Tuần -18 - Ngày 29/03/2024
SỰ KIỆN TRONG TUẦN
Hỏi:

Em cảm thấy vô hướng quá  

Em chào thầy ạ, em là 1 sinh viên đang theo học tại trường Đại học Xây dựng Hà Nội và cũng đang học trong lớp Kiến trúc Công nghiệp của thầy ạ. Em có 1 số vấn đề nội tâm rất mong muốn được thầy giúp đỡ và mách bảo ạ. 
Vấn đề chính em đang gặp phải là em cảm thấy rất vô hướng như trong tiêu đề ạ. Em thấy bản thân mình không có tý năng lực nào để mai sau có thể hành nghề kiến trúc sư. Hiện tại em bị nản chí và cũng lo sợ nữa. Em vào trường cũng vì ước mơ có thể xây ngôi nhà do chính mình thiết kế và hành nghề. Nhưng em cảm thấy mình không đủ năng lực để có thể hành nghề, kiến thức trên trường là vô cùng lớn mà dù e đã học rồi nhưng lại bị quên lãng chỉ sau 1 học kỳ. Em cũng không giỏi vẽ và vẽ rất xấu nếu vẽ tay thì nhìn rất trẻ con và thiếu chuyên nghiệp, nhìn các bạn khác em cảm thấy rất tự ti, Em cũng không biết mình còn có thể đủ trình độ để đi thực tập không nữa. Chuyên môn của em em tự đánh giá là khá tệ, em rất suy sụp và cố gắng học những gì có thể mà chuyên ngành cần. Thầy có thể cho em xin ý kiến và liệu có giải pháp khắc phục không ạ, em rất sợ rằng nếu hành nghề thì bản thân không giỏi giang thì kinh tế làm ra sẽ bị thấp, không đủ sống. Vậy em phải làm sao ạ. 


Trả lời:

Thày đã nhận được thư.

Năng lực tự thân thời điểm này là kết quả của năng lực tự rèn luyện giai đoạn trước. Như em nêu trong thư, năng lực tự thân yếu, trước hết thể hiện:
i) Kiến thức chuyên môn còn nhiều khoảng trống và ngày càng rộng ra, do việc học không chăm chỉ;
ii) Trình bày bản vẽ kiến trúc xấu, do không cẩn thận khi thiết kế;
iii) Mất niềm tin vào chính mình, nản chí và dẫn đến lo sợ cho tương lai. 
Phải thấy đó là điều không tốt đẹp do chính em gây ra, để có trách nhiệm mà sửa mình. 
Được gia đình hỗ trợ, có sức khỏe và năng lực để học đến năm thứ 3, là may mắn lắm, khi so sánh với rất nhiều thanh niên người Việt khác. 

Một số việc phải làm ngay: 
i) Thay đổi ngay nhận thức cũ: Ta phải trở thành người tài với cả kỹ năng cứng và mềm phù hợp để cạnh tranh và hợp tác, không chỉ trong kiến trúc mà cả lĩnh vực liên quan khác mà xã hội đang cần và tạo ra giá trị gia tăng;
ii) Sử dụng thời gian hợp lý: Một ngày ngủ đủ 6- 7 tiếng để tái tạo sức lao động. Thời gian còn lại dành cho: Học ngoại ngữ và chuyển đổi số; Đi học đầy đủ và lắng nghe bài giảng; Đọc sách và tài liệu bổ sung kiến thức; Chủ động trao đổi chuyên môn với giảng viên và bạn bè;
iii) Chăm chỉ tự học tập: Lời chê ghê gớm nhất là Kẻ lười nhác. Từ Kẻ lười nhác đến Kẻ hèn hạ và vô dụng rất gần nhau. Không phải lúc nào cũng có người bên cạnh mà học hỏi, mà phải có kế hoạch tự học, từ trong sách vở đến mạng xã hội và thực tế;
iv) Mở ra với thế giới bên ngoài: Tìm người có đức, có tài mà chơi để học kiến thức và sự đồng thuận; Ra với môi trường tự nhiên mà hòa vào trong đó. Sẵn sàng trải nghiệm làm những điều tốt đẹp; 
v) Còn 2 năm nữa mới ra trường. Phải học để tốt nghiệp đại học, điểm khởi đầu sự nghiệp của một người tri thức. Đây là thời gian đủ để em tìm lại sự cân bằng cảm xúc và tận tâm thay đổi chính mình.

Nếu có vấn đề gì về việc học tập có thể trao đổi với thày. Thày sẵn sàng đồng hành.

Ngày 4/11/2023; Thày Phạm Đình Tuyển 
Hỏi:

Em kính chào thầy ạ.
Em đang đọc lần 2 quyển sách Nghĩ giàu làm giàu, xuất bản lần đầu năm 1937. Quyển sách được viết từ 90 năm trước nhưng nó vẫn đang phản ánh nhiều thực tế.
Em đã đọc được rằng "các cơ sở giáo dục cần có trách nhiệm hơn nữa trong việc định hướng nghề nghiệp cho sinh viên".
Em nghĩ đó là việc các thầy đang làm không ngừng. 
Em viết mail này để cảm ơn công việc của thầy ạ.

Em cảm ơn thầy đã đọc ạ.
Sinh viên 60KD3


Trả lời:

Thày đã nhận được thư của em.
Rất cám ơn về những dòng chia sẻ, động viên. 
Định hướng nghề nghiệp cho sinh viên không chỉ liên quan đến việc đào tạo kỹ năng cứng mà còn phải là kỹ năng mềm, liên quan trước hết đến năng lực đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. 
Cuốn sách "Nghĩ giàu, làm giàu" chỉ là một trong những nội dung mà thế hệ trẻ quan tâm.
Điều lớn lao hơn là họ phải có năng lực tự thân và năng lực tự rèn luyện để hình thành sự nghiệp và trở thành người tốt cho gia đình, cộng đồng và xã hội, phù hợp với chuẩn mực chung của loài người trong thế kỷ 21. 
Sinh viên là tương lai của thày.
Thày cùng các thày cô giáo khác đang nỗ lực hết sức để biến tương lai tốt đẹp đó thành hiện thực. 
Thày đang viết một cuốn sách với tiêu đề: 'Nâng cao năng lực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho sinh viên (và cựu sinh viên) trong lĩnh vực xây dựng'. Dự kiến tháng 5/2023 xuất bản. 
Chúc mọi điều tốt lành. 
Ngày 8/3/2023; Thày Phạm Đình Tuyển 

 
 
Hỏi:

 

Thưa thầy, em xin gửi kết quả bigfive mới của bản thân, qua đây em cũng xin cảm ơn thầy vì thông qua bài khảo sát bigfive và những lời thầy nói, em đã cố gắng khắc phục những yếu điểm của bản thân và cũng như trau dồi thêm kiến thức để khai phá bản thân, và thực tế đã có những chuyển biến tích cực trong cuộc sống và công việc của em, tuy vậy bản thân em cũng vẫn còn những thiếu sót, những điều em chưa thay đổi đc, em mong thầy thông cảm và trân thành cảm ơn thầy đã lắng nghe em.

 

Sinh viên Khóa 53KD, Khoa Kiến trúc Quy hoạch, ĐHXD Hà Nội

 


Trả lời:

 

Đã nhận được kết quả Big Five. Nên ghép thêm kết quả của những sinh viên khác, người khác để có thể so sánh và rút ra được nhận xét ta là ai và từ đó tự sửa mình. 

Kết quả cho thấy: Tính cách (hay kỹ năng mềm) thuộc loại trung bình. Yếu về tính hướng ngoại. 

Từng bước, từng bước mà cố gắng hơn. 

 

Ngày 3/2/2023, thày Phạm Đình Tuyển 

 


Hỏi:  Em gửi thầy kết quả Big Five ạ.




Trả lời: Thày đã nhận được kết quả đánh giá Big Five của em. 
Sau một năm tự nhìn nhận mình là ai và đã có những thay đổi . 
Tính cách Tận tâm và Hướng ngoại được cải thiện so với trước. 
Tính cách Cân bằng cảm xúc vẫn yếu như cũ. Theo các nghiên cứu mà thày được biết, tính cách Cân bằng cảm xúc là cốt lõi. Mọi năng lực hoạt động chuyên môn, xã hội của một con người đều dựa vào đây mà ra cả. 
Ta có mặt trên đời này đều có nguyên cớ tốt đẹp nào đó.  Phải tự tin hơn nữa vào chính mình, trước hết là từ công việc chuyên môn, nay chính là đồ án tốt nghiệp. 
Thày sẽ hỗ trợ chuyên môn để em có kết quả tốt nhất trong việc thực hiện học phần Đồ án tốt nghiệp. 
Ngày 10/6/2022. Thày Phạm Đình Tuyển.  
 

Hỏi: E chào thầy ạ! E là Thắng ,sinh vien nhận đồ án tốt nghiệp nhóm thầy, nhóm mình có nhóm zalo riêng hay thế nào để trao đổi về đồ án k ạ ? Em tìm sđt thầy để add Zalo nhưng không được ạ! Em cảm ơn thầy.
Trả lời: Trao đổi trực tiếp với thày qua mail. 
 
Một số nội dung chính thực hiện trong 4 tuần đầu tiên: :
 
1) Đọc kỹ các yêu cầu về nội dung Học phần đồ án tốt nghiệp của Khoa và Bộ môn KTCN; in thành một bộ hồ sơ, khi đi thông qua mang theo (hoàn thành ngay trong tuần thứ 1)  
2) Báo cáo về tên đề tài tốt nghiệp, vị trí cụ thể khu đất dự kiến theo tỷ lệ 1/500 (hoàn thành trong tuần thứ 1)
3) Chuản bị các quy định, tiêu chuẩn thiết kế có liên quan đến đề tài; in thành một bộ hồ sơ, khi đi thông qua mang theo (hoàn thành trong tuần thứ 2)
4) Tìm 5 ví dụ trên thế giới về các công trình tương tự với loại hình dự kiến trong đề tài tốt nghiệp; nhận xét và đánh giá, kết luận rút ra để có thể ứng dụng cho đề tài (4 tuần phải hoàn thành); 
5) Đọc lại các nguyên lý thiết kế kiến trúc đã được học (phải làm ngay và liên tục cho đến khi bảo vệ đề tài);
6) Nên tự đánh giá Ta là ai. Đánh giá theo phần mềm  Big Five- tính cách sinh viên, để thày biết rõ hơn về sinh viên. 
Phần mềm đánh giá: http://talaai.com.vn/   (talaai.com.vn)
Sau đó gửi ngay kết quả đánh giá tính cách cho thày, để có thể hỗ trợ. 
 
Gặp nhau 2 tuần/lần. Mỗi lần gặp cần chuẩn bị sẵn câu hỏi để có thể trao đổi tối đa những vấn đề liên quan đến đề tài tốt nghiệp mà không tự trả lời được. 
Địa điểm gặp: Chiều thứ tư hàng tuần, từ 16h - 17h30 tại Văn phòng Bộ môn KTCN. 
 
Đồ án tốt nghiệp là một sự kiện quan trọng của đời người lao động trí óc. 
Phải nỗ lực hết sức và dành tất cả thời gian, nguồn lực cho đồ án. Từ đây mới có kết quả tốt nhất, để trải nghiệm, hình thành năng lực cần thiết chuẩn bị cho việc ra trường và làm việc với vô số những người tài khác trong xã hội. 
 
2/6/2022. Thày Phạm Đình Tuyển. 
 

Hỏi:  Em chào bộ môn ạ, em là Hoàng Đức Dương lớp 66XD8 msv-0013966 đang làm bài tiểu luận về công trình dân dụng ạ em thấy bộ môn có đăng bài về công trình galaxy soho ở Trung Quốc vậy em muốn xin bộ môn cho em bài đăng đó được không ạ, em xin cảm ơn bộ môn,em chào bộ môn ạ.


Trả lời: Trang WEB bmktcn.com được thành lập với mục tiêu chính là phục vụ sinh viên. Đương nhiên là em được đăng lại các bài viết trên trang WEB này. 
Chủ  biên: TS. Phạm ĐÌnh Tuyển 

Hỏi:

Em gửi thày bài Trắc nghiệm tính cách – Big Five (talaai.com.vn)


Trả lời:

Thày đã nhận được biểu tượng Big Five của em. Đây là Big Five rất điển hình của sinh viên. Em còn là người mạnh về Hướng ngoại, một tính cách rất được coi trọng trong Thời đại liên kết và hội nhập. 
Do còn trong giai đoạn là sinh viên gắn với Học hỏi, Học tập là chính và chưa có Học hành, nên tính cách Tận tâm của em còn thiếu mạnh mẽ so với tính cách khác.  
Khi làm việc trong doanh nghiệp hay tổ chức nào đó, người sử dụng lao động đánh giá trước hết tính cách Tận tâm và là kỹ năng mềm cơ bản của mỗi nhân viên. 
Không đợi đến lúc ra trường, ngay từ bây giờ em dành quan tâm hơn cho tính cách này. Nếu làm được như vậy, sẽ thuận lợi hơn khi thử việc và nhiều cơ hội hơn trong sự nghiệp. 
Khi trắc nghiệm Big Five, Tận tâm cũng là tính cách nổi trội của thày. Trong công việc, thày luôn có thiện cảm với những người Tận tâm. 
Chúc em sớm trở thành con người thật sự Tận tâm. 

Ngày 24/4/2021, Thày Phạm Đình Tuyển. 


Hỏi:

Em thưa thầy, thầy có thể cho em hỏi làm sao mình có thể kết nối làm quen với những người giỏi hơn mình ạ, em cảm ơn thầy.


Trả lời:

Thày đã nhận được thư của em.
Đối với một đất nước: Hiền tài như nguyên khí quốc gia. Mạnh hay yếu từ đó mà ra cả.
Đối với một cá nhân: Suốt cả đời gắn với việc học: Học cái gì và học thày nào. Và sự học luôn đi cùng với sự sang trọng và thịnh vượng.
Những người giỏi hay người hiền tài có thể thức tỉnh cho ta học cái gì một cách hiệu quả và qua đó họ cũng trở thành thày của ta.
Người tài giỏi là người làm những việc mang lại giá trị gia tăng cao mà người thường không làm được. Người hiền tài là người mang tài của mình ra giúp xã hội.
Vị thế xã hội cấp độ nào thì có người tài, người hiền tài cấp độ đó, ví như người tài giỏi trong lớp, trong trường, trong ngành, trong vùng, trong quốc gia và thế giới.
Mỗi người thường tìm và chơi với người giỏi phù hợp với vị thế của họ. Khi tiến bộ, sang một vị thế mới cao hơn, lại tìm thày giỏi tương xứng ở vị thế đó mà học.
Khi đã tài giỏi trong một vị thế, chính ta lại trở thành người thày để dẫn dắt những người khác chưa có điều kiện giỏi bằng ta. Từ đây ta cũng có được phẩm cách của người chủ và người lãnh đạo.  
Khi đã hiểu được sự cần thiết của việc tìm người giỏi hay người hiền tài để học và hành, thì tất yếu ta sẽ tự thay đổi để tìm được cách kết nối với họ.
Những hiền tài luôn mong muốn làm những điều tốt đẹp. Vậy hãy thể hiện cho họ thấy tính cách của ta cũng luôn mạnh mẽ hướng về điều đó.
Là sinh viên, trước hết hãy tìm thày hay người giỏi trong lớp, khoa, trường; trong gia đình và dòng họ để học.
Thày chúc em sớm thành công.

Ngày 19/4/2021. Thày Phạm Đình Tuyển


Hỏi:

Em thưa thầy (cô). Trong quá trình làm đồ án thì trong lớp có nhóm không hoà đồng được và bạn trong nhóm xin sang nhóm khác. Vậy bạn đó đề xuất chuyển nhóm với thầy trong buổi thông tới luôn được không ạ? Em cảm ơn ạ!


Trả lời:

Bộ môn đã nhận được thư của em. 
Học kỹ năng mềm phối hợp với các thành viên có liên quan trong hoạt động tư vấn là một trong những mục tiêu của việc Làm đồ án theo nhóm. 
Ai cũng phải nỗ lực tự học điều này để đình hình được nhận thức: Sức mạnh và vị thế của một tổ chức chủ yếu được xây dựng trên nền tảng của việc "Cùng nghĩ,Cùng làm".Từ đó mới mong công việc đạt được hiệu quả cao nhất.
23/4/2019. Thày Phạm Đình Tuyển 


Hỏi:

Em chào thầy, các câu trả lời của thầy khiến em thấy rất hữu ích. Em muốn hỏi thầy khi thầy gặp những bế tắc hay thất bại trong cuộc sống thầy đã tự khắc phục như thế nào, có khi nào thầy cảm thấy mệt mỏi với công việc của mình không. Hiện tại có những lúc em cảm thấy kém cỏi so với  người khác, xin thầy cho em lời khuyên được không ạ?

Em cảm ơn thầy rất nhiều. 
Trả lời:


Thày đã nhận được thư của em 
Chắc chắn trong cuộc đời không có ai chỉ toàn thành công cả. 
Trong hoạt động chính trị, thất bại là gắn với tính mạng. 
Trong hoạt động kinh tế, thất bại là gắn với thiệt hại về kinh tế và thời gian.
Trong hoạt động xã hội, thất bại là mất niềm tin và vị thế… 

Trong thời đại hội nhập ngày nay, con người phải cạnh tranh với những đối thủ rất mạnh mà trong nhiều trường hợp ta còn chưa biết nhiều về họ; giống như đi thi Olimpic mà không biết sẽ phải thi môn gì; đến đó mới rõ. 
Chính vì vậy, xã hội bây giờ cần những người: i) Tư tưởng tiến bộ; ii) Yêu tự do; iii) Hoạt động đa năng và biết liên kết với nhiều người để làm nhiều việc; trong đó đặc biệt với em là nhân tố thứ ba. 

Nếu một người chỉ chăm chăm làm một việc; việc đó thất bại có nghĩa là mất tất cả. 
Nếu một người làm ba việc; một việc thành công, hai việc thất bại, điều đó cũng chấp nhận được.
Nếu một người làm năm việc; ba việc thành công, hai việc thất bại, điều đó được coi như đã thành công.  

Đã đi học được đến bậc đại học, chắc chắn em có cơ hội hơn rất nhiều người không có điều kiện đi học ngoài xã hội kia (thậm chí nhiều người còn khuyết tật). 
Hãy học và rèn luyện trở thành người đa năng, nghĩa là tập làm nhiều việc một lúc (ưu tiên là việc theo chuyên môn giỏi nhất của mình, tiếp đến là việc mà xã hội đang cần và cuối cùng là việc mà mình yêu thích). Cũng chính từ đây em sẽ tìm được những mặt mạnh của mình.
Đối với những người tri thức, trong tâm thức của họ không có chỗ cho từ “bế tắc” và “mệt mỏi”, chỉ có từ “khó khăn” và “sáng tạo” để vượt qua mà thôi. (Tất nhiên, trong cuộc sống ai cũng phải chịu những nỗi đau buồn, ví như sự mất mát của người thân, bạn bè, đồng loại). 
Một điều nữa em cũng cần biết: Sức mạnh để làm những điều khác biệt và sẽ thành công, không phải chỉ xuất phát từ bản thân em, từ thế giới thực tại này, mà còn được khởi nguồn từ sức mạnh tinh thần của tiền nhân, tổ tiên và dòng họ gia đình em. Vì vậy, phải tìm hiểu, học để phát huy cho được sức mạnh tinh thần này, thậm chí biến thành niềm tin cốt lõi của mình.  

Chúc em trở thành con người đa năng và thành công.  

Ngày 4/12/2018. Thày Phạm Đình Tuyển  

 


Thông tin định kỳ
+ Câu hỏi ôn thi môn học Kiến trúc CN - DD
+ Câu hỏi ôn thi môn học KTCN
+ Bảng giờ lên lớp
+ Giải thưởng Loa Thành
+ Quyết định số 1982/QĐ-TTg phê duyệt Khung trình độ quốc gia Việt Nam
+ Quy định mới về Quy chế đào tạo ĐH hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ của Trường ĐHXD
+ Chương trình khung môn học học phần tiến sỹ chuyên ngành Kiến trúc Công nghiệp
+ Dạy học theo tiếp cận “CDIO” trong đào tạo đại học
+ Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ban hành Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam
+ NQ số 44/NQ-CP ban hành Chương trình hành động về đổi mới căn bản, toàn diện GD & ĐT
+ Bộ Xây dựng cung cấp 37 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4
+ NĐ 109/2022/NĐ-CP quy định về hoạt động KHCN trong cơ sở giáo dục ĐH
+ Công bố Báo cáo Việt Nam 2035
+ Hệ thống tài liệu phục vụ thực hiện học phần Đồ án KTCN và Công trình đầu mối HTKT
+ Danh mục các video trên WEB bmktcn.com
+ Truyền thuyết Kiến trúc kho báu Chùa Một Cột
+ Danh mục các dự án quy hoạch KCN tại VN
+ Danh mục dự án QH các KKT ven biển Việt Nam
+ Danh mục dự án QH các KKT cửa khẩu tại VN
+ Danh mục hệ thống Văn bản quy phạm pháp luật trên WEB bmktcn.com
Lịch sử Kiến trúc
Quần thể kiến trúc Mahabalipuram, Tamil Nadu, Ấn Độ
21/07/2021


Thông tin chung:
Công trình: Quần thể kiến trúc tôn giáo tại Mahabalipuram (Group of Monuments at Mahabalipuram)
Địa điểm: Quận Chengalpattu, bang Tamil Nadu, Ấn Độ (N12 37 0,012 E80 11 30,012)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô:
Năm hình thành: Thế kỷ thứ 7 - 8
Giá trị: Di sản thế giới (1984; hạng mục i ; ii ; iii ; vi) 

Ấn Độ (India) là một quốc gia tại Nam Á, có diện tích 3.287.263 km2 (đứng thứ 7 trên thế giới); dân số khoảng 1324 triệu người (năm 2016).
Ấn Độ tiếp giáp Ấn Độ Dương tại phía Nam, biển Ả Rập phía Tây Nam, vịnh Bengal phía Đông Nam, giáp Pakistan ở phía Tây; với Trung Quốc, Nepal, Bhutan ở phía Đông Bắc; Myanmar và Bangladesh ở phía Đông. Trên Ấn Độ Dương, Ấn Độ lân cận với Sri Lanka và Maldives; Quần đảo Andaman và Nicobar của Ấn Độ có chung đường biên giới trên biển với Thái Lan và Indonesia. 

Tiểu lục địa Ấn Độ là nơi xuất hiện nền văn minh lưu vực sông Ấn (Indus Valley Civilisation) thời Cổ đại, có các tuyến đường buôn bán mang tính lịch sử cùng với những đế quốc rộng lớn, giàu có về thương mại và văn hóa.
Vào thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên (TCN), tại đây đã xuất hiện các đô thị lớn có số dân hàng vạn người, được quy hoạch với hệ thống thoát nước, cấp nước phức tạp, nhà gạch nung, các kỹ thuật mới trong hoạt động thủ công mỹ nghệ và luyện kim…
Sự phân tầng xã hội, dựa trên đẳng cấp, xuất hiện trong thiên niên kỷ thứ nhất TCN. Sự tập quyền chính trị sớm nhất diễn ra dưới thời đế chế Maurya (Maurya Empire, tồn tại trong giai đoạn năm 322 - 187 TCN); đế chế Shunga (Shunga Empire, tồn tại trong giai đoạn 187- 78 TCN) và đế chế Gupta (Gupta Empire, tồn tại trong giai đoạn năm 319 đến 550 sau Công nguyên).
Các vương quốc trong giai đoạn từ thế kỷ thứ 3 TCN đến thế kỷ thứ 13 sau Công nguyên tại Tiểu lục địa Ấn Độ (Middle Kingdoms of India) có ảnh hưởng to lớn đến nền văn hóa của khu vực xung quanh, lan truyền đến tận Đông Nam Á.  

Đây cũng là nơi bắt nguồn của 4 tôn giáo nội sinh lớn: 

Ấn Độ giáo (Hinduism) là một trong những tôn giáo lâu đời nhất trên thế giới, xuất phát từ khu vực Nam Á (Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh), là sự hợp nhất hay tổng hợp các nền văn minh truyền thống Ấn Độ khác nhau và không có người sáng lập; hình thành từ năm 500 TCN đến 300 sau Công nguyên, sau khi kết thúc thời kỳ Vệ Đà (Vedic period, năm 1500 – 500 TCN), phát triển mạnh trong thời Trung cổ, cùng với sự suy tàn Phật giáo ở Ấn Độ. Ấn Độ giáo bao gồm các nhóm tôn giáo khác biệt nhau về triết lý, song được liên kết bởi các khái niệm chung, các nghi thức, vũ trụ học, tài nguyên văn bản Hindu (luận về thần học, triết lý, thần thoại, kinh Vệ Đà, Yoga, nghi lễ, cách thức xây dựng đền thờ) và tập tục hành hương đến các địa điểm linh thiêng. Bốn giáo phái lớn nhất của Ấn Độ giáo là Vaishnavism, Shaivism, Shaktism và Smartism.

Phật giáo (Buddhism) do Đức Thích Ca Mâu Ni (Siddhartha Gautama/ Tất đạt đa Cồ đàm, năm 624 TCN – 534 TCN) sáng lập. Sau này, Phật giáo phân hóa thành nhiều nhánh: Phật giáo Nguyên thủy (Nam Tông, Thượng tọa, Tiểu thừa); Phật giáo Đại thừa (Bắc tông, Đại chúng); Phật giáo Chân ngôn (Tây Tạng, Mật tông, Kim cương thừa).

Jaina giáo (Jainism) là một trong những tôn giáo lâu đời trên thế giới, do Đức Mahavir (năm 599 trước TCN – 527 TCN) sáng lập ra tại Bắc Ấn Độ, gần như là cùng thời với Phật giáo, với triết lý và phương thức thực hành dựa vào nỗ lực bản thân để đến cõi Niết Bàn;

Sikh giáo (Sikhism) do Đức Guru Nanak (năm 1469 - 1539) sáng lập vào thế kỷ 15 tại vùng Punjab, giữa Pakistan và Ấn Độ.

Ngoài ra, tại đây còn xuất hiện các tôn giáo ngoại nhập như: Do Thái giáo (Judaism), Bái Hỏa giáo (là tôn giáo do nhà tiên tri Zoroaster sáng lập vào khoảng cuối thế kỷ 7 TCN tại miền Đông Đế quốc Ba Tư cổ đại), Cơ Đốc giáo (Christianity) và Hồi giáo (Islamic). Các tôn giáo này được truyền đến Ấn Độ vào thiên niên kỷ thứ nhất sau Công nguyên, bổ sung vào văn hóa đa dạng của khu vực.  

Vào thời Trung cổ, phần lớn miền Bắc Ấn Độ thuộc Vương quốc Hồi giáo Delhi (Delhi Sultanate), kéo dài trong khoảng 320 năm (1206- 1526). Trong giai đoạn này, sự kết hợp giữa văn minh Ấn Độ với văn minh Hồi giáo, sự hội nhập giữa tiểu lục địa Ấn Độ với vùng lục địa Phi – Á – Âu (Afro-Eurasia) đã có một tác động to lớn lên văn hóa và xã hội Ấn Độ. Khi Delhi thành thủ đô Hồi giáo vào năm 1193, tại đây đã hình thành được nền kiến trúc Hồi giáo - Ấn Độ (Indo-Islamic architecture, nguồn gốc từ Iran), đạt được sự tăng trưởng dân số và kinh tế cùng với việc xuất hiện ngôn ngữ Hindi-Urdu (Hindustani language). Vương quốc Hồi giáo Delhi cũng có vai trò quan trọng trong việc đẩy lùi các cuộc xâm lăng của Đế quốc Mông Cổ vào thế kỷ 13, 14.
Vào thời Trung cổ, miền Nam Ấn Độ phân thành nhiều vương quốc nhỏ, ví dụ như: Vương quốc Vijayanagara (Vijayanagara Empire): nằm trên Cao nguyên Deccan (Deccan Plateau), kinh đô là thành phố Vijayanagara (bang Karnataka hiện tại). Triều đại này được thành lập năm 1336, kéo dài đến năm 1646. Vijayanagara đã trở thành một thành trì của Ấn Độ giáo trong giai đoạn người Hồi giáo làm bá chủ ở miền Bắc Ấn Độ, nổi tiếng vì bảo trợ cho việc học chữ Phạn. Đây là vương quốc giàu có nhờ buôn bán gia vị và sản xuất hàng dệt vải bông; Vương quốc Đông Ganga (Eastern Ganga dynasty): thuộc vùng Kalinga (bao gồm cả bang Odisha hiện tại) là khu vực ven biển phía Đông, giữa sông Mahanadi và sông Godavari với kinh đô là Dantapura, sau đó được chuyển đến Kalinganagara (Mukhalingam) và cuối cùng đến Kataka (Cuttack). Triều đại này tồn tại vào thế kỷ 11- đầu thế kỷ 15, được đánh giá là vương triều bảo trợ tuyệt vời cho tôn giáo và nghệ thuật. Nhiều ngôi đền của thời kỳ Đông Ganga được xếp hạng là những kiệt tác của kiến trúc Ấn Độ giáo. Người cai trị đáng chú ý của triều đại Đông Ganga là vua Narasingha Deva I, giai đoạn năm 1238-1264. Ông là một chiến binh mạnh mẽ, đã tổ chức đánh bại nhiều đợt tấn công của Vương quốc Hồi giáo Delhi và thậm chí còn truy đuổi kẻ thù. Vua Narasingha Deva I cho xây dựng Đền Mặt trời tại Konark để kỷ niệm những chiến thắng của mình đối với người Hồi giáo và nhiều ngôi đền, pháo đài khác.

Vào thế kỷ 16, Đế quốc Mughal (Mughal Empire, năm 1526 – 1857) hình thành, chinh phục các vương quốc nhỏ, mở rộng lãnh thổ ra gần như toàn bộ tiểu lục địa Ấn Độ và một phần của Afghanistan với số dân vào giai đoạn cực thịnh lên đến 150 triệu người. Đế quốc Mughal đạt đến đỉnh cao vinh quang trong triều đại của Shah Jahan (hoàng đế thứ năm Đế quốc Mughal, trị vì năm 1628 đến 1658) và ông được coi là một trong những hoàng đế Mughal vĩ đại nhất. Trong giai đoạn này, kiến trúc Mughal đạt đến đỉnh cao với các công trinh nổi tiếng như: Taj Mahal và Moti Masjid tại Agra, Pháo đài Đỏ (Red Fort), Jama Masjid, Delhi và Pháo đài Lahore (Lahore Fort).

Tiểu lục địa Ấn Độ dần bị Anh thôn tính và chuyển sang nằm dưới quyền quản lý của Công ty Đông Ấn Anh từ đầu thế kỷ 18, rồi nằm dưới quyền quản lý trực tiếp của Anh từ giữa thế kỷ 19.
Ấn Độ trở thành một quốc gia độc lập vào năm 1947, sau cuộc đấu tranh giành độc lập do Mahatma Gandhi (năm 1869 – 1948) lãnh đạo.
Ngày nay, Ấn Độ là một liên bang bao gồm 29 bang và 7 vùng lãnh thổ thuộc liên bang. Dưới bang là các đơn vị hành chính: quận (huyện, khu); phân khu và làng xã.  


Bản đồ Ấn Độ và vị trí thị trấn Mahabalipuram, quận Chengalpattu, bang Tamil Nadu, Ấn Độ

Ấn Độ là một trong quốc gia nổi tiếng bởi công trình kiến trúc tôn giáo, đặc biệt là Kiến trúc cắt vào đá (Rock-cut rchitecture). Kiến trúc cắt vào đá của Ấn Độ rất đa dạng và phong phú hơn bất kỳ hình thức kiến trúc cắt đá nào trên thế giới.
Kiến trúc cắt vào đá là hoạt động tạo ra một công trình kiến ​​trúc bằng cách chạm khắc vào khối đá tự nhiên rắn chắc. Kiến trúc cắt đá của Ấn Độ chủ yếu mang tính chất tôn giáo, ngoại trừ giếng bậc thang (Stepwells, đẽo gọt vào trong đá tạo thành bể chứa. Các bậc thang cho phép tiếp cận với nước ở bất kỳ mức nước nào).
Có hơn 1.500 cấu trúc cắt vào đá được biết đến ở Ấn Độ, trong đó chứa các tác phẩm nghệ thuật với tầm quan trọng toàn cầu và hầu hết được trang trí bằng những bức chạm khắc đá tinh xảo. Cấu trúc cắt vào đá thời Cổ đại và Trung đại này đại diện cho những thành tựu đáng kể về kỹ thuật kết cấu và nghề thủ công. Công sức bỏ ra xây dựng kiến trúc cắt vào đá thường rất lớn. Đá bị loại bỏ trong quá trình cắt, đẽo được sử dụng cho mục đích khác.  

Ở Ấn Độ, hang động từ lâu đã được coi là nơi linh thiêng, nơi tu sĩ thường sử dụng cho hoạt động tu luyện, tĩnh tâm tôn giáo. Hang động nhân tạo cũng được cho là linh thiêng như hang động tự nhiên. Hang được thiết kế tạo cảm giác như hang động tự nhiên với đặc điểm là không gian nhỏ và thiếu ánh sáng mặt trời. 
Kiến trúc cắt vào đá lâu đời nhất tại Ấn Độ có từ thế kỷ thứ 3 TCN, hầu hết là đền thờ và tu viện Phật giáo (phù hợp với ý tưởng tôn giáo của họ về chủ nghĩa khổ hạnh và đời sống tu luyện). Ban đầu, cấu trúc hang động nhân tạo được mô phỏng theo kết cấu gỗ, thậm chí được đánh bóng như gương. Chi phí xây dựng lớn của những hang động này cho thấy mối liên hệ giữa tôn giáo và thương mại. Những nhà truyền giáo Đạo Phật thường đồng hành với thương nhân trên các tuyến đường buôn bán quốc tế. Một số công trình tôn giáo cắt vào đá (chùa hang) xa hoa do các thương nhân giàu có ủy thác xây dựng với cột trụ, mái vòm và mặt tiền công phu. Chúng được thực hiện trong thời kỳ giao thương hàng hóa bùng nổ giữa Đế chế La Mã và Đông Nam Á qua Ấn Độ.
Kiến trúc cắt đá (chùa hang) không chỉ được tạo ra bởi tu sĩ Phật giáo, mà còn được tạo ra bởi các vị vua Ấn Độ giáo từ miền nam Ấn Độ dành riêng cho những vị thần Hindu giáo (đền hang).
Vào thế kỷ thứ 5, những ngôi chùa, đền hang dần nhường chỗ cho các ngôi chùa, đền với cấu trúc độc lập, song vẫn còn được xây dựng tiếp tục cho đến thế kỷ 12.  

Một trong những kiến trúc cắt đá nổi tiếng Ấn Độ là Quần thể công trình tôn giáo tại thị trấn Mahabalipuram, quận Chengalpattu, bang Tamil Nadu, Ấn Độ. Thị trấn Mahabalipuram (hay Mamallapuram) nằm dọc theo bờ biển Coromandel, tại đông nam Ấn Độ và là một thị trấn cảng từ thời Vương triều Pallava (Pallava Dynasty, tồn tại năm 275 – 897). Tên của Thị trấn được đặt bởi vua Narasimhavarman I (Vương triều Pallava, trị vì năm 630- 668) có nghĩa là "Thành phố của cường quốc". Cùng với sự thịnh vượng về kinh tế, Mahabalipuram còn trở thành địa điểm hình thành những công trình tôn giáo chiếm một vị trí đặc biệt trong kiến ​​trúc cổ điển Ấn Độ. 
Công trình tôn giáo tại Mahabalipuram được xây dựng phần lớn dưới thời vua  Narasimhavarman I (trị vì năm 630- 668) và người kế vị là vua Rajasimhavarman II (Rajasimha Pallava, trị vì năm 700–728); thể hiện sự dịch chuyển từ kiến trúc cắt vào đá sang xây dựng công trình đứng độc lập. Công trình tôn giáo tại Mahabalipuram đánh dấu chất lượng cao của nghề thủ công trong khu vực vào thế kỷ thứ 6, cũng như việc tận dụng sáng tạo cảnh quan thiên nhiên (vách đá, tảng đá) vào cấu trúc xây dựng.  

Quần thể công trình tôn giáo tại Mahabalipuram có thể được chia thành 5 loại: 

Đền thờ tạc vào vách đá (Rathas): Được người dân địa phương gọi là “Ratha” (xe ngựa), vì chúng giống như những cỗ xe rước của một ngôi đền. Tại đây có các ngôi đền nguyên khối, được tạc từ một tảng đá lớn, hiển thị đầy đủ hình thức, đặc điểm của đền thờ đương đại và cho thấy các biến thể cả về mặt bằng, độ cao. Các ngôi đền được chạm khắc phong phú với họa tiết, mảng điêu khắc mô tả những vị thần Hindu và chân dung các vị vua. 

Hang thờ tạc vào vách đá (Cave Temples/ Mandapas): Các ngôi đền trong hang động tại Mahabalipuram đều chưa hoàn thiện, được hình thành bởi các nghệ nhân khoét vào trong vách đá, tiếp đó được đánh bóng và tạo ra các họa tiết, điêu khắc các hình tượng Hindu giáo. Quá trình tạo ra các đền hang tại đây có ảnh hưởng đến cấu trúc các ngôi đền Hindu giáo sau này. Địa điểm này có hơn mười ngôi đền bằng đá với niên đại từ thế kỷ thứ 7. 

Phù điêu đá (Rock Reliefs): Được hình thành trong thời vua Narasimhavarman I. Đây là những điêu khắc đầy sáng tạo của các bậc thầy. Có 4 bức phù điêu như vậy tại Mamallapuram. 

Đền thờ (Structural Temples): Được hình thành muộn hơn so với 3 loại trên, vào thời vua Rajasimha I (Vương triều Pallava, trị vì năm 730 – 765). Đầu tiên và khiêm tốn nhất là đền Mukundanayananar, tiếp theo là đền Olakkanesvara và nổi tiếng nhất là đền Shore.

Cấu trúc đá khác: Được phát hiện trong quá trình khai quật xung quanh đền Shore. Các cấu trúc này được hình thành trong thời vua Narasimhavarman I (Vương triều Pallava, trị vì năm 630- 668). Ngoài ra, tại đây còn tiếp tục phát hiện các di tích khác trong quá trình khai quật khảo cổ học gần đây. 

Các ngôi đền tại Mahabalipuram phần lớn theo phong cách kiến ​​trúc Dravidian (miền Nam Ấn Độ) với cấu trúc từ ngoài vào trong gồm:
Sảnh hiên (Ardhamandapa), thường là không gian bán mở, chuyển tiếp từ không gian bên ngoài và bên trong đền;
Không gian nghi lễ hay Bái đường (Mandapa), được bao quanh bởi bức tường với ít khoảng trống ở giữa để đi vòng quanh;
Điện thờ hay Hậu cung (Garbhagriha), nơi đặt biểu tượng của các vị thần thờ trong đền, là căn phòng có một lối vào duy nhất, thường từ phía đông để có thể tiếp cận với mặt trời và không có cửa sổ; thông thường chỉ linh mục được phép vào; bên trong không có các trang trí. Phía trên của Điện thờ là một mái tháp, gồm Thân tháp (Shikhara), mang hình tượng ngọn núi); Đỉnh tháp (Amalaka) có hình một đĩa đá được phân thành các khía, tượng trưng cho hoa sen; Biểu tượng trên đỉnh tháp (Kalasa), có hình dạng giống một cái bình đựng nước, tượng trưng cho sự chào đón, giàu có và an lành.
Các hàng cột bên trong ngôi đền
theo phong cách kiến ​​trúc Dravidian, thường là các hàng cột với chân cột trang trí hình tượng Vyala (một sinh vật thần thoại được nhìn thấy trong nhiều ngôi đền Nam Ấn Độ, sự kết hợp của sư tử, voi, ngựa).


Ngôi đền theo phong cách kiến ​​trúc Dravidian, miền Nam Ấn Độ


Kiểu cột theo phong cách
kiến ​​trúc Dravidian, miền Nam Ấn Độ

Quần thể di tích kiến trúc tôn giáo tại Mahabalipuram, quận Chengalpattu, bang Tamil Nadu, Ấn Độ được UNESCO tôn vinh là Di sản văn hóa (năm 1984) với tiêu chí:  

Tiêu chí (i): Bức phù điêu “Hậu duệ của sông Hằng” - giống như bức phù điêu tại hang động trên đảo Elephanta (Elephanta Island, bang Maharashtra, Ấn Độ), là một thành tựu nghệ thuật độc đáo, một tuyệt tác về tài năng sáng tạo của con người.  

Tiêu chí (ii): Ảnh hưởng của các tác phẩm điêu khắc tại Mahabalipuram, được đặc trưng bởi sự mềm mại và uyển chuyển trong mô hình của chúng, lan truyền đến những nơi như Campuchia, Việt Nam và Java (Indonesia). 

Tiêu chí (iii): Mahabalipuram, trước hết là minh chứng đặc biệt cho nền văn minh Pallavas ở đông nam Ấn Độ. 

Tiêu chí (vi): Khu vực Di sản là một trong những trung tâm chính của tín ngưỡng thờ thần Siva. 


Sơ đồ vị trí các cụm di tích trong phạm vi Di sản Quần thể di tích kiến trúc tôn giáo tại Mahabalipuram, quận Chengalpattu, bang Tamil Nadu, Ấn Độ

Di tích đền thờ tại Mahabalipuram, quận Chengalpattu, bang Tamil Nadu, Ấn Độ gồm 3 cụm di tích chính: Quần thể chính Mahabalipuram, Đền Mukunda Nayanar và Đền Pidari Ratha / Valian Kuttai Ratha:
 

Quần thể chính Mahabalipuram
Quần thể chính Mahabalipuram (Main complex of Mahabalipuram) nằm trên bờ biển Coromandel, vịnh Bengal (N12 37 3,00 E80 11 56,00), có niên đại vào thế kỷ thứ 7 và 8.
Quần thể còn được gọi là "Bảy đền" (Seven Pagodas of Mahabalipuram).
Kiến trúc cắt vào đá, đặc biệt là dạng đền thờ tạc vào vách đá (Rathas) tại đây đã trở thành mô hình cho các đền thờ ở phía nam Ấn Độ; Các đặc điểm kiến ​​trúc, đặc biệt là các tác phẩm điêu khắc, đã được chấp nhận rộng rãi ở các ngôi đền Nam Ấn ĐộCampuchia, Việt Nam và Java (Indonesia).
Quần thể chính Mahabalipuram có tới 40 di tích cổ và đền thờ Hindu được phân thành 5 nhóm: Rathas (những ngôi đền tạc vào đá hình cỗ xe với 10 Rathas chính); Mandapas (những ngôi đền trong hang động với 10 Mandapas chính); Đền thờ (3 ngôi đền); Phù điêu đá (2 bức phù điêu) và Các tàn tích khai quật.
Quần thể có bố cục dựa trên hình chữ nhật, hình tròn, hoặc hình vuông lồng vào nhau. Các phù điêu, tác phẩm điêu khắc và kiến ​​trúc thể hiện sự kết hợp truyền thống Hindu giáo (Ấn Độ giáo), giữa các giáo phái lớn nhất là Shaivism (tôn thờ Đấng tối cao Shiva - thần Hủy diệt, là một trong ba vị thần chính của đạo Hindu - Trimurti gồm: Brahma, Vishnu và Shiva), Vaishnavism (tôn thờ Đấng tối cao Vishnu - thần Bảo trợ) và Shakism (tôn thờ các nữ thần – Devi); là biểu tượng cho một vị thần hoặc một nhân vật trong thần thoại Hindu.
Các di tích trong Quần thể lưu giữ nhiều bản khắc bằng tiếng Phạn thế kỷ 7 và 8, cung cấp cái nhìn sâu sắc về lịch sử, văn hóa, chính thể và tôn giáo Nam Ấn Độ thời trung cổ.    


Sơ đồ vị trí di tích quan trọng trong Quần thể chính Mahabalipuram: 
1. Arjuna's Penance; 2. Paanchapandava Cave; 3. Krishna Mandapa; 4. Krishna's Butterball; 5. Trimurthy Cave; 6. Elephant Group; 7. Ganesha Ratha; 8. Varaha Cave Temple; 9. Raya Gopuram; 10. Lion Throne; 11. Mahishashumrdini; 12. Adivaraha Mandapa; 13. Old Light House; 14. Five/ Pancha Rathas; 15. Sculpture Workshop; 16. Tiger Cave; 17. Athiranachanda Cave; 18. Vishnu Temple; 19. The Shore Temple
 

Cụm công trình cắt vào đá Pancha Rathas
Cụm công trình Pancha Rathas (Five / Pancha Rathas, hình vẽ ký hiệu vị trí 14), được chạm khắc dưới thời vua Narasimhavarman I (trị vì năm 630- 668) với ý tưởng hiện thực hóa các ngôi đền được chạm từ đá nguyên khối, thay vì các ngôi đền bằng gỗ.
Cụm công trình này được cho là chưa có tiền lệ trong kiến trúc Ấn Độ, trở thành khuôn mẫu cho xây dựng các ngôi đền cắt vào đá của người Dravidian (Dravidian peoples) tại miền Nam Ấn Độ.  
Cụm công trình có 5 công trình, hình dạng giống như một cỗ xe. Mỗi công trình được tạc trên một phiến đá granit nguyên khối. Mặc dù gọi là đền thờ, song những công trình kiến ​​trúc này không bao giờ được thánh hiến vì chưa được hoàn thành sau cái chết của vua Narasimhavarman I. 
Cụm công trình được đặt theo tên của Pancha Pandavas (nữ anh hùng trong sử thi Hindu, một người phụ nữ xinh đẹp nhất trong thời đại của mình và được tiên tri là sẽ mang đến sự kết thúc của nhiều cuộc chiến tranh).
5 khối công trình bố cục thẳng hàng theo trục bắc - nam. Từ nam ra bắc gồm: Dharmaraja Ratha; Bhima Ratha; Arjuna Ratha; Nakula Sahadeva Ratha; và Draupadi Ratha.
Mỗi khối công trình có một bố cục khác nhau, hình vuông, hình chữ nhật hoặc hình chóp. Kích thước lớn nhất là 13m x11m và cao nhất là 12m. Tất cả các công trình đều có lối vào từ phía Tây ngoại trừ Nakula Sahadeva Ratha có lối vào từ phía Nam. 
5 khối công trình đại diện cho sự đa dạng của kiến ​​trúc vùng Dravidian Nam Ấn Độ thời đó và có thể bắt nguồn từ hình dạng xe ngựa bằng gỗ trong các đền thờ, từ các không gian tịnh xá (Viharas) và gian thờ (Chaitya) của Phật giáo.
Các khối công trình có mái dạng tháp tròn, nhọn hoặc vòm. Các tháp có thể là tháp đơn (Ekathala), tháp 3 tầng (Trithala). Việc đục đẽo được thực hiện bởi các nghệ nhân điêu khắc đá.
Trên những bức tường có các hốc tường hình chữ nhật. Bên trong chạm khắc hình tượng các vị thần, á thần và các vị vua. Bao quanh họ là hình tượng của những động vật hoang dã sống dưới nước với hình dáng "‘đuôi tán lá và hàm mở". Hiên nhà có các cột đỡ. Trên tường biên có cửa sổ vòm với hình chạm khắc trên cửa. Phía trên mái hiên có gờ lan can được chạm khắc trang trí.
Công trình được bảo quản tốt do độ bền của đá granit.
Ngoài công trình, tại đây còn có điêu khắc miêu tả con vật: Voi đứng ở phía đông của Nakula Sahadeva Ratha; Sư tử ở phía tây Draupadi Ratha; Bò đực ở phía đông của Arjuna Ratha.  


Phối cảnh tổng thể Cụm công trình cắt vào đá Pancha Rathas, Quần thể chính Mahabalipuram, Tamil Nadu, Ấn Độ


Sơ đồ vị trí di tích chính trong Cụm công trình Pancha Rathas, Quần thể chính Mahabalipuram, Tamil Nadu, Ấn Độ

Draupadi Ratha nằm tại phía bắc của Cụm công trình Pancha Rathas, được dành riêng cho nữ thần Durga (vợ của thần Shiva, thần Mẫu, nữ thần Sức mạnh và Bảo vệ), song chưa hoàn thiện.
Ngôi đền có mặt bằng hình vuông, kích thước 3,4m x3,4m, lối vào từ hướng tây.
Thiết kế của công trình theo phong cách Nagara (Nagara Style, tại miền bắc Ấn Độ, cùng với kiến ​​trúc Dravidian tại miền nam Ấn Độ) được đơn giản hóa. 
Đền có hình dáng một túp lều có mái hình nón. Mái nhà có thiết kế tán lá và dây leo ở các góc. Bệ nền của công trình có các gờ với trang trí hình tượng con thú. Tại hốc tường hai bên lối vào và bề mặt của công trình có trang trí là tượng nữ thần Durga đứng trên đầu trâu và các vị thần bảo vệ. Bên trong, trên bức tường phía sau có bức chạm khắc miêu tả nữ thần Durga trong vai Korravai (nữ thần Chiến tranh và Chiến thắng). Ngoài ra, trong Đền còn có nhiều chạm khắc hình các vị thần, sư tử và voi xen kẽ.
Phía tây của công trình là tượng một con sư tử (Lion) có kích thước lớn.


Phối cảnh đền Draupadi Ratha, Cụm công trình Pancha Rathas, Quần thể chính Mahabalipuram, Tamil Nadu, Ấn Độ


Sơ đồ mặt bằng, mặt đứng và chi tiết trụ góc Đền Draupadi Ratha, Cụm công trình Pancha Rathas, Quần thể chính Mahabalipuram, Tamil Nadu, Ấn Độ


Bên trong điện thờ với búc phù điêu miêu tả nữ thần Durga, Đền Draupadi Ratha, Cụm công trình Pancha Rathas, Quần thể chính Mahabalipuram, Tamil Nadu, Ấn Độ

Arjuna Ratha nằm tại kề liền tại phía nam của đền Draupadi Ratha, trên cùng một bậc nền. Đền thờ thần Shiva, song cũng chưa được hoàn thiện. Đền được cho là bản sao của một ngôi đền bằng gỗ trước đó. 

Công trình có mặt bằng với kích thước 3,5m x 4,9m và cao 6,1m, lối vào từ hướng tây.
Đền có cấu trúc đơn giản, hình thức tương tự như Đền Dharmaraja Ratha, chỉ khác là mái chia thành 3 tầng, thu nhỏ dần. Tầng mái 1 và tầng mái 2 có cấu trúc tương tự như nhau gồm các khối trang trí. Tầng mái 3 là một khối mái với mặt bằng hình bát giác.
Tại mặt tường chính phía tây có một hàng hiên với 2 cột. Các mặt còn lại là trang trí được phân thành mảng bởi trụ tường. Những mảng tường được chạm khắc miêu tả các vị thần, nhà hiền triết.
Bên trong Đền, tác phẩm điêu khắc trung tâm mô tả thần Shiva bắt chéo chân và dựa vào bò Nandi. Các bức tường xung quanh có những bức điêu khắc mô tả các vị thần hộ vệ.
Hai bên của Đền Arjuna Rathas có tượng sư tử (Lion) và bò (Nandi). 


Phối cảnh Đền Arjuna Ratha, Cụm công trình Pancha Rathas, Quần thể chính Mahabalipuram, Tamil Nadu, Ấn Độ


Trang trí bề mặt Đền Arjuna Ratha, Cụm công trình Pancha Rathas, Quần thể chính Mahabalipuram, Tamil Nadu, Ấn Độ

Bhima Ratha nằm tại phía nam của Đền Arjuna Rathas, trải dài theo hướng bắc nam. Đền được cho là thờ thần Vishnu. Đây là đền thờ lớn nhất trong 5 đền thờ tạc vào đá tại cụm công trình Pancha Rathas.
Đền có mặt bằng kích thước 12,8m x 7,3m, cao 7,6m, hướng về phía tây. Công trình cao 2 tầng. Tầng dưới chưa hoàn thiện.
Công trình gợi nhớ đến chùa hang Phật giáo, hoặc theo phong cách kiến trúc cung điện với mái chính dạng vòm thùng và mái hiên dài.
Phía tây của Đền tạo thành một hang rộng với 2 hàng cột ; hàng trong 2 cột và hàng ngoài 4 cột. Phía đông của Đền là hàng hiên với một hàng 4 cột.
Mặt bằng ngôi đền thuôn dài, được phỏng đoán là nơi bố trí một bức tượng nằm nghiêng của thần Vishnu.
Bề mặt công trình được chạm khắc tinh xảo.
Nội thất công trình chưa hoàn thiện, không có chạm khắc trang trí.  


Phối cảnh tổng thể Đền Bhima Rath, Cụm công trình Pancha Rathas, Quần thể chính Mahabalipuram, Tamil Nadu, Ấn Độ


Sơ đồ mặt bằng Đền Bhima Rath, Cụm công trình Pancha Rathas, Quần thể chính Mahabalipuram, Tamil Nadu, Ấn Độ

Dharmaraja Ratha nằm tại phía nam của Bhima Ratha. Tương tự như công trình khác, đền thờ bằng đá này là bản sao của một ngôi đền bằng gỗ trước đó và chưa hoàn thành.

Đền có mặt bằng hình chữ nhật với kích thước 8,2m x 6,3m cao 10,9m; hàng hiên mở với các cột tại phía tây và trụ tường tại 3 mặt còn lại.
Công trình cao 3 tầng. Tầng 1 có lưới cột rộng và các hàng cột quy mô lớn. Tầng 2 và 3 là không gian với các hàng cột nhỏ. Trên đỉnh mái là một tòa tháp với mặt bằng hình bát giác.
4 góc tường đều có điêu khắc thể hiện thần thánh: Thần Ardhanarishvara, là sự kết hợp của thần Shiva và thần Parvati (biểu tượng của sự sinh sản, tình yêu, sắc đẹp, hòa hợp, hôn nhân, con cái và sự tận tâm); Thần  Harihara, là sự kết hợp của thần Shiva và thần Vishnu; Thần Brahma (biểu tượng cho sáng tạo, tri thức); Thần Skanda (còn gọi là Kartikeya, Kumara, Murugan, Mahasena, Shanmukha và Subrahmanya, biểu tượng cho chiến tranh); Thần Bhairava (Shiva). Tầng trên có những mảng chạm khắc hình tượng thần Shiva và Vishnu. 


Phối cảnh tổng thể Đền Dharmaraja Ratha, Cụm công trình Pancha Rathas, Quần thể chính Mahabalipuram, Tamil Nadu, Ấn Độ





Sơ đồ mặt bằng, mặt cắt Đền Dharmaraja Ratha, Cụm công trình Pancha Rathas, Quần thể chính Mahabalipuram, Tamil Nadu, Ấn Độ

Nakula Sahadeva Ratha không nằm trên trục dọc của 4 công trình kể trên, mà nằm tách sang phía tây. Công trình chưa hoàn thành này là một ngôi đền kiểu Vesara, một dạng đền thờ chứa các yếu tố của cả hai phong cách Dravida (Dravidian Architecture, nổi bật tại Nam Ấn Độ) và Nagara (nổi bật ở Bắc Ấn Độ).
Công trình dài 5,5m, cao 4,9 m, 2 tầng. Đền có thể thờ thần Brahma, thần Skanda, thần Ayyappan (biểu tượng cho sức mạnh, lòng dũng cảm, sự tự chủ) hoặc thần Indra (vua của các vị thần, biểu tượng cho bầu trời, sấm sét, mưa bão và chiến tranh). Phía đông của Đền Nakula Sahadeva Ratha là tượng voi. 


Phối cảnh tổng thể Đền Nakula Sahadeva Ratha, Cụm công trình Pancha Rathas, Quần thể chính Mahabalipuram, Tamil Nadu, Ấn Độ

Sơ đồ mặt bằng
Đền Nakula Sahadeva Ratha, Cụm công trình Pancha Rathas, Quần thể chính Mahabalipuram, Tamil Nadu, Ấn Độ

Công trình cắt vào đá Ganesha Ratha
Công trình Ganesha Ratha (hình vẽ ký hiệu 7), được hình thành vào cuối thế kỷ thứ 7, nằm trên một gò đồi tại phía tây bắc của Quần thể chính Mahabalipuram, cách Pancha Rathas khoảng 1km; ở mặt sau của tảng đá với bức phù điêu "Hậu duệ của sông Hằng".
Công trình quay mặt về phía tây.
Đây là một trong mười ngôi đền thờ tạc vào vách đá (Rathas) tại khu vực Di sản.
Ban đầu đền thờ Shiva Linga (Lingam, biểu tượng của thần Shiva), nhưng vào những năm 1880, dân làng đã thay thế Shiva Linga bằng hình ảnh thần Ganesha (hình dạng đầu voi, mình người, tượng trưng cho tài trí, hạnh phúc và thành công; là con của thần Shiva và nữ thần Parvati).

Ganesha Ratha là một công trình kiến trúc hoàn chỉnh, trong khi những ngôi đền gần đó chưa được hoàn thiện.
Ganesha Ratha có mặt bằng hình chữ nhật, kích thước 6,1m x 3,5m, cao 8,5m. Điện thờ bên trong là một không gian rộng 2,1m x 1,2m và cao 2,1m. Công trình cao 3 tầng với hình thức tương tự như Đền Dharmaraja Ratha, chỉ khác biệt là phần mái trên cùng dạng vòm thùng. Tại mặt chính, tầng 1 và 2 chia thành 5 khối trang trí; tầng 3 thu gọn lại còn 4 khối. Tại mặt bên, tầng 1 và 2 chia thành 3 khối trang trí; tầng 3 thu gọn còn 2 khối.
Mặt tiền chính hướng tây của công trình có hàng hiên với dãy 2 cột đơn và 2 trụ tường. Chân cột trang trí hình tượng Vyala (một sinh vật thần thoại được nhìn thấy trong nhiều ngôi đền Nam Ấn Độ, là sự kết hợp của sư tử, voi, ngựa).




Phối cảnh Đền Ganesha Ratha, Quần thể chính Mahabalipuram, Tamil Nadu, Ấn Độ

Đền hang Paanchapandava
Đền hang Paanchapandava (Paanchapandava Cave, hình vẽ ký hiệu 2) nằm tại trung tâm Quần thể chính Mahabalipuram, phía nam của Bức phù điêu "Hậu duệ sông Hằng".
Đền hang hướng về phía đông, đang xây dựng dở dang.
Công trình được xây dựng theo phong cách điển hình của kiến trúc Pallava, miền Nam Ấn Độ.
Sảnh hiên (Ardhamandapa) có 6 cột đơn và 2 trụ vách tường có trang trí hình tượng Vyala.
Ngôi đền là một hang động dài nhất trong số các đền hang của Khu Di tích với chiều dài đến 15m.
Sau Sảnh hiên (Ardhamandapa) là không gian Bái đường (Mandapa) với 4 cột và 2 trụ tường. Phía sau Bái đường là Điện thờ hay Hậu cung (Garbhagriha). Đây là một không gian nhỏ được cắt theo hình bát giác với 2 hốc tường. Tường bên trong của Đền được chạm khắc. Trên mái của Đền là diềm mái với các trang trí.  


Bức ảnh chụp Đền Pandava Mandapa tại Mamallapuram, Ấn Độ, những năm 1860 (Thư viện Anh) 


Phối cảnh Đền hang Paanchapandava, Quần thể chính Mahabalipuram, Tamil Nadu, Ấn Độ

Đền hang Trimurthy
Đền hang Trimurthy (Trimurthy Cave, hình vẽ ký hiệu 5) nằm tại phía bắc của Quần thể chính Mahabalipuram.
Ngôi đền này khác với tất cả các ngôi đền hang khác tại Khu Di tích là không có Sảnh hiên (Ardhamandapa) và không gian Bái đường (Mandapa), chỉ có không gian Điện thờ (Garbhagriha). Đền hướng về phía tây.
Đền là một cụm gồm 3 Điện thờ đặt chung trên một bệ nền và sát cạnh nhau.
Điện thờ chính giữa thờ thần Shiva. Phía trước của Điện thờ là linh vật Shiva Linga. Phia sau linh vật là tượng thần Shiva đứng, xung quanh có 4 vị thần hộ vệ.
Điện thờ bên phải của Điện thờ chính thờ thần Vishnu. Trong Điện thờ có phù điêu thể hiện thần Vishnu trong tư thế đứng, 4 phía là các vị thần hộ vệ. Cạnh Điện thờ thần Vishnu có một điện thờ nhỏ thờ thần Durga. Bên trong có tượng thờ thần Durga đang đứng trên một cái đầu trâu.
Điện thờ bên trái của Điện thờ chính thờ thần Surbrahmanya (thông thường là thần Brahma). Bên trong Điện thờ có phù điêu thể hiện thần Surbrahmanya (Kartikeya, Skanda, Kumara, Murugan, Mahasena, Shanmukha, biểu tượng cho chiến tranh) trong tư thế đứng, 4 phía là các vị thần hộ vệ. 


Phối cảnh Đền hang Trimurthy, Quần thể chính Mahabalipuram, Tamil Nadu, Ấn Độ


Điện thờ chính giữa thờ thần Shiva với linh vật Shiva Linga, Đền hang Trimurthy, Quần thể chính Mahabalipuram, Tamil Nadu, Ấn Độ


Bên trong Điện thờ thần Vishnu Đền hang Trimurthy, Quần thể chính Mahabalipuram, Tamil Nadu, Ấn Độ


Bên trong Điện thờ thần Surbrahmanya,
Đ
ền hang Trimurthy, Quần thể chính Mahabalipuram, Tamil Nadu, Ấn Độ


Bên trong Điện thờ thần Durga, Đền hang Trimurthy, Quần thể chính Mahabalipuram, Tamil Nadu, Ấn Độ

Đền hang Varaha 
Đền hang Varaha (Varaha Cave Temple, hình vẽ ký hiệu 8) được tạc vào một vách đá thẳng đứng tại phía tây của một ngọn đồi thuộc Quần thể Mamallapuram. Công trình được xây dựng vào thế kỷ thứ 7.
Kiến trúc của ngôi đền đơn giản theo giáo phái Vaishnavism (tôn thờ Đấng tối cao Vishnu - thần Bảo trợ).
Mặt tiền của ngôi đền bao gồm 2 cột và 2 trụ vách tường; phía sau là một không gian sảnh (Mandapa). Từ đây có một bậc thang lên Điện thờ khắc sâu vào trong vách đá.
Cột hàng hiên có bệ cột rộng 0,61m x 0,61m. Chân cột có trang trí hình tượng Vyala. Thân cột hình bát giác, đỡ đỉnh cột là một đèn lồng và mũ cột đỡ dầm với 6 vòm trang trí phía trên. Phần trên của mặt tiền ngôi đền là các trang trí hình tượng 3 ngôi đền liên kết với nhau bởi hành lang.
Các bức tường bên trong không gian Bái đường đều được chạm khắc tinh xảo, gồm 4 bức điêu khắc miêu tả truyền thuyết Hindu giáo: Truyền thuyết Vamana-Trivikrama (hóa thân/avatar của thần Vishnu trên trái đất dưới dạng người lùn, vật nhỏ bé); Truyền thuyết Varaha (hóa thân của thần Vishnu dưới dạng một con heo rừng); Truyền thuyết Durga (thần mẫu Durga) và Truyền thuyết Gajalakshmi (liên quan đến nữ thần Gajalakshmi -  biểu tượng giàu có, quyền lực, sinh sản, tình yêu, niềm vui, sắc đẹp; Nữ thần Gajalakshmi cùng với nữ thần Parvati và nữ thần Saraswati - biểu tượng của tri thức, âm nhạc, nghệ thuật, ngôn ngữ, tạo thành ba ngôi chính của nữ thần Hindu giáo - Trideva/ Trimurti, tương đương với ba ngôi chính của nam thần Brahma, Vishnu và Shiva để tạo ra, duy trì và tái tạo vũ trụ).
Hai bên của lối vào Điện thờ có tượng thần hộ mệnh. Điện thờ bên trong chưa được hoàn thành.  


Phối cảnh Đền hang Varaha, Quần thể chính Mahabalipuram, Tamil Nadu, Ấn Độ


Mặt bằng Đền hang Varaha, Quần thể chính Mahabalipuram, Tamil Nadu, Ấn Độ


Bên trong không gian Bái đường, Đền hang Varaha, Quần thể chính Mahabalipuram, Tamil Nadu, Ấn Độ


Bức phù điêu liên quan đến truyền thuyết
Vamana-Trivikrama, Đền hang Varaha, Quần thể chính Mahabalipuram, Tamil Nadu, Ấn Độ


Bức phù điêu liên quan đến truyền thuyết
Varaha, Đền hang Varaha, Quần thể chính Mahabalipuram, Tamil Nadu, Ấn Độ


Bức phù điêu liên quan đến truyền thuyết
Durga, Đền hang Varaha, Quần thể chính Mahabalipuram, Tamil Nadu, Ấn Độ


Bức phù điêu liên quan đến truyền thuyết Gajalakshmi,
Đền hang Varaha, Quần thể chính Mahabalipuram, Tamil Nadu, Ấn Độ

Đền hang Mahishashumrdini
Đền Mahishashumrdini (Mahishashumrdini Mandapa,hình vẽ ký hiệu 11) nằm tại trung tâm Quần thể Mamallapuram, được xây dựng vào thế kỷ thứ 7. Đền cắt vào trong vách của một hòn đá được gọi là "Ngọn hải đăng" (Olakkanatha). Trên đỉnh hòn đá có một ngôi đền mang tên Olakkannesvara.
Ngôi đền quay mặt về hướng đông, thờ thần Vishnu, thần Durga và thần Shiva.
Đền có mặt bằng với kích thước 9,8m x 4,6m, cao 3,8m.
Hàng hiên của Đền có 3 gian với 4 cột và 2 trụ vách tường. Cột có dạng đơn giản.
Bên trong Bái đường, phía trước Điện thờ chính được nhấn mạnh bởi một khối trang trí với 2 cột. Chân cột có hình tượng Vyala. Tường xung quanh Bái đường có 3 bức phù điêu được chạm khắc tinh xảo, miêu tả sự tích liên quan đến thần Vishnu, thần Durga và thần Shiva.
Sau Bái đường là 3 Điện thờ, bên trong đặt các biểu tượng gắn với 3 vị thần được thờ trong đền.
Trên mặt tiền của Đền có các bức chạm khắc còn dang dở.  


Mặt trước Đền Mahishashumrdini, phía trên là Đền Olakkanesvara, Quần thể chính Mahabalipuram, Tamil Nadu, Ấn Độ


Bức chạm khắc miêu tả sự tích liên quan đến thần Durga, Đền Mahishashumrdini, Quần thể chính Mahabalipuram, Tamil Nadu, Ấn Độ; phía trước, bên trái ảnh là cột có trang trí hình tượng Vyala


Bức chạm khắc miêu tả sự tích liên quan đến thần Shiva,
Đền Mahishashumrdini, Quần thể chính Mahabalipuram, Tamil Nadu, Ấn Độ

Đền hang Adivaraha
Đền hang Adivaraha (Adivaraha Mandapa, hình vẽ ký hiệu 12) nằm tại phía tây của Quần thể Mamallapuram, phía bắc của công trình Pancha Rathas. Đền được xây dựng vào thế kỷ thứ 7.
Đền thờ thần Vishnu, được cho là mô phỏng theo kiến trúc đền bằng gỗ.
Đền hang Adivaraha hiện vẫn còn được sử dụng. Đền được biết tới với các tác phẩm điêu khắc liên quan đến các truyền thuyết Hindu giáo về Shaivism (tôn thờ Đấng tối cao Shiva - thần Hủy diệt), Vaishnavism (tôn thờ Đấng tối cao Vishnu - thần Bảo trợ) và Shakism (tôn thờ các nữ thần – Devi). Ngoài ra, những bức điêu khắc còn miêu tả các vị vua nổi tiếng thời bấy giờ.
Ngôi đền hiện bị bao phủ bởi bức tường xây dựng sau này, nên đền hang tối và ẩm thấp. Cấu trúc của Đền tương tự như cấu trúc của các đền hang khác trong Khu vực Di sản.  


Mặt ngoài Đền hang Adivaraha, Quần thể chính Mahabalipuram, Tamil Nadu, Ấn Độ


Một bức chạm khắc bên trong Đền hang Adivaraha, Quần thể chính Mahabalipuram, Tamil Nadu, Ấn Độ

Đền hang Atiranachanda
Đền hang Atiranachanda (Atiranachanda Cave, hình vẽ ký hiệu 17), nằm tại phía bắc của Quần thể chính Mahabalipuram. Công trình được xây dựng vào thế kỷ thứ 7.
Công trình có mặt tiền nhỏ với cột bát giác tại sảnh hiên. Phía sau sảnh hiên là Bái đường (Mandapa) và Điện thờ.
Lối vào chính của Đền có hai tượng hộ pháp (Dvarapalas Shaiva). Bên trong Điện thờ đặt một Shiva Linga 16 mặt. Trên bức tường phía sau Điện thờ là một tấm phù điêu Somaskanda (miêu tả thần Shiva và vợ là nữ thần Parvati đang bế đứa trẻ sơ sinh Skanda, sau này là vị thần Chiến tranh).
Lân cận của ngôi đền là những di tích, trong đó có bức phù điêu bằng đá 3m x 6m.
Ngôi đền còn có 16 dòng chữ Phạn theo bảng chữ cái Grantha vùng Nam Ấn Độ trên bức tường phía nam và theo bảng chữ Nāgarī của vùng Bắc Ấn Độ trên bức tường phía bắc. Các bản chữ khắc này cơ ngợi công tích của các vị thần Shiva, Parvati và Skanda. 


Phối cảnh Đền hang Atiranachanda, Quần thể chính Mahabalipuram, Tamil Nadu, Ấn Độ

Đền hang Tiger
Đền hang Tiger (Tiger Cave, hình vẽ ký hiệu 16) nằm tại phía đông bắc của Quần thể Mamallapuram, gần với Đền hang Athiranachanda (Athiranachanda Cave). Hang được đặt tên theo các hình đầu hổ trên mặt tiền của hang.
Đền được xây dựng vào thời vương triều Pallava, thế kỷ thứ 8 và
được cắt vào vách đá. 


Mặt trước Đền hang Tiger, Quần thể chính Mahabalipuram, Tamil Nadu, Ấn Độ

Đền Krishna
Đền Krishna (Krishna Mandapa, hình vẽ ký hiệu 3) nằm trên một gò đồi, gần bức phù điêu "Hậu duệ sông Hằng". Ban đầu, đây là một bức phù điêu ngoài trời dành riêng cho thần Krishna (được tôn thờ như đại diện thứ tám của thần Vishnu, biểu tượng của sự bảo vệ, từ bi, dịu dàng và tình yêu; là một những vị thần phổ biến nhất và được tôn kính rộng rãi trong Hindu giáo). Đền được xây dựng vào thế kỷ thứ 7.
Vào thế kỷ thứ 16, dưới thời Đế chế Vijayanagara (tồn tại năm 1336–1646), bức phù điêu được bọc trong một ngôi đền (Mandapa).
Ngôi đền hướng về phía đông, dài 8,8m, chiều cao 3,7m.
Sảnh hiên (Ardhamandapa) và Bái đường Bái đường (Mandapa) là một không gian với 3 hàng 4 cột đơn và trụ vách tường.
Tường bao 3 mặt, trừ mặt đông, được xây bằng đá granit địa phương.
Bên trong Đền có 9 bức phù điêu được chạm khắc trên bề mặt đá. Tất cả đều có niên đại từ thế kỷ thứ 7 và được bổ sung thêm vào thế kỷ 16. Một trong những bức phù điêu kể lại câu chuyện thần Krishna nâng Đồi Govardhana (ngọn đồi linh thiêng trong Hindu giáo) để bảo vệ những người chăn nuôi bò khỏi những trận mưa và lũ lụt…Các bức phù điêu khác miêu tả cuộc sống đời thường của người dân và các truyền thuyết trong sử thi Ấn Độ.  


Phối cảnh tổng thể Đền hang Paanchapandava, Quần thể chính Mahabalipuram, Tamil Nadu, Ấn Độ




Mảng phù điêu tạc vào đá bền trong Đền Paanchapandava, Quần thể chính Mahabalipuram, Tamil Nadu, Ấn Độ 

Đền Olakkannesvara
Đền Olakkanesvara còn được gọi là là "Ngọn hải đăng cổ" (Old Light House, hình vẽ ký hiệu 13) nằm trên tảng đá phía trên Đền hang Mahishamardini. 
Ngôi đền được hình thành vào đầu thế kỷ thứ 8 bởi vua Rajasimha I (trị vì năm 730 – 765).
Công trình được xây dựng bằng đá
granit xám cắt thành từng khối.
Đền có mặt bằng hình vuông. Lối vào từ phía tây, được bảo vệ bởi chiến binh giám hộ (Dvarapala).
Các bức tường trong Đền miêu tả truyền thuyết
Ravananugraha liên quan đến thần Shiva.  


Phối cảnh Đền Olakkanesvara, Quần thể chính Mahabalipuram, Tamil Nadu, Ấn Độ; bên dưới là 
Đền hang Mahishamardini.


Trang trí bề mặt Đền Olakkanesvara, Quần thể chính Mahabalipuram, Tamil Nadu, Ấn Độ

Cụm đền Shore
Đền Shore (Shore Temple, hình vẽ ký hiệu 19) là một cụm các ngôi đền nằm dọc theo vịnh Bengal với lối vào chính từ phía tây, phía biển. Toàn bộ khu phức hợp đền được gọi là "Jalashayana" (nằm trong nước).
Công trình được vua Narasimhavarman II (vương triều Pallava, trị vì năm 700 – 729) khởi dựng năm 700-728, vào thời kỳ nơi đây là một bến cảng sầm uất. Ngôi đền có thể đóng vai trò như một cột mốc dẫn đường cho những người đi biển.
Theo truyền thuyết, Marco Polo (nhà thám hiểm nổi tiếng người Venezia, Ý, năm 1254 – 1324) và các thương gia châu Âu theo ông đến châu Á đã gọi địa điểm này là ‘ Bảy ngôi đền’. Một trong số này là Đền Shore. 
Đền Shore là một phức hợp kiến trúc được đánh giá là đỉnh cao của những sáng tạo kiến trúc thời bấy giờ.
Trận sóng thần vào cuối năm 2004 tràn vào bờ biển Coromandel đã làm lộ ra một ngôi đền cũ bị sập. Qua đây, người ta phỏng đoán rằng còn có các công trình khác (trong số Bảy ngôi đền) nằm dưới mực nước biển. Trận sóng thần cũng làm lộ ra một số tác phẩm điêu khắc đá cổ về sư tử, voi và các con thú khác, được sử dụng để trang trí các bức tường và đền thờ trong thời kỳ vương triều Pallava.
Cụm đền Shore gồm 3 ngôi đền: Kshatriyasimha Pallavesvara-gruham, Rajasimha Pallavesvara-gruham và Pllikondaruliya-devar, trên cùng một bậc nền và được xây dựng bằng đá granit, khai thác từ một mỏ gần đó.
Ngôi đền chính Kshatriyasimha Pallavesvara-gruham là nơi thờ biểu tượng Shiva Linga.
Ngôi đền thứ hai Rajasimha Pallavesvara-gruham nhỏ hơn, cũng là nơi thờ biểu tượng Shiva Linga.
Ngôi đền thứ ba Pllikondaruliya-devar có quy mô nhỏ nhất, nằm giữa hai ngôi đền, thờ thần Vishnu nằm nghiêng.
Cấu trúc của cụm công trình với hai đền thờ thần Shiva (giáo phái Shaivism) và một đền thờ thần Vishnu (giáo phái Vaishnavism) cho thấy nỗ lực kết nối các giáo phái với nhau. 
Hai ngôi đền thờ thần Shiva theo phong cách kiến ​​trúc Dravidian (miền Nam Ấn Độ).
Nhìn từ đầu hướng bắc, các ngôi đền dường như là một bản sao của ngôi đền cắt vào đá Dharmaraja Ratha.
Ngôi đền chính thờ thần Shiva quay mặt về hướng đông để các tia nắng chiếu vào biểu tượng Shiva Linga trong đền.
Đền chính gồm Sảnh hiên kết hợp Bái đường với mặt bằng hình chữ nhật; phía sau là Điện thờ với mặt bằng hình vuông. Xung quanh Đền là bức tường dày, che 3 mặt, mở ra phía tây. Cấu trúc tháp mái của đền cao 18m, 3 tầng, đáy hình vuông mỗi chiều rộng 15m.

Ngôi đền phụ thờ thần Shiva quay mặt về hướng tây, ra phía biển. Đền phụ có mặt bằng tương tự như Đền chính song quy mô nhỏ hơn. Đền thờ phụ không nằm trên trục tổ hợp của Đền thờ chính. Cấu trúc tháp mái của Đền phụ cao 2 tầng; thân tháp (Shikhara) hình bát giác dật bậc. Đền thờ phụ này có thể xây dựng bổ sung sau này.
Ngôi đền phụ thờ thần Vishnu nằm giữa hai ngôi đền trên, song có trục tổ hợp trùng với Đền chính; lối vào từ phía đông. Bái đường và Điện thờ có mặt bằng hình chữ nhật dài. Bên trong Điện thờ có tượng Anantashayi Vishnu (thể hiện tư thế nằm nghiêng của Vishnu trên con rắn Ananta). Cấu trúc tháp mái của Đền hiện không còn. Ngôi đền được cho là được xây dựng sớm nhất trong Cụm đền Shore.
Bên trong Bái đường và Điện thờ của 3 ngôi đền ít có trang trí. Song các cột tại Bái đường (kết hợp Sảnh hiên) đều được chạm khắc với hình tượng Vyala. Các trang trí mặt ngoài tương tự như đền cắt vào đá Pancha Rathas.
Toàn bộ các bức tường xung quanh 3 đền thờ và bức tường bao quanh Đền chính đều có các chạm khắc trang trí, ca ngợi các vị thần và lan truyền sự tích tôn giáo.
Năm 1990, Cơ quan Khảo sát Khảo cổ học Ấn Độ (ASI) đã phát hiện ra một ngôi đền thu nhỏ thờ thần Shiva trong một chiếc giếng dật bậc hình elip. Đền được hình thành từ thế kỷ thứ 7.




Phối cảnh tổng thể
Cụm đền Shore, Quần thể chính Mahabalipuram, Tamil Nadu, Ấn Độ


Mặt bằng 3 ngôi đền trong Cụm đền
Shore, Quần thể chính Mahabalipuram, Tamil Nadu, Ấn Độ


Linh vật Shiva Linga trong Đền chính thờ thần Shiva, Cụm đền Shore, Quần thể chính Mahabalipuram, Tamil Nadu, Ấn Độ


Tượng thần Vishnu nằm trong Đền phụ thờ thần Vishnu, Cụm đền Shore, Quần thể chính Mahabalipuram, Tamil Nadu, Ấn Độ


Đền thờ thu nhỏ trong Cụm đền Shore, Quần thể chính Mahabalipuram, Tamil Nadu, Ấn Độ

Bức phù điêu "Hậu duệ sông Hằng"
"Hậu duệ sông Hằng" (Descent of the Ganges, còn được gọi là Arjuna's Penance/Bhagiratha's Penance, hình vẽ ký hiệu 1) là một bức phù điêu khổng lồ bằng đá lộ thiên, hướng về phía đông, được chạm khắc trên 2 tảng đá nguyên khối với kích thước 29m x 13m.
Bức phù điêu được coi là một trong những tác phẩm phù điêu lớn nhất thế giới, tuyệt tác của nghệ thuật điêu khắc đá Ấn Độ.
Truyền thuyết được miêu tả trong Bức phù điêu là câu chuyện về dòng sông thiêng Ganges (nhân cách hóa thành Nữ thần sông Hằng của Ấn Độ giáo) được vị vua huyền thoại Bhagiratha mang từ Thiên đàng đến Trái đất.
Bức phù điêu được tạo ra để kỷ niệm chiến thắng của Narasimhavarman I (vua của triều đại Pallava, trị vì năm 630- 668, tại miền nam Ấn Độ, trước Pulakesin II (vua của triều đại Chalukiya, trị vì năm 610 – 642, tại miền nam và trung Ấn Độ).
Khe nứt tự nhiên nằm giữa hai tảng đá được điêu khắc một cách khéo léo. Một bể nước đặt trên đỉnh tảng đá là biểu tượng sông Hằng. Nước chảy tràn qua khe hở và bức phù điêu tạo ấn tượng về việc sông Hằng từ trên trời xuống đất theo dẫn dắt của thần Shiva.
Bức phù điêu bao gồm 146 nhân vật thần, con người, nửa người và nửa động vật, động vật. Tại đây còn có các chạm khắc hình tượng voi (như kích thước thật), khỉ, nhân vật nửa người nửa ngựa (là nam được gọi là Kinnara, là nữ gọi là Kinnari), nửa người nửa chim. Nhân vật Kinnara cầm nhạc cụ; Nhân vật Kinnari cầm chũm chọe.
Thần Shiva được tạc ở phía trước biểu tượng sông Hằng (bên phải khe hở) trong tư thế đứng cùng với Bhagiratha, nhà hiền triết đang đứng trên một chân cầu nguyện.
Bức phù điêu miêu tả Mặt trời tại bên trái và Mặt trăng ở bên phải; cảnh săn bắn với hình tượng thợ săn và con thú như sư tử, hươu…Trên bức phù điêu còn miêu tả cảnh một ngôi đền với vị thần Vishnu được tạc bên trong. 


Hình ảnh Bức phù điêu "Hậu duệ sông Hằng",
Quần thể chính Mahabalipuram, Tamil Nadu, Ấn Độ; bên trái ảnh là Đền hang Paanchapandava


Hình ảnh chi tiết một đoạn Bức phù điêu "Hậu duệ sông Hằng", Quần thể chính Mahabalipuram, Tamil Nadu, Ấn Độ

Các bức phù điêu đá khác
Trong phạm vi Di sản có nhiều chạm khắc trên đá hoặc trên tảng đá. Ngoài tượng voi đá, sư tử đá, bò đá tại Công trình Pancha Rathas; Bức phù điêu đá nổi tiếng "Hậu duệ sông Hằng"…tại đây còn có các phù điêu đá như: Tượng voi khắc trên một tảng đá (Elephant Group, hình vẽ ký hiệu 6); Tượng sư tử nằm trên một bệ tượng trưng cho ngai vàng (Lion Throne, hình vẽ ký hiệu 10).


Tượng sư tử trên một tảng đá như ngai vàng (Lion Throne), Quần thể chính Mahabalipuram, Tamil Nadu, Ấn Độ


Tượng voi khắc trên một tảng đá (Elephant Group),
Quần thể chính Mahabalipuram, Tamil Nadu, Ấn Độ

Trong phạm vi khu vực Di sản vẫn còn tồn tại ngôi làng của những người thợ đục, đẽo đá (Sculpture Workshop, hình vẽ ký hiệu 15). Ngày nay, những nghệ nhân đá (với khoảng hơn một ngàn người) vẫn tiếp tục tạo ra các tác phẩm phức tạp và tinh xảo cho thị trường rộng lớn xung quanh. 


Nghệ nghân trong Làng thủ công truyền thống đẽo, tạc đá nghệ thuật, Quần thể chính Mahabalipuram, Tamil Nadu, Ấn Độ

Đền Mukunda Nayanar
Đền Mukunda Nayanar (Mukunda Nayanar Temple) nằm ở phía bắc Mamallapuram, trên một ngọn đồi (N12 37 38.086 E80 11 41.586). Công trình được xây dựng vào đầu thế kỷ thứ 8, do vua Rajasimha I (trị vì năm 730 -765) khởi xướng.
Ngôi đền có hình dáng kiến trúc giống ngôi đền cắt vào trong đá (Ratha).
Đền có mặt bằng bằng hình vuông đơn giản, hướng về phía đông.
Mặt tiền chính có Sảnh hiên với 2 cột tròn nhỏ. Tường xung quanh Đền được xây bằng đá granit gắn với các bổ trụ tường.
Sau Sảnh hiên là Điện thờ (Garbhagriha). Trần phía trên của Điện thờ được nâng cao để tạo thành một tháp mái (Shikhara, mang hình tượng ngọn núi). Tháp mái cao 2 tầng với tầng trên thu nhỏ lại và có hình dáng như mái của ngôi đền cắt vào trong đá. 


Phối cảnh Đền Mukunda Nayanar, Quần thể di tích kiến trúc tôn giáo tại Mahabalipuram, Tamil Nadu, Ấn Độ

Công trình cắt vào đá Pidari Ratha và Valian Kuttai Ratha
Pidari Ratha và Valian Kuttai Ratha là cụm công trình cắt vào đá, nằm tại phía tây Mamallapuram (N12 37 9.829 E80 11 15.292).
Các công trình đều chưa hoàn thành.

Công trình Valayankuttai Ratha có kiến trúc kiểu Nagara miền Bắc Ấn Độ.
Công trình Pidari Ratha gồm 2 khối nhà đặt cạnh nhau, có kiến trúc kiểu Dravida miền Nam Ấn Độ.


Phối cảnh Cụm công trình cắt vào đá Pidari Ratha và Valian Kuttai Ratha, Quần thể di tích kiến trúc tôn giáo tại Mahabalipuram, Tamil Nadu, Ấn Độ

Di sản đền thờ tại Mahabalipuram, quận Chengalpattu, bang Tamil Nadu, Ấn Độ nổi tiếng bởi các kiến trúc tôn giáo cắt vào đá. Đây là một dạng kiến trúc đa dạng và phong phú hơn bất kỳ hình thức kiến trúc cắt đá nào trên thế giới. Di sản là niềm tự hào to lớn về truyền thống văn hóa của Ấn Độ, một cường quốc văn hóa.

Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
https://whc.unesco.org/en/list/249/
https://en.wikipedia.org/wiki/India
https://en.wikipedia.org/wiki/Mamallapuram
https://en.wikipedia.org/wiki/Seven_Pagodas_of_Mahabalipuram
https://en.wikipedia.org/wiki/Group_of_Monuments_at_Mahabalipuram
https://en.wikipedia.org/wiki/Descent_of_the_Ganges_(Mahabalipuram)
https://en.wikipedia.org/wiki/Pallava_dynasty
https://en.wikipedia.org/wiki/Narasimhavarman_I
https://en.wikipedia.org/wiki/Dravidian_architecture
https://en.wikipedia.org/wiki/Indian_rock-cut_architecture
https://en.wikipedia.org/wiki/Vastu_shastra
https://en.wikipedia.org/wiki/Hindu_temple_architecture
https://en.wikipedia.org/wiki/Mamallapuram
https://en.wikipedia.org/wiki/Pancha_Rathas
https://en.wikipedia.org/wiki/Dharmaraja_Ratha
https://en.wikipedia.org/wiki/Draupadi_Ratha
https://en.wikipedia.org/wiki/Arjuna_Ratha
https://en.wikipedia.org/wiki/Bhima_Ratha
https://en.wikipedia.org/wiki/Nakula_Sahadeva_Ratha
https://en.wikipedia.org/wiki/Ganesha_Ratha
https://en.wikipedia.org/wiki/Panchapandava_Cave_Temple
https://en.wikipedia.org/wiki/Krishna%27s_Butterball
https://en.wikipedia.org/wiki/Krishna_Mandapam,_Mahabalipuram
https://en.wikipedia.org/wiki/Shore_Temple
https://en.wikipedia.org/wiki/Varaha_Cave_Temple
https://en.wikipedia.org/wiki/Mahishasuramardini_Mandapa
https://en.wikipedia.org/wiki/Olakkannesvara_Temple
https://en.wikipedia.org/wiki/Vesara
https://smarthistory.org/shore-temple-mamallapuram/
https://puratattva.in/2016/08/07/mamallapuram-trimurti-cave-4078
https://www.coroflot.com/archiwebresource/Humanities-Indian-Architecture-Session-9
https://en.wikipedia.org/wiki/Group_of_Monuments_at_Mahabalipuram
https://tamilnadu-favtourism.blogspot.com/2015/10/pancha-rathas.html
https://en.wikipedia.org/wiki/Tiger_Cave_(India)

Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương     

Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu

Danh sách và bài viết  về Di sản thế giới tại châu Mỹ         

Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi


Cập nhật ( 22/07/2021 )
 
Tin mới đưa:
Tin đã đưa:
“ Dân tộc Việt Nam có được sánh vai với các cường quốc năm châu hay không, chính là phần lớn nhờ công học tập của các cháu”
 
Trí thức trẻ là người tốt nghiệp đại học, tuổi từ 39 trở xuống. Do thu nhập sau ra trường hạn hẹp, thị trường nhà ở giá rẻ khan hiếm, nên điều kiện về an cư để lạc nghiệp còn khó khăn. Các bạn trí thức trẻ ước muốn gì về nơi ở của riêng mình (không phải do thừa kế, đi thuê):
 
 
 
Trong thời đại CMCN 4.0, Chuyển đổi số không còn là điều tốt đẹp nên có, mà là điều bắt buộc đối với tất cả tổ chức và doanh nghiệp, gắn với Chính quyền số, Kinh tế số, Xã hội số. Trong bối cảnh đô thị hóa, ngành XD có vai trò tiên phong trong Chuyển đổi số đế nâng cao năng lực cạnh tranh. Người ta còn cho rằng "QH đô thị là bệ phóng cho Chuyển đổi số". Lãnh đạo, người lao động trong doanh nghiệp XD phải chấp nhận và thích ứng dần với quá trình Chuyển đổi số. Các bạn SV, cựu SV trong lĩnh vực XD - Công dân kỹ thuật số trong tương lai, nghĩ gì về nhu cầu đào tạo nâng cao năng lực Chuyển đổi số trong cơ sở đào tạo ĐH:
 
 
Thông báo

   Liên kết website
 
  • Sơ đồ trang 
  • Bản quyền thuộc Bộ môn Kiến trúc Công nghệ - Khoa Kiến trúc Quy hoạch - Trường Đại học Xây dựng
    Địa chỉ liên hệ: Phòng 404 nhà A1 - Số 55 đường Giải Phóng - TP Hà Nội
    Điện thoại: (04) 3869 7045     Email: bmktcn@gmail.com
    Chủ biên: TS. Phạm Đình Tuyển - Phụ trách: TS. Nguyễn Cao Lãnh & cộng sự
    Powered by vnDIC.com