình được Đức Hồng y Alessandro d'Este xây dựng vào năm 1621, nuôi ngựa của gia đình công tước và có thể chứa hơn một trăm con.
Công trình đã bị phá hủy vào thế kỷ 20.
Di sản Villa d'Este ở Tivoli, với Cung điện và Khu vườn, là một trong những minh họa đáng chú ý, toàn diện nhất và ở mức tinh tế nhất về nền văn hóa Phục hưng. Thiết kế sáng tạo cùng với các thành phần kiến trúc trong Khu vườn (đài phun nước, bồn trang trí…) khiến nơi đây trở thành một ví dụ độc đáo về khu vườn Ý thế kỷ 16. Villa d'Este, một trong những khu vườn kỳ quan (Giardini delle meraviglie) đầu tiên, là một mô hình mở đầu cho sự phát triển của các khu vườn châu Âu.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn:
https://whc.unesco.org/en/list/1025/
https://en.wikipedia.org/wiki/Italy
https://en.wikipedia.org/wiki/Villa_d%27Este
https://italian-traditions.com/villa-deste-the-italian-renaissance/
http://www.lejardindesophie.net/jardinautes/sophie/sopajard/este/hist.htm
https://www.tibursuperbum.it/eng/guide/TB-Guida-Villadeste-ENG.pdf
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi
|