1. Vùng đô thị và xung đột đô thị - nông thôn
Năm 2008, ở Việt Nam ra đời 2 vùng đô thị lớn nhất Đông Nam Á: Vùng Thủ Đô mở rộng tới 3.421 km2 với 6,5 triệu dân và Vùng đô thị Hồ Chí Minh - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu - Bình Dương - Bình Phước -Tây Ninh - Tiền Giang – Long An, với hơn 10 triệu dân được đặt trong mối quan hệ của lí thuyết đô thị cực lớn (megapolis). Quy mô dân số đô thị như vậy đã đuổi kịp các con rồng Châu Á, nhưng năm 2008 lại là năm kinh tế khó khăn nhất, việc mở rộng các dự án đô thị đến cực điểm là cản trở không nhỏ đến phát triển kinh tế.
"Lần đầu tiên trong lịch sử, dân số đô thị vượt dân số nông thôn. Đô thị 3,5 tỉ và nông thôn 3,2 tỉ”. Dòng di dân vào đô thị mạnh nhất ở châu Á, khắp các lãnh thổ, mọi vùng địa lí.
Năm 2008, các chuyển động đô thị diễn biến trên mức dự báo, tác động sâu sắc đến hầu hết các lĩnh vực: kinh tế, xã hội, văn hoá... cũng là một năm những khó khăn đô thị lên tới điểm đỉnh."
B.Kinekerbocker viết trên tờ The Christin (Mỹ), đầu năm 2008.
|
Tháng 8/2009 Vùng Thủ Đô chính thức đi vào hoạt động, đánh dấu mốc quan trọng trong phát triển quy mô đô thị cực lớn ở VN, kể từ khi xuất hiện “đô thị hiện đại” – khái niệm được các kiến trúc sư Ptost, Jaussely, Hébrard và Garnier đề xướng những năm 20, thế kỉ 20 (Du nhập vào Đông Dương năm 1921).
Về mặt lí thuyết muốn có Vùng đô thị phải có sự kết nối triệt để quy hoạch hạ tầng xã hội và hạ tầng kĩ thuật (thống nhất cao độ, khống chế ngập lụt, sạt lở đất, tôn nền và bổ sung lún sau 50 năm, tách các trục giao thông chính ra khỏi khu dân cư, lập các trung tâm công cộng mới, tăng thu nhập đầu người, việc làm, hoàn thiện các dịch vụ kinh tế...).
Mặt khác, vùng đô thị ở Việt Nam đang phải đối đầu với hiện tượng xung đột lớn giữa đô thị – nông thôn, cần rất nhiều thời gian để chuyển hoá. Tương lai của chúng nằm ở sự biến chuyển thật sự của các vùng ven và vùng nông thôn rộng lớn bao quanh. Có lẽ các khái niệm: đô thị nông nghiệp, đô thị rừng bảo tồn sinh thái, đô thị du lịch, vành đai xanh... cần được sử dụng để khi quy hoạch tránh được sự xáo trộn dân cư quá lớn.
Trong khi đó, chúng ta lại muốn biến tất cả thành tích tụ đô thị kiểu cũ. Phương pháp tiếp cận “tại chỗ” (at place) chính là tư duy thích hợp với đặc thù Việt Nam, cần trở thành chủ thuyết có tính bản địa của vùng đô thị, để mỗi người dân ổn định lâu dài tại quê hương nhưng vẫn tham gia phát triển đô thị bằng chính nội lực của họ. Vùng đô thị ở Việt Nam có thành công hay không phụ thuộc vào việc nó có bao chứa được các cấu trúc đặc thù của các kiểu cư trú truyền thống nông thôn, nhưng được thời đại hoá bằng kinh tế phi nông nghiệp.
2. Không gian đô thị chưa chồng khít không gian kinh tế
|
Ảnh nguồn: devienart.com
|
Trong hội thảo góp ý “Nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050” nhiều nhà chuyên môn đã đặt vấn đề cần lồng ghép không gian Vùng đô thị vào không gian kinh tế - xã hội. Như vậy, vỏ đô thị có vừa vặn với hoạt động dân cư ngày càng được làm rõ trong quan niệm xây dựng đô thị, là nguồn sáng tạo cho quy hoạch Vùng đô thị ở Việt Nam (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đồng bằng Sông Hồng, Đồng bằng Sông Cửu Long đang hướng đến).
Trong khi đó, toàn bộ quy hoạch Vùng kinh tế được Chính phủ phê duyệt từ năm 2005 đến nay đã chỉ rõ các hướng phát triển kinh tế ngựơc với quy hoạch đô thị. Tỷ dụ, Vùng kinh tế Bắc Sông Hồng lấy Hà Nội làm trung tâm chủ yếu phát triển lên hướng Đông và Đông Bắc, nhưng không gian Vùng Thủ đô lại phát triển về phía Tây và Tây Nam – vốn còn nhiều quỹ đất.
Quy hoạch Vùng kinh tế Sài Gòn chủ yếu phát triển lên hướng Tây và Tây Bắc, trong thực tế thành phố này đang phát triển mạnh sang Nam và Đông Nam – là nơi có quỹ đất phèn lớn. Câu hỏi đặt ra, liệu có phải quy hoạch đô thị đang hướng tới những nơi còn quỹ đất, chứ chưa căn cứ trên nền kinh tế – xã hội, vốn là động lực chính để nuôi dưỡng đô thị.
Nguyên nhân này làm chúng ta đang lãng phí tài nguyên và tiền bạc để xây dựng những đô thị – phòng ngủ. Còn cư dân của nó ban ngày lại hối hả đi tìm việc làm, dịch vụ ở các không gian kinh tế vốn là các trung tâm cũ. Và thế là lại ùn tắc, hỗn độn đô thị.
3. Luật đang “chơi khó” các nhà đầu tư đô thị
Ngày 10/10/2008, Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh cùng các Nhà quản lí góp ý cho Luật Quy hoạch đô thị. Nhiều ý kiến cho rằng có quá nhiều quy định liên quan để thực hiện quy hoạch chưa được đưa vào luật này (ví dụ như Luật Quy hoạch “đòi” thủ tục, giấy phép được làm quy hoạch dự án đang “đá” vào quy định chỉ cần biên bản Thoả thuận địa điểm của Chính quyền địa phương là đủ). Luật này cũng đang chứa đựng nhiều bất cập về khái niệm, thuật ngữ và một số nội dung rất cơ bản so với Luật Xây dựng, Luật Đất đai (2 luật này đều quy định về quy hoạch sử dụng đất. Luật Quy hoạch cũng vậy). Vậy theo luật nào?
Luật nhà ở cũng cần xem xét cho phù hợp đời sống, khi các doanh nghiệp phát triển đô thị bị đình chỉ các dự án xây nhà ở giá thấp vì có căn hộ chỉ 36m2 để bán là trái luật (theo luật phải 45m2 trở lên).
Nước Mỹ vẫn đang xây căn hộ độc thân 18m2 và căn hộ tối thiểu 24m2 để bán, và họ bán chạy hơn các dự án có căn hộ rộng. Do xã hội vẫn cần rất nhiều triệu căn hộ nhỏ hơn 45m2 nên luật này quả đang “chơi khó” dân ta và các nhà đầu tư.
Về hệ thống luật pháp đô thị Việt Nam, các chuyên gia quốc tế đều khuyên nên thiết lập gấp Bộ Luật phát triển đô thị xâu chuỗi toàn bộ trách nhiệm và phạm vi hoạt động với rất nhiều đối tác cùng tham gia xây dựng đô thị.
Bộ luật này gồm: Luật lãnh thổ và kiểm soát phát triển (Để thống nhất lãnh thổ và phân vùng chức năng cho các quy hoạch ngành, vốn chưa liên thông nổi gây cản trở không nhỏ cho hoạch định đô thị), Luật quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch đô thị (Cho đô thị, vùng ven và nông thôn), Luật xây dựng, Luật nhà ở, Luật công trình công cộng, Luật hành nghề tư vấn và thiết kế...
Luật pháp cho phát triển đô thị ở nước ta còn chắp vá, thiếu đâu bù đấy nên khó thực thi và dễ vênh nhau. Tin mừng, lần đầu tiên Chính phủ cho Bộ xây dựng lập dự án xây “Cung công bố Qui hoạch” tại Hà Nội, chắc chắn hệ thống luật pháp đô thị phải cải thiện khi qui hoạch được đưa ra công chúng một cách nhanh chóng.
4. Vấn đề sở hữu bất động sản: "Ánh sáng cuối đường hầm"
|
Ảnh nguồn: devienart.com
|
Theo Bộ Tài nguyên và môi trường, lãnh đạo Bộ nay đã làm việc với lãnh đạo Bộ Xây dựng ngày 4/12/08 để bàn về hai vấn đề nổi cộm:
1 - Tránh độ vênh đã quá lớn giữa Quy hoạch sử dụng đất và Quy hoạch xây dựng.
2 - Thống nhất một đầu mối cấp giấy chứng nhận nhà và đất, vốn do hai Bộ chia nhau quản lý nên “hành” dân đã khá lâu (vì nhà nào chẳng ở trên đất, và đất không có vật gì trên nó thì lấy gì sử dụng).
Theo sự thống nhất này, từ nay quy hoạch sử dụng đất sẽ đi trước một bước, làm cơ sở cho Quy hoạch xây dựng đi theo. Còn Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà do hai Bộ cùng quản lý sẽ cấp tất cả các loại giấy tờ cho dân về lĩnh vực nhà đất.
Đây là bước tiến quan trọng do đẩy nhanh việc công nhận về sở hữu nhà và đất – vốn là động lực cho phát triển kinh tế hiện nay của người dân. Văn phòng này sẽ thực hiện tất cả các quy định của thông tư 95/05, 90/06, điều 48 luật đất đai... thật sự những ngày cuối năm không ngờ các chính sách đô thị lại chạy nhanh đến thế.
Cũng những ngày đầu tháng 12/2008, sau khi chung cư cao tầng chiếm thế thượng phong, các tranh luận về sở hữu chung – riêng lại rộ lên mà chưa có lời giải. Bởi căn hộ chung cư đang trở thành tài sản cơ bản trong sản nghiệp của một thị dân tiêu biểu và nó cần được đảm bảo để có thể sử dụng, cần kèm thang máy, hành lang, hệ thống kỹ thuật, chỗ để xe, diện tích dịch vụ thiết yếu khác...
Các xung đột lợi ích này luôn xảy ra giữa các căn hộ, các cư dân và các thành phần cung cấp dịch vụ, giữa chủ căn hộ và chủ đầu tư. Chúng cần các quy tắc ứng xử do liên quan đến tài sản, cần quy định chặt chẽ, chi tiết và kín kẽ.
Bởi sở hữu tài sản luôn có sức hút tự nhiên với con người và luôn là nhân tố kích thích xung đột xã hội nên các nước phát triển luôn ưu tiên hoàn thiện pháp lý về nó. Các quan hệ phức tạp giữa các chủ thể sở hữu cần dược pháp lý hoá trong đời sống dân sự.
Chúng phải được vận hành như tổng thể các chủ đầu tư xây chung cư và có được tiếng nói chung thông qua các thoả thuận giữa các bên liên quan (Hầu hết chung cư hiện nay ở VN do các hợp đồng góp vốn xây dựng chứ không phải chủ đầu tư bỏ tiền xây xong mới bán căn hộ)
5. Xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị: Đừng trông chờ viện trợ
|
Ảnh nguồn: vietbao.com
|
Bộ Giao thông Vận tải có tờ trình lên Chính phủ về chương trình xây dựng hệ thống giao thông toàn quốc đến 2020 lên tới 60 tỷ USD, trong đó hàng năm giao thông “ngốn” tới 60.000 tỷ đồng và chỉ riêng giao thông cao tốc chiếm 26.000 tỷ đồng, những con số quả ấn tượng trong thời kỳ lên hiẹn đại hoá.
Các con số 5 tỷ USD vốn ODA của năm 2009 trong đó cơ bản là hạ tầng giao thông, 25 tỷ và 35 tỷ USD cho giao thông Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đến 2025 cũng phần nào nói lên công cuộc to lớn mang tính toàn dân này. Muốn phát triển kinh tế, trước tiên phải phát triển hạ tầng giao thông, liệu chúng ta cứ ngồi chờ ngân sách, chờ vốn ODA? Liệu các đô thị ra đời vẫn tắc nghẽn giao thông, không nước sạch, năng lượng, thu gom rác thải?
Kinh nghiệm các nước cho thấy hãy coi phát triển hạ tầng kĩ thuật cho đô thị là công việc của chính từng người dân Việt Nam. Nhà nước nên tập trung vào công nghệ để chuyển giao cho dân doanh và tạo cơ chế khơi thông nguồn tài chính chứ không phải các Tập đoàn Nhà nước là duy nhất được làm hạ tầng từ ngân sách.
Có như vậy mới huy động được nguồn lực và vốn từ dân để các đô thị có thể hoàn chỉnh cấu trúc giao thông và điện, nước, năng lượng, viễn thông..., để chúng không phải chịu đựng cảnh đứt đoạn của các đường vành đai nhiều chục năm qua, để các tuyến giao thông hướng tâm đừng tắc nghẽn. Hãy coi phát triển hạ tầng kĩ thuật là công việc của toàn dân thì mới có đô thị, khu công nghiệp và nông thôn mới. Có lẽ đây là những thông điệp của năm 2009, 2010.
6. Đánh mất các không gian công cộng: Nỗi đau của đô thị VN
|
Ảnh nguồn: devienart.com
|
Cả nước có hơn 300 khu đô thị mới đã đưa vào sử dụng, tổng diện tích nhà ở toàn quốc đã đạt trên 1 tỉ m2 (1021,7 triệu m2), bình quân 12m2 sàn/người. Vốn FDI đầu tư vào Việt Nam có tới 50% vào lĩnh vực bất động sản. Thu chi ngân sách từ thị trường bất động sản chiếm tỉ trọng lớn (có địa phương hơn 50% tổng thu ngân sách), nhà ở cao tầng chiếm tỉ trọng lớn... là những con số vui, thực sự vui của năm 2008.
Nhưng chưa có con số nào thông báo cho dân cư biết có bao nhiêu quảng trường, công viên, vườn hoa, nhà hát, thư viện, hiệu sách, nhà văn hoá, rạp chiếu phim...cho hơn 1 tỉ m2 nhà ở này, và cho 30% dân số cả nước. Sự tắc nghẽn giao thông ở Hà Nội, TP. HCM ngày càng trầm trọng, nguyên nhân không có gì khác là chúng ta xây quá nhiều “đô thị – phòng ngủ” ở vùng ven.
Và sáng tỉnh dậy, cư dân buộc phải đi tìm việc làm, trường học, bệnh viện, chợ búa, thủ tục hành chính và các dịch vụ khác ở Trung tâm TP cũ – vốn xây từ hơn 1 thế kỷ trước chỉ cho 20 – 30 vạn dân. Sự đi lại không hợp lí ấy đã làm nên tắc nghẽn và hỗn độn đô thị.
Chúng ta đã bỏ quên nguyên tắc đầu tiên của xây dựng đô thị là phát triển các Trung tâm phục vụ công cộng trước rồi mới xây nhà ở (Singapore là ví dụ). Những lí thuyết cơ bản nhất của đô thị hiện đại (TP tuyến, TP vườn, tiểu khu, TP chuỗi, TP vệ tinh, vùng đô thị...đều trên nguyên tắc tổ chức không gian các Trung tâm phục vụ công cộng). Các Trung tâm Thương mại, đời sống, giáo dục, sức khoẻ, biểu diễn, văn hoá, giải trí, thể thao... phải luôn là xuất phát điểm của quy hoạch đô thị.
Đây là nỗi đau của đô thị Việt Nam, bởi ngay từ khi ló dạng chúng đã bị què quặt do thiếu không gian công cộng. Chúng ta chỉ phát triển nhà ở thương mại theo kiểu chia lô bán nền để thoả mãn sự giàu có của thiểu số các đại gia mà quên hậu quả lâu dài số đông phải gánh chịu.
Bởi không có các Trung tâm phục vụ công cộng sẽ không có bộ mặt đô thị, và thực sự nhà ở chỉ là các “ổ chuột bằng vàng” không là đô thị. Hiệu ứng này cũng tạo sức ép lên các Trung tâm đô thị lịch sử và sẽ giết dần mòn quỹ di sản ngàn đời cha ông để lại.
7. Lần đầu tiên có tiêu chí đánh giá các khu đô thị mới từ phía quản lí Nhà nước
Thông tư 15/2008/TT “hướng dẫn đánh giá khu đô thị mới kiểu mẫu” ban hành tháng 8/2008 đã bỏ qua khá nhiều yếu tố của khu đô thị thực sự mới (theo NĐT số 30). Thông tư này có 6 tiêu chí đánh giá, nhưng chỉ nhằm bổ sung các giá trị “tiện nghi”, vốn để phân biệt với nông thôn, chứ chưa hề đánh giá thực chất tổ chức đô thị và hoạt động sống của nó.
Có thể so sánh thông tư còn lạc hậu này với 10 tiêu chí của lí thuyết đô thị hoá kiểu mới (New urbarnism). Các tiêu chí này cho phép con người được nhiều sự lựa chọn hơn để sống ổn đinh, thuận tiện và thú vị, đưa ra các giải pháp tổ chức không gian hợp lí, năng lượng sạch và ứng phó biến đổi khí hậu.
Tất cả đều giản dị dễ áp dụng cho nhà đầu tư, thiết kế, người dân và nhà quản lí. Còn nhiều và nhiều tiêu chí tốt hơn rất nhiều cho đô thị kiểu mẫu ở Việt Nam, để người dân được hưởng chất lượng đô thị phù hợp tập quán, lối sống, giảm thiểu các tác động vào giao thông công cộng, môi trường sống bằng việc sử dụng các vành đai xanh, năng lượng và công nghệ vật liệu sạch, và trên hết ưu tiên cho sự an toàn của người dân do ít phải sử dụng phương tiện giao thông cơ giới bằng tuyên ngôn “10 phút đi bộ từ nơi ở đến nơi làm việc”.
8. Thị trường bất động sản ảm đạm suốt 2008
|
Ảnh nguồn: devienart.com
|
Năm 2007, bất động sản phi mã đến tận những ngày cuối năm với tốc độ kinh ngạc. Nhưng từ tháng 2/2008 đến nay nó đi xuống và ngày càng ảm đạm. Thị trường BĐS vốn có mối liên hệ mật thiết với thị trường vốn, tài chính và việc làm.
Năm 2008 việc thắt chặt tín dụng đã tác động mạnh tới thị trường này và thống kê cho thấy giá chung cư cao cấp giảm 20 - 50%, giá đất nền giảm 30% và đóng băng do cạn vốn. Và tháng 12/ 2008 Bộ tài chính dã phải dề xuất một số biện pháp cấp bách “cứu” lấy thị trường BĐS:
1- Hoàn thiện hệ thống pháp luật để thị trường BĐS hoạt động tốt, đặc biệt ưu tiên sửa đổi chính sách tài chính nhằm hạn chế các quy định gây tác động tiêu cực đến cung – cầu hàng hoá BĐS.
2 - Tiếp tục cho vay đầu tư BĐS và cải thiện nhà ở cho ngưqời dân.
3 - Rà soát thủ tục giao đất, giải phóng mặt bằng, xét duyệt dự án đầu tư BĐS, rút ngắn thời gian xây dựng và tăng cung để giảm giá thành nhằm kích cầu thị trường này. Tất cả đều được làm ngay trong 2009, thúc đẩy các sàn giao dịch BĐS toàn quốc.
Cũng ngày 8/ 12, Bộ Xây dựng đã có tờ trình đề xuất Chính phủ về việc triển khai thực hiện xây dựng nhà ở xã hội tư vốn ngân sách nhà nước, năm 2009 là 2500 tỷ đồng. Số tiền này nằm trong 1 tỷ U SD kích cầu nền kinh tế đảm bảo tăng trưởng của Chính phủ.
Dự kiến có từ 4-6 dự án với quĩ đất từ 30-40 ha tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cho 10.000 căn hộ (500.000m2 sàn) cho 2 đối tượng Công nhân và Cán bộ viên chức thu nhập thấp.
Có tới 60.000 người được hưởng thụ dự án này. Đây cũng là cách kích cầu tiêu dùng cho thị trường BĐS hướng vào đối tượng sử dụng nhà ở giá thấp, vốn chiếm 30% quỹ nhà ở đô thị. Nguồn vốn này sẽ tạo việc làm cho các công ty xây lắp vốn khó khăn trong suốt năm 2008 để họ có được cơ hội vượt khó.
9. Thảm hoạ đô thị đã trở thành thực tế
|
Hồ Hoàn Kiếm trong "lòng sông" Hà Nội tháng 11/2008 vừa qua (Ảnh: VNN)
|
Đô thị phát triển ngay từ đầu đã ẩn chứa các thảm hoạ lớn do tích tụ đô thị ở mật độ cao. Tích tụ đô thị đã giải phóng nguồn lực xã hội trong kinh tế công nghiệp và dịch vụ, đồng thời phát triển các tổ chức môi trường cư trú rất tốt (Giao thông, chức năng mới, môi trường tài nguyên và năng lượng..).
Nhưng ở VN, những yêu cầu ứng phó thảm hoạ đô thị còn rất lỏng lẻo, thậm chí chưa có mặt trong qui hoạch, tiêu chuẩn qui phạm đô thị, quản lý đô thị. Và thế là trong tháng 11/2008 liên tiếp Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đối diện lũ lụt và triều cường gây tổn thất nặng nề. (Hà Nội với 22 người chết và 60% mùa màng mất trắng, ngập sâu 20% cả tháng trời.
TP. Hồ Chí Minh triều cường làm úng lụt 48% diện tích và không thể rút do ngập cục bộ). Nguyên nhân là chưa tính hết mức độ thiên tai, thành phố không khống chế nổi cốt cao độ toàn thành phố, lấp sông hồ, bê tông hoá mặt đất quá độ, khiến cho nước không chỗ thoát, đổ lẫn lộn sang các khu kề cận... sau lụt đi kèm là dịch bệnh.
Mối đe doạ thật sự đối với các thành phố hiện nay là rất khó tránh các thảm hoạ đô thị. Thiếu bàn tay nhạc trưởng là các qui hoạch có tầm, thực thi được chúng, các đô thị đang cần trưởng thành nhanh hơn nữa. Đã ai nghĩ đến bi kịch động đất, cháy lớn ở các chung cư, văn phòng cao tầng có cả chục ngàn người , sập bệnh viện ,trường học do chất lượng xây dựng, dịch bệnh do huỷ hoại môi trường...do quá tải đô thị.
Chỉ có thể tránh chúng khi chúng ta có một chủ thuyết phát triển đô thị khoa học và làm cẩn trọng các khâu xây dựng chúng. “Việc con người sẽ phải thích nghi với bão lũ là điều không tránh khỏi, câu hỏi duy nhất là liệu sự thích nghi ấy xảy ra trong một kịch bản được chuẩn bị trước hay trong sự hỗn loạn”- Chuyên gia UB liên Chính phủ về biến đổi khí hậu R .Jones đã cảnh báo chúng ta như vậy.
10. Đô thị vẫn đã, đang và sẽ là sự lựa chọn duy nhất của Việt Nam trong phát triển
Năm 2008, các khủng hoảng và thành tựu đô thị đã được đặt lên bàn cân. Nhận thấy phía khủng hoảng đã nặng hơn nhiều cho các dự cảm xấu về tương lai đô thị Việt nam nếu chúng ta không nỗ lực giải quyết với tầm nhìn dài hạn.
Đô thị vẫn đã, đang và sẽ là sự lựa chọn duy nhất của Việt Nam trong phát triển. Cũng chính vì thế mà các nhà khoa học phải tích cực hơn nữa, nâng cao quan trí và dân trí để thực hiện sứ mạng nặng nề đưa tới 70 triệu người Việt nam vào đô thị trong 20 năm nữa một cách an toàn.
Đô thị là cỗ máy kinh tế hữu hiệu, cần cách tiếp cận liên ngành, trên nền của thực trạng nhưng phải tính dài cho tương lai để tránh các bi kịch do nó đem lại. Cũng vì thế các biểu hiện đô thị là hàn thử biểu để đo sức khoẻ của nền kinh tế và an sinh xã hội, rất cần các nghiên cứu hệ thống, đồng bộ và đa ngành.
Các bế tắc đô thị thường đem lại hậu quả lâu dài, to lớn và khó vượt qua nên cần hoạch định nó kỹ lưỡng, cụ thể cho từng bước phát triển bằng các công cụ của khoa học đô thị (như việc cho phát triển xe máy như phương tiện giao thông chủ lực những năm 80 -90 chưa có giải pháp nào tháo gỡ).
Năm 2008 là năm đô thị Việt Nam đang có những bước chuyển biến quan trọng nhất, năm của bành trướng đô thị, năm đô thị bước ra nền kinh tế như một động lực chính để thúc đẩy xã hội.
- PGS. TS. KTS. Nguyễn Hồng Thục (theo Tuần VNnet)